Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

Tại sao không 'CỰU' mà cứ 'NGUYÊN' ?

HÌnh minh họa
Cựu và Nguyên, căn bản đồng nghĩa chỉ một chức vụ quan chức đã trải qua, nay không làm nữa. Nhưng cách dùng hai chữ đó thì khác nhau, tuỳ vào hoàn cảnh của quan chức và nội dung mục đích của người nói/viết. /BVB: 'Cựu' là cũ (cựu trào cách mạng, cựu giáo chức, cựu chiến binh...); còn 'nguyên' (là cũ, là cựu) thì tối nghĩa, ít khi được hiểu là (cái) không còn, đã mất đi. Bởi trong tiếng Việt: Nguyên là còn nguyên, giữ nguyên (nguyên đai nguyên kiện, giữ nguyên hiện trường, giữ nguyên trạng...), nguyên là chưa bị mất đi (nguyên chất, nguyên xi, nguyên bản, nguyên văn)...Thông thường và phần nhiều, từ 'nguyên' được dùng trong các trường hợp chưa bị đổi khác, chưa mất đi (giữ nguyên vị trí).../
Khi một ông quan đã nghỉ việc hay nghỉ hưu, nếu nhắc đến thì dùng “cựu” như một định ngữ gắn liền họ tên. Ví dụ nhắc đến Nông Đức Mạnh người ta sẽ nói “cựu TBT.Nông Đức Mạnh”, hay là “cựu chủ tịch Nước Trương Tấn Sang”… tham gia hoạt động nào đó”.
Tuy nhiên, đài báo vẫn đưa tin các ông ấy là “nguyên…”.
Những bản tin nhắc đến hoạt động của các ông lãnh đạo cao cấp hết thảy đều viết “nguyên”. Chẳng hạn “Nguyên TBT Lê Khả Phiêu, nguyên TBT Nông Đức Mạnh, nguyên chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. v.v…”.
Tất cả là sai lầm hết
Trong tất cả các trường hợp trên, đều phải nói và viết là “cựu + chức vụ + họ tên”.
Người đầu tiên làm con dê thí điểm cho hình thức kỷ luật “cách chức nguyên” là ông Vũ Huy Hoàng cựu bộ trưởng Bộ công thương. Ông Hoàng bị tuyên bố cắt tất cả các “nguyên chức vụ” liên quan thời gian làm bộ trưởng. Ông Hoàng đã có vinh dự làm “nhân vật đầu tiên” trong chương Kỷ luật của cuốn lịch sử Đảng CSVN rồi.
Báo Dân Trí ngày 19/10 đưa tin: “PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng vừa đưa ra đề xuất thành lập “Viện nghiên cứu và giáo dục đạo đức cách mạng” nhằm dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng”.
Đáng lẽ phải viết “Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng”.
Nhân đây xin mạn phép bàn về các từ ngữ trên trong truyền thống ngôn ngữ dân tộc.
Các từ ngữ nêu trên đều có gốc Hán, đã được Việt hoá nhuần nhuyễn từ bao đời.
Cựu: gọi đầy đủ là Cựu nhiệm (旧任).
Cựu + Nhiệm (chức vụ) + họ tên
Dùng “cựu” hô gọi một nhân vật đã thôi quan chức, về làm dân.
Nguyên: gọi đầy đủ là Nguyên nhiệm (原任), khi bàn về, nhắc đến một ông quan hiện đã cải nhiệm đến nơi khác, hoặc làm chức vụ khác. Có khi cũng nói “tiền nhiệm” nhằm nhắc nhở bàn về ông “đương nhiệm”. Không dùng “nguyên” tả nhân vật ấy làm chủ ngữ trong câu. Chẳng hạn không thể nói “Nguyên TBT Nông Đức Mạnh đi dự hội nghị gì đấy”.
Công thức: Nguyên + Nhiệm (chức vụ) + Họ Tên
Đương: gọi đầy đủ là ĐƯƠNG NHIỆM (當任): người đang giữ một chức vụ. Tuy nhiên theo mặc định ngôn ngữ, khi nói về quan chức đương nhiệm thì không cần kèm định ngữ “đương nhiệm”. Ví dụ: Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.
Bàn về cách gọi các quan chức cựu/nguyên
Nói về ông Thăng đang “công tác” ở trại giam Bộ CA, nếu cần nói/viết đến giai đoạn trước, CA sẽ nói/viết như sau “Ông Thăng nguyên là Phó ban Kinh tế trung ương, hiện đang ở trong vòng tay chăm sóc của chúng tôi”.
Báo chí cũng có thể nói “Ông cựu phó ban KTTW Đinh La Thăng sẽ hầu toà ngày 8 tháng Giêng năm 2018”. Vì “cựu” mang ý nghĩa chức vụ chót chấm dứt (dù chưa hoàn thành, vào thời điểm bị bắt).
Lúc trước, khi Đinh La Thăng đang làm bí thư TP.HCM, nếu cần nhắc lại quá trình, người ta sẽ nói: ông Thăng là nguyên bộ trưởng Bộ GTVT. Ngược lên nữa, khi ông Thăng đang làm Bộ trưởng GTVT, cần nói về giai đoạn trước của Thăng thì nói “ông Thăng là nguyên Chủ tịch Dầu khí Việt Nam”.v.v...
Lưu ý rằng không thể dùng “Nguyên phó ban KTTW Đinh La Thăng” làm chủ ngữ của một câu nào đó.
Khi bàn về ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần nói đến quá trình công tác thì người ta nói “ông Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch quốc hội”. Không thể nói “Nguyên chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đang hành động chi đó” như một ngữ danh từ đóng vai chủ ngữ.
Bây giờ đảng tuyên bố “cắt” chữ “nguyên” thì biết ăn nói thế nào cho đúng với sự thật lịch sử ? Lý lịch con cháu sẽ ghi về ông cha thế nào ? Ghi theo Kỷ luật Đảng thì CA lại báo khai man lí lịch ? Ghi theo thực tế thì lại bị vu là ngoan cố chống Đảng ?
Quyền nhiệm 權任: tạm thay việc của một chức quan, nguyên từ gốc: 權變(quyền biến): Xử trí linh hoạt, tạm thời ứng phó.
Ông Hồ Chí Minh đi sang Pháp đàm phán năm 1946, bổ nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc ấy đương nhiệm bộ trưởng Nội vụ, nay kiêm nhiệm “Quyền chủ tịch nước”. Cụ Huỳnh chỉ làm “quyền chủ tịch nước” hơn một tháng, sách lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi danh cụ là “Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thức Kháng”.
Trường hợp tương tự, ông Đinh Thế Huynh UVBCT giữ chức vụ Thường trực ban bí thư bị bệnh nghỉ điều trị khá dài, ông Trần Quốc Vượng tạm thay đã mấy tháng nay, nhưng không được gọi là “Quyền thường trực BBT” mà lại là “Tham gia thường trực BBT”. Ô hay ! chức vụ “tham gia” mới lạ thật, chả hiểu thế nào nữa !
Dẫn chứng thêm cái chức vụ cổ xưa “bí thư” (祕書: chức quan giữ các giấy tờ, cam kết bí mật gọi là "bí thư") đã chết từ lâu vì không còn tồn tại trong thực tiễn thì Đảng lại moi ra dùng sai, thậm chí vô nghĩa (chức vụ “bí thư” chỉ có một mình Việt Nam sử dụng, đáng lẽ dùng “thư ký” như mọi nước). Việt Nam chỉ dùng “bí thư” cho Đảng, Đoàn và các đại sứ quán, như để tôn trọng đặc biệt ba chức vụ trên. Trung Quốc đất nước sinh ra chức vụ “bí thư” đã bỏ từ khi lập nước 1949, nay đều đang dùng thư ký 書記.
Kể từ khi “đời ta có Đảng”, rất nhiều từ ngữ “lạ” cùng khái niệm kỳ dị cứ mọc ra trong tiếng Việt với cách dùng tuỳ nghi bừa bãi. Vì sao Đảng không tiếp nối truyền thông ngôn ngữ dân tộc nữa?
Đảng muốn phá bỏ từ pháp và ngữ pháp Việt Nam, để tạo ra một hệ thống “thuật ngữ đảng” hay sao ? Như thế sao gọi là danh chính ngôn thuận !
Cắt “nguyên” hay không xưng hô “cựu” đều là xuyên tạc sự thật.
Không thể cắt bỏ hoặc thay đổi được quá khứ.
Tại sao các báo chí toàn dùng “nguyên” thay cho “cựu”?
Thực ra, chắc là do các lãnh đạo đã dùng trước trong các Hội nghị và thông báo, nên các nhà báo, dù biết là sai, vẫn phải “thuật” theo đúng văn bản gốc. Biết sai không dám sửa. Riết rồi thành quen.
Vậy hoá ra, quan chức lãnh đạo nghỉ hưu vẫn thích được gọi là “nguyên” tức là mọi thứ “vẫn còn nguyên”, không mất mát gì. Họ rất sợ chữ “cựu” nghe có vẻ xưa xưa, cũ cũ, qua rồi, chẳng còn gì trong hiện tại, sẽ chẳng còn ai nể nang, tôn trọng. Họ không thể quen được khi trở về đời thường, dân thường. Họ chỉ muốn, đã làm quan thì một đi không trở lại làm Dân.
Quan chức bị kỷ luật cắt “nguyên” thực tế nghĩa là “cắt bổng lộc quyền lợi, không còn nguyên vẹn”. Đương sự chỉ được lĩnh lương của cán bộ thường, không được lĩnh phụ cấp chức vụ và chế độ chính sách của “nguyên chức vụ”.
Đảng muốn kỷ luật như thế thì tại sao không ghi rõ hình thức kỷ luật là: “Cắt hết mọi phụ cấp và chế độ chính sách của chức vụ X”. (nghĩa là: chức vụ khác trong quá khứ vẫn được hưởng chế độ chính sách). Ghi rõ như thế mới là minh bạch. Dù cắt “nguyên” nhưng vẫn phải còn “cựu”, cho tới khi thành “cố”.
“Cựu “ và “nguyên” đều dùng khi nhân vật đang còn sống. Khi nhân vật ấy qua đời, sẽ gắn thêm chữ “cố”. Như cố bộ trưởng quốc phòng VNG.
Trường hợp cắt phéng cái “nguyên” cũng sẽ gây phiền phức không nhỏ khi đương sự chuyển thành “cố”.
Về ông Vũ Huy Hoàng, tháng 4/ 2006, được phân công làm bí thư. Tháng 8 / 2007, ông được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm bộ trưởng). Nay ông bị cách cái “nguyên bộ trưởng GTVT” thì cái chức “nguyên” kế trước đó sẽ đôn lên thành danh xưng chính thức của ông: cựu bí thư tỉnh uỷ. Vậy là, ông vẫn được lãnh tất cả phụ cấp lương bổng và các chế độ khác dành cho “bí thư tỉnh uỷ”, ông chỉ mất hết phụ cấp chế độ “bộ trưởng” mà thôi.
Nói dại, xin lỗi ông Vũ Huy Hoàng, tôi chỉ mượn tên ông nêu thí dụ cho bà con dễ hiểu. Khi ông hết lộc hoặc “thất lộc” (tức qua đời), người ta sẽ phải ghi họ tên chức vụ ông trên cáo phó. Căn cứ theo kỷ luật của Đảng đã tuyên năm 2017, cáo phó sẽ ghi là “cố Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn”.
Còn ông Ngô Văn Tuấn phó chính quyền xứ Thanh, hiện tại bị “cách hết mọi chức vụ trong Đảng” (mọi nguyên trong đảng), chờ xem bên chính phủ sẽ cách tiếp cái “nguyên nào”. Sau đó ông Tuấn sẽ lấy cái chức vụ kề cận trước “nguyên” - cái chức vụ bị cách, để gọi xưng tên và nhận phụ cấp tương ứng.
Đảng CSVN xưa nay đã dùng rất nhiều “thuật ngữ” lạ, khó mà kể hết.
Làm chính trị trước hết và thực tế là hành vi ngôn ngữ. Từ xa xưa cổ nhân đã yêu cầu mọi chuyện đều phải 'danh chính ngôn thuận' là như vậy.
Phùng Hoài Ngọc /(VNTB) 

1 nhận xét:

  1. - Theo phân tích đánh giá bài viết trên, xin tóm lại như sau:
    Nguyên là đang còn đồng chí, hoặc khi không còn giữ chức vụ đó mà đã chuyển sang làm công tác khác,
    Cựu là khi hết đồng chí. Hoặc đã nghỉ hưu.

    Trả lờiXóa