Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Chính phủ Việt Nam có nên kiên trì 'chính sách thực dụng'?

Chính phủ Việt Nam có nên kiên trì 'chính sách thực dụng'?
Những cải cách mà Chính phủ đang thực thi, về bản chất, là chính sách thực dụng. Đây là chính sách phù hợp với cơ chế hiện nay, bởi vậy nó mang lại thành công kinh tế ban đầu. Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức to lớn, tuy nhiên để phát triển bền vững Chính phủ cần kiên trì chính sách này, về dài hạn, cần hướng tới 'Mô hình thành công'.
Tăng GDP thực tế đạt là 6,81% được báo chí 'bình chọn' là một trong 10 dấu ấn kinh tế năm 2017. Đầu năm người ta còn băn khoăn rằng liệu có đạt được mức 6,7% mà Quốc hội 'giao'. Ngoài ra, theo đánh giá của Chính phủ, các lĩnh vực, ngành kinh tế chủ yếu được đánh giá đều chuyển biến tích cực. Gần 700 giấy phép con và điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ…
Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong các nguyên nhân của thành công kinh tế có vai trò tích cực của CP và Thủ tướng CP. Quan sát chuỗi các hành động từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay cho thấy CP theo đuổi chính sách căn cứ vào thực tế, gọi đúng thực chất, đó là chính sách thực dụng.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 4 năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp về một chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên sau đó nhiều diễn đàn vẫn tiếp tục 'giải mã nội hàm chính phủ kiến tạo'. Thậm chí, gần đây, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội khóa 14, tháng 10 năm 2017, có đại biểu vẫn yêu cầu Thủ tướng làm rõ hơn về chính phủ kiến tạo!
'Khó khăn nhưng đúng đắn'
Sự lựa chọn của Chính phủ là khó khăn, nhưng đúng đắn vì phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Chính sách này nhấn mạnh điều gì có lợi cho dân, cho doanh nghiệp thì cần phải làm, và phải mang lại hiệu quả thiết thực, ngược lại, những gì cản trở phải loại bỏ. Các hành động chính sách cần được ủng hộ và không bị trói buộc bởi bởi bất cứ lý thuyết giáo điều hay nguyên tắc bất biến nào. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đã được chuyển xuống dưới cho các doanh nghiệp và người dân để tạo nên động lực cho thị trường thay vì phải chỉ huy từ trung ương. Ưu tiên chính của chính sách là tăng trưởng kinh tế với đột phá này là thúc đẩy tự do kinh doanh, thực chất là khuyến khích kinh tế tư nhân. Chính sách này đã gần hơn với thị trường và hy vọng lan tỏa sang các lĩnh vực cải cách khác như cải cách hành chính, tinh giản bộ máy…
Chính sách này cũng được Đảng 'chấp nhận' khi nó khắc phục 'khuyết điểm, yếu kém' của chủ trương tăng trưởng nóng nhờ các tập đoàn nhà nước của chính phủ tiền nhiệm đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ngoài thiệt hại to lớn về kinh tế còn đe dọa sự tồn vong của chế độ do tham nhũng nặng nề, bộ máy, cán bộ công chức trì trệ và niềm tin của dân chúng giảm sút… Vì thế Đảng phải tập trung vào chấn chỉnh, củng cố nội bộ và chống tham nhũng.
Hơn thế, chính sách cũng đặt ưu tiên kinh tế hơn các đòi hỏi về một nhà nước tam quyền phân lập, dân chủ đa nguyên… khi các dư địa cải cách thể chế kinh tế vẫn còn với trình độ phát triển thấp như hiện nay ở Việt Nam.
Các biểu hiện 'bất phục', 'bất tuân' thậm chí 'chống đối ngầm' chính sách cải cách dưới nhiều hình thức, sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích, những kẻ cơ hội chính trị và trục lợi kinh tế lan rộng trong bộ máy nhà nước, các đơn vị công lập… là những thách thức hiện hữu. Ngoài ra, thiếu vắng triết lý, mô hình phát triển buộc phải hành động kiểu 'thử - sai' hay kiểu 'dò đá qua sông' sẽ không mang tính thuyết phục nếu không mang lại các kết quả hiệu quả cụ thể như tăng GDP nói ở trên.
Khả năng thích ứng và thay đổi
Giáo sư Francis Fukuyama, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chính trị và thể chế, từng viết: "Mọi xã hội, chuyên chế hay dân chủ, đều suy tàn theo thời gian. Vấn đề thực sự là khả năng thích ứng và cuối cùng là thay đổi chính mình."
Ngày 28 tháng 12 tại phiên họp cuối năm 2017 của Chính phủ, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu ý kiến. Sự kiện này gây sự chú ý từ công luận và giới quan sát. Một mặt, Đảng thể hiện vị trí lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện. Mặt khác, sự điều hành của Chính phủ, trong đó lĩnh vực kinh tế là một ưu tiên của Đảng. Có ý kiến bình luận rằng cách thể hiện này chưa có tiền lệ, tuy nhiên bài học từ nhiệm kỳ trước sự phân quyền 'quá mức' cho Chính phủ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của Đảng sẽ gây tổn hại cho chế độ. Song cách hiểu đúng là: Đảng cộng sản có thể duy trì quyền lực với cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế, và Việt Nam có thể hiện đại hóa dưới một chế độ độc đảng mạnh.
Do trình độ phát triển thấp, lại vừa ra khỏi 'bất ổn kinh tế vĩ mô', nên tiềm năng cải cách trong khuôn khổ chuyên chế hiện nay vẫn còn. Cải tạo nông nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội … là những cải cách vẫn sẽ tạo ra nhiều lợi ích mới và nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Chính phủ cũng đang thuận lợi khi thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, kể cả doanh nghiệp quốc phòng, tích tụ và tư hữu hóa đất đai, công sản, thêm quyền cho Quốc hội trong các vấn đề tài khóa, và thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập tương đối…
Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện các cải cách trên cũng với thời gian sẽ đồng nghĩa với việc đe dọa đến quyền lực của Đảng, điều mà chế độ hiện tại không sẵn lòng chấp nhận. Đây là mâu thuẫn chủ yếu của cải cách trong cái gọi là thể chế 'lai' - Độc đảng toàn trị với kinh tế thị trường.
Vậy câu hỏi tiếp theo đích của cải cách là gì? Liệu có mô hình phát triển nào có thể tham chiếu?
Cố lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình với triết lý 'chủ nghĩa độc tài kiến tạo phát triển' đã thực hiện chính sách 'mèo trắng, mèo đen' vô cùng thực dụng để thúc đẩy tăng trưởng với thể chế toàn trị. Vào cuối thập niên 1980, khi tiến độ cải cách chậm chạp, đã có đề xuất khả năng cải tổ cấp tiến về hệ thống chính trị rằng phát triển hướng tới hiện đại hóa cần phải lồng vào một số nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, Đặng đã ngay lập tức dập tắt sáng kiến này và cho rằng hiện đại hóa để thành công cần tập trung quyền lực trong tay một đảng.
Các nhà phân tích cho rằng triết lý trị quốc của Đặng Tiểu Bình đã không tính đến khả năng quyền lực vượt ra ngoài tầm kiểm soát, tha hóa và dung dưỡng lòng tham trong tầng lớp tinh hoa thống trị. Vận dụng công cụ thị trường đã tạo điều kiện cho sáng tạo cá nhân và khả năng kinh doanh, cải cách kinh tế dẫn đến sự phát triển chưa từng thấy trong lịch sử, đưa hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo. Nhưng việc thiếu đi cải tổ chính trị có nghĩa rằng không có gì ngăn cản tầng lớp lãnh đạo khỏi việc phân chia không đồng đều miếng bánh của cải mới này.
Đương kim Tổng bí thư Tập Cận Bình 'nâng tầm' triết lý trên thành tư tưởng 'chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới' mang dáng dấp 'dân tộc chủ nghĩa', dựa trên lý thuyết 'chủ quyền quốc gia', bằng cách tập trung quyền lực tối đa để trở thành lãnh tụ quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Liệu ông có thể giải quyết những mâu thuẫn không tránh khỏi của thể chế toàn trị bằng quyền lực tối thượng?

Hình minh họa
'Mô hình Singapore', được cho là thực dụng, đã thành công.
Nó gắn liền với vai trò to lớn của cố thủ tướng Lý Quang Diệu - người 'dám' thách thức những tư tưởng quen thuộc và không thỏa hiệp với những lý thuyết giáo điều. Ông kiên định chấp nhận và thích ứng hoàn cảnh khó khăn trong một thế giới luôn thay đổi. Ông cầu thị nhưng độc lập và quyết đoán.
Ông có cách tiếp cận thực dụng, đôi khi, dường như đi ngược lại những nguyên tắc thông thường. Ông từng nói: "Chúng ta phải sống trong một thế giới như nó vốn có, không phải thế giới mà chúng ta muốn có". Ông tin rằng việc duy trì lập trường thực dụng đã đảm bảo sự tồn tại cho Singapore lẫn sự phát triển như ngày hôm nay và nhấn mạnh rằng công thức, 'bí quyết' thành công của Singapore là liên tục học hỏi cách giải quyết mọi việc, làm thế nào để mọi thứ ngày một tốt hơn. "Nếu một lý thuyết mang ra thử nghiệm không hiệu quả, hoặc kết quả tồi, tôi sẽ không mất thời gian và tài nguyên vào nó nữa" - Ông nhấn mạnh.
Liệu sẽ quyết tâm?
Trong thời gian 31 năm cầm quyền, ông Lý đã tạo nên một bộ máy chính quyền độc nhất, cân bằng 'tinh tế' giữa chế độ chuyên chế với dân chủ và giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước với thị trường tự do.
Bí mật thực sự của thiên tài chính trị Lý Quang Diệu không nằm ở việc áp dụng các hành động đàn áp, mà tiến hành các vụ kiện chống lại truyền thông hoặc các đối thủ chính trị của mình. Hơn thế, ông đề cao việc sử dụng thể chế dân chủ và pháp quyền để kiềm chế sự tham lam của giới tinh hoa cầm quyền ở đất nước mình. Singapore cho phép các đảng đối lập tham gia các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và tự do để tạo cơ chế chính trị tự thực thi và có trách nhiệm giải trình…
Đó là điểm khác biết giữa hai mô hình phát triển 'gần gũi' với Việt Nam.
Học theo 'Mô hình Singapore' sẽ giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ to lớn và trở thành một xã hội nhân đạo và cởi mở hơn, với một tương lai tươi sáng hơn. Được biết khi còn sống cố thủ tướng Lý Quang Diệu được các lãnh đạo Việt Nam mời đến để chia sẻ kinh nghiệm. Ông từng khuyên không nên sa vào ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều. Đáng buồn thay, chia sẻ của ông chỉ là cơ hội bị bỏ lỡ. Dù sao cũng nên hy vọng trong cải cách lần này 'Mô hình Singapore' ở Việt Nam ít nhất được tham khảo là trong tương lai gần.
Để kết thúc bài viết, quay lại với thực tế Việt Nam bằng một sự kiện vừa diễn ra.
Khác với người tiền nhiệm giải tán Ban cố vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Tổ tư vấn kinh tế.
Trong buổi làm việc cuối năm 2017 với các thành viên, ông cho rằng đây là kênh quan trọng để sử dụng những kiến thức, trí tuệ vào điều hành và yêu cầu, ngoài việc làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách, cần có giải pháp cho các vấn đề thiết thực, cốt lõi, "Cái mà người ta nói là 'trên nóng, dưới lạnh', quý vị tư vấn, hiến kế cho Thủ tướng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở để các bộ ngành chủ động vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn. Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân."
Liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tạo nên sự khác biệt với các hành động quyết tâm, nhiệt huyết thúc đẩy chính phủ kiến tạo với chính sách thực dụng?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ (Học viện Chính sách & Phát triển)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia về chính sách công, gửi cho BBC từ Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét