Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Đinh La Thăng đã khai báo về Nguyễn Tấn Dũng?

Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện
trước tòa tại Hà Nội, ngày 8/1/2018. (Ảnh: VNA/Doan Tan via REUTERS)
Giả thiết về việc cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng do “khai sạch” nên đã được cả Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an lẫn Viện Kiểm sát tối cao xếp vào loại “thành khẩn khai báo” ngày càng có cơ sở, với “bằng chứng” mới nhất là lời khai “chỉ định thầu theo chủ trương Bộ Chính trị”.

Lời khai trên phát ra vào ngày 9/1/2018 tại phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN.
Khi Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, khi năng lực của doanh nghiệp này rất yếu kém, ông Đinh La Thăng khẳng định việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị”!
Ông Thăng còn khẳng định rằng trong kết luận của Bộ Chính trị về tiến độ phát triển của PVN có nội dung mong muốn phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh. Bởi vậy, việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị là để phát triển kinh tế, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên. Từ chủ trương này, tập đoàn phát triển xuống các công ty con trong đó có PVC để xây dựng thành 1 đơn vị xây lắp dầu khí mạnh. Sau đó có sự đồng ý của Chính phủ thì PVN cho PVC làm tổng thầu.
Chi tiết đáng chú ý là Đinh La Thăng đã “đá” trách nhiệm về phía “chính phủ”. Một tường thuật từ tòa còn cho biết ông Thăng nói “đã xin phép thủ tướng”.
“Chính phủ” vào thời ông Đinh La Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên PVN lại nằm dưới quyền điều hành của ủy viên bộ chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng vấn đề giờ đây không còn là một cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chung chung, mà trước tòa, trách nhiệm chỉ đạo của cá nhân mới là chi tiết mang tính bằng chứng.
Vậy Đinh La Thăng muốn đề cập đến trách nhiệm của cá nhân nào – Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Xuân Phúc?
Với tất cả những gì đã thể hiện trong mối quan hệ “chỉ đạo dọc” từ trước tới nay của Chính phủ đối với PVN, cùng quá nhiều dư luận về “Thăng là dây của Dũng”, có thể loại trừ vai trò của Nguyễn Xuân Phúc trong việc cho phép PVN được chỉ định thầu.
Mà dường như mũi dùi khai báo của Đinh La Thăng lại tập trung vào Nguyễn Tấn Dũng, cho dù Thăng không nói cụ thể về tên của ông Dũng.
Nếu khả năng “Thăng khai báo Dũng” là có cơ sở, đây là lần đầu tiên trách nhiệm của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị lôi ra trước tòa án và trước Hội đồng xét xử. Đây có thể sẽ là một tiền đề để dẫn dắt vụ án PVN và Đinh La Thăng sang “giai đoạn 2”cùng với “người có liên quan” là Nguyễn Tấn Dũng.
Xem ra, vụ việc “người có liên quan” đang “đúng quy trình”. Và quy trình này lại có tiền lệ.
Tại phiên xử phúc thẩm Hà Văn Thắm vào tháng 2/2017, Hội đồng xét xử bất ngờ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng mà Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm đã nhận từ “tiền gửi” của PVN, nhưng sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Đó chính là tiền đề dẫn tới vụ “Hà Văn Thắm giai đoạn 2” và liên quan mật thiết đến trách nhiệm của Đinh La Thăng.
Đến phiên xử phúc thẩm Hà Văn Thắm vào tháng 9/2017, một tín hiệu “bắt” hướng đến Đinh La Thăng đã phát ra khá rõ. Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Minh Tâm – người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn – đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Ít ngày sau khi Đinh La Thăng bị bắt, một số trang báo nhà nước mà tiêu biểu là báo Người Lao Động đã “vô tình” đăng tin: “Trong quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra”.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh lại không được như thế với “Theo cơ quan an ninh điều tra, đáng chú ý, bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn”.
Rõ ràng Đinh La Thăng đã được một ngôi sao trên trời chiếu mệnh, để chỉ trong thời gian 4 -5 ngày trên cung đường từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đến trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mệnh tù của ông đã có thể được giảm nhẹ đáng kể, từ “không thành khẩn khai báo” sang “thành khẩn khai báo”.
Nếu không có gì thay đổi, Đinh La Thăng có thể thoát chết, nhưng Trịnh Xuân Thanh thì không.
Ngôi sao chiếu mệnh cho Đinh La Thăng là gì? Phải chăng để giữ được mạng sống cho mình, đó chính là thái độ “khai hết”, “khai sạch”, khai từ khi bị điều tra cho đến trước tòa và khai tới tận địa chỉ nhà của Nguyễn Tấn Dũng?
Thiền Lâm/(Cali Today News)
----------------------


Ông Đinh La Thăng đổ tội “Cố ý làm trái…” tại Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) bắt nguồn từ “chủ trương đúng, có quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong ngày thứ hai của vụ án xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm về các tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng…” và “Tham ô tài sản,” qua dự án nhiệt điện Thái Bình II, người ta lần đầu tiên nghe thấy ông Đinh La Thăng xác định trách nhiệm của ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là thủ tướng chính phủ.
Ông Đinh La Thăng nhìn nhận “chỉ đạo quyết liệt và có lúc nôn nóng” để thực hiện thật nhanh dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nên đã giao cho Tổng Công Ty PVC của Trịnh Xuân Thanh làm “tổng thầu.” Tuy nhiên, ông khai rằng vì việc cấp bách nên “đã thay mặt HĐTV (Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam) ký báo cáo gửi thủ tướng chính phủ, xin phép giao PVC làm tổng thầu.”
Ông Thăng cho rằng khi nhận dự án nhiệt điện Thái Bình II, tổng công ty PVC “năm 2010, có lãi 1,000 tỷ đồng đồng thời PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC, thu được 2,500 tỷ đồng” và nếu có khó khăn “nhất thời cũng là bình thường.”
Lời khai của ông khác với lời khai của thuộc cấp xác nhận khi được “tạm ứng” số tiền hơn 6 triệu đô la và hơn 1,300 tỉ đồng, PVC của Trịnh Xuân Thanh đang cơn khốn đốn tài chính, vội vã đem trả nợ ngân hàng 700 tỉ đồng và đắp vào các dự án khác gần hết số tiền đó, thay vì dùng để tiến hành xây dựng nhiệt điện Thái Bình II.
Bản cáo trạng cáo buộc ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình II bằng những văn bản trái luật. Lúc đầu là hợp đồng số 33, sau thấy sai vì “không phù hợp với nghị đình số 48 của chính phủ,” đổi thành hợp đồng khác, nhưng vẫn sai.
Theo tường thuật phiên tòa của VNExpress, “Ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) là người tiếp theo đối chất. Ông khai hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện, tạm ứng; dù sau đó đổi sang hợp đồng 4194 nhưng chỉ đổi chủ thể nên bản chất vẫn là chưa đủ điều kiện.”
“Vì sao chưa đủ điều kiện tạm ứng mà bị cáo cùng bị cáo Đinh La Thăng lại có bút phê về việc tạm ứng?,” thẩm phán hỏi. Ông Khánh phủ nhận có bút phê. Thẩm Phán Toàn ngay sau đó giơ công văn và đọc bút phê của ông Thăng với nội dung “chuyển anh Khánh – phó tổng giám đốc xử lý, cho PVC tạm ứng 1,000 tỷ đồng.”
Các thuộc cấp của ông Thăng khai họ bị thúc ép chuyển tiền gấp cho PVC của Trịnh Xuân Thanh bất chấp luật lệ. Giải thích tại sao lại “cố ý làm trái,” ông Đinh La Thăng nhìn nhận “làm sai quy trình,” tức trái luật lệ của chế độ.
Theo báo Kinh Tế và Tiêu Dùng “Bị cáo Chương khai tại cuộc họp 31 Tháng Ba, ông Đinh La Thăng có chỉ đạo rà soát lại hợp đồng để ký lại giữa PVC và PVN. Đến 1 Tháng Sáu thì yêu cầu ban quản lý dự án tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Theo lời bị cáo Chương, ông ta còn bị ông Đinh La Thăng gọi lên hỏi tại sao không chuyển tiền cho PVC. Bị “sếp” hỏi, ông Chương đã bảo Thăng xem lại công văn hợp đồng 33 không phù hợp với nghị định số 48 của chính phủ… “Sau đó bị cáo Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn lên hỏi tại sao các ông không chuyển tiền. Lúc đó tôi thấy hợp đồng mới chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang, chưa có phòng ban nào ký nháy vào đó,” bị cáo Chương khai tại tòa.
Các thuộc cấp đều đổ hết tội lên đầu ông Thăng. Ông Thăng lại đẩy tội lên Bộ Chính Trị và đặc biệt là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Người ta không rõ liệu ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có bị bị triệu đến tòa để đối chất hay không. Trong các vụ án tham nhũng và “cố ý làm trái…” tại tổng công ty tàu biển Vinalines và tập đoàn đóng tàu Vinashin mấy năm trước, từng có tin ông Dũng bị truy trách nhiệm, ảnh hưởng tới cái ghế thủ tướng cũng như sự nghiệp chính trị của ông, nhưng ông ta chỉ có ít lời công khai nhận lỗi là xong.
Ông Nguyễn Tấn Dũng là đối thủ chính trị tranh cái ghế tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng. Đinh La Thăng và một số chức sắc tại Bộ Công Thương bị kỷ luật thời gian vừa qua được coi như tay chân thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đương quyền. 
Người Việt/TN

1 nhận xét:

  1. TƯ DUY ?
    https://www.youtube.com/watch?v=FBGpoyjq65E&index=7...

    “ Tư Duy ” ... Cần cởi mở ...
    Chớ bó hẹp làm “ Khung ”
    Anh hùng “ Lao động ” có ...
    Còn “ Trí tuệ ” anh hùng ?
    ( “ Phước báu ” cùng “ Nhân cách ” )
    Tính “ Tự lực - Tự cường ”
    Đang “ Truy tìm - Bới móc ” ...
    Để chụp quy ... “ Tham nhũng ” ???
    Làm ảnh hưởng “ Long thể ”
    Người ... “ Đầy tớ NHÂN DÂN ” !!!
    “ Có thực ... Vực được ĐẠO ”
    Tu hành “ Thời hội nhập ”
    “ Đạo lý ” ... Hướng “ Dân gian ”
    Vì “ Tức TÂM - Tức PHẬT ”
    Muôn năm PHẬT Hoàng Trần ...
    ( Có “ Cư Trần lạc đạo ” ...
    “ Của báu ” ... Khỏi kiếm tìm ) ..
    Chủ Dân ..... Khỏi nhũng tham !!!
    Hội tụ “ Đoàn ..... Hát ca !!! ”
    “ Đồng tình ” như “ Biểu tình ”
    Bản Năng - Hòa cuộc sống !!!
    “ Thương cho doi cho vọt ... ”
    “ ,,, Khỏi ươn nhờ ăn muối ” !!!
    Sợ chi ..... mọi “ Nhạy cảm ” ???
    ... “ Khi vì ...,, DÂN phục vụ ...
    Khi vì DÂN ..... quyên mình ... ” !!!
    Mừng “ Mầm non ” ..... Đất Nước ???
    Tương xứng “ DI CHÚC BÁC ”
    Tượng đài ..... “ Ngàn tư tỷ !!! ”
    Hào hứng và giản dị .....
    Hòa mình giữa .... Lòng DÂN !!!
    “ NHÂN DÂN ” chính là “ Gốc ”...
    Chế Độ ..... ĐẸP ngày nay !!!

    ( Nhân Tâm Trung Tử )

    Trả lờiXóa