Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Thảm sát Thiên An Môn - nhìn từ Việt Nam

Ngày 7/6/1989, sau vụ thảm sát 4/6, một nhóm người dân Bắc Kinh
nhìn về phía quảng trường Thiên An Môn
nơi những chiếc xe tăng đang chiếm giữ
                                                                  (Ảnh: Internet)
* TRỌNG THÀNH
Vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Trung Quốc, nhắm vào phong trào sinh viên đòi dân chủ xảy ra cách nay đúng 26 năm. Hàng năm giới bảo vệ nhân quyền tại Hồng Kông và nhiều nơi trên thế giới thường xuyên có các hoạt động vào dịp này để tưởng niệm một biến cố lịch sử không chỉ hệ trọng đối với Trung Quốc, mà còn với cả lịch sử thế giới hiện đại. Quốc gia láng giềng Việt Nam, trước hết là những người trí thức, nhìn nhận ra sao về sự kiện này? 
Biến cố Thiên An Môn bi thảm đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4 tháng 6 năm 1989 đưa Trung Quốc vào một kỷ nguyên hoàn toàn khác với khu vực Đông Âu sau khi bức tường Berline sụp đổ, gần nửa năm sau đó.
Chế độ Cộng sản Trung Quốc từ chối nhìn nhận vụ thảm sát. Bắc Kinh muốn dìm tội ác trong quên lãng, bất chấp tiếng kêu của hơn 100 bà mẹ mất con (Hội các bà mẹ Thiên An Môn), của hàng triệu người đòi sự thật và công lý.
                       >> Diễn biến cuộc thảm sát…  
Cuối tháng trước, chính quyền ra lệnh cấm nhắc đến vụ Thiên An Môn, kể cả một bài viết trên tờ Hoàn cầu thời báo của chính quyền (« Các thế lực ngoại bang muốn ảnh hưởng đến thế hệ 80-90»). Đây là bài viết chỉ trích « Bức thư ngỏ » ngày 20/05/2015, của một nhóm sinh viên Trung Quốc – học tập và sinh sống ở nước ngoài - kêu gọi sinh viên trong nước tìm hiểu sự thật và yêu cầu quyền được nói về cuộc can thiệp bằng vũ lực của quân đội (theo phụ trương "Sinh viên" của Le Figaro, ngày 03/06/2015).
Quốc gia láng giềng Việt Nam, trước hết là những người trí thức, nhìn nhận ra sao về sự kiện này? Nhận lời mời tham gia chương trình hôm nay có:
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai,

- Giáo sư Nguyễn Huy Quý, 
- Dịch giả Trần Đình Hiến 
- Nhà văn Phạm Viết Đào (từ Việt Nam).
Cơ quan chỉ đạo báo chí sợ  “Thiên triều” ?
Trước hết nhà văn Phạm Viết Đào – một người theo dõi từ lâu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, cho biết nhận xét sơ bộ của ông về mối quan tâm đến sự kiện Thiên An Môn tại Việt Nam :
« Về vấn đề biến cố Thiên An Môn, thông tin ở Việt Nam không phải được mọi người biết rõ đâu. Chỉ những ai quan tâm vào mạng, các mạng khác (tức không phải mạng chính thức của truyền thông trong nước - ndr), thì mới biết. Còn người dân bình thường, thứ nhất là quan tâm cũng không nhiều. Thứ hai là cũng không có điều kiện ».
Về phần mình, dịch giả Trần Đình Hiến (người chuyển dịch nhiều tác phẩm của giải Nobel Văn chương Trung Quốc Mo Yan/Mạc Ngôn) nhận xét :
« Nếu đề cập tới Thiên An Môn, (một sự kiện) đơn giản như thế thôi : lúc ấy, khi ấy, và bây giờ, thì thi thoảng sách báo Việt Nam cũng có thể nhắc đến cái từ ấy thôi. Chứ cái sự kiện ấy là không nhắc tới. Cấm kỵ từ bấy đến nay. Đưa thêm chi tiết lại càng không có nữa. Ngay cảm chuyện gọi là vụ thảm sát cũng không hề có xuất hiện ở báo chí Việt Nam ».
Giải thích về tình trạng thông tin về vụ thảm sát Thiên An Môn vắng mặt trên báo chí truyền thông chính thức, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh Triết) cho biết :
« Tôi nghĩ là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo báo chí hiện nay, nó không dám đưa tin đâu. Nó cũng không muốn đưa tin, không muốn làm mất mặt thiên triều.
Ngay cả những chuyện như danh tính liệt sĩ, hy sinh ở Gạc Ma (Trường Sa), rồi liệt sĩ chống Trung Quốc ở Hoàng Sa, thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa, thì có ai đưa tin cho nó tử tế đâu. Rồi bia liệt sĩ, bia tưởng niệm trận chiến xâm lược tàn bạo của Trung Quốc năm 1979, thì họ còn tìm cách xóa cơ mà. Vấn đề nó cay đắng, nó u mê, vừa là hèn hạ, vừa là vô đạo lý như thế. Thì đấy là cái hiện nay đang tồn tại ».
Nhận định của dịch giả Trần Đình Hiến và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai có lẽ rất sát với thực tế Việt Nam, ngoại trừ là việc đưa tin về Thiên An Môn vốn chưa phải là điều cấm kỵ vào thời điểm xảy ra vụ đàn áp, khi Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn trong trạng thái thù địch (cho đến cuối năm 1989). Và từ ít năm trở lại đây, nhất là từ năm ngoái, khi trong nước một số báo đã đăng tải nhiều thông tin khá trực diện về vụ thảm sát sinh viên tại thủ đô Trung Quốc.
Ngại “ảnh hưởng ngoại giao”
Còn nghiên cứu về Thiên An Môn tại Việt Nam thì sao, giáo sư Nguyễn Huy Quý (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc) mô tả :
« Ở Việt Nam, người ta cũng biết qua báo chí, thông tin về sự kiện đó thôi. Còn nghiên cứu sâu vào sự kiện này như một chuyên đề, thì không có ai nghiên cứu cả. Người ta nghiên cứu (hoặc giới thiệu ?) dưới góc độ chính trị thế thôi, còn dưới góc độ lịch sử đi vào chi tiết sự kiện thì cũng không có ai làm. Chưa có tác phẩm nào viết riêng về sự kiện ấy cả. Không ai ngăn cả, nhưng cũng chẳng ai đi sâu.
Bởi vì họ nghiên cứu thì mục đích là công bố thành sách, nhưng mà ở Việt Nam thì ở Việt Nam các nhà xuất bản không bao giờ xuất bản…
Đúng là vấn đề nhạy cảm. Ví dụ như (có câu hỏi), có cần trấn áp như vậy hay không ? Dùng các biện pháp gây đổ máu như vậy hay không ? Tất nhiên, quan điểm nhất là của học giả không ai đồng tình với chuyện đó, nhưng về mặt chính trị, đứng về góc độ lãnh đạo nhà nước, không ai đề cập chuyện đó, bởi vì về quan hệ ngoại giao, (điều) đó (được coi) là việc nội bộ của Trung Quốc. Còn về mặt giới nghiên cứu, tất nhiên là người ta muốn tìm hiểu, người ta cũng có những quan điểm, và người ta cũng quan tâm đến vấn đề đó. (Nhưng) nếu mà phản ảnh đúng quan điểm của mình, thì người ta cũng lo ngại, như thế là can thiệp vào (việc của Trung Quốc - ndr), và ảnh hưởng không tốt về quan hệ ngoại giao ».
Nguyễn Văn Linh và giải pháp bạo lực
Ngay từ khi vụ thảm sát xảy ra, cách nay 26 năm, trong giới lãnh đạo Việt Nam vào thời điểm đó đã có những quan điểm ủng hộ đàn áp. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thuật lại theo hồi ức của ông, phản ứng từ lãnh đạo cao nhất Việt Nam, sau biến cố 06/04. Vào lúc đó, ông Nguyễn Khắc Mai đang làm việc tại Ban Dân vận trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
« Lúc bấy giờ tôi đang ở Hà Nội, và một đêm, tôi nhớ là trời mưa gió, và tôi nghe đài, cũng là đài nước ngoài, đưa tin về Thiên An Môn. Trước đó, chúng tôi cũng có theo dõi cuộc đấu tranh. Sinh viên họ đã dựng tượng nữ thần Tự do, để biểu thị tinh thần Tự do của một lớp người Trung Quốc mới, khí thế hết sức sôi nổi. Và trên quảng trường ấy, chúng tôi được thông tin là họ tranh luận những vấn đề của dân, của nước, của Trung Hoa, của thế giới. Rất là sôi nổi. Có thể nói đấy như là một cái hội trường lớn ở ngoài trời. Sau đó, được tin là Triệu Tử Dương xuống tận nơi, khuyên sinh viên tạm thời chấm dứt…. về nhà cái đã. Sinh viên họ không nghe, cương quyết, đẩy cuộc đấu tranh tới. Họ quyết dùng bạo lực quân sự để đàn áp.
Còn về phía lãnh đạo (Việt Nam), thì tình cờ tôi gặp được anh Trần Bạch Đằng ở bên nhà khách số 8 Chu Văn An, của Văn phòng Trung ương và của Chính phủ. Lúc ấy anh ấy kể chuyện là ghé thăm Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó). Nguyễn Văn Linh cũng đang muốn có người chia sẻ quan điểm của mình, thì mới hỏi là : Thấy thế nào ? Thì Trần Bạch Đằng bảo : Tao nói với Linh rằng : Nếu tôi là Tổng bí thư, tôi không bao giờ để xảy ra những câu chuyện như thế, để dùng vũ lực, dùng quân đội đàn áp lại sinh viên.
Nhưng tôi biết, ông Linh lúc bấy giờ rất đồng tình với sự tàn bạo ấy. Người xưng là cộng sản, mà thấy những bạo lực, giết chóc nhân dân, đồng loại của mình mà vui vẻ. Cho nên tôi mới thấy là tinh thần bá đạo nó nhiễm quá sâu trong một số người cộng sản Việt Nam.
Đối với nhà văn Phạm Viết Đào, cuộc đàn áp thảm khốc nói trên rõ ràng là của phe cứng rắn, bảo thủ trong chế độ, nhắm vào phe cải cách được quần chúng ủng hộ.
« Đây là vụ trấn áp, thảm sát của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc đối với những khát vọng dân chủ của thanh niên, mà khởi xướng không phải do những sinh viên nghĩ ra, tìm ra, mà do chính những nhà lãnh đạo Trung Quốc, qua thực tế va chạm với cuộc sống, qua quản lý. Từ ông Hồ Diệu Bang, ông Triệu Tử Dương ông ấy thấy sự thối nát bên trong của thể chế cộng sản Trung Quốc. Và họ thấy cần phải cải cách, thì mới có thể phát triển lên được.
Người tìm ra những cái này (mục tiêu) chính là những nhà lãnh đạo ấy. Và khi họ đề ra những chủ trương ấy, thì chúng va chạm với những nhà lãnh đạo thủ cựu, như Đặng Tiểu Bình. Và họ (tầng lớp lãnh đạo) vẫn giữ quan điểm, cần giữ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản là thống soái, tuyệt đối. Cho nên dẫn đến việc trấn áp một khuynh hướng của (theo) ông Triệu Tử Dương. Tìm hiểu về vụ này, tôi hiểu như thế.
Tất cả theo nhận định của tôi vẫn là nằm trong chiến lược chính quyền đẻ ra trên đầu mũi súng của Trung Quốc. Vẫn là dùng súng để duy trì quyền lực và hậu quả của nó là dẫn đến thảm sát Thiên An Môn, và Trung Quốc đến nay vẫn chưa dứt được ra khỏi đường lối chính sách sai lầm mà thảm họa đó.
Trấn áp vì bất lực
Cũng giống như nhà văn Phạm Viết Đào, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Quý đặt lên hàng đầu cuộc xung đột phe cánh trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên ông muốn đặt hiện tượng phong trào Thiên An Môn dưới nhiều tác động và trong bối cảnh :
« Nó là một sự kiện trong bối cảnh lúc bấy giờ là phong trào các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, kể cả Liên Xô, chống lại ‘‘chủ nghĩa xã hội truyền thống’’. Các phong trào đó tác động lẫn nhau. Yếu tố thứ hai không loại trừ là có những lực lượng của Đài Loan, hay là những lực lượng không đồng tình với Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ, gọi là chống cộng đấy, nhưng số đó ít thôi.
Và nhân tố thứ ba là quan ttrọng, đó là mâu thuẫn nội bộ. Cũng có những quan điểm duy trì quyền lực, nhưng có những quan điểm duy trì các lợi ích khác nhau. Ông Triệu Tử Dương lúc bấy giờ trở thành đối thủ, bị bắt thôi. Ngoài Triệu Tử Dương, còn bè cánh khác nữa. Cái gọi là « dân chủ », thì cũng có những quan niệm khác. Có những người chủ trương vẫn là cộng sản, vẫn là chủ nghĩa xã hội, nhưng phải dân chủ, phải công bằng. Đấy là một quan niệm về dân chủ. Còn trào lưu dân chủ nữa, chịu ảnh hưởng Phương Tây, mang tính chất « chống cộng », không phải là cộng sản, không phải là xã hội chủ nghĩa.
Thực tế của xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, trong bước đường cải cách 10 năm, thì tuy có cởi trói, tuy có thay đổi, nhưng có hai vấn đề. Một là kinh tế đang trong thời kỳ khủng hoảng. Và cụ thể là lạm phát quá cao, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống quần chúng. Một trong những khẩu hiệu của Thiên An Môn là chống lạm pháp, tham nhũng. Thứ hai nữa là, khi bắt đầu cải cách là đề xuất dân chủ, nhưng thực chất không thực hiện được dân chủ. Trước việc đó (cuộc thảm sát Thiên An Môn), có xử lý cái vụ ông Hồ Diệu Bang (người tiền nhiệm của Triệu Tử Dương). 10 năm đầu cải cách dù có những tiến bộ, nhưng về kinh tế và chính trị vẫn hạn chế như vậy. Trong tình hình như vậy, nó phản ứng sự bất mãn của quần chúng. Bao nhiêu nhân tố phối hợp lại : nhân tố quốc tế, quan hệ quần chúng với lãnh đạo đảng, nhà nước trung ương và nhân tố giữa các phe phái với nhau, nó hội tụ thành một phong trào quần chúng.
Còn việc trấn áp thể hiện sự bất lực. Lúc đó không có cách nào để giải quyết ».
Chế độ toàn trị không thể cải tổ
Trong con mắt của dịch giả, nhà văn Trần Đình Hiến, cuộc đối đầu giữa phong trào quần chúng năm 1989 với chế độ cộng sản độc tài toàn trị là mang tính triệt để, bởi chế độ độc đảng toàn trị là không thể cứu vãn nổi, duy trì nó đồng nghĩa với bảo vệ cội rễ của tham nhũng :
« Đây là phong trào đòi thay đổi chế độ, thay đổi thể chế. Họ biết rằng trong thay đổi thể chế ấy, thì phải khắc phục được tham nhũng. Mà cái tham nhũng ở một chế độ như Trung Quốc thì không thể khắc phục được. Đấy là vấn đề cốt tử. Ở một thể chế mà đảng Cộng sản Trung Quốc ngự trị lên tất cả : Hiến pháp, pháp luật. Có đủ tất cả các thứ đó, nhưng không xử theo Hiến pháp và pháp luật. Phải nói trắng ra là xử theo luật rừng. Có một cái chuyện mà người dân Trung Quốc nhìn ra, và thế giới cũng nhìn ra. Tức là tham nhũng ở Trung Quốc không bao giờ khắc phục được. Tham nhũng ở trong một thể chế đảng trị như ở Trung Quốc, độc tài toàn trị : tham nhũng nảy sinh từ chính cơ chế đó. Chuyện khắc phục tham nhũng là ảo tưởng ».
Cuộc tranh đấu ôn hòa của phong trào đòi dân chủ của sinh viên và nhiều giới khác vào năm 1989 nhắm vào chế độ Cộng sản cầm quyền phải chăng là cuộc chiến một mất, một còn ? Liệu có một giải pháp khác, không dẫn đến cuộc đổ máu thảm khốc, mà kể từ đó, chế độ cộng sản Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn trước các yêu cầu cải cách chính trị ? Phong trào dân chủ màu xuân 1989 về thực chất là một phong trào đòi cải cách chế độ hay đòi thay đổi hoàn toàn chế độ ?
Những trao đổi với các vị khách mời cho chúng tôi cảm nhận, bên cạnh một cái nhìn rạch ròi dứt khoát, một bên trắng/một bên đen, còn có một cách nhìn khác, hội nhập nhiều yếu tố khác nhau để cùng giải thích hiện tượng. Cuộc chiến giữa các phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc phải chăng có thể đồng nhất với thế đối đầu giữa Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó, ông Triệu Tử Dương, được coi là người thuộc phái cải cách, với lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, người được coi là thuộc phe bảo thủ ? Phải chăng có thể đồng nhất những giá trị mà người ta gửi gắm vào một nhà chính trị, hay nói cách khác, niềm tin tưởng với những hành động cụ thể của con người đó ? Đâu là những giới hạn của Triệu Tử Dương, đâu là những niềm tin ngây thơ của các sinh viên tranh đấu ?...
Theo nhà văn Phạm Viết Đào, « Hồi ký » của ông Triệu Tử Dương – dịch sang tiếng Việt – là một trong những tài liệu tham khảo chủ yếu của người quan tâm Việt Nam về chủ đề này. Từ góc độ của một người nghiên cứu lịch sử, nhà Trung Quốc học Nguyễn Huy Quý đặc biệt lưu ý những ai muốn tìm hiểu thực sự hiện tượng phức tạp Thiên An Môn, cần chú ý so sánh các nguồn tư liệu khác nhau, không nên tin tưởng tuyệt đối vào một nguồn duy nhất (ông cũng nhấn mạnh rất nhiều tài liệu về Thiên An Môn đã được lưu giữ từ sớm tại Hồng Kông và Đài Loan). Trong số các tư liệu quý về sự kiện phong trào Thiên An Môn 1989, cuốn « Tiananmen papers » của Zhang Liang (Trương Lương) (ấn hành năm 2001, dịch sang tiếng Pháp năm 2004) – tên hiệu của một người từng đảm nhận một chức vụ quan trọng trong chính quyền Trung Quốc, cho đến nay vẫn giữ bí mật danh tính - được giới chuyên môn nhìn nhận như là một tư liệu đặc biệt quý giá, cho phép quan sát từ bên trong quá trình dẫn đến quyết định đàn áp phong trào sinh viên của giới chóp bu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuốn sách dường như chưa được giới quan tâm tại Việt Nam chú ý.
Hồi ức hủy diệt, quên lãng, làm lại từ đầu
Trước khi khép lại, tạp chí Tiêu điểm thời sự tuần này về chủ đề « Thảm sát Thiên An Môn 1989 : Nhìn từ Việt Nam », chúng tôi xin dẫn lời của nhà nghiên cứu Marie Holzman (trong cuộc phỏng vấn hôm qua 03/06), một nhà Hán học, nhà nghiên cứu Trung Quốc, người sáng lập hiệp hội đoàn kết với giới tranh đấu Trung Quốc (Solidarité Chine). Marie Holzman nói đến hồi ức về các sự thật lịch sử như là đối tượng mà chính quyền muốn tiêu diệt về những khó khăn của các thế hệ trẻ khi phải tiếp tục cuộc tranh đấu, mà không có cơ hội kế thừa những tri thức của thế hệ đi trước. Một vấn đề không chỉ có ý nghĩa với cuộc vận động dân chủ tại Trung Quốc.
« Có một sự quên lãng. Có thể nói cứ mỗi mười năm, tại Trung Quốc lại có một đợt như vậy. Cụ thể là ta vẫn giữ được ký ức của những gì xảy ra trong vòng năm, sáu hay bảy, tám năm về trước, nhưng sau đó, xu hướng quên lãng bắt đầu ngự trị. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, hồi ức lịch sử về các phong trào tranh đấu, hay các sự kiện khác, các thảm kịch, như vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, rơi vào quên lãng….
Tại Trung Quốc có tình trạng : hành động hồi tưởng bị ức chế, bị cấm đoán. Mỗi biến cố (tiêu cực) xảy ra trên lộ trình của mình, đảng Cộng sản Trung Quốc đều mưu đồ xóa sạch khỏi ký ức, làm biến dạng lịch sử, khiến mỗi công dân Trung Quốc buộc phải nhìn lịch sử theo các tiêu chí của chế độ. Ví dụ như trong giai đoạn 1958-1962, có một nạn đói khủng khiếp, do chính sách của chế độ gây ra. Nhưng hiện nay, chính quyền gọi đó là « ba năm thiên tai »…. [Marie Holzman cũng nhắc đến vụ tai nạn đắm tàu trên sông Dương Tử cách nay hai hôm, mà thoạt tiên chính quyền Trung Quốc lại đã đổ cho thảm họa thiên nhiên].
Rõ ràng có một động cơ bóp méo sự thực mang tính hệ thống, tạo ra những câu chuyện kể phù hợp với quan điểm chính thống. Đây là một chủ trương thường xuyên của chế độ cộng sản Trung Quốc, kể từ lên nắm quyền năm 1949 ».
Tác hại của chứng quên lãng ?
« Tác động của sự hủy diệt hay nhào nặn ký ức này hết sức nguy hiểm đối với các phong trào dân chủ. Mỗi thế hệ tranh đấu lại phải một mình sáng tạo lại từ đầu. Bởi vì họ không được thừa hưởng những di sản của thế hệ đi trước.
Ví dụ gây ấn tượng nhất đối với tôi là thời gian Mùa xuân Bắc Kinh 1978-1979. Vào thời điểm này chỉ có khoảng vài chục nhà ly khai đối đầu với các đường lối của chế độ, nhưng với những lập luận được xây dựng rất công phu. Họ đã viết ra nhiều văn bản, trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau đó, nhờ những bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, hay tiếng khác. Đối với tôi, các văn bản này có giá trị thực sự, về mặt chính trị, triết học, và kể cả lịch sử. Nhưng kể từ khi các nhà ly khai này bị bỏ tù năm 1979, các văn bản ấy bị thất lạc hoặc bị quên lãng. Chúng chỉ trở lại với công chúng rất nhiều năm sau, khi được xuất bản tại Hồng Kông hay Đài Loan.
Khi các sinh viên xuống đường 10 năm sau, tức năm 1989, họ không có được khối tài sản tri thức này. Họ phải bắt đầu từ đầu. Ví dụ như họ tuyên bố : chúng tôi muốn minh bạch, muốn một chế độ ít gia đình trị hơn, nhưng họ không biết những yêu sách mà thế hệ đi trước từng đưa ra, những yêu sách - mà theo tôi - được thể hiện tốt hơn, được phát triển tốt hơn, được suy nghĩ chín chắn hơn.
Hiện nay, chúng ta chứng kiến một hiện tượng tương tự. Chúng ta biết một nhóm các sinh viên Trung Quốc sang du học tại Hoa Kỳ, gửi một bức thư ngỏ tới các sinh viên tại Trung Quốc – với một cái tên đại diện Gu Yi -, đề nghị hãy tìm hiểu về những gì xảy ra ngày 06/04/1989. Chúng tôi đã biết được nhờ ở chỗ được ra nước ngoài, chúng tôi tìm hiểu qua internet. Còn các bạn, các bạn không biết, nên chúng tôi truyền cho các bạn sự thật.
Chính các sinh viên trẻ này cũng phải sáng tạo ra mọi thứ. Và trong lá thư của họ, họ quên mất những gì xảy ra vào năm 2008 (trong khi chuyện chỉ vừa mới xảy ra ít năm – ndr), khi hàng trăm trí thức Trung Quốc đưa ra bản Hiến chương 08, yêu cầu thay đổi Hiến pháp Trung Quốc. Một lần nữa, đây lại là các đề nghị hết sức công phu, rất chín chắn, có thể nói là được viết rất tốt, một quan niệm mới về Hiến pháp mới cho Trung Quốc.
Chúng ta luôn luôn chứng kiến hiện tượng lãng quên, hoặc thậm chí đôi khi là sự sói mòn của tri thức. Dường như lớp trẻ hiện nay ngày càng phải tái lập mọi thứ có thể nói là nhiều khi từ số không. Các bạn trẻ càng ngày càng gặp khó khăn trong việc kiến tạo các giải pháp thay thế có tính khả thi, các đề nghị chín chắn, có căn bản… Để hiểu thách thức này, hãy tưởng tượng là mỗi nền văn hóa chúng ta phải tái tạo toàn bộ, từng thế hệ một. Đó là một lao động hết sức khổng lồ, và trên thực tế là bất khả, vượt quá sức con người ».
Liệu có phải các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989 bị rơi vào bẫy của phe bảo thủ độc tài ?
“Tôi không biết là có phải các sinh viên (năm ấy) bị rơi vào bẫy của phe cứng rắn của chế độ. Điều chắc chắn là họ bị rơi vào cái bẫy của sự ngây thơ. Có một sự kiện nhỏ xảy ra vài ngày trước sự biến thảm sát. Ngày 29 hoặc ngày 30/05, Tổng bí thư của đảng lúc đó, Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương), gần 70 tuổi, người đã có kinh nghiệm dài sống với đảng. Ông tới quảng trường vào lúc bình minh, để nói chuyện với những sinh viên có mặt. Ông ấy đã vừa khóc, vừa nói chuyện với các sinh viên. Chúng ta có những băng video quay lại cảnh này. Ông ấy nói : «Các con ơi ! », ông ấy nói như vậy, « xin các con, hãy giải tán ! ». Không báo trước là hãy đi đi trước khi quá muộn, nhưng ông ấy nói các bạn trẻ hãy kiên nhẫn, các bạn không hiểu sự vận hành trong nội bộ đảng, mọi sự có thể được cải thiện, nhưng cần phải có thời gian, đừng cưỡng ép. Ông ấy hiểu rằng đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ, làm mọi thứ để nắm giữ quyền lực. Các người trẻ lớn lên những năm 1980, một giai đoạn rất mở, có rất nhiều tiến bộ thực sự trong giai đoạn này, về phương diện tư tưởng, về nghệ thuật, sáng tạo… và cả tư tưởng chính trị nữa. Trước đó, các sinh viên không hề nghĩ một giây rằng quân đội sẽ đến, sẽ dùng súng máy bắn vào họ. Họ rơi vào chiếc bẫy của sự không hiểu biết, của sự ngây thơ, sự quên lãng, quên lãng ký ức tập thể…. Sự ngây thơ của các thanh niên là vô cùng lớn, họ quá sức lý tưởng, vô cùng lý tưởng…”.
Để hiểu về vụ Thiên An Môn và phong trào dân chủ nói chung tại Trung Quốc, Marie Holzman gợi ý với quý độc giả Pháp ngữ cuốn "A la recherche d'une ombre chinoise. Le Mouvement pour la démocratie en Chine [1919-2004]" của nhà Trung Quốc học Jean-Philippe Béja. Một cuốn sách tuy nhỏ, nhưng có thể mang lại rất nhiều hiểu biết căn bản.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc và bảo vệ nhân quyền người Pháp Marie Holzman nhấn mạnh đến sự tương phản giữa thực trạng ký ức bị sói mòn, bị vùi dập và bị tước đoạt qua các thế hệ tại Trung Quốc lục địa, với kinh nghiệm chủ động kết nối với quá khứ của giới trẻ Hồng Kông qua một câu nói của người thanh niên Hoàng Chi Phong - Joshua Wong, một trong những người lãnh đạo phong trào đòi bầu cử dân chủ tại Hồng Kông hiện nay. Một câu nói mà bà cho là « rất đẹp » : «Tôi không thể nhớ về cái thời đó (lẽ đơn giản bởi lúc vụ Thiên An Môn xảy ra, anh chưa ra đời), nhưng tôi không dám quên ».
Tối 4-6, tại Hồng Kông, khoảng 100.000 người (46.000 theo cảnh sát) đã tham gia buổi thắp nến tưởng niệm những sinh viên đã ngã xuống trong phong trào mùa xuân 1989 tại Trung Quốc, mà cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn đã trở thành một biểu tượng. Từ ít lâu nay, một số người ghi nhận : phong trào tranh đấu cho quyền phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông – còn gọi là phong trào « ô vàng » hay « dù vàng » - đã tìm thấy ở những người « Thiên An Môn » năm xưa nguồn cảm hứng sâu xa, cũng như nhiều bài học kinh nghiệm.
T.T/rfi
--------------

16 nhận xét:

  1. Nhân loại sẽ quên vụ Thảm Sát Thiên An Môn của Trung Cộng, chỉ khi nào họ... diệt vong!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://www.hanoiparis.com/img_poeme/411.jpg

      Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương tới thăm sinh viên đang biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989.



      Tạm Biệt Người Đi Trước Thời Đại …





      Cựu Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương

      Hôm nay "Tử" chức cố … thiên đường

      Sống có tầm nhìn xa thấy rộng

      Dự kiến cải tổ canh tân quê hương

      Ði trước thời ông xa quá tận

      Hoang mạc bóng du mục Tân Cương

      Tới thăm Thiên An Môn (1) âu phục !

      Quên bẳng đi độc Đảng chính trường !!!

      Phản đối đàn áp Phong trào Dân chủ

      Cấm gia Cấm thành giam lỏng tù (2)

      Tiên phong tiền vệ đi quá sớm !

      Chưa sẵn nhận đổi thay lãnh tụ

      Phát động cuộc bùng nổ kinh tế (3)

      Bảo thủ còn đông chưa canh tu (4)

      Thương tiếc Hồ Diệu Bang (5) bùng dậy

      Quảng Trường tượng Tự Do (6) chiến khu







      Trung Quốc nay thay đổi rất nhiều

      Giới trẻ thực dụng hơn thời Triệu (7)

      Ly khai ngồi tù sống lưu vong

      Tích cực hoạt động trong nước thiếu

      “Tân đế quốc Đại Hán !” ru ngủ

      Cúi đầu “xưởng sản xuất” (8) dụ chiêu

      Chinh phục thế giới nhân công rẻ

      Luân lý Khổng Lão bỏ ... cầu tiêu !



      * * *



      Chính trị vui chi cuộc đấu trường

      Muôn đời muôn thuở cảnh tang thương

      Chánh / tà thiện / ác cơn đấu đá

      Anh hùng ngã gục trước tiểu vương

      Tiểu nhân núp lén tay bắn sẻ

      Hào kiệt hiên ngang tan nát xương

      Lịch sử đời sau ghi nhớ mãi

      Vì Dân vì Nước lúc nhiễu nhương



      Nguyễn Hữu Viện

      Paris 17/01/2005



      1. Cựu lãnh tụ thường mặc âu phục, Cựu Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương của đảng CS Trung Quốc đã tạ thế, hưởng thọ 85 tuổi. Triệu Tử Dương tới thăm sinh viên đang biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989. Ông Triệu bị bãi chức năm 1989 vì phản đối cuộc đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn.

      2. Cuối thập niên 1980, khi trở thành Thủ Tướng và sau được bầu làm lãnh tụ đảng, ông Triệu còn thuc đẩy cải tổ chính trị, nhưng đụng độ với các nhân vật trong phe bảo thủ.

      Các nhà phân tich nghĩ rằng ông Triệu đã hành động quá sớm, trước thời cơ thich hợp, khi cac lãnh tụ bảo thủ chưa sẵn sàng chấp nhận thay đổi. Ông Triệu đã bị giam lỏng tại gia từ 15 năm qua, ít khi được ra ngoài

      3. Ông Triệu Tử Dương được biết đến như là đầu tầu người thi hành cac kế sach cải tổ kinh tế của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Giới quan sát ngoại quốc nhận xét về ông Triệu như là 1 nhân vật thực tế và đã thành công trong cac cải tổ kinh tế

      4. Canh tu = canh tân & trùng tu

      5. Trong khi chuẩn bị để tưởng niệm ông Triệu Tử Dương, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào và các lãnh tụ hàng đầu đồng chí của ông Triệu Tử Dương, các lãnh tụ Trung Quốc chắc chắn đã hình dung trong đầu những sự tương đồng với năm 1989. Khi đó, những cuộc phản đối tại Quảng Trường Thiên An Môn đã bùng lên từ sự thương tiếc của công chúng trước cái chết của ông Hồ Diệu Bang, người tiền nhiệm của ông Triệu Tử Dương trong tư cách lãnh tụ Ðảng.

      6. Quảng Trường Thiên An Môn phong trào dân chủ sinh viên dựng tượng Nữ Thần Tự Do & biến thành chiến khu chống xe tăng quân đội & công an đàn áp.. ..

      7. Thời ông Triệu Tử Dương .. ..

      8. Trung quốc nay biến thành công xưởng sản xuất thế giới - world factory & Ấn độ là văn phòng thế giới - world office.. ..

      Xóa
  2. Tất cả các chế độ chính trị được dựng lên từ cướp quyền bằng bắn giết, dù ngụy trang bằng khâủ hiệu "giải phóng...";"chống xâm lược";"công bằng xã hội", mài sau đó thực hiện độc đảng toàn trị thì đều là những tổ chức phản động lưu manh bịp bợm, chống lại nhân dân, độc tài tham nhũng.
    Theo C. Mác: "mục đích đoì hỏi đạt tới nó bằng phương tiện bất công thì mục đích đó không phải và không thể là mục đích chính đáng"
    Rõ ràng, cs TQ, csVN chủ trương "súng đẻ ra chính quyền" và lấy súng để giữ "chính quyền". Thì dù những bộ máy tuyên giáo của đảng có ngụy trang thế nào, bằng những mẽ từ gì, thì cuối cùng cũng không giấu nôỉ bản chất phản động lưu manh bịp bợm, chống lại nhân dân, độc tài tham nhũng.và bán nước của đảng.

    Trả lờiXóa
  3. Những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới luôn cố gắng dành cho các công dân nước mình sự tận tâm.
    Còn kẻ/nhóm độc tài luôn chỉ mong sự phục tùng của dân chúng.
    Đó là sự khác biệt giữa Người và Vật.

    Trả lờiXóa
  4. Hoàn toàn đồng ý với bạn Năc danh 09:06 - nhưng xin sửa lại một tí,đó là : "Đó là sự khác biêt giữa Người và Vật " => ĐÓ LÀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI VÀ ÁC QUỈ ! ( vì vật nó cũng tình cảm lắm,cũng biết yêu thương nòi giống của chúng mà ! )

    Trả lờiXóa
  5. Không có bạo lực thì không có chính quyền, không có bạo lực thì chờ kẻ thù bàn giao chính quyền cho chăng/ Còn lâu nhé. Các vị đả kích việc dung bạo lực để cướp CQ vậy các vị đã bao giờ nghe vụ Mai Văn Hạnh chưa, chắc các vị cũng không lạ gì chiến dịch "Chuyển lửa về quê nhà của các vị?
    Một nhúm người bị kích động gây bạo loan chứ không phải ND TQ. Tôi đồng tình phải dung bạo lực CM để dẹp chúng. Còn các vị có giỏi thì tiếp tục đưa quân về VN chống phá như Mai Văn Hạnh, Nguyễn Quốc Túy đi, nhưng nhớ là khi vô nhà đá thì chớ trách tôi xui dại nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới luôn cố gắng dành cho các công dân nước mình sự tận tâm.
      Còn kẻ/nhóm độc tài luôn chỉ mong sự phục tùng của dân chúng.
      Đó là sự khác biệt giữa Người và Súc Vật!
      Nói thêm với mi, trong này đa số là những người cs cũ, không phải VNCH. Nên sức mạnh của họ là rất lớn!
      Nếu còn hung hăng, vào nhà đá tương lai sẽ là mi đấy! Trong vụ nhân dân nổi dậy ở Bình Thuận vừa qua, bọn mi đã phải khiếp nhược đầu hàng!

      Xóa
    2. Nặc danh11:10 Ngày 06 tháng 06 năm 2015 nói rằng"Không có bạo lực thì không có chính quyền, không có bạo lực thì chờ kẻ thù bàn giao chính quyền cho chăng"-quan điểm bạo lực này rất phản động trong thời đại ngày nay.
      Một câu hỏi và câu trả lời sặc mùi cs phát xít.
      Nếu đã là "chính" thì đừng mở mõm ra nói đến bạo lực, mà phải luôn bằng lá phiếu của dân bầu lên thông qua cạnh tranh với các thành phần khác trong xã hội.
      Nếu đã tin ở công lý, ở chính nghĩa thì sao cứ phải dùng súng đạn giết chóc? Hãy để dân XD lên một hiến pháp thực sự, bảo vệ quyền lợi cho mọi người, không có đặc quyền cho đảng phái nào, Hãy để các đảng phái cạnh tranh tự do, dân tin ai bầu nấy mơí có tiến bộ dân chủ và công bằng.
      Nặc danh11:10 Ngày 06 tháng 06 năm 2015 càng nói ra càng thấy lợm giọng đấy, ô nhiễm cả bầu không khí diễn đàn dân chủ này.

      Xóa
    3. Chưa hẳn những người như Mai Văn Hạnh, Mai Quốc Túy đã là "phản động, thế lực thù địch của nhân dân" đâu, lịch sử sẽ công bằng chứ không tự sướng và tự sủa bậy được.
      Chỉ có người dân sau này, không còn bị chế độ này cai trị, mới phán đánh giá đúng chế độ hiện nay, còn hiện nay mình đang đè đầu nguười ta, thì người ta treo cờ đấy, treo khẩu hiệu đấy, nhưng người ta khinh và căm ghét người cầm quyền đâu phải noí ra miệng .

      Xóa
  6. Kỷ Niệm Biến Cố THIÊN AN MÔN 20 Năm (1989-2009)

    Anh Đi Về Đâu ?
    **************

    Để vinh danh Phong trào Dân Chủ Bắc Kinh 1989 .. ..
    Ngày 5 tháng Sáu 1989 -- Một thanh niên một mình ngăn chận đoàn xe tăng bọc thép đang tiến về Quảng trường Thiên An Môn .. ..

    https://www.youtube.com/watch?v=LBN11-F8kh8


    Anh đi về đâu ?
    Anh hùng vô danh .. ...
    Một mình ngăn cản
    Đoàn xe tăng đen
    Tiến về vô tình
    Quảng trường Thiên An
    Môn : Về cổng Trời !?

    Anh đi về đâu ?
    Anh hùng vô danh .. ...
    Trong hàng vạn người
    Hiên ngang bất khuất
    Như Hoa hướng dương
    Báo hiệu mùa Xuân
    Thiên đường Dân chủ
    Hoa nở Tự Do
    Lý Bạch hẹn hò
    Trăng lên biển ngát
    Vùng trời ngào ngạt
    Hải Âu bay lượn
    Mây ngàn năm bay .. ..

    * * *
    Anh đi về đâu ?
    Anh hùng vô danh .. ...
    Chìm trong biển máu
    Quảng trường Thiên An
    Máu vun hoa hồng
    Nuôi Hoa hướng dương
    Nở vườn Dân chủ

    * * *
    Anh đi về đâu ?
    Anh hùng vô danh .. ...
    Theo cánh hạc vàng
    Giã từ trần gian
    Ôi Lầu Hoàng Hạc !
    Theo bóng trăng chơi
    Thi ca Lý Bạch
    Theo ánh Mặt trời
    Khuất Nguyên (1) bất khuất
    Theo mây phương Nam
    Thơ Cao Bá Quát (1).. .. ... ..

    Anh đi về đâu ?
    Người hùng vô danh .. ..
    Chân trời viễn mộng
    Một cánh vạc hồng
    Trung Quốc đêm đông .. ..
    Thiên An Môn lạnh
    Gió bấc Ngoại Mông
    Tân Cương thổi về
    Ấm tình Bắc Đảo (1)
    Phật sống Tây Tạng
    Phải sống lưu vong
    Người tù lương tâm
    Ngụy Kim Sinh dám
    Thách thức độc tài
    Vương Đan nghịch trái
    Nổi dậy sợ ai !!!

    * * *
    Anh đi về đâu ?
    Người hùng vô danh .. ...
    Đi vào Trung Sử
    Đi vào ngưỡng cửa
    Dân chủ Tự do
    Đi vào Thời Đại
    Đi vào Hồi sinh
    Đi vào Tái sinh
    Đi vào Vĩnh hằng

    Paris, ngày 14 tháng Bảy 1989 .. ..
    Kỷ Niệm 200 Năm Cách Mạng Pháp .. ..

    Nguyễn Hữu Viện

    1. Khuất Nguyên, Bắc Đảo & Cao Bá Quát những nhà thơ Trung Quốc & Việt Nam cách mạng phản kháng bất khuất

    Trả lờiXóa
  7. Theo tôi nghĩ không nên đánh giá sự kiện này là sinh viên TQ đòi dân chủ với Cộng sản TQ, mà là SV TQ đòi dân chủ từ triều đình phong kiến TQ. TQ chưa từng thay đổi, vẫn là triều ca, quân chủ, tướng quốc phụ trợ, gia tộc với nội tình hàng trăm, ngàn năm đem tiền đồ vận mệnh gắn lên quân chủ. Lý thuyết của cộng sản là trả ruộng lại cho dân nhưng ruộng thì ở đâu ra ngoài các thế gia. Cứ làm 1 cái giả thiết các thế gia đã cống hiến 80 % -90 % ruộng đất cho chính quyền sơ khai của TQ thì nay ruộng đất đó cũng quay về với họ mà thôi.
    Không bao giờ có khái niệm dân chủ, minh bạch tài sản quốc gia ở cái mô hình quân chủ kiểu mới này. Chính phủ của họ có thể nói thành công đối với bảo vệ quốc gia nhưng không thể nói họ bảo vệ được người dân trong đó công bằng và công lý được thực thi.

    Trả lờiXóa
  8. Không có bạo lực thì không có chính quyền, không có bạo lực thì chờ kẻ thù bàn giao chính quyền cho chăng/ Còn lâu nhé. Các vị đả kích việc dung bạo lực để cướp CQ vậy các vị đã bao giờ nghe vụ Mai Văn Hạnh chưa, chắc các vị cũng không lạ gì chiến dịch "Chuyển lửa về quê nhà" của các vị?
    Một nhúm người bị kích động gây bạo loan chứ không phải ND TQ. Tôi đồng tình phải dung bạo lực CM để dẹp chúng. Còn các vị có giỏi thì tiếp tục đưa quân về VN chống phá như Mai Văn Hạnh, Nguyễn Quốc Túy đi, nhưng nhớ là khi vô nhà đá thì chớ trách tôi xui dại nha Cũng như ở TQ một nhúm nguòi (pản động, bất mãn chống phá CM Việt Nam) không bao giời là đại diẹn cho tiếng nói của dân tộc. CQCM hãy đè bẹp chúng khi chúng bắt đầu có âm mưu như đã làm 40 năm qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn và không thể dùng bạo lực cách mạng ngụy biện.

      Xóa
    2. Nặc danh14:44 Ngày 07 tháng 06 năm 2015 laf Một tên phát xít cs đích thực-hãy câm ngay cái mõm lại, đây không phải là báo "nhân dân" mà mi đòi đem súng ống ra nói chuyện phải trái.

      Xóa
    3. chú tay sai Ba Tàu (Nặc danh14:44 Ngày 07 tháng 06 năm 2015) nên gợi ý cho lãnh đạo đảng lệnh cho các tỉnh làm mọi cách để các quan và chú mày thăng tiến vùn vụt như tàu vũ trụ “Thần Châu”: xây đền thật hoành tráng thờ Hoằng Thao, Liễu Thăng, Tôn Sĩ Nghị, đổi tên các phố phường, quảng trường, công viên…thành “đại lộ Mao Trạch Đông”, “đường Đặng Tiểu Bình”, “phố Giang Thanh”, “đại lộ Tào Tháo”, “quảng trường Tư Mã Ý”, “hồ Trư Bát Giới”, “công viên Ngưu Ma Vương” v.v…

      Xóa
  9. "Sự khát khao cho tự do nằm ở trong tất cả con người. Và sự khát khao đó sẽ không bị kìm hãm bởi những nhà tù, những luật truy nã hoặc cảnh sát chìm. Qua từng giai đoạn, tự do sẽ tìm lối đi."
    "Tôi tin rằng Thượng Đế đã gieo mầm trong mỗi con người sự khát khao để sống trong sự do. Và khi sự khát khao đó bị đe dọa bởi độc tài, nó sẽ nổi dậy."
    George W. Bush

    Trả lờiXóa