Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Khảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển (P3)

(tiếp theo và hết)
… Nếu cứ chủ quan cho rằng chỉ cần qua đấu tranh vũ trang xây dựng chính quyền mới thì mình đã là một nước XHCN “đủ tiêu chuẩn” rồi; ai không đồng ý với ý kiến đó, hoặc tỏ ý nghi ngờ gì, thì thẳng tay kiên quyết loại bỏ, đả kích thậm chí đàn áp họ. Như vậy không những rất khó xây dựng thành công CNXH “đủ tiêu chuẩn” thật sự, hơn thế còn có thể trở thành một thứ chủ nghĩa cực quyền kiểu phong kiến nửa phong kiến, như Liên Xô thời kỳ Stalin trước đây. Cuối cùng, không những không xây dựng thành công CNXH chân chính, mà còn bị quảng đại quần chúng và cán bộ phản đối, thậm chí vứt bỏ.
Về công bằng xã hội ở Thụy Điển
Báo cáo Khảo sát viết: “Qua nhiều thực tế chúng tôi đã tìm hiểu và tiếp xúc trong quá trình khảo sát, có thể nói xã hội Thụy Điển tương đối công bằng. Tuy không thể nói Thụy Điển hoàn toàn không có chế độ đặc quyền đẳng cấp, lối sống không lành mạnh và hiện tượng tham nhũng thường thấy ở nhiều nước khác, nhưng qua tai nghe mắt thấy thì các hiện tượng đó đúng là không nhiều. Tại sao xã hội Thụy Điển có thể thực hiện được tương đối công bằng? Chủ yếu là do:
“(1). Có chế độ pháp luật hoàn thiện, có thể hạn chế một cách hữu hiệu sự nảy sinh các hiện tượng bất công xã hội. Thí dụ, pháp luật quy định rõ: trừ Quốc vương ra, bất cứ ai, kể cả Thủ tướng, khi ra ngoài đều không được mang theo nhân viên bảo vệ. Chính vì thế mà Thủ tướng Thụy Điển kiêm Chủ tịch đảng XHDC nước này là ông Ô-lôp Pan-mơ [Olof Palme, 1927-1986] đã bị ám sát. Hôm đó, vào cuối năm 1986 (không lâu trước ngày chúng tôi thăm Thụy Điển), sau giờ làm việc, ông Pan-mơ cùng vợ đi tầu điện ngầm đến xem phim ở một rạp chiếu bóng trong khu phố đông vui nhất thủ đô Xtốc-khôm [Stockholm]. Xem phim xong, hai người ra về, khi đang đi bộ trên đường phố, sắp đến một ga tầu điện ngầm thì ông Pan-mơ bị một kẻ lạ mặt bắn chết; nghe nói cho tới nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Sau vụ này, Thụy Điển mới sửa đổi luật, quy định Thủ tướng khi ra ngoài cũng có thể mang theo nhân viên bảo vệ. Khi chúng tôi đến thăm chỗ ông bị ám sát, vẫn còn thấy vết máu trên đường, thỉnh thoảng có người mang hoa đến đặt lên chỗ có vết máu tỏ lòng thương tiếc.
“Luật pháp cũng ghi rõ: trong cả nước, chỉ một số rất ít cấp lãnh đạo như Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng mới được nhà nước cấp ô tô công vụ, còn tất cả các quan chức khác chỉ được đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe tư của mình. Quy định trên không những giảm rõ rệt biên chế nhân viên cơ quan nhà nước và chi phí, mà còn ngăn chặn được tình trạng lợi dụng xe công làm việc tư, cũng như các tác phong không lành mạnh khác.
“Pháp luật còn quy định rõ: trong công việc giao thiệp với khách nước ngoài, người lãnh đạo ở cấp nào thì được nhận quà tặng trị giá bao nhiêu. Chúng tôi đã có một lần tự mình thấy rõ điều này. Năm 1985, lần đầu tiên tôi theo Đoàn Cải cách cơ chế đến Thụy Điển khảo sát, đơn vị đón tiếp chính về phía bạn là Bộ Công nghiệp. Trong buổi làm việc với bà Bộ trưởng Bộ này, chúng tôi có tặng bà một đôi bình hoa nhỏ Cảnh-Thái-Lam cao khoảng 7-8 tấc Anh, sản xuất tại Bắc Kinh, để làm kỷ niệm. Sau khi mở hộp giấy bọc và xem món quà, bà kinh ngạc khen: Đẹp quá! Nhưng rồi bà lại thở dài: Rất tiếc là tôi không được mang món quà này về nhà. Lúc đó chúng tôi đều không hiểu tại sao bà lại nói thế. Khi ra về, tôi có hỏi một cán bộ Sứ quán Trung Quốc cùng dự buổi tiếp hôm ấy, mới biết luật pháp Thụy Điển có quy định, lãnh đạo cấp Bộ trưởng trong hoạt động ngoại giao chỉ được nhận quà biếu có giá trị lớn nhất không quá 1.500 cuaron (khoảng 180 đôla Mỹ). Loại bình hoa chúng tôi biếu, ở Bắc Kinh thì không đáng bao nhiêu tiền, nhưng ở Thụy Điển thì ước tính có thể hơn 1.500 cuaron. Do đó bà Bộ trưởng không thể mang về nhà, mà chỉ có thể để ở phòng làm việc. Bao giờ mãn nhiệm, giả thử tân Bộ trưởng đến có nói món quà này nếu bà thích thì lấy đi; lúc đó mới có thể đem về nhà mình.
“(2). Dư luận giám sát công khai, là biện pháp hạn chế mạnh mẽ sự phát sinh và lan tràn các hiện tượng bất công xã hội. Về mặt này, năm 1988, khi chúng tôi đến Thụy Điển và Áo [Austria] khảo sát, ở cả hai nước đều gặp những chuyện cụ thể. Chúng tôi tới Thụy Điển đúng vào lúc cô con gái của một vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đảng XHDC Thụy Điển (tương đương Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSTQ) và là Chủ tịch Công đoàn toàn quốc, có chuyện rắc rối: báo chí tố giác cô này chưa đủ tiêu chuẩn được phân phối nhà nhưng vẫn được chia nhà, và phê phán ông Chủ tịch Công đoàn lợi dụng đặc quyền đảng XHDC đang nắm chính quyền để tư lợi. Vì vấn đề này, đảng XHDC đã tổ chức một cuộc họp báo để công khai giải thích và tỏ thái độ. Trong họp báo, ông Chủ tịch Công đoàn tuyên bố: việc này ông không được biết trước, là do con gái ông tự làm; dĩ nhiên, ông có trách nhiệm là giáo dục con chưa nghiêm, ông nhất định sẽ đôn đốc con gái trả lại nhà nước căn nhà này, và sẵn sàng nhận sự phán xử của luật pháp. Sau đó, vụ tai tiếng này mới chìm xuống".
Về vấn đề địa vị trong xã hội của chính đảng và của người lãnh đạo
Vấn đề này được Báo cáo Khảo sát dành riêng một đoạn viết về những gì đã tìm hiểu khảo sát được: “Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các chính đảng và nguy cơ sống còn của đảng đã buộc lãnh đạo các cấp và tầng lớp công chức phải đối xử với quần chúng nhân dân bằng một thái độ bình đẳng và giải quyết các công việc xã hội theo nguyên tắc công bằng. Về chính trị, Thụy Điển thực hành cái gọi là chế độ dân chủ kiểu phương Tây, các chính đảng cạnh tranh với nhau rất gay gắt, lá phiếu bầu của quần chúng quyết định đảng nào được lên vũ đài chính trị nắm chính quyền, sự sống còn của đảng trên một mức độ lớn cũng phụ thuộc vào lá phiếu bầu cử của nhân dân. Nhà nước không cấp kinh phí vô điều kiện cho các chính đảng, nguồn kinh phí hoạt động của các đảng phải trông vào đảng phí của đảng viên nộp và các nguồn tự gây quỹ, phần khá lớn nữa là kinh phí chính phủ cấp dựa vào số lượng nghị sĩ của đảng trong Quốc hội. Đảng nào không nhận được nhiều phiếu bầu của quần chúng thì không vào được Quốc hội, do đó không có khoản kinh phí nói trên, như vậy sẽ rất khó tồn tại lâu dài.
Bởi lẽ đó, dù là nguyện vọng chủ quan thế nào đi nữa, trong mọi hoạt động, đảng XHDC Thụy Điển đều bắt buộc phải luôn giữ cho mình một hình ảnh giầu mà không xa xỉ, bình đẳng đối xử với quần chúng, bảo đảm công bằng xã hội. Thí dụ: tuy đảng XHDC Thụy Điển đã nhiều lần nắm chính quyền và một lần nắm chính quyền liền 44 năm, nhưng vào cuối thập kỷ 1980 khi chúng tôi đến đây khảo sát, cơ quan trung ương đảng của họ vẫn chỉ có 50-60 nhân viên công tác. Tỉnh uỷ tỉnh Goteborg chỉ có 5~6 người. Khi chúng tôi đến làm việc với họ, chỉ thấy một cán bộ làm tất cả mọi việc, từ giới thiệu tình hình, toạ đàm trao đổi ý kiến, dẫn đi tham quan các nơi, hướng dẫn du lịch, và cả việc lái xe nữa. Họ cho biết, tỉnh uỷ Goteborg có 3~400 chi bộ phân tán trong các cộng đồng phường xã (vì pháp luật quy định không được tổ chức chi bộ đảng trong các doanh nghiệp và cơ quan đơn vị), mỗi tháng ít nhất tỉnh uỷ phải đến mỗi cơ sở một lần để tìm hiểu nắm tình hình, chỉ đạo công tác và truyền đạt chỉ thị của cấp trên; do đó công tác của họ rất bận.
Năm 1985, khi tôi theo Đoàn Cải cách cơ chế thăm Thụy Điển lần đầu, hôm đến Goteborg đúng vào Chủ nhật, Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng tổ chức chiêu đãi chúng tôi trong một pháo đài trên núi gần biên giới với Na-uy. Phòng tiệc bày biện sang trọng nhưng ăn uống rất đơn giản. Sau bữa ăn, họ mời ra quảng trường ngoài pháo đài nghe một đoàn nhạc giao hưởng vừa từ Moskva trở về biểu diễn. Khách nghe nhạc, từ toàn đoàn chúng tôi cho tới Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch HĐND tỉnh, tất cả đều không có chỗ ngồi, mà cùng đứng chung với khách du lịch suốt hơn một giờ. Trên đường về thành phố, khi ô tô chúng tôi sắp lên phà qua sông, bỗng một chiếc xe phía trước không nổ được máy. Lúc đó, Chủ tịch HĐND ngồi bên cửa xe (ông này thọt chân) và Chủ tịch tỉnh lẳng lặng xuống xe trước tiên, cùng mọi người đẩy xe cho tới lúc xe nổ máy được mới thôi. Cảnh này thật làm mọi người cảm động.
“Nguyên tắc công bằng xã hội nói trên của các bạn Thụy Điển không những chỉ thể hiện trong việc giải quyết các công việc trong nước, mà đối với các bạn nước ngoài cũng vậy. Lần đi Thụy Điển năm 1988, hôm tới Xtốc-khôm đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần, vì không bố trí được phòng trọ cho chúng tôi trong thành phố, họ đưa chúng tôi đến trọ tại nhà nghỉ của một công đoàn trên hòn đảo ngoài biển gần đấy. Xung quanh nhà nghỉ là cánh đồng tuyết, khu nhà nghỉ không có tường bao cũng chẳng có người bảo vệ, rất ít nhân viên phục vụ. Mỗi người chúng tôi được bố trí ở trong một căn phòng khoảng chục mét vuông, kể cả trưởng đoàn cũng vậy, tuy có được thêm một phòng khách cũng nhỏ như thế, chỉ vừa đủ chỗ kê mấy chiếc ghế xô pha. Nghe nói đây là căn phòng ông Các-xơn (Carsson), đương kim Chủ tịch đảng XHDC và Thủ tướng chính phủ Thụy Điển, thường đến nghỉ. Hết hai ngày cuối tuần, họ đưa chúng tôi về thành phố, bố trí trọ tại một khách sạn vừa không đồ sộ, thiết bị lại vừa chưa đạt tiêu chuẩn khách sạn ba sao ở Trung Quốc. Trưởng đoàn chúng tôi cũng không được đặc cách ở phòng sang hơn, mà cũng chỉ ở một phòng tiêu chuẩn như mọi đoàn viên.
“Những người lãnh đạo Thụy Điển rất chú ý giữ gìn hình ảnh công bằng xã hội tốt đẹp nói trên, khi họ còn sống cũng như khi giải quyết việc tang lễ cho người lãnh đạo. Như ông Pan-mơ bị ám sát năm 1988, sinh thời ông vừa là Thủ tướng và Chủ tịch đảng XHDC Thụy Điển, mà còn là Chủ tịch Quốc tế của các đảng Xã hội, có ảnh hưởng lớn trên thế giới và ở châu Âu, có uy tín cao trong nước, cống hiến đối với đảng và với nước đều không nhỏ. Nhưng sau khi ông qua đời, người ta không dựng nhà kỷ niệm hoặc bia kỷ niệm ông, cũng không xây cất cho ông một ngôi mộ sang trọng, mà chỉ mai táng tro xương ông trong một nghĩa trang công cộng phía sau nhà thờ gần dãy phố nơi ông bị ám sát. Ngôi mộ ông là một khối hình hộp bằng đá cẩm thạch màu đen, diện tích khoảng 4 mét vuông, trên dựng một phiến đá cao chừng 1 mét có chữ ký của Pan-mơ. Nghe nói phiến đá này trước đây ở quê ông, mỗi lần về quê vận động tranh cử, Pan-mơ đều đứng trên phiến đá này để diễn thuyết, nên người ta mang nó về đây để làm kỷ niệm".
Phần trích dẫn Báo cáo khảo sát đến đây xin dừng lại, chủ yếu dùng cách sao chép. Theo tôi nghĩ, phần trích dẫn trên đã đưa ra một phác thảo khái quát để bạn đọc có thể hiểu được tình phong trào xã hội dân chủ Thụy Điển cùng các thành tựu đạt được.
Cảm tưởng sau khi đọc Báo cáo Khảo sát
Trước hết, ta nên nhắc lại những nguyện vọng của Ăng-ghen gửi gắm vào phong trào xã hội chủ nghĩa trong mấy năm cuối đời ông. Dĩ nhiên, Ăng-ghen không thể thấy trước những tình hình mới sau khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, càng không thể dự kiến được việc Thế chiến I đã làm cho trọng điểm phong trào XHCN chuyển từ Tây Âu đến nước Nga và phương Đông lạc hậu về kinh tế. Sau Cách mạng Tháng Muời Nga, nhiều người đặt hy vọng vào cách mạng XHCN ở Tây Âu. Khi làn sóng cách mạng đó bị lắng xuống, vấn đề cách mạng XHCN của các nước tư bản Tây Âu nên đi con đường nào lại trở nên một vấn đề thời sự. Phong trào không thể dừng lại, nhưng rõ ràng, đường lối thì có khác với đường lối của Cách mạng Tháng Muời Nga.
Chúng ta có đầy đủ lý do để nhớ lại một sách lược quan trọng do Ăng-ghen đề ra năm 1894 — cho rằng giai cấp công nhân nên “sử dụng quyền bầu cử làm một vũ khí mới của giai cấp công nhân” và nhấn mạnh “giành quyền bầu cử, giành dân chủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giai cấp vô sản chiến đấu” — sách lược này vẫn thích hợp với nhu cầu của giai cấp công nhân đang chiến đấu trong các nước tư bản Tây Âu thời kỳ sau Thế chiến I. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Muời Nga, trên thế giới hình thành sự đối lập gay gắt giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình đó, dĩ nhiên các đảng XHDC ở các nước tư bản sẽ gặp nhiều trắc trở phức tạp trong quá trình vận dụng sách lược đó; điểm này tôi đã trình bày ở phần trên. Thế nhưng, phong trào chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Thụy Điển cùng các thành tựu của nó — như Báo cáo Khảo sát đã giới thiệu với chúng ta — ít nhất cũng cho thấy việc vận dụng sách lược nói trên vào các nước tư bản Tây Âu không phải là không thu được thành tích nào. Do đó, giờ đây ngoài việc quan tâm đến những kinh nghiệm tự thân về CNXH mà chúng ta thu được (gồm kiểm tra, tổng kết và cải cách tự thân), đồng thời ta cũng nên có thái độ khoa học, khiêm tốn khảo sát tình hình phong trào XHCN phương Tây cùng các thành quả của nó (gồm cả thất bại và thành công). Hai loại kinh nghiệm này, do tình hình mỗi nước và điều kiện lịch sử khác nhau, cố nhiên có những cái không thể so sánh được, song cũng có một số điểm nào đó có thể so sánh được hoặc có thể tham chiếu được.
Về vấn đề này, thực ra bản thân Báo cáo Khảo sát đã ghi chép lại các suy nghĩ và cảm tưởng của người khảo sát. Nay xin trích dẫn như sau:
“Qua chuyến thăm này, chúng tôi đã hiểu biết tương đối nhiều và tương đối sâu về tình hình của đảng XHDC Thụy Điển (và đảng Xã hội Áo), mọi người đều cảm thấy thu hoạch rất lớn. Thế nhưng, rốt cuộc thì CNXH kiểu Thụy Điển và CNXH kiểu Liên Xô có gì giống nhau và khác nhau? Rốt cuộc nên phân tích và nhận thức như thế nào về mối quan hệ giữa Quốc tế II với Quốc tế III, giữa chủ nghĩa xét lại với chủ nghĩa Lê-nin, và giữa đảng Xã hội kiểu Thụy Điển với đảng Cộng sản kiểu Liên Xô, thì chúng tôi cảm thấy có chút khó hiểu. Bởi thế, hồi đó, sau khi thăm Thụy Điển, trên đường về nước nhân ghé qua Paris, chúng tôi đã tổ chức một cuộc toạ đàm, có mời vài đồng chí trong đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cùng dự. Từ các phát biểu trong và ngoài toạ đàm, có thể nhận thấy có hai loại cách nói và cảm tưởng đối với các vấn đề nêu trên. Thật bất ngờ, hai loại ý kiến này không hẹn mà lại trùng hợp nhau; cho đến nay tôi vẫn cho rằng đó là những ý kiến rất đáng để chúng ta suy nghĩ sâu sắc và tham khảo.
            “Một loại cảm tưởng cho rằng, đường lối cách mạng, phương châm và phương pháp cách mạng mà lý luận của Quốc tế II và lý luận của Quốc tế III cũng như đảng Xã hội kiểu Thụy Điển và đảng Cộng sản kiểu Liên Xô đã tuân theo, đều là đúng, hoặc là có lý lẽ cả; sự khác biệt giữa hai bên chủ yếu là do tình hình trong nước của mỗi bên không giống nhau.
            Quốc tế II và đảng Xã hội về cơ bản đại diện cho các nước tương đối phát triển về xã hội và kinh tế thời đó. Các nước này đã xây dựng được chế độ bầu cử dân chủ; mỗi chính đảng đều có thể qua bầu cử mà nắm được đa số trong nghị viện, rồi quá độ hoà bình lên nắm chính quyền, từ đó thực thi cương lĩnh và chính sách của đảng mình. Sau thập kỷ 20 thế kỷ XX, đảng Xã hội (hoặc đảng Xã hội dân chủ, Công đảng) ở phần lớn các nước châu Âu đều lên nắm chính quyền thông qua hình thức bầu cử dân chủ, thậm chí nắm chính quyền khá lâu, và thực thi các loại chính sách cải cách xã hội; tác dụng của các đảng này trong việc thúc đẩy sự cải lương và phát triển kinh tế xã hội thậm chí cả chế độ chính trị ở các nước đó, là không thể bỏ qua, và là sự chứng minh hùng hồn nhất.
             Quốc tế III và đảng Cộng sản về cơ bản đại diện cho một số nước kinh tế xã hội tương đối lạc hậu hồi đó. Những nước này không những chưa xây dựng được chế độ bầu cử dân chủ, mà hơn nữa, bọn phản động nắm chính quyền được vũ trang tận răng lại có quyền tự do đàn áp các lực lượng cách mạng. Tại các nước này, nếu không tiến hành đấu tranh vũ trang thì không thể nào lật đổ được ách thống trị của bọn phản động, không thể giành được chính quyền, củng cố chính quyền và thực thi cương lĩnh và chính sách XHCN. Nhưng đối với các nước đó, về tư tưởng chỉ đạo, có một điểm cần phải làm hết sức rõ: biện pháp đấu tranh vũ trang để cướp chính quyền chỉ có tác dụng “bà đỡ” đối với CNXH; đánh giá theo tiêu chuẩn và yêu cầu của CNXH Mác-xít thì trên thực tế các nước này lại chưa “đạt yêu cầu” trên hai mặt cực kỳ quan trọng sau đây:  (1) CNXH yêu cầu phát triển cao độ trình độ sức sản xuất;  (2) CNXH yêu cầu phải có nền pháp chế dân chủ hoàn thiện. Bởi vậy sau khi chính quyền XHCN ra đời dưới sự “đỡ đẻ” của biện pháp đấu tranh vũ trang, phải hạ quyết tâm tranh thủ “học bù” hai bài học này (đây chính là nguyên nhân Trung Quốc tự xác định mình còn đang ở trong “giai đoạn sơ cấp của CNXH”; nhiệm vụ của giai đoạn này là để “học bù” hai bài học nói trên, nhằm chuẩn bị điều kiện xây dựng thành công CNXH thực sự — ghi chú của Ngô Giang).
            Nếu có thể nhận thức như vậy về vấn đề này, thì sau khi cách mạng thành công, xây dựng được chính quyền mới rồi, trừ phi đất nước bị xâm lược, nếu không, phải tranh thủ thời cơ tập trung lực lượng học thật nhanh thật tốt hai bài “học bù” này, dựa vào tính ưu việt của chế độ XHCN sẽ có khả năng nhanh chóng đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đuổi kịp trình độ của các nước phát triển, xây dựng thành công CNXH thật sự. Nếu không nhận thức vấn đề như vậy, mà cứ chủ quan cho rằng chỉ cần qua đấu tranh vũ trang xây dựng chính quyền mới thì mình đã là một nước XHCN “đủ tiêu chuẩn” rồi; ai không đồng ý với ý kiến đó, hoặc tỏ ý nghi ngờ gì, thì thẳng tay kiên quyết loại bỏ, đả kích thậm chí đàn áp họ. Như vậy không những rất khó xây dựng thành công CNXH “đủ tiêu chuẩn” thật sự, hơn thế còn có thể trở thành một thứ chủ nghĩa cực quyền kiểu phong kiến nửa phong kiến, như Liên Xô thời kỳ Stalin trước đây. Cuối cùng, không những không xây dựng thành công CNXH chân chính, mà còn bị quảng đại quần chúng và cán bộ phản đối, thậm chí vứt bỏ.
              Một loại cảm tưởng khác cho rằng, mối quan hệ giữa Quốc tế III với Quốc tế II, giữa đảng Cộng sản kiểu Liên Xô với đảng Xã hội kiểu Thụy Điển thì giống như mối quan hệ giữa đạo Thiên chúa với đạo Tin lành,[10] “tổ tiên” của cả hai đều là một nhà. Chẳng qua, Quốc tế III và đảng Cộng sản kiểu Liên Xô chủ trương kiên trì tiến hành mọi cái theo nguyên văn lời của “tổ tiên” không sai một chữ (cách nói này có thể bàn lại: làm cách mạng XHCN tại các nước kinh tế lạc hậu thực ra đúng là không theo nguyên văn lời của “tổ tiên”; cái gọi là khuynh hướng thuyết độc tôn giáo lý cơ bản[11] thì thể hiện ở một mặt khác. — Ghi chú của Ngô Giang), không được vượt qua, có chút giống như thuyết độc tôn giáo lý cơ bản người ta thường nói. Còn Quốc tế II và đảng Xã hội kiểu Thụy Điển thì chủ trương tiến cùng thời đại, căn cứ theo sự phát triển của thời đại và sự biến đổi của xã hội mà không ngừng cải cách đổi mới, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng và thực thi ảnh hưởng và chủ trương của lý luận do “tổ tiên” đề xướng, từ đó giành được thắng lợi lớn hơn.”
           Ngày nay, xem ra hai mô hình tiến lên chủ nghĩa xã hội nói trên đều có tính tất nhiên và tính chính đáng lịch sử. Còn nói về việc nhìn nhận hai mô hình đó và mối quan hệ giữa chúng với nhau, thì đây là một vấn đề nên xem xét thận trọng và nghiên cứu kỹ. Mong rằng trên vấn đề này sẽ nhận được nhiều cao kiến của các bạn đọc.
 Tác giả: Ngô Giang (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành/(Nghiên Cứu Quốc Tế)
—————–
 NguồnKhảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển: Nhân đọc “Một bản báo cáo khảo sát đến muộn”, Chủ nghĩa Mác và Hiện thực số tháng 3/2002, Tạp chí hai tháng một kỳ, tiếng Trung Quốc. Cơ quan chủ trì tạp chí: Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ.
          Tác giả Ngô Giang là giáo sư, nguyên Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương, thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
           Báo cáo mà tác giả đề cập là của Dương Khải Tiên, được viết sau chuyến khảo sát Thụy Điển hồi những năm 1980, khi Liên Xô còn đang vững mạnh.
             Nguyễn Hải Hoành lược dịch và làm toàn bộ các chú thích ở cuối trang và trong ngoặc.
——————
[10] Nguyên văn chữ Hán là Ki Tô Giáo. Chú ý:  Trung quốc quen dùng Ki Tô Giáo để chỉ Tân Giáo (tức đạo Tin lành, tiếng Anh là Protestantism). Đạo Thiên chúa (còn gọi Công giáo): Roman Catholic.
[11] Fundamentalism (chủ nghĩa tin theo các ghi chép trong Kinh Thánh, phủ định Thuyết Tiến hoá và các học thuyết hiện đại khác). TQ dịch là chủ nghĩa cơ yếu hoặc chủ nghĩa nguyên giáo chỉ.
----------------

1 nhận xét:



  1. MIYAMOTO ARIANA : Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2015 Người đẹp từ Qurng Đảo Phố Nguyên tử


    https://www.youtube.com/watch?v=iPhwUsa8P0A

    2015 MISS UNIVERSE JAPAN WINNER MIYAMOTO ARIANA

    Em đến từ thành phố Quảng Đảo
    Nước da bầng quân dáng thanh cao
    Nóng bỏng như trái bom tình dục
    Nồng độ phóng xạ nguyên tử dạt dào
    Sinh ra mang dòng máu Mỹ-Nhật
    Từng tử thù nay bạn tương giao
    Quê cha Bang nuôi gà (0) nghèo đất Mỹ
    Quê Mẹ nhìn em nửa người nửa cá !
    Gọi Bán phần (1) dành cho con lai mà .. ..
    Dù rất Nhật Miyamoto Ariana ! !
    Giọng nói mềm mại nhỏ nhẹ thỏ thẻ
    Bàn tay tinh tế khuôn mặt kín đáo diết da
    Dù sao em không hoàn toàn người Nhật ! ?
    Em vừa đoạt Vương miện Hoa hậu cao xa


    https://www.youtube.com/watch?v=5s-8HEq7NW0

    Japanese React to Mixed-race Miss Universe Japan Ariana Miyamoto


    Truyền thông Nhật Bản phần lớn phớt tĩnh
    Trên đường người Nhật xem tôi lạ xa
    Chẳng nào ai bước tới hỏi tôi gì cả
    Nhưng nhiều du khách chúc mừng thiết tha
    Dù họ xa lạ không phải người Nhật
    Truyền thông quốc tế mỗi ngày đến tận nhà
    Chỉ vì em con lai bán phần nên bất ổn .. ..
    Chúc em đạt chức Hoa hậu Hoàn vũ nha !
    Vương miện này giúp bao đứa con lai Nhật
    Giải tỏa mặc cảm lưu đày giữa Quê Mẹ xót xa .. ..


    TỶ LƯƠNG DÂN


    (0) Tiểu Bang nuôi gà Arkansas quê hương của Bill Clinton và ứng cử viên Tổng thống Perot

    (1) "Hafu" từ chữ tiếng Anh "half - một nửa"

    Trả lờiXóa