Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Hội nhập, doanh nghiệp phụ thuộc vào cải cách thể chế

*  TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN
1. Chúng ta kết thúc năm 2015 với những thành tựu đáng được ghi nhận: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng khá; một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị - một trong ba đột phá chiến lược được đề ra tại Đại hội Đảng XI đã được xây dựng và nâng cấp. Đây là hành trang quan trọng để chúng ta bước vào năm 2016 với những vận hội mới nhưng cũng nhiều thách thức mới.
Tôi muốn sử dụng cụm từ “vận hội” thay cho cụm từ “cơ hội” với suy nghĩ là năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn có thể tạo ra vận hội mới trên con đường phát triển của đất nước. Vấn đề là chúng ta có làm được điều đó hay không!
Trước hết, năm 2016 là năm tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII. Người dân mong chờ đại hội lần này thực sự là một đại hội dân chủ, trí tuệ và đổi mới. Không dân chủ trong Đảng thì sẽ không thể có dân chủ trong toàn xã hội! Không dân chủ sẽ không phát huy được trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân. Và nếu không có tầm cao trí tuệ và tinh thần đổi mới thì không thể nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại - một thời đại mà khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc, làm mọi thứ thay đổi rất nhanh như thời đại chúng ta đang sống! Ở đây, điều Marx nói cách đây gần hai thế kỷ, rằng “đại công nghiệp làm phá vỡ các quan hệ cổ truyền”, vẫn có giá trị định hướng tư duy của chúng ta.
/*** Doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ nguồn lực lớn 
của quốc gia, chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng 
của cả nền kinh tế, nhưng tạo ra ít việc làm và hiệu quả thấp, 
lại đang chèn lấn khu vực tư nhân/.
Bên cạnh đó, trong năm 2015 và 2016, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) theo tiêu chuẩn WTO+ đã hoặc sẽ được ký kết. Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao với những cam kết sâu rộng về (cải cách) thể chế, mở cửa thị trường và chế tài thực thi nghiêm ngặt. Năm 2016 cũng là năm bắt đầu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Những liên kết đa tầng nấc này tạo ra những cơ hội mới to lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức mới gay gắt cho đất nước. Không nêu lại những cơ hội cũng như những thách thức đã được nhiều người nói đến, chỉ xin nhấn mạnh hai điều:
Một là, cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, cũng không tự nó chuyển thành sức mạnh trên thị trường mà tùy thuộc vào hành động của chủ thể. Cũng vậy, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng “dồn ép” đến đâu còn tùy thuộc vào khả năng phản ứng của chủ thể. Chủ thể ở đây là Nhà nước và doanh nghiệp.
Nếu tận dụng tốt cơ hội sẽ đẩy lùi được thách thức và tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, nếu không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục!
Trong hai chủ thể nói trên, doanh nghiệp phản ánh tất cả nhưng tự nó không quyết định tất cả. Doanh nghiệp - xét đến cùng là nơi phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhưng doanh nghiệp luôn hoạt động trong một khung khổ thể chế và một môi trường kinh doanh xác định.
Nhiều nhà kinh tế học đã khẳng định thể chế là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cũng chứng minh sự đúng đắn của nhận định này. Mà điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước và bộ máy của nó.
Hai là, trong thách thức có cơ hội. Đây là biện chứng của sự phát triển.
Để tự tin trên hành trình mới của sự phát triển, chúng ta cần nắm chắc hai điều có liên quan mật thiết với nhau nêu trên. Điều thú vị là cả hai điều này lại là “hai trong một”. Đó là phải đẩy mạnh cải cách thể chế quản trị quốc gia. Đây là một đột phá chiến lược quan trọng đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu về nội dung này nhưng sức cạnh tranh về thể chế vẫn nằm ở vùng trũng của thế giới. Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016 do WEF công bố, chỉ số “Cạnh tranh về thể chế” xếp thứ 93 trong số 140 nước được xếp hạng và đứng thứ 8 trong 10 nước ASEAN (thấp hơn các nước ASEN-6 và thấp hơn cả Lào).
2. Để cải cách thể chế, yêu cầu tổng quan là:
Thứ nhất, phải bảo đảm sự tương thích giữa các nội dung trong một nền chính trị hiện đại. Đó là: chính trị dân chủ, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng là “đổi mới đồng bộ cả chính trị và kinh tế”.
Thứ hai, bảo đảm sự đồng bộ trong cả ba yếu tố của thể chế: định chế quản lý, bộ máy quản lý và cán bộ quản lý. Trong đó, bộ máy quản lý không chỉ là cơ quan thực thi các quy định quản lý mà còn là “đường dẫn” để các cơ chế, chính sách quản lý đến với người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Bằng phương pháp so sánh, một nhóm chuyên gia thấy rằng, với cùng xếp hạng năng lực cạnh tranh về thể chế (là 93 điểm như Việt Nam) nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng một phần ba các nước có cùng chỉ số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình này. Một trong các nguyên nhân đó là những tiến bộ nhất định về thể chế (mặc dầu chưa đạt yêu cầu) không được chuyển thành những tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh, do bộ máy cồng kềnh, đội ngũ công chức yếu kém về năng lực và phẩm chất, không phải là “công bộc” của dân mà nhiều khi lại “hành” dân. Điều này làm chi phí giao dịch tăng lên và thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người tụt giảm. Nhưng cũng không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế tốt. Bởi lẽ thể chế tạo ra khung khổ, xác định giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh.
Để cải cách thể chế, cần định vị lại mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước làm chức năng “kiến tạo phát triển”, thị trường là cơ chế phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực và doanh nghiệp được quyền tự do lựa chọn địa bàn và lĩnh vực kinh doanh trong môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch.
Cần đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đây có thể coi là mũi đột phá để tạo lập môi trường có tính cạnh tranh cao, bảo đảm hiệu quả. Vì doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ nguồn lực lớn của quốc gia, chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, nhưng tạo ra ít việc làm và hiệu quả thấp, lại đang chèn lấn khu vực tư nhân. Cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo điều kiện để cải cách các các ngân hàng thương mại và củng cố kết quả của cải cách các ngân hàng thương mại. 
Tr.Đ.T/KinhteSaiGon
-------------

3 nhận xét:

  1. Kinh tế VNcs thực chất ngày càng mang tính nô lệ, làm thuê cho ngoại bang.
    Các doanh nghiệp tư nhân luôn bị một cổ nhiều tròng, èo uột mãi...

    Trả lờiXóa
  2. Thứ cần phải cải cách đó chính là đcs.
    Đảng còn cai trị đất nước thì người có tâm và tài không thể tồn tại và phát huy được.
    Xin ông Tuyển hãy chỉ ra một nét nào đó trong con người lão đãng trưởng Trọng lú mà tạm gọi là tài năng,trí tuệ được không.
    Có thể nói,đãng chính là cái ổ của những kẻ "tài năng có hạn,khốn nạn vô biên".

    Trả lờiXóa
  3. => Đúng,tùy thuộc sâu xa vào thể chế ! Nếu là,kinh tế thị trường ĐỊNH HƯỚNG XHCN,thì ngàn năm mây bay,vẫn là hạng BÉT,vẫn đội sổ,dân vẫn nghèo,nước vẫn MẠT, và coi chừng có thể MẤT NƯỚC !

    Trả lờiXóa