Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Một cách tìm lại tự do trong mất tự do

* VƯƠNG TRÍ NHÀN
Sau đây là bài thơ của nhà thơ Mỹ Maya Angelou(1928-2014)
TÔI BIẾT TẠI SAO CON CHIM NHỐT TRONG LỒNG VẪN HÓT 
Chú chim đang bay nhảy tự do
lơ lửng lượn qua lượn lại
thi thoảng đôi cánh chú buông lơi
như thách thức cả bầu trời
đang rực rỡ một màu cam
ráng chiều ngập nắng
Nhưng chú chim đâu biết rằng vẫn có kẻ rình mò
nên cuối đường bay, nó
rơi vào lồng chật hẹp
chỉ có thể nhìn đời
qua những chiếc song tre thếp son cay đắng
cánh của nó bị cắt bớt và
chân của nó không còn bay nhảy
nó chỉ còn biết mở cổ họng của mình ra
để hót

Chú chim trong lồng vẫn hót
với nỗi khiếp sợ đang rền rĩ trong cổ họng
có khi bật máu
của những điều chưa biết
nhưng vẫn mong cho
những lời ca của nó được nghe
trên ngọn đồ xa xôi có một chú chim bị cầm tù
trên ngọn đồ xa xôi
có một chú chim
bị cầm tù
đang hát bài ca tự do
vang lên khắp khắp

Chú chim tự do thì tha hồ nghĩ về mây gió
cơn gió mềm mại thổi qua ngọn cây
thành những lời thở dài dịu dàng
rì rào rì rào
và đợi chờ những con sâu múp míp
khi ánh bình minh hé sáng
gọi tên bầu trời: ơ ơi…
như trời xanh kia chỉ riêng
của nó

Nhưng con chim trong lồng đành chịu chết trên ngôi mộ của giấc mơ
hình bóng của nó vẫn kêu thất thanh
như ban ngày ta gặp cơn ác mộng
cánh của nó vẫn bị cắt bớt và chân của nó vẫn nhảy loi choi
những bước chân tù túng
cái đập cánh tuyệt vọng
do đó nó đã phải mở to cổ họng của mình
để hót

Con chim trong lồng vẫn hót
những lời ca bật máu cuống họng
những lời ca rền rĩ, run sợ
của những điều chưa biết
nhưng vẫn mong cho
giai điệu của nó được nghe
giai điệu của nó
được nghe
nghe
nghe
trên ngọn đồi xa xôi
có chú chim trong lồng
vẫn ca hát tự do
đến chết


Người dịch:Lê Vĩnh Tài. Dịch từ nguyên tác “I Know Why the Caged Bird Sings”, trong cuốn tự truyện cùng nhan đề của Maya Angelou. Nguyên văn bài thơ tiếng Anh đăng trên PoemHunter.com.
nguon:tienve.org

Một tiểu sử kỳ lạ
Mãi tới tháng 5-2014, lúc M.Angelou qua đời, tôi mới được đọc bài thơ Tôi biết vì sao những con chim trong lồng lại hát này.
Rồi sự tò mò lại đến để buộc một người không hiểu gì về thơ Mỹ đương đại như tôi phải theo dõi về nhà thơ. Cú hích ấy khởi động từ một chi tiết sau trong tiểu sử bà.

Người da đen lớn lên trong bất hạnh thì nhiều, nhưng bất hạnh như M.Angelou thật khủng khiếp. Tám tuổi cô bé đã bị một người bạn của mẹ hiếp.
Tiếp theo, một chi tiết gọi là bất ngờ chưa đủ, phải gọi là ít ai tưởng tượng nổi. Do Angelou đã tố cáo hành động đồi bại nói trên, người đàn ông kia bị đám đông đánh chết. Một bước chuyển đột ngột đã đến với M.Angelou “Logic của một đứa trẻ 7 tuổi rưỡi nói rằng lời nói của tôi đã giết chết ông ta. Vì thế tôi quyết định câm lặng trong gần 6 năm" – sau này bà kể lại.

Hồi học cấp hai hệ học 10 năm, tôi từng được nghe giảng về truyện Thạch Sanh, trong đó có mấy chi tiết liên quan tới sự câm lặng:
+ cô công chúa bị con chim đại bàng bắt, giam dưới hang sâu
+ Thạch Sanh cứu cô và hai người đã “thề nguyền phu phụ”
+ Lý Thông lấp hang cướp công của Thạch Sanh
+Thạch Sanh gẩy đàn nói lên nỗi lòng mình.
Bản Thạch Sanh tôi học lúc ấy viết thành thơ nên dễ nhớ. Còn nhớ đến hôm nay là hai câu tả tiếng đàn Thạch Sanh:
Đàn kêu tích trịch tình tang
– Ai đem công chúa dưới hang lên trần
 
Và hai câu dẫn lời công chúa:
-- Vì con tìm chẳng thấy chồng
Trong lòng luống những giận lòng nên câm


Công chúa hóa câm, nhưng chỉ là câm trong chốc lát vài ngày.
Quay trở lại chuyện M.Angelou. Nay cô bé câm những sáu năm. Không thể tưởng tượng nổi. Tôi hiểu đây là một cá tính mạnh, một nhân cách mãnh liệt.

Bài học thứ nhất về nghề văn.
Vấn đề vươn lên đỉnh cao của trí tuệ


Những năm sau mươi của thế kỷ trước, ở Hà Nội, tôi đã được đọc một số nhà văn nhà thơ da đen. Tới những năm tám mươi chín mươi thì còn làm biên tập và viết lời giới thiệu cho hai tiểu thuyết dịch Nếu phố Bill biết nói của James Baldwin và Chú nhóc đen của Richard Wright.
Nhằm phục vụ mục đích chống Mỹ, một số nhà nghiên cứu văn học người Nga khi giới thiệu các tác phẩm ấy chỉ nhấn mạnh tới tài năng và sự sáng tạo của các nhà văn da đen nhằm để tố cáo tệ phân biệt chủng tộc.
Nhưng đọc vào tiểu sử của chính các nhà văn ấy, tôi thấy một sự thực là cuộc sống của những người da đen cũng đục ngầu bản năng, nên hết sức tối tăm thấp kém, lòng căm thù là thứ tình cảm thường trực ở con người họ khiến mỗi người luôn làm khổ mình và những người quanh mình. Họ sống thiếu ánh sáng của trí tuệ, bởi vậy, cứ trong tình trạng tăm tối mãi.
Từ đó đã hình thành những thành kiến về người da đen, nhiều khi nó được coi là đồng nghĩa với khái niệm người vô học.

Đây chính là khía cạnh tôi muốn liên hệ tới tình hình sáng tạo ở Việt Nam.
Các nhà văn thế hệ đàn anh của tôi cũng có nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tương tự như M.Angelou.
Chỉ nhờ có năng khiếu và quyết tâm sống mà họ bước được vào văn chương, nơi trước đó, là lãnh địa riêng của những người giàu có và được học hành đến nơi đến chốn.
Nhưng điểm lại, thấy nhiều người chỉ có một ít tác phẩm ban đầu. Rồi trong hoàn cảnh VN, khi người ta muốn nâng đỡ họ bằng cách chiếu cố họ, tức không có yêu cầu cao về họ, thì các nhà văn dưới đáy này không phát triển được nữa.
Trường hợp Nguyên Hồng tác giả Bỉ vỏ cung cấp một ví dụ rõ nhất.
Đối chiếu với nhà văn Mỹ đang nói.
Đọc tiểu sử M.Angelou tôi biết bà đã trải qua đủ nghề cùng cực. Như các nhà văn ở những tầng lớp dưới đáy, bà đã phải làm các nghề khác nhau kể cả những nghề dễ làm cho người ta trở nên đồi bại.

Mở đầu bài NGƯỜI PHỤ NỮ PHI THƯỜNG đưa trên trên trang mạng Đọt chuối nonPhạm Văn Tuấn viết:
“Maya Angelou là một ngôi sao sáng nhiều mặt, bà là một nhà thơ nữ, nhà văn, người viết tiểu sử, nhà sử học, giảng sư, nhà báo, nhà làm phim, ca sĩ , diễn viên, người kể chuyện. Do là một người đa tài và nhiều năng lực, Maya Angelou đã vượt qua nhiều hàng rào ngôn ngữ, biết nói các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập, Serbo-Croatian, Fanti và đây là một thổ ngữ của xứ Ghana. Các tác phẩm của bà Maya Angelou thuộc loại bán chạy nhất (bestseller) và đã được dịch sang 10 ngôn ngữ quan trọng của Thế Giới". 

Đọc tiếp một tài liệu khác lại thấy nói là “dù chưa từng học đại học, nhưng bà đã được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ các trường đại học của Mỹ và các nước trên thế giới.”

Dường như ở đây có sự bùng nổ để tạo nên mối liên hệ giữa những cực khác nhau.
Ở khía cạnh tự học, M.Angelou đã tự sáng tạo ra mình. Như lời bà đã nói đại ý, mỗi chúng ta có quyền, có khả năng phát triển chính mình.“Nếu một người không tự sáng tạo ra mình, người ấy sẽ bị rập khuôn để trở thành y hệt người khác. Hãy đủ can đảm để làm cái việc tự sáng tạo khôn ngoan này.”

Mọi chuyện tiếp theo đã diễn ra theo cái hướng lý tưởng nhất.
Nếu nói tình trạng thấp kém ban đầu là một định mệnh hoặc một điều cấm kỵ thì phải nhận M.Angelou đã can đảm chống lại những điều cấm kỵ.
Năm 42 tuổi, bà viết cuốn sách đầu tiên mang tính hồi ký, nó có tên gọi trùng với bài thơ nói trên Tôi biết vì sao con chim nhốt trong lồng vẫn hót.
Chủ đề của tác phẩm này là một con người có thể sống còn trong một thế giới thù nghịch và vươn lên nhờ lòng can đảm và nhân cách. 
Tác giả khái quát về lẽ sống của mình “đầu tiên người đời phải học cách chăm sóc chính mình để rồi có thể chăm sóc người khác. Đó là lý do làm cho chim trong lồng hót”.
Báo chí viết rằng với cuốn tự truyện này, Maya Angelou được xem là một trong những phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên dám đưa ra công luận đời riêng của mình. 
Trên đường đời vốn ở đâu cũng nhiều tai vạ, khả năng văn chương của Angelou đã chiến thắng những kẻ cố gắng vùi dập bà và văn chương của bà. Bởi bà đã luôn yêu cao về mình nên có thể nói chiến thắng một cách oanh liệt."Tôi muốn viết thật hay để một người phải say sưa đọc từ 30 - 40 trang sách của tôi, trước khi họ nhận ra mình đang nghiến ngấu tác phẩm" - Angelou kể, với giọng tự hào không che giấu.

Các nhà văn lớn thường ảnh hưởng tới các nhà văn khác không chỉ qua các tác phẩm. Mà qua những thể nghiệm bản thân, còn giúp họ tìm ra cách tồn tại của mình.Theo nghĩa đó, có thể nói ngày hôm nay các tác phẩm văn chương của Angelou, đặc biệt là cuốn Tôi biết vì sao con chim nhốt trong lồng vẫn hót, vẫn giúp hàng thế hệ các nhà thơ, văn thuộc nhiều nền văn hóa, khám phá cuộc sống và con tim của họ.
Muốn tự khám phá ư? Trước tiên hãy lo hoàn thiện trí tuệ.

Bài học thứ hai của nghề văn.
Vấn đề tự do

Nếu bài học trên rút ra từ toàn bộ cuộc đời của M. Angelou thì bài học dưới đây có liên quan đến bài thơ mà ở trên chúng tôi đã chép.
Thoạt nhìn mọi chuyện ở đây tưởng như rất đơn giản. Cái mô-típ tiếng hát của con chim đã được bao nhiêu người nhắc tới để ca ngợi tự do. 
Sự khác biệt chỉ bắt đầu khi M.Angelou, nhắc tới cái tình thế xuất hiện tiếng hót đó.
Chim không còn thong dong ở giữa bầu trời.
Chim đây là chim trong lồng.
Tiếng hót lúc này như là hình thức duy nhất còn lại của sự sống thực sự, mà cũng là hình thức duy nhất của tự do. Nhà thơ hiện đại đã tìm thấy một hình thức mới mẻ hoàn toàn cho lời ca ngợi tự do mà trước đó đã bao người thực hiện. Chỉ hoàn cảnh đặc biệt của bà mới cho phép bà phát hiện ra một định nghĩa mới về tự do như chúng ta đã thấy.

Với những người viết văn ở một xã hội như xã hội VN sau 1945 tới nay, sau khi đọc bài thơ trên, tôi muốn nhấn mạnh mấy điểm:
-- sự hiểu biết về tự do nói chung con người nói chung ở chúng ta thường dừng lại ở mức quá đơn giản. Ai là người cầm bút chẳng khao khát tự do? Nhà thơ Petofi nói rằng vì tự do người ta cần phải hy sinh cả tình ái. Ta cũng sẵn sàng nói theo như vậy. 
-- Một thời gian dài các tác giả VN – đây tôi nói những đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội -- chỉ được dạy một thứ tự do phiến diện. Tự do là nói theo sự hướng dẫn sẵn có, là viết theo sự gợi ý và cả thúc ép của bên ngoài. Có phải từ bỏ chính mình cũng ráng chịu, vì mỗi người không là gì cả.
Nghĩ theo lối đó, tức là tự mình chối bỏ trách nhiệm với mình. Cộng với những kém cỏi trong học vấn tri thức, lẽ tự nhiên là người ta chỉ đẻ ra những sáng tác ở trình độ thấp.
--Tới khi trưởng thành nên một chút, ta mới hiểu rằng ta mất tự do thật sự. Nhưng sự mất tự do quá lâu khiến chúng ta không bao giờ trở lại với nhận thức đúng về tự do nữa. Điều này khởi đầu cho mọi tai vạ.
Niềm tự tin và sự hiểu biết về chính mình không còn. Những thất bại trong sáng tác được đổ tất cả là do mất tự do.
Rồi liền đó lại nẩy sinh cái ảo tưởng rằng chỉ cần có tự do là chúng ta có tất cả.
Tự do lúc này được hiểu là quyền làm mọi thứ một cách bừa bãi láo lếu bất chấp thói thường bất chấp đạo lý. 
Một số chán chường sinh ra kiểu viết giống như phá bĩnh, hót lên líu lo những giai điệu lộn xộn.
Một số khác lý trí hơn, cho rằng đời mình đáng để dành phần lớn vào việc đấu tranh cho tự do, chừng nào chưa có tự do thì có viết cũng vô nghĩa.
Nói theo ẩn dụ của M.Angelou, tức là những con chim trong lồng khi biết rằng mình bị giam, liền phản ứng một cách tuyệt vọng, là chim nhưng không chịu hót nữa.

Đặt vào hoàn cảnh đó, thì bài thơ của M.Angelou đưa ra một định hướng suy nghĩ khác. Tôi tạm diễn giảng như sau:
Tôi hiểu cái tình thế của tôi là mất tự do.
Nhưng tôi lại hiểu là ngoài cái tự do bên ngoài đó, còn có cái tự do bên trong mà không ai lấy được của tôi.
Tôi hoàn toàn chia sẻ với tâm trạng đau đớn của những kẻ im lặng .
Nhưng là những con chim tại sao ta lại không cất lên tiếng hót?
Không phải mọi tiếng hót chỉ là kết quả của hồ hởi say đắm.
Mà tiếng hót có thể là những lời ca bật máu từ cuống họng
Có vẻ đẹp sinh ra trong cao rộng thanh thoát bao la
Nhưng cũng có vẻ đẹp sinh ra trong tù túng bất hạnh đau khổ
Đến chết cũng không bao giờ tôi từ bỏ tiếng hót.
Trong hoàn cảnh của tôi, tôi sẽ lên tiếng ngay trong cái lồng chật hẹp này.
Miễn là tôi không phải cất tiếng hót theo mệnh lệnh của kẻ khác.
Miễn là tôi vẫn được cất lên những âm thanh trong trẻo ngân lên từ trái tim tôi.


Bài thơ trên – và cách tồn tại của M.Angelou nói chung -- giúp tôi khẳng định một cách sống cách viết mà lâu nay tôi mang máng cảm thấy là đúng. Người ta phải biết tôn trọng mọi cách sống và cách viết khác. Lại còn phải luôn luôn biết ơn những người đang đấu tranh cho tự do. Nhưng người ta phải có cách tồn tại riêng của mình. Hoàn toàn có thể tìm ra tự do trong hoàn cảnh mất tự do. Miễn là ta biết nâng mình lên, biết khao khát, không sợ hãi không than van trách móc.
Nói theo một cách nói hơi điệu đàng một chút, tôi cho quan niệm về tự do của M.Angielou “không tồi chút nào”.
Nó là một cách định nghĩa về văn chương về sự sống mà ta nên chấp nhận để noi theo.
VTN
---------------

6 nhận xét:


  1. Như phận con Chim Cút kém may mắn trong lồng chờ Chết
    *********************************




    Như con Chim Cút phận đen ngòm
    Em tử tù trong ngục tối om
    Viện Kiểm Sát Nhân dân thế đấy !
    Chúng bắt lầm Dân oan ốm tom
    Làm sao Em thoát khỏi lưới chúng
    Bầy âm binh Quỷ Đỏ men mom
    Em trong Hành lang Tử thần vô tội
    Xếp hàng chờ Pháp trường cát
    đạn gom
    Làm sao thoát khỏi Luật rừng Rừng luật ? ?
    Thân phận Chim Cút mong manh gầy còm !
    Giờ đây đời trai trẻ cạn kiệt
    Môi khô cùng nhựa sống héo mòn
    Đôi tay trong còng số tám sắt
    Thời gian đếm ngược cũng chẳng còn
    Tuyệt vọng trước Tử thần đưa lưỡi hái
    Hy vọng mỏng manh tuyệt vọng héo hon .. ..


    TRIỆU LƯƠNG DÂN

    Trả lờiXóa
  2. Quá hay ,cảm ơn ông Vương Trí Nhàn.

    Trả lờiXóa
  3. Vâng chúng ta hãy hát chúng ta cùng nhau hát dù bị nhốt trong lồng. Nhưng tiếng hát của chúng ta sẻ vang xa, tiếng hát xuất phát từ tình yêu cuộc sống, yêu tổ quốc yêu nhân dân ta. Thì không có một trở lực nào có thể ngăn được. Rồi một ngày chiếc lồng sẻ vỡ tung chúng ta sẻ bay lên bầu trời ngập nắng của tự do...

    Trả lờiXóa
  4. Tự do tâm hồn là thứ của ta mà không ai có thể trói buộc.
    Xin cám ơn anh BVB đã cho chúng tôi một khoảng trời xanh tự do, thật ra là rất hoành tráng (tầm cỡ hoàn cầu - internet).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy. Cảm ơn BVB1 và bác Bùi Văn Bồng.

      Xóa
  5. Trong các nhà phê bình văn học miền bắc, tôi rất kính trọng mỗi ông Vương-trí-Nhàn !

    Trả lờiXóa