Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nhiều tình tiết bất ngờ

Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nhiều tình tiết bất ngờ - Ảnh 1
22 bị cáo nguyên là cán bộ Nhà nước bị đưa ra xét xử trong vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC. Phần xét hỏi các bị cáo diễn ra hết sức gay cấn.
Những điểm mới trong phiên tòa
TAND TP.Hà Nội đang tiến hành xét xử các bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) cùng 20 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVC.
8 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 278, BLHS năm 1999. Riêng 2 bị cáo là Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC bị truy tố về cả 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.Trong số 22 bị cáo phải hầu tòa, có 12 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có bị cáo Đinh La Thăng.
Điều đặc biệt là phiên tòa này được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018), đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. Việc này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, đồng thời đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo.
Ngay trong phần thủ tục, luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) kiến nghị đây là một vụ án lớn, phức tạp, có nhiều lời khai đối lập nhau. Căn cứ vào Điều 304 và Điều 309 BLTTHS 2015, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị HĐXX cho cách ly các bị cáo trong quá trình xét hỏi.
Đây là vụ án điều tra nhanh, còn nhiều tài liệu chứng cứ phát sinh chưa được nghiên cứu nên luật sư đề nghị được tiếp cận bị cáo trong những lúc HĐXX không làm việc. Luật sư Chiến còn đề nghị được thông báo kế hoạch, ngày giờ xét xử cụ thể.
Bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, luật sư Đinh Anh Tuấn trình bày, bị cáo Thực có nguyện vọng muốn được thu thập thêm chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa theo quy định của BLTTHS 2015. Theo Bộ luật này, luật sư phải cung cấp cho thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Nhưng thời gian mở phiên tòa quá nhanh nên luật sư chưa kịp giao nộp chứng cứ. Do vậy, ông Tuấn đề nghị HĐXX hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa.
Luật sư Tuấn cũng đề nghị triệu tập thêm người làm chứng để làm rõ chứng cứ mới thu thập là ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh văn phòng PVN thời kỳ 2010–2011 mang tính chất gỡ tội cho ông Thực.
Đối với đề nghị triệu tập thêm nhân chứng, HĐXX đồng ý sẽ triệu tập khi cần thiết và quyết định cho cách ly các bị cáo trong quá trình xét xử.
Tiếp tục áp dụng quy định mới tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 do Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành thì bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Do vậy khi được thẩm vấn, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo đồng phạm khác sẽ lần lượt bước lên bục khai báo trả lời.
Trăm tội “đổ” lên đầu… lãnh đạo
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN khai, việc chỉ đạo chuyển tiền cho PVC, Sơn thực hiện theo phân công của Tập đoàn. PVN có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng. Bị cáo nói không nhận thức được Hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện mà chỉ biết đây là dự án lớn, việc thực hiện, thẩm định, khảo sát, thiết kế có sự chỉ đạo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó có nghị quyết chuyển về Tập đoàn nên bị cáo nghĩ hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN, phụ trách tài chính kế toán của dự án khai: “Anh Đinh La Thăng ký nghị quyết lựa chọn nhà thầu, bị cáo chỉ đôn đốc tiến độ việc ký kết với nhà thầu”.
Nguyên Phó TGĐ PVN khai nhận thêm: Khi ký chuyển đổi HĐ, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo chuyển đổi chủ đầu tư từ PV Power về tập đoàn, sau đó HĐTV chỉ đạo chuyển đổi chủ thể từ PV Power về PVN. Chỉ trong 4 ngày phê duyệt thiết kế cơ sở, là khoảng thời gian rất ngắn, dựa trên HĐ đó PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC để kịp khởi công. Bị cáo nhận thức được việc dùng HĐ 33 làm cơ sở để tạm ứng là hoàn toàn không đúng.
Trong khi đó, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khai: Bị cáo đã cảnh báo với lãnh đạo tập đoàn bằng 3 văn bản rằng Hợp đồng số 33 có vấn đề và không đủ điều kiện thực hiện, đề nghị tập đoàn có ý kiến về việc này, nhưng tập đoàn vẫn không có ý kiến gì.
Về vấn đề này, HĐXX đặt câu hỏi: “Vì sao ký chuyển tiền khi biết sai?”, bị cáo Chương cho rằng bị cáo bị ép bởi lãnh đạo Tập đoàn. “Tôi đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn không cản được anh Đinh La Thăng và TGĐ lúc nào cũng giục phải giải quyết nhanh. Tôi lại là cấp dưới phải nghe lệnh cấp trên, trong quy chế tập đoàn bị cáo phải thực hiện công việc do TGĐ phân công”, ông Chương nói.
Khi được thẩm vấn, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC khai nhận, trước đó PVC chỉ vay vốn để sản xuất kinh doanh, nhưng sau khi chuyển về thì tập đoàn PVN đã quyết định cho PVC được vay OceanBank. Tập đoàn cũng quyết định khi tăng vốn điều lệ năm 2011 lên 4.500 tỷ đồng. Như vậy, PVN đã duyệt kế hoạch tăng vốn này, trong đó có nguồn tiền để trả nợ, nhưng vì không thực hiện được tăng vốn theo lộ trình nên dẫn đến việc số tiền đầu tư vượt trội. PVC đã vay Oceanbank hơn 700 tỷ đồng, các khoản nợ khác cộng lại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh nói PVC là đơn vị thi công, mặc dù biết là không có đủ năng lực làm tổng thầu EPC nhưng tại thời điểm đó cả nước chỉ có Lilama và PVC may ra có khả năng làm tổng thầu.
Sau khi nghe các cựu cấp dưới “đổ tội”, bị cáo Đinh La Thăng khai bị cáo làm Chủ tịch HĐTV của PVN từ năm 2006 đến năm 2011. Nhiệm vụ của bị cáo là chỉ đạo các thành viên phê duyệt đường lối chiến lược; thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết quyết định của HĐQT. Theo bị cáo, Chính phủ đã triển khai, cho phép PVN đầu tư phát triển dịch vụ, cho chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các hạng mục của tập đoàn. PVN đã xây dựng các công ty con phát triển chuyên ngành, trong đó có PVC với mục tiêu phát triển thành công ty xây lắp mạnh của Tập đoàn.
Việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương trong chiến lược phát triển của PVN đến năm 2025 trở thành Tập đoàn phát triển đa ngành. PVN muốn nâng phần doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phát huy nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế...
Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Tháng 6/2010, bị cáo ký nghị quyết giao cho PVC thực hiện gói thầu. HĐTV có nghị quyết nào nữa phê duyệt việc này?", bị cáo Thăng nói: "Chủ trương tập đoàn là đồng ý cho PVC là tổng thầu. HĐTV có nghị quyết thành lập liên doanh tổng thầu".
Ông Thăng giải thích, Chính phủ chỉ đạo khởi công xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình sớm nhưng ông thấy thực hiện liên doanh tổng thầu sẽ mất thời gian, còn tổng thầu sẽ thực hiện nhanh hơn. Ông Thăng khai, trong hoàn cảnh cấp bách đó "đã xin Chính phủ cho PVC là tổng thầu".
Vị chủ tọa hỏi: "Trước khi chỉ định thầu có kiểm tra năng lực tài chính của PVC không?", bị cáo Thăng nói: "Năm 2010, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC, thu được gấp 2,5 lần. Về năng lực thầu, PVC đã tham gia nhiều dự án như Điện Cà Mau 1, 2, Thái Bình 1...". Khi tòa hỏi có nắm được năng lực tài chính của PVC thời điểm năm 2010 không, ông Thăng cho hay theo báo cáo thì PVC "đủ".
Liên quan đến việc ký Hợp đồng 33 bị cơ quan công tố xác định có sai phạm, bị cáo Thăng khai không trực tiếp chỉ đạo ký, bởi lẽ ngày 24/2, bị cáo mới phê duyệt thiết kế, nghĩa là lúc đó bị cáo nhận thức được hợp đồng 33 vẫn còn thiếu các thủ tục.
Giải thích rõ hơn cho câu hỏi của HĐXX: "Vậy thì sao chỉ sau 4 ngày đã khởi công xây dựng được?", ông Thăng giải thích cùng một lúc triển khai nhiều dự án nên PVN luôn chỉ đạo các công ty thực hiện đồng bộ các việc, không đợi việc này xong mới làm việc kia.
Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của các bị cáo được thể hiện như sau: Trong quá trình thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo tổng công ty CP Điện lực Dầu khí (PV Power) ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Tư Viễn/PL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét