(tiếp theo)
... Thưa các quý vị, - Yến tiếp tục. - …làm sao
có thể bắt dân yêu nước thì nhất thiết phải yêu chủ nghĩa xã hội của Đảng như
đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của đất nước được ạ?
… Về hoà giải dân tộc, xin cho phép tôi
lưu ý các quý vị: Đất nước chúng ta trong thế giới hôm nay và bên cạnh Trung
Quốc như thế này, hoàn toàn không cho chúng ta thời giờ trang trải sòng phẳng
ân – oán, đúng – sai giữa ta và ta với nhau trong bảy mươi năm qua đâu các vị
ạ… Xin hãy vì tổ quốc của chúng ta không bao giờ được phép nhắm mắt trước thực
tế này!
Và giả thử có làm được cái việc trang trải
bằng cách chúng ta xoá sổ lẫn nhau cho đến người cuối cùng đi nữa, cũng không
bao giờ trang trải hết nỗi với nhau đâu. Có phải thế không ạ?
Đây là sự thật đầy oan khiên đang chặn
đứng con đường dẫn tới hoà giải dân tộc. Đây chính là sự thật bây giờ mỗi người
Việt Nam
chúng ta phải nhìn thẳng vào! Yêu nước, thương dân tộc mình, thì chỉ còn mỗi
con đường phải đối mặt với sự thật này để quyết vượt lên quá khứ.
Phải nhìn thẳng vào những thách thức,
những đòi hỏi đang đặt ra cho đất nước, để mỗi chúng ta vượt lên chính mình,
thực hiện cho bằng được hoà giải dân tộc.
Cho nên, hoà hợp dân tộc hoàn toàn không
phải chỉ nhằm mỗi mục đích xoá hận thù cũ, khép lại quá khứ, để dĩ hoà vi quý!
Hoàn toàn không phải chỉ có thế! Mà nhất thiết phải đi xa hơn nhiều! Trong suốt
chiều dài lịch sử của mình, dân tộc ta không thấp kém đến nỗi chỉ vướng víu
loay hoay với nhau trong những khó khăn tình cảm vụn vặt như vậy khi xảy ra bi
kịch bất hoà dân tộc, mà còn luôn luôn biết vượt lên tất cả, vì đại nghĩa...
Lấy bao dung, lấy đại nghĩa để vượt lên quá khứ. Thậm chí, nếu có xảy ra đổ vỡ
nào trong lòng đất nước sức con người chưa làm sao hàn gắn ngay được, thì lấy
khoan dung, lấy kiên định vận dụng sự trợ giúp của thời gian!.. Một dân tộc
trưởng thành thì phải có văn hoá và bản lĩnh hành xử như thế.
Thưa các quý vị, tôi xin phép nhấn mạnh:
Hoà hợp dân tộc hôm nay trước hết là để nhìn lại mọi yếu kém của chính mỗi bản
thân chúng ta, dù là bên này hay bên kia, là tự giác ngộ chính ta.
Hoà hợp dân tộc như vậy là để tự đứng lên
giải phóng chính ta khỏi cái ngu dốt về thiên hạ và thế giới.
Hoà hợp dân tộc như vậy là để giác ngộ cho
bằng được những cái còn thấp kém của chính bản thân mỗi chúng ta trong việc ý
thức và bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia, cũng như để hiểu được con đường
xây dựng nên những giá trị tạo ra sự phát triển của quốc gia.
Cho nên, hoà hợp dân tộc như vậy trước hết
và duy nhất là để ta phải trở thành chính ta trong thế giới này, đồng lòng nhất
trí cùng nhau tạo dựng bằng được một Việt Nam ta là chính ta và dám dấn thân
cùng thế giới!
Vị lão thành cách mạng đột nhiên giơ tay:
– Tôi xin lỗi chen ngang hỏi một
câu: Bà Yến nói về hoà giải dân tộc như thế có khác gì bắt dân tộc ta phải sám
hối! Bà dám đòi dân tộc phải sám hối có phải không?
Yến:
- Xin thưa, thực lòng tôi không dám ạ.
Nhưng nếu quý vị coi việc tự nhìn nhận lại mình để thực hiện bằng được hoà giải
dân tộc là việc sám hối, tôi xin phép tán thành với tất cả tâm nguyện việc sám
hối như thế.
Đúng là dân tộc ta đang cần việc sám hối
như thế. Để biết đau, biết nhục, biết cái hèn kém của mình. Để nhất quyết phải
tìm một con đường sống khác. Nhất thiết phải như thế ạ.
Tóm lại: Hoà hợp dân tộc hôm nay trước hết
là để quyết cùng nhau hun đúc trí tuệ và ý chí để trở nên một dân tộc trưởng
thành không gì chia cắt và lung lạc được, tạo ra cho dân tộc mình sức mạnh đứng
được trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, với tính cách là một thành viên có tự
trọng và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.
Xin hãy đem tất cả trí tuệ và nghị lực xây
dựng hoà hợp dân tộc như thế, bắt đầu từ xoá bỏ độc quyền yêu nước, từ thực thi
dân chủ và tự do, từ bảo đảm công khai và minh bạch trong toàn bộ đời sống kinh
tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Tinh hoa và trí tuệ của cả nước lúc này
hơn bao giờ hết có nghĩa vụ dồn sức thực hiện bằng được hoà giải dân tộc như
thế, để nhờ đó có ý chí và trí tuệ đổi đời số phận đau thương của đất nước đã
bị giam hãm gần hai thế kỷ nay trong nghèo nàn, lạc hậu, và hiện nay vẫn đang
bị trói buộc tiếp trong nô dịch, tụt hậu và lệ thuộc!
Không có hoà giải dân tộc như thế, dứt
khoát không thể đổi đời nước ta thành một nước phát triển, để có độc lập - tự
do - hạnh phúc, để thoát được ách nô dịch của Trung Quốc.
Tổ quốc Việt Nam của chúng ta hôm nay xứng
đáng có một hoà hợp dân tộc như thế, và phải như thế! – Yến càng nói càng sôi nổi.
(Cả hội trường đứng dậy vỗ tay rầm rầm…)
Giáo sư Hoàng Quốc Tuý:
– Xin cảm ơn bà Yến, tôi hoàn toàn tán
thành. Bây giờ cho phép tôi nói rõ thêm về chiến tranh hay hoà bình trong các
mối quan hệ liên quan đến Trung Quốc trong cục diện thế giới hôm nay.
Xin thưa, như một phản ứng tự nhiên trước
những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, không phải ngẫu nhiên
trong giới chính khách và học giả trên thế giới hiện nay bỗng dưng rộ lên
chuyện nghiên cứu lại những bài học của lịch sử về các nguyên nhân dẫn đến
chiến tranh thế giới II. Cuộc thảo luận này kết luận: Chính sách xoa dịu
(appeasement policy)8 mà Anh và Pháp vào những năm 1930 đã tiến hành, với hy
vọng sẽ ngăn chặn được cuồng vọng của Hitler, đã hoàn toàn thất bại. Kết quả
đạt được là nước Đức của Hitler được khuyến khích tiến nhanh hơn nữa vào chiến
tranh thế giới II, Áo và Tiệp Khắc là hai nước bị “thí” đầu tiên cho phát xít
Đức. Cuộc thảo luận này cũng nhắc lại bài học lại lịch sử nhục nhã của thống
chế Philippe Pétain, người đứng đầu chính phủ Pháp bấy giờ9 đã chủ trương đầu
hàng và câu kết với Hitler, cốt mong cho nước Pháp được yên thân. Nhưng cái mà
Pétain đạt được là nước Pháp vẫn không thoát khỏi bàn tay đẫm máu của nước Đức
Hitler. Sau đó Pétain bị nước Pháp chiến thắng phát xít Đức kết án tử hình,
nhưng vì tuổi già, nên được hưởng án tù chung thân. Cũng trong cuộc thảo luận
này, người ta nhắc lại sự thoả hiệp của Liên Xô bằng cách “thí” Ba Lan cho Đức
qua hiệp ước Molotov – Ribbentrop ký ngày 23-08-1939. Nhưng bước đi ngoại giao
này cũng không cứu được Liên Xô thoát nổi hoạ xâm lăng của phát xít Hitler.
Cuộc thảo luận trên thế giới hôm nay cũng nêu ra những bài học tương tự như vậy
đối với chủ nghĩa phát xít Nhật.
Các chính khách và học giả trên thế giới
đi tới kết luận: Thế giới ngày nay không được phép để tái diễn một loại chính
sách xoa dịu như thế đối với Trung Quốc hôm nay, dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Thế giới hôm nay lại càng không thể coi Biển Đông là Sudetenland10, là vật tế
thần dâng hiến cho Trung Quốc, với ảo tưởng làm dịu được tham vọng bá quyền của
Trung Quốc. Đơn giản là nếu chấp nhận để cho Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển
Đông, sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận để cho Trung Quốc khống chế hoàn toàn
con đường thông thương huyết mạch qua eo Malacca chiếm khoảng phần nửa lưu
lượng vận chuyển hàng hoá toàn thế giới! Thế giới đặt câu hỏi: Con đường tơ lụa
trên biển triều đại Tập Cận Bình đề xướng liên quan đến chuyện này như thế nào?
Chưa nói đến Biển Đông đang được Trung Quốc coi là kho nhiên liệu sống còn cho
tương lai siêu cường Trung Quốc!
Đặc biệt nguy hiểm, đến nay Trung Quốc đã
xây xong bảy (7) căn cứ quân sự trên các đảo thuộc Hoàng Sa của ta mà Trung
Quốc đã chiếm trong các năm 1956 và 1974, trên 7 đảo Trường Sa của ta mà Trung
Quốc đã chiếm năm 1988, dựng lên cái Trung Quốc gọi là Vạn Lý Trường Thành trên
Biển Đông. Trên thực tế, đấy là một chiến luỹ trên biển án ngữ toàn bộ vùng
biển nước ta, đồng thời nhằm từng bước khẳng định bằng vũ lực đường lưỡi bò 9
vạch, mở rộng dần việc kiểm soát trên thực tế toàn Biển Đông. Trung Quốc đang
tính thời điểm cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Giới lãnh đạo Trung Quốc từ Tập Cận Bình trở xuống, không dưới một lần gọi
những hành động này nằm trong phạm vi chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung
Quốc, khẳng định lập trường này của Trung Quốc trên Biển Đông rắn như đá, không
thể thay đổi được… Họ đang cân nhắc thời điểm thiết lập vùng nhân dạng phòng
không ở vùng này…
Trong chính giới Trung Quốc, đặc biệt là
cánh diều hâu, có nhiều ý kiến cho rằng phương Tây hiện nay chưa ra khỏi suy
thoái kinh tế. Trong khi đó sau chiến tranh Iraq, Mỹ bây giờ mới quay trở lại
châu Á nên chưa kịp bén chân và đang bị phân tán vì bận bịu tứ tung, sắp tới
lại có bầu cử nữa... Vì thế lúc này là thời cơ cho Trung Quốc cần chớp lấy.
Nguy cơ đụng độ trên biển hay chiến tranh lấn chiếm biển đảo vì vậy trở nên thường
trực, giới quân sự Mỹ đã nhiều lần cảnh báo. Trên thực tế Trung Quốc đã tiến
hành nhiều hoạt động quân sự mới nghiêm trọng ở vùng biển Hoa Đông, ngày
20-11-2013 đã lập vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) ở đây bao gồm cả vùng trời
đảo Senkaku thuộc về Nhật mà Trung Quốc đang đòi, và vùng trời bãi đá ngầm
Socotra thuộc Hàn Quốc mà Trung Quốc đang tranh chấp. Không phải ngẫu nhiên hợp
tác quân sự Mỹ - Nhật và hợp tác quân sự Mỹ - Philippines được nâng lên cấp độ
mới để ứng phó. Hơn nữa nội tình Trung Quốc đang có nhiều chuyện rối ren cần
phải hướng sự bùng nổ ra bên ngoài.
Chiến tranh lớn giữa Trung Quốc và Mỹ,
hoặc giữa Trung Quốc và Nhật trên Biển Đông tuy là một khả năng tiềm tàng,
nhưng Trung Quốc phải suy tính nhiều, vì hoả lực còn thua kém của mình, vì
nhiều thứ khác, mặc dù Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội Trung Quốc phải
chiến thắng bất kỳ cuộc chiến tranh cục bộ nào. Nhưng đối với các nước nhỏ
trong vùng, trong đó có nước ta, từ 1956 đến nay, Trung Quốc sẽ liên tục lấn
tới.
Thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh đạo,
đương nhiên Mỹ không chịu khoanh tay ngồi yên. Việc Mỹ trở lại châu Á hiện nay
là quyết liệt. Thực tế này cho thấy câu chuyện chiến tranh và hoà bình trong
khu vực chúng ta trước hết là câu chuyện của mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, và
câu chuyện mối quan hệ giữa Trung Quốc và cả thế giới còn lại. Vấn đề Trung
Quốc – Biển Đông về nhiều mặt cũng là vấn đề của thế giới!
Toàn bộ thực tế trình bày trên đặt ra cho
Việt Nam đòi hỏi: Muốn giải quyết những xung đột trong quan hệ Việt - Trung,
đặc biệt là trong vấn đề Trung Quốc - Biển Đông, Việt Nam phải đứng vững trên
đôi chân của mình và phải tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới. Chưa nói
đến so sánh lực lượng Việt – Trung cũng đòi hỏi nước ta phải có cách tiếp cận
vấn đề như vậy. Nghĩa là, nước ta nếu chỉ có chính nghĩa không thôi thì cũng
chưa đủ, mà còn phải có các phẩm chất và giá trị tập hợp được cả thế giới tiến
bộ đứng về phía ta, như bà Yến đã lưu ý các quý vị… - xin đặc biệt nhấn mạnh
như vậy.
Thực tế 65 năm quan hệ Việt – Trung cũng
cho thấy mọi cam kết song phương đạt được giữa hai nước liên quan đến độc lập
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia chưa một lần nào bảo toàn được lợi ích
quốc gia của ta, mà thường là chỉ mang ý nghĩa một chặng dừng chân để tạo cơ
hội mới cho Trung Quốc lấn tới bước tiếp theo.
Thưa các quý vị, chiếm đoạt vùng lưỡi bò
là ý đồ chiến lược thường trực của Trung Quốc, đang được vận hành theo kiểu thế
giới đặt cho cái tên là “cắt các lát xúc-xích salami” – nói theo ngôn ngữ Việt
đại thể là xà xẻo dần từ miếng. Họ giành giật từng thời cơ, lấn chiếm từng
bước, quyết thực hiện đồng bộ các biện pháp kinh tế - chính trị - quân sự, luôn
luôn chủ trương thực hiện các bước đi đã đề ra càng sớm càng tốt!
Năm 2008 Trung Quốc đã thẳng thừng mặc cả
với Mỹ chia đôi Thái Bình Dương, lấy đảo Hawaii làm mốc, nửa phía Đông là phần
của Mỹ, nửa phía Tây là phần của Trung Quốc, dĩ nhiên Mỹ không thể chấp nhận.
Gần đây Trung Quốc lại đưa ra ý kiến mới: Tốt nhất là Mỹ nên dành toàn bộ Đông
Dương cho Trung Quốc, để Mỹ quay về giữ phần còn lại của ASEAN!.. Đương nhiên
chấp nhận sự chia chác như thế cũng có nghĩa siêu cường Mỹ chấp nhận tự sát,
điều này chắc chắn là không thể!
Điều đã xảy ra là mọi hy vọng về một đồng
thuận Mỹ - Trung (G2) được Obama khởi xướng khi lần đầu tiên bước vào Nhà Trắng
mong kéo Trung Quốc đi chung với trật tự thế giới để kiềm chế Trung Quốc đã
thất bại. Trục xoay Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay là phương án thay thế.
Tầu chiến và máy bay Mỹ trong phạm vi vùng biển và vùng trời quốc tế bắt đầu thường
xuyên tìm cách tiếp cận với các căn cứ nổi Trung Quốc xây dựng trên các đảo
chiếm ở Biển Đông để khẳng định tự do thông thương theo luật quốc tế và UNCLOS
1982, phía Trung Quốc xua đuổi ráo riết. Giới nghiên cứu chiến lược của Mỹ đang
khuyến khích thượng viện Mỹ sớm thông qua UNCLOS 1982 để tăng thêm cơ sở pháp
lý quốc tế cho hoạt động của Mỹ tại vùng này. Căng thẳng đang tăng lên từng
ngày.
Có thể phán đoán: Mỹ và đồng minh chắc
chắn không thể để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và uy hiếp toàn vùng. Mỹ sẽ
cùng với đồng minh của họ chốt đến cùng chiến tuyến phia Bắc Biển Đông là Nhật
Bản và Hàn Quốc, chiến tuyến phía Nam bắt đầu từ Philippines – mà làm như thế
sẽ là giữ được vùng biển Đông Nam Á và bảo toàn được sự hậu thuẫn lẫn nhau
trong liên minh với Úc, Ấn Độ… Mỹ chủ trương không tham gia vào việc tranh chấp
biển đảo giữa các bên trên Biển Đông, nhưng kiên trì lập trường phải tôn trọng
luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm tự do thông thương trên biển quốc tế.
Bước đi quan trọng nhất giữa Mỹ và đồng
minh là Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ việc Nhật sửa đổi điều 9 của Hiến pháp, gỡ bỏ mọi
hạn chế ràng buộc cuối cùng có liên quan đến chiến tranh thế giới II để Nhật có
khả năng cùng với các đồng minh khác tham gia toàn diện vào các vấn đề quốc
phòng và an ninh trong khu vực và có thể mở rộng ra cả ASEAN.
Cũng như hầu hết các quốc gia khác – vì
rất nhiều lý do địa kinh tế và địa chính trị, Mỹ đương nhiên không muốn Việt Nam rơi vào
vòng tay Trung Quốc. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ một Việt Nam phát triển mạnh và dân chủ,
bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập của mình. Mỹ đang làm tất cả đẩy mạnh thực
hiện mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Vấn đề dân chủ và quyền con
người là những vấn đề nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ, do chế độ
chính trị của Mỹ đòi hỏi như vậy, không nên đơn giản hay cố tình xem đấy chỉ là
những thủ đoạn diễn biến hoà bình.
Có thể nói trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ tổ quốc của mình vì một nước Việt Nam phát triển và dân chủ, Việt Nam dấn
thân đến đâu, sẽ nhận được sự hợp tác và hậu thuẫn của Mỹ đến đấy. Mỹ nói
thẳng, sự hợp tác của Mỹ không nhằm thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam, vì
Mỹ coi đấy là vấn đề thuộc chủ quyền và thuộc nội bộ tự thân sự phát triển của
Việt Nam. Đây không chỉ là một tính toán khôn ngoan, mà còn là kinh nghiệm rất
đắt của chính bản thân Mỹ. Kinh nghiệm này bắt đầu trở thành một nguyên tắc đối
ngoại của Mỹ thời Obama.
Ví bằng, với những lý do nào đấy, giả thử
Việt Nam chịu khuất phục đầu hàng Trung Quốc, đi hẳn với Trung Quốc. Mỹ sẽ coi
đấy cũng chỉ là câu chuyện của Việt Nam, rồi Việt Nam sẽ phải tự rút ra bài học
cho mình như đã từng được nếm trải trong quá khứ, nhân dân Việt Nam sẽ tự giải
quyết công việc của mình. Trong trường hợp này, vị thế của Mỹ trong khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương không hề yếu đi. Thậm chí trong trường hợp này, các
đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể sẽ chủ động liên kết chặt chẽ hơn nữa với
Mỹ, để chặn đứng sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc. Chí ít xu thế trong
khu vực chống Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn, vì không thể nào chấp nhận sự bành
trướng hiện nay của Trung Quốc.
Xin thưa các quý vị: Không bao giờ Trung
Quốc có thể làm được vai trò lãnh đạo thế giới, cho dù một khi trở thành nền
kinh tế lớn nhất đi nữa. Bởi vì tư duy và văn hoá Trung Quốc và chủ nghĩa thực
dân mới Đại Hán tự loại bỏ khả năng này: Văn minh nhân loại ngày nay không thể
chấp nhận Khổng giáo và văn hoá mục tiêu biện minh cho biện pháp.
Song Trung Quốc thực sự đang là một cường
quốc khu vực dồi dào bạo lực, nhưng vô cùng đói khát giấc mơ Trung Hoa, luôn
luôn hành xử mềm hoặc rắn theo nguyên tắc (maxime, Grundsatz) mục tiêu biện
minh cho biện pháp, đang uy hiếp áp đảo các nước nhỏ.
Có thể nhận định, Việt Nam không quan trọng đối với Mỹ đến mức nếu
“mất” Việt Nam
vào tay Trung Quốc ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này sẽ suy giảm hoặc suy sụp.
Nhưng xin thưa, nếu Việt Nam không thực
hiện được hợp tác toàn diện với Mỹ, gần như sẽ đồng nghĩa Việt Nam không thể
cùng đi được với cả thế giới. Khỏi phải nói, nếu xảy ra như vậy, Việt Nam sẽ
suy yếu và lép vế như thế nào trong quan hệ Việt – Trung, khiến Việt Nam sẽ chỉ
còn đường bó tay cam chịu thuần phục Trung Quốc, làm quân cờ cho Trung Quốc,
thậm chí có lẽ Việt Nam sẽ không đủ tiêu chuẩn để được Trung Quốc đối xử như
Bắc Triều Tiên!
Thưa các quý vị, chúng ta cũng không thể
bỏ qua một thực tế quan trọng khác: Mỹ và Trung Quốc có nhiều vấn đề phụ thuộc
lẫn nhau, hiện đang tránh đụng độ trực tiếp với nhau. Thực tế này có nghĩa là
trong một bối cảnh nhất định nào đó, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng một nước
thứ ba nào đó bị một trong hai bên Mỹ / Trung bán đứng, mặc cả, đổi chác, đẩy
ra làm bung xung chống bên kia, hoặc “thí” cho bên kia... Từ sau chiến tranh
thế giới II cho đến hôm nay, đã nhiều lần các thế lực cường quốc chọn nước thứ
ba làm trận địa giải quyết xung đột lợi ích trực tiếp giữa họ với nhau. Nhất là
nước ta xin đừng lúc nào quên thực tế đầy máu và nước mắt này trong bốn cuộc
chiến tranh đã trải qua ở thế kỷ trước (kháng chiến chống Pháp, kháng chiến
chống Mỹ, chiến tranh của Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc nước ta, chiến
tranh Campuchia). Cho đến nay, không dưới một lần phía Trung Quốc thẳng thừng
đòi Mỹ không được nhúng mũi vào chuyện Trung Quốc tranh chấp biển đảo trong khu
vực.
Thưa các quý vị, kịch bản Trung Quốc mong
muốn nhất, và cũng đang được tiến hành thành công nhất đối với nước ta là: Duy
trì một Việt Nam èo uột và phụ thuộc, cam chịu giữ đại cục, 4 tốt và 16 chữ,
tiếp tục củng cố những gì Trung Quốc đã cướp được, và từng bước thực hiện quyền
kiểm soát trên thực tế cái “lưỡi bò”.
Thưa các quý vị, lật đi lật lại mọi vấn
đề, đặt ra mọi tình huống, tôi vẫn cứ phải quay lại kết luận: Tình hình hiển
nhiên đòi hỏi nước ta phải có một chế độ chính trị đủ mạnh, thực hiện được hoà
giải dân tộc để phát huy được tối đa sức mạnh quốc gia, đồng thời huy động được
hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của
mình. Đấy là cái bất biến ứng vạn biến nước ta đang thiếu. Đấy là cái dĩ bất
biến nhất thiết nước ta phải có trong bối cảnh thế giới hôm nay. Cải cách chế
độ chính trị hiện nay vì thế trở thành đòi hỏi tất yếu. Không làm được như vậy,
Đảng dù có cam kết hàng nghìn hàng vạn lần với nhân dân “lãnh đạo Đảng và Nhà
nước này không bán nước!” cũng chỉ là xáo rỗng.
(Tuy được nhắc nhở phải yên lặng, nhưng cử
toạ vẫn không sao tránh khỏi bàn tán râm ran. Giáo sư Tuý lại phải chờ một
lúc.)…
N.T ( Trích từ “Lũ” – Tiểu thuyết chính
luận)
(còn
tiếp)
--------------
Tôi hoan nghênh ông NT mượn lời bà Yến phát biểu rất thành công về HÒA GIẢI DÂN TỘC và Gs Túy nói về bảo vệ chủ quyền ffoojc lập. Tôi cũng quan tâm tới độ sửng sốt của vị CM lão thành khi nhắc tới 2 từ "sam hối"
Trả lờiXóaĐúng là đã đến lúc mọi người trong chúng ta đều phải "sám hối"
Dù xuất phát từ cái tâm trong sáng và lòng yêu nước chân thành, nhưng bao nhiêu người con yêu quý của dân tộc ta đã bị lừa lọc để hy sinh vì quyền lợi của kẻ khác.
Sự hy sinh ấy có vô ích không? Chúng ta có cần sám hối không? Hay chúng ta coi đó là hành động anh hùng?
Ngay cả bác Nguyễn Trung, xin lỗi bác, lúc bác còn là một vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bác đã nói gì? làm gì không thực sự đại diện quyền lợi cho dân tộc mình, chắc bác không nhớ nổi, nhưng tôi tin là có đấy, vậy hôm nay bác nhắc đến 2 từ "sám hôi" tôi tin là bác cũng đang sám hối.
Vậy liệu các cấp lãnh đạo đảng và chính quyền đang quản lý nhà nước hiện nay, họ có chịu ngồi lại kiểm điểm bản thân và sám hối không? Tôi nghĩ là không. Họ luôn nghĩ là họ đúng và họ chỉ "rộng lòng tha thứ" nói vài câu ngoài mép, để ban ơn tha thứ cho người khác mà thôi.
Tôi nhớ đến "Bên thắng cuộc" của Huy Đức và tôi thông cảm tại sao có một bộ phận không nhỏ người Việt ở hải ngoại bất bình về cuốn sách đó.
Phần tiếp theo tôi muốn nói về thái độ của chúng ta đối với âm mưu xâm chiếm đất nước và đặc biệt những hành động ngang ngược của TQ trên Biển Đông hiện nay. Vị Gs Túy nói rất đúng, nhưng còn thiếu một điểm rất quan trọng: TQ đông dân gấp trên 13 lần dân ta, TQ có nhiều tiền của và đang là chủ nợ của nước Mỹ. Nhưng TQ có đáng sợ không?
Không đang sợ.
Càng leo thang, TQ càng tỏ ra lúng túng và kém cỏi.
Họ kém cỏi và hoảng hốt ở bên trong bao nhiêu, thì họ lại hung hăng ra bên ngoài bất nhiêu. Tại sao vừa kết thúc hội nghi shangri - la xong, họ phải cử ngay đại thần sang Mỹ để hòa hoãn xoa dịu nhưng đồng thời ở nhà, họ tuyên án tù chung thân trùm an ninh Chu Vĩnh Khang.
Thử nghĩ xem.
Đằng sau cái ông Chu Vinh Khang này là ai? họ có sợ bị lật nhào ngay ngày mai không?
Chỉ cần liên hệ thế thôi, đáng lẽ các nhà lãnh đạo ĐCSVN lú này đã nhìn ra nhiều điều thuận llợi của mình để xác định đường đi nước bước của mình rồi.
Nhưng họ ngu dốt và ương hèn quá.
Đang thương thay.
Ôi dân tộc ta, thật chua xót, tang thương
Ôi dân tộc ta, thật chua xót, tang thương
XóaThương Thân phận Quý ông người Việt Lương thiện trên Đất Mẹ.. ..
********************************************
Hàng trăm ngàn cô dâu xứ Hán
Kết hôn vì trục lợi vì cơ hàn
Về nước ăn mặc hào nhoáng
Lấy chồng ngoại quốc để an nhàn
Vớ vịt kìu yêu nước ao nước
Đời em từ đây cập bến bình an
Hiếm khi do tình cảm duyên số
Vì trục lợi hay đổi đời đa phần
Hàng triệu Chú rể Âu-Mỹ lẫn Chệt
Vỏn vẹn chỉ vài cô dâu Tây đầm
Nghĩ thương Kiếp phận chàng trai Việt .. ..
Thương nhất bậc Lương thiện Lương dân
Rất hiếm (1) nghe cô dâu ngoại lấy chồng Việt
Rồi chọn cư trú làm dâu xứ Chàng !
Mến Thân phận Quý ông Đất Việt
Lương thiện trên Đất Mẹ gánh vác đảm đang .. ..
http://s22.photobucket.com/user/nguyen_toan/media/Bao2a.jpg.html
(1) Chuyện tình nữ đạo diễn Pháp .... L'Histoire d'Amour d'une réalisatrice française
http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=33&idpays=510
(1) Khi Nữ Đạo diễn người Pháp Leslie Wiener cảm lòng anh Hùng Việt Nam .. ..
http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=33&idpays=496
http://www2.vietbao.vn/images/viet4/doi-song/40219550-215574sm.jpg
(1) Leslei và Nguyễn Văn Hùng hạnh phúc bên nhau -
50 năm trrước, nhà chính trị lão luyện Ngô đình Nhu đã viết trong cuốn "Chính đề" của ông:
Trả lờiXóa«… Sự chia đôi lãnh thổ đã tạo thành hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. (..) Các lãnh đạo miền Bắc, khi đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.
Sở dĩ tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa hình thành, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì (chuyện) Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Nguyễn Trung tuyệt vời.Tiểu thuyết hết sẫy.
Trả lờiXóaTôi nghĩ ....10,20 năm nữa.....quyễn "Lũ" nầy đáng được đưa vào chương trình Giáo Khoa cho học sinh.Đánh dấu một thời kỳ của Lịch-sử.
Trả lờiXóa