(tiếp theo)
Ngày 30 Tháng Tư đã lùi xa bốn thập kỷ,
song hôm nay chúng ta vẫn chưa làm sao biết được, và có lẽ sẽ không bao giờ có
thể đo biết được: Bao nhiêu phần trăm hy sinh xương máu và tổn thất của dân tộc
ta là dành cho sự nghiệp lấy lại độc lập thống nhất của tổ quốc, bao nhiêu phần
trăm là phục vụ cho lợi ích của các bên ngoại bang, bao nhiêu phần trăm phải
mất vào việc tay trái chém tay phải?!...
Thưa các quý vị, hôm nay, sau bốn mươi năm
nhìn lại, có thể nói đất nước được độc lập thống nhất là thành tựu vô giá, phải
đời đời gìn giữ. Càng phải trả giá đắt, càng phải gìn giữ.
Đồng thời cũng phải nói: Những hy sinh và
tổn thất nước ta phải chịu đựng trong bốn cuộc chiến tranh liên tiếp từ sau
Cách mạng Tháng Tám (08-1945) như thế cho sự nghiệp độc lập thống nhất của tổ
quốc, dù là chính nghĩa, anh hùng, hay dũng cảm đến thế nào đi nữa, song cọ xát
với cái thế giới khắc nghiệt mà chúng ta đang sống, dân tộc ta hôm nay không
thể không nhìn lại để tự làm bản kết toán cho chính mình:
- Phải chịu nhiều hy sinh tổn thất như thế là dân tộc ta ngu hay
khôn?
- Chỗ nào là nước ta ngu? Chỗ nào là khôn? Ai ngu? Ai khôn?..
- Chỗ nào là nước ta rơi vào tình cảnh bất khả kháng của số phận?
Chỗ nào lẽ ra là một quốc gia chúng ta phải tìm một lựa chọn khác?.. Có hay
không một sự lựa chọn khác? Có lúc nào bỏ lỡ một lựa chọn khác?..
- Là một quốc gia, là một dân tộc, ta đã ý thức được về chính mình
đến mức độ nào? đã giác ngộ lợi ích thiêng liêng của tổ quốc chúng ta đến đâu?
- Sống trong cái thế giới ngày càng quyết liệt này, dân tộc ta có
được phép trốn tránh từng chặng, từng chặng phải nghiêm khắc tự nhìn lại mình
không?
- Dân tộc ta đã đánh giá những chặng đường bảy mươi năm qua, bốn
mươi năm qua như thế nào? Con đường đau khổ đất nước đã đi này, gian truân gây
ra do tại phía cộng đồng dân tộc ta nằm ở những đâu và mức độ đến đâu? Tại các
bên ngoài đến đâu?.. Mọi cái giá đã phải trả, cái gì là lỗi tại ta? Cái gì là
tại ngoại cảnh, tại kẻ địch?
- Vân vân….
Thưa các quý vị, có bao giờ mỗi chúng ta
ngồi đây tự hỏi mình những câu hỏi như vậy?
Xin hãy coi đấy là những câu hỏi mở, rất
trọng đại, để từ đây xin mọi người trong cả nước cùng suy ngẫm, cùng nghiền
ngẫm, với tất cả trí tuệ và nhiệt huyết của mình… Cho hiện tại. Cho tương lai.
Trong khuôn khổ đối thoại hôm nay, tôi xin
phép chỉ xới xáo lên vài gợi ý riêng, để quý vị tham khảo…
Thưa vâng, lịch sử không làm lại được,
nhưng thiết nghĩ mỗi người Việt chúng ta, nếu còn đầy đủ ý thức về bản thân
mình và dân tộc mình, mỗi chúng ta sẽ không thể và không được phép nhắm mắt làm
ngơ trước những câu hỏi cắt da cắt thịt vừa trình bày trên.
Vâng, lịch sử có những bối cảnh không thay
đổi được, ví dụ, con đường Cách mạng Tháng Tám của nước ta khách quan rơi thỏm
bất khả kháng vào cái trận địa ác nghiệt của cục diện quốc tế chiến tranh lạnh.
Song lịch sử cũng không vì thế cấm đoán chúng ta nhìn lại dĩ vãng, để rút ra
những bài học cần thiết cho hôm nay, cho tương lai.
Vâng, nếu chúng ta đối xử với lịch sử như
một người thầy nghiêm khắc, phải chăng hôm nay chúng ta có thể nêu lên được
nhận xét đầu tiên dễ thấy ngay để rút kinh nghiệm, đó là:
Vì trong lòng cuộc kháng chiến của nước ta
chống ngoại xâm có tới ba, bốn cuộc chiến tranh qua tay người khác, các cuộc
chiến tranh uỷ thác (các proxy wars) được gửi gắm hay cài đặt vào, để giằng xé
đất nước ta, nhất là lại có cuộc nội chiến, cho nên sự nghiệp chống xâm lăng và
giành lại độc lập thống nhất cho tổ quốc chúng ta thêm gian truân bội phần, với
những cái giá phải trả đắt thêm bội phần. Chắc chắn có thể kết luận dứt khoát
như vậy, có phải không ạ?
Xin thưa, lợi ích tối cao và nóng bỏng
nhất của quốc gia và của dân tộc ta từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến hôm nay
và mãi mãi về sau là: đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu
mạnh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rành rọt như thế.
Nhưng xin thưa với các vị, lợi ích quốc
gia tối cao này trên chặng đường bảy mươi năm qua, dù ở phía bên nào – Bắc hay
Nam, Hà Nội hay Sài Gòn – đều chịu tác động mọi chiều đối nội và đối ngoại của
ý thức hệ, đều bị ý thức hệ nhuộm mầu và chi phối, đều phải đứng sau và đứng
dưới ý thức hệ... Ngay tận hôm nay, đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam : Độc lập
dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội! – đấy là một ví dụ.
Đã thế, trong kháng chiến chống ngoại xâm,
một phần rất quan trọng của năng lượng kháng chiến lại phải dành vào nội chiến,
hoặc bị nội chiến triệt tiêu. Chưa nói đến một phần rất quan trọng khác của
năng lượng kháng chiến bị sự giằng xé của các cuộc chiến tranh uỷ thác hút mất.
Mỗi bát gạo viện trợ chúng ta nhận được, mỗi khẩu súng đem đến giúp nước ta dù
là cho nửa đất nước bên nào, đều phải trả bằng máu của dân tộc ta. Chẳng có gì
cho không cả!
Thưa các quý vị, bi kịch chiến tranh đày
rãy những nghịch cảnh gắn quyện hữu cơ vào nhau không sao tách bạch ra được như
thế của đất nước chúng ta trong 4 cuộc chiến tranh vừa qua cay đắng lắm.
Xin phép được hỏi: Hôm nay mỗi người Việt
chúng ta đã ý thức được đầy đủ bi kịch đất nước đã xảy ra này? Chúng ta đang là
một dân tộc như thế nào, đã phải trả biết bao nhiêu xương máu và tổn thất suốt
bảy mươi năm qua mà đến nỗi hôm nay vẫn không ý thức được đầy đủ về bi kịch của
quốc gia mình – mà mỗi người còn sống hôm nay đều là tác nhân, nạn nhân và
chứng nhân!? Chẳng lẽ mỗi người Việt chúng ta thấp hèn đến vậy? – Tôi rất đau
lòng và xin lỗi phải đặt ra câu hỏi thắt gan thắt ruột như vậy!
Hôm nay mỗi chúng ta có dám can đảm coi bi
kịch đất nước đã xảy ra bảy mươi năm qua một phần có nguyên nhân là các lực
lượng chính trị và trí tuệ của đất nước chúng ta – dù là bên nào, Hà Nội hay
Sài Gòn, – đều có sự hiểu biết hão huyền và quá khờ dại về thiên hạ, về cái thế
giới chúng ta đang sống. Chúng ta có dám kết luận như thế không ạ? Đấy là bài
học đẫm máu thứ nhất.
Mỗi chúng ta hôm nay có dám thừa nhận bi
kịch này của đất nước một phần có nguyên nhân là sự giác ngộ chưa đầy đủ của
các lực lượng chính trị và trí tuệ trong cả nước – dù là bên nào – về lợi ích
tối cao của quốc gia không?.. Sự thật có phải là như vậy không?.. Đây là bài
học đẫm máu thứ hai.
Mọi thảm hoạ và lạc hậu đất nước ta đã và
đang phải gánh chịu, nếu cứ đổ diệt mọi tội lỗi cho đế quốc sài lang, cho cái
gọi là kẻ thù giai cấp do ta dựng nên, cho hoàn cảnh khách quan… hiển nhiên là
không ổn.
Nêu lên những câu hỏi bên trên, tôi mong
các quý vị nhìn thấu đáo những nguyên nhân yếu kém của chính ta, với ý thức: Kẻ
thù số một mang lại mọi tai ương cho đất nước chúng ta suốt bảy mươi năm qua và
40 năm qua trước hết là những hèn kém của chính ta! Là chính ta!
Cần phải đặt vấn đề như vậy để tìm bằng
được lối ra cho đất nước hôm nay. Một dân tộc sau mỗi chặng đường không biết
phải tự tính sổ để hiều thấu đáo cái dại – khôn của mình, dân tộc ấy đúng là
chỉ đáng làm chất liệu lót đường đi cho những kẻ ác!
Thưa các quý vị, cuộc kháng chiến giành
độc lập thống nhất cho tổ quốc của chúng ta anh dũng vô song. Truyền thống yêu
nước thiêng liêng này phải tiếp tục đời đời gìn giữ. Sự việc hàng triệu, hàng
triệu người tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả trong lòng nước Mỹ, ủng hộ
cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ xâm lược một mặt nói lên tính chính
nghĩa của cuộc kháng chiến này, mặt khác sự ủng hộ như vậy của hàng triệu người
trên thế giới là sự phản đối đanh thép tính chất tàn bạo cuộc chiến tranh này
của Mỹ tại Việt Nam. Xin đừng bao giờ quên điều này.
Song tất cả những điều vừa kể ra như vậy
dứt khoát vẫn không cho phép các lực lượng chính trị và trí tuệ của toàn thể
dân tộc ta hôm nay nhắm mắt bỏ qua hai bài học đẫm máu phài nhớ đời đời kiếp
kiếp nói trên. Lại càng không được phép nuôi dưỡng tinh thần yêu nước chỉ bằng
cách khoét sâu hận thù trong quá khứ, dù là trong nội bộ Việt Nam với nhau, hay
là đối với thế giới bên ngoài. Không thể đã bảy mươi năm rồi, bốn mươi năm rồi,
mà hôm nay vẫn cứ lôi nhau ra mà nguyền rủa té tát! Thậm chí còn để tô son vẽ
phấn làm vinh nữa!.. Một dân tộc ngàn năm văn hiến không thể sống và ứng xử như
thế. Một dân tộc ngàn năm văn hiến nhất thiết phải có cách hành xử của văn hiến
và nhân bản.
Nhân đây cũng phải nói thêm: Tha hoá hiện
nay của Đảng, của chế độ đang ngày đêm cố mài quá khứ lịch sử bảy mươi năm, bốn
mươi năm ra để sống, không phải chỉ đơn thuần vì sự tha hoá tự thân đang diễn
ra và lòng tham bám giữ quyền lực, mà nguy hiểm hơn nhiều:
Đấy là sự bế tắc trong tư duy và con đường
sống của Đảng và của chế độ, mà hệ quả là những thất bại nghiêm trọng của sự
ngiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong 40 năm đầu tiên của độc lập thống nhất.
Hiện nay, Đảng đang tiếp tục làm như thế
bằng mọi giá, tất cả nhằm bảo vệ bằng được vị trí độc quyền thống trị của mình,
bất chấp đất nước đang phải đối mặt với những thách thức gì!
Vâng, bao nhiêu hy sinh xương máu và tổn
thất tổ quốc chúng ta đã phải chịu đựng trong bốn (4) cuộc chiến tranh vừa qua,
những cái giá phải trả tiếp theo trong bốn mươi năm đất nước độc lập thống nhất
đầu tiên phỏng còn ý nghĩa gì, nếu như hai bài học đẫm máu nêu trên không được
rút ra?
(Cả hội trường rộn rạo hẳn lên cứ như đụng
phải lửa, đứng ngồi không yên. Vị cách mạng lão thành như là ngồi uống các lời
của Yến, chứ không phải nghe. Vị đại diện lãnh đạo kính tụt xuống giữa mặt, hai
mắt trố lên vì căng thẳng. Giáo sư Hoàng Quốc Tuý ghi chép rất chăm chỉ… Yến
phải chờ một lúc cho sự im lặng trở lại.)
- … Vâng… … Xin thưa các quý vị, giáo
sư Hoàng Quốc Tuý trong trình bày của mình đã lưu ý chúng ta về siêu cường Đại
Hán đang lên đang thách thức cả thế giới.
Nằm ở vị trí địa đầu của khu vực, nước ta
hôm nay lại đang đứng trước nguy cơ một lần nữa trở thành trận địa giằng xé
lịch sử của thế kỷ 21 này. Nghĩa là, trong khi chúng ta chưa kịp định thần ngẫm
nghĩ về bi kịch lịch sử đất nước rơi vào cuộc giằng xé hai phe bốn mâu thuẫn
thời chiến tranh lạnh, chưa kịp rút ra cho mình hai bài học lịch sử đẫm máu
trong thế kỷ trước, nước ta hôm nay lại đang rơi vào vùng tâm điểm của tranh
chấp Mỹ - Trung trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có ý nghĩa chi phối
quyết định bàn cờ thế giới.
Trong tình thế mới này, sự lựa chọn chính
thức trên giấy trắng mực đen, trên lời nói và bằng hành động của những người có
quyền lực trong Đảng vẫn là: độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội – nghĩa
là bảo toàn chế độ phải là lợi ich tối cao, chứ không phải tổ quốc!
Đáng lo ngại hơn nữa, trong Đảng vẫn tồn
tại một xu thế quyết liệt, muốn níu kéo liên minh ý thức hệ để bảo toàn chế độ,
thậm chí đến mức có lúc đã nói thẳng ra … mỗi bên coi sự phát triển của nước
này là cơ hội quan trọng cho sự phát triển của nước kia trong sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ở Trung Quốc…
Níu kéo liên minh ý thức hệ như vậy, phải
chăng có thể được xem là đành nhắm mắt bỏ qua những gì đã xảy ra với nước ta
xuyên xuốt toàn bộ quan hệ Việt - Trung liên quan đến những xâm hại lợi ích tối
cao và chủ quyền quốc gia thiêng liêng của ta? Làm như thế phải chăng mặc nhiên
coi những việc đã xảy ra là chuyện đã rồi (faits accomplis)? Nếu đúng như vậy
thì chết thật! Cái gì nước ta bị cướp đành coi như mất đứt luôn và từ nay chịu
ngậm bồ hòn làm ngọt? Có phải lập trường như thế là vớt vát đến cùng liên minh
ý thức hệ, để mong được phía Trung Quốc bớt bắt nạt? Làm như thế để mong Trung
Quốc bố thí cho hoà bình? Làm như thế phải chăng hy vọng sẽ được yên thân bảo
toàn quyền lực thống trị của Đảng đối với đất nước và giữ được đại cục!?..
Là đảng viên, tôi phải nói lên lo lắng này
của tôi với toàn Đảng và cả nước.
Là đảng viên, tôi phải đặt ra câu hỏi:
Lịch sử quan hệ Việt – Trung 65 năm qua chẳng lẽ không đủ sức chỉ ra sự mù
quáng của liên minh ý thức hệ này hay sao? Chẳng lẽ trí nhớ chúng ta đã bị tẩy
trắng mọi cái giá đất nước ta đã phải trả cho liên minh này?
Thưa các quý vị, hai bài học đẫm máu của
thế kỷ trước chẳng lẽ đến giờ phút này vẫn chưa đủ sức thuyết phục toàn thể dân
tộc ta hôm nay, nhất là các đảng viên:
Mọi thứ chủ nghĩa áp đặt cho đất nước ta
và liên minh ý thức hệ như vậy cho đến hôm nay chỉ đem lại thảm hoạ? Chúng ta
không thấy các thứ chủ nghĩa và liên minh ý thức hệ như thế đang tiếp tục giam
hãm nhân dân ta trong sự nô dịch mới của quyền lực Đảng, đang làm suy vong quốc
gia, và trên thực tế là đang chặn đứng con đường phát triển của đất nước chúng
ta?
Đây chính là sự thật đã và đang diễn ra
trên đất nước ta trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên, có phải như vậy
không ạ?
Xin cho phép tôi nhấn mạnh thế này: Nhất
thiết nước ta phải vươn lên có thế và lực với tư cách là một quốc gia độc lập
có chủ quyền, để xây dựng bằng được mối quan hệ hợp tác và hữu nghị với Trung
Quốc, chứ không phải là tìm kiếm liên minh ý thức hệ chỉ để bảo toàn chế độ!
Nghe đến đây, vị đại diện lãnh đạo đấm bàn
thình thình. Rồi ông đột nhiên đứng bật dậy, tay chỉ thẳng vào Yến, một thôi
một hồi:
- Phản động! Bắt! Công an đâu? Bắt ngay!
Bắt ngay!.. … Nói như thế là cực kỳ phản động! Không cho phép lợi dụng đối
thoại để tuyên truyền phản động lật đổ chế độ!.. Phản động như thế đừng có
hòng…
Hội trường nổ tung tiếng phản đối vị đại
diện lãnh đạo, nhiều người đứng hẳn dậy hét lớn. Riêng khu vực cánh nhà báo và
các viên chức nhà nước ngồi, mặt đất vẫn phẳng lặng giữa cái chợ vỡ.
Vị cách mạng lão thành phải đứng dậy. Ông
kéo vị đại diện lãnh đạo ngồi xuống, rồi đưa cả hai tay lên trời vãn hồi trật
tự:
- Bình tĩnh! Bình tĩnh! Tôi yêu cầu mọi
người bình tĩnh! Đây là đối thoại, tất cả chúng ta phải bình tĩnh!...
Hội trường nhao nhao ủng hộ ý kiến vị lão
thành cách mạng. Chờ sự yên lặng quay trở lại, vị lão thành cách mạng nói tiếp:
– Tôi thấy bà Yến nói lên nhiều phê phán
quyết liệt. Đúng sai thế nào rồi đây sẽ mổ xẻ. Nhưng đến giờ tuyệt nhiên chưa
thấy bà nói về giải pháp. Mời bà đi thẳng vào yêu cầu này.
Yến đứng dậy, nói tiếp:
- Xin cảm ơn vị lão thành cách mạng. Tôi
xin tiếp tục.
Thưa các quý vị, trong tình hình nguy hiểm
và bế tắc hiện nay, cả nước đang xôn xao chung quanh câu hỏi: Theo Trung Quốc
thì mất Đảng, theo Mỹ thì mất chế độ, theo ai bây giờ?
Một đất nước có hai nghìn năm lịch sử, một
dân tộc anh dũng chống ngoại xâm mà hôm nay phải hỏi mình như thế hả trời đất?!
Yến gần như hét lên, nắm cả hai tay giơ
lên cao như đang hỏi trời và hỏi cử toạ.
- …Hỏi phải theo ai? như vậy, thực lòng
tôi không hiểu tổ quốc chúng ta bây giờ đang ở đâu?
Tôi xin lỗi được phép nhận xét: Chính sự
phân vân này, đặc biệt là trong cả giới trí thức, cho thấy đến nay chúng ta
đang trở nên hèn yếu và mất phương hướng đến nhường nào! Cách đặt câu hỏi như
thế càng cho thấy hình như chúng ta hôm nay vẫn chưa học được bao nhiêu từ hai
bài học đẫm máu. Thiếu sót này nguy hiểm lắm. Bởi vì, dù là theo ai, mà ta
không phải là chính ta, thì bao giờ người theo cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ
cho người chơi cờ sử dụng. Kinh nghiệm cay đắng của bảy mươi năm qua là như
vậy.
Xin thưa: Số phận của đất nước ta được
định đoạt không phải ở chỗ theo ai?, mà là ở chỗ ta phải là chính ta và phải có
năng lực và phẩm chất tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp
của nước ta nói riêng và cho lẽ phải nói chung. Đấy mới là con đường sống. Nếu
bản thân ta không tự đứng lên là một người có nhân cách và bản lĩnh, có lẽ sống
và dám sống, mà cứ dặt dẹo như một tên nghiện hút xì-ke ma tuý, hỏi rằng ta sẽ
tự sống sao được, và ai sẽ chơi với ta?
Xin thưa, dứt khoát không thể gửi nhà cho
Tàu hoặc Mỹ giữ hộ được. Cũng chẳng có Tàu hay Mỹ nào chịu làm lính đánh thuê
giữ nhà cho ta đâu ạ.
(Tiếng vỗ tay ran lên.)
Thưa các quý vị, - Yến nói tiếp - …hàng chục năm
nay, nhìn vào hiện trạng đất nước, các đảng viên thuộc ba thế hệ trong đại gia
đình của chúng tôi cứ phải hỏi nhau: Để đất nước chúng ta suy yếu và tha hoá
mọi mặt như hôm nay, những hy sinh tổn thất của cả dân tộc ta trên chặng đường
bảy mươi năm qua, trên chặng đường bốn mươi năm qua có đáng hay không?
Tôi còn nghĩ rằng: Để đất nước lâm vào
tình cảnh như hôm nay không một đảng viên nào, từ đảng viên thường đến Tổng bí
thư, có quyền nói trước dân tộc là mình vô can! Kể cả tôi đang đứng trước mặt
các quý vị! Tôi muốn nhấn mạnh điều nghiêm trọng này trước khi nói suy nghĩ về
giải pháp.
(Hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán thành và
cổ xuý Yến.)
- Thưa các quý vị, thế giới hôm nay không
mảy may quan tâm dân tộc ta đang phải mang trên mình những vết thương gì trong
quá khứ, và hiện tại đang yếu kém ra sao. Thế giới hôm nay chỉ nghiêm khắc đặt
ra cho nước ta những đòi hỏi và thách thức.
Trung Quốc hôm nay cũng chẳng dành cho
nước ta sự chiếu cố nào về hoàn cảnh hay quá khứ bang giao giữa hai nước, mà
chỉ đặt nước ta đứng trước vấn đề: Hoặc là anh đủ sức trở thành đối tác được
tôi tôn trọng, hoặc là anh dặt dẹo cam chịu tôi khuất phục làm thuộc hạ?.. Chấm
hết ạ!
Thưa các quý vị, thế giới khắc nghiệt hôm
nay nói chung và Trung Quốc siêu cường Đại Hán đang lên nói riêng chỉ đặt ra
cho nước ta câu hỏi duy nhất: Tồn tại hay không tồn tại – với tính cách là một
quốc gia độc lập có tự trọng và được tôn trọng?
Cuộc sống quyết liệt của đất nước hôm nay
cũng chẳng dành cho dân tộc ta giây phút chờ đợi nào, để “ta tự xử lý ta với nhau”
cho xong mọi chuyện trong quá khứ đã, trước khi ta bắt tay vào công việc đối xử
với cả thế giới và tìm cách sống được bên cạnh Trung Quốc. Có phải như thế
không ạ?
Hơn nữa, tình trạng tay trái chém tay phải
giữa ta với ta như đã xảy ra trên chặng đường đất nước đã đi bảy thập niên qua
và bốn mươi năm qua đang hằn sâu trong tâm thức một bộ phận dân tộc cách nghĩ
và mối quan hệ “có mày không tao”.
Hiểm nguy hơn nữa, hiện nay trong lòng đất
nước vẫn đang tồn tại một đồng minh đầy quyền lực nhưng giấu mặt, đang vô ý
thức hay có ý thức dung dưỡng tiếp trên thực tế sự chia cắt dân tộc đã xảy ra
từ cách đây bảy mươi năm.
Xin thưa: Kẻ đồng minh đầy quyền lực và
giấu mặt này hôm nay có tên gọi là kiên định độc lập dân tộc phải gắn với chủ
nghĩa xã hội!
(Hội trường lao xao một lúc…).
- … Tư duy này hôm nay khét lẹt đến mức
quy kết: Không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước!
Nhiều người lãnh đạo lúc nào cũng hô to
phải trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội, mặc dù ngay cả
người cao nhất của Đảng cũng phải thừa nhận chưa biết đến cuối thế kỷ 21 này
chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào!
Xin thưa các quý vị: Chính cái tư duy này
là một trong những tác nhân trực tiếp đang chủ động góp phần làm sâu sắc thêm
hận thù, khoét sâu thêm vết thương dân tộc, nhất là mỗi lần vào dịp ngày Ba
mươi Tháng Tư đến!..
(Hội trường chao đảo như nứt toác, như có
luồng điện xung mạnh đột ngột chạy qua. Vị lão thành cách mạng nét mặt chăm chú
đến tột độ. Vị đại diện lãnh đạo hai bàn tay trở thành hai quả đấm siết chặt
trên mặt bàn, hai môi bặm vào nhau…)…
N.T (Trích "Lũ" - Tiểu thuyết chính luận)
(còn
tiếp)
--------------
Hoan hô bác Nguyễn Trung, một đảng viên cộng sản, từng giơ tay thề trung thành với đảng và chủ nghĩa xã hội, mà hôm nay cho dù phải mượn lời người khác, bác nói lên được những điều này là rất quý hóa. Tôi kêu gọi các đảng viên khác, những người đã từng trải qua những năm tháng như bác Nguyễn Trung, hãy từ đỏ ĐCS, từ bỏ lý tưởng XHCN, để góp phần thay đổi chế độ, góp phần xây dựng xã hội văn minh dân chủ thực sự. Tôi mong muốn nước ta sớm trở lại Việt Nan dân chủ cộng hòa
Trả lờiXóaỞ cái đoạn:.."Theo Trung Quốc thì mất Đảng, theo Mỹ thì mất chế độ, theo ai bây giờ?" có lẽ là đánh máy sai. Đúng ra phải là :" Theo TQ thì mất nước mới đúng.
Trả lờiXóaDù sao chỉ là một tí lỗi nhỏ. Tác giả Nguyễn Trung viết quá hay !
"Theo Trung Quốc thì mất Đảng csVN", cũng có lý đấy.
XóaXin hỏi bác Bùi Bồng và bác Nguyễn Trung , đây là tiểu thuyết nhưng có cơ sở thực tế bao nhiêu phần trăm về nội dung cũng như nhân vật ạ??
Trả lờiXóaMột tác phẩm thật là tuyệt vời giá trị đối với dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay.
Ai mà tính được phần trăm?
XóaCó điều, đây là thể loại tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết văn học ta đã quen. Còn Tiểu thuyết chính luận thì tác giả Nguyễn Trung viết khá sâu sắc, có nhiều lập luận, vốn sống.
Tư liệu tiểu thuyết chính luận từ thực tiễn trong cuộc sống, tác giả khái quát hóa, tổng hợp hóa viết nên sự việc điển hình, tư tưởng phổ quát và tư tưởng đặc thù, lồng ghép với suy cảm, tư tưởng tác giả, dựng lên những bối cảnh, con người điển hình...
Tiếp nhận, suy cảm, luận bàn, lý giải thế nào tùy ở mỗi người!....
"tiểu thuyết, nhưng có cơ sở thực tế bao nhiêu phần trăm"?
XóaTừ 1% đến 99%!
Không có ý gì, nhưng không nên hỏi như vậy.
Tôi mong một ngày mà dân ta không còn bị chính trị đè nặng, sẽ cộng tác văn với anh Bồng.
XóaỜ các nước dân chủ phát triển, xã hội tươi đẹp, đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm thấy ai bị kết tội "phản động". Vì có ai điên khùng chống phá một xã hội tốt đẹp?
(Biên tập viên tự do)
Viết / Nói đã hay. Xin hãy hành động.
Trả lờiXóaĐỗ Thịnh / 73 tuổi / 0167.8462.640 / dothinh1@yahoo.com / Thứ Năm, 11-06-2015, 15:38
Bài viết hay, rất cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóa