* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo)
(tiếp theo)
Giáo sư Hoàng Quốc Tuý:
– Xin thưa, tôi hiểu là phía ta rất quan
tâm gìn giữ đại cục, cố hết sức tự kiềm chế để giữ “đại cục”, thậm chí đã phải
chấp nhận không ít nhân nhượng, sau này sẽ không thể tránh được sự phán xét của
nhân dân, của lịch sử.
Cách giữ “đại cục” như Đảng và Nhà nước ta
đang làm một mặt cho thấy lãnh đạo khiếp nhược trong đối phó với Trung Quốc,
mặt khác lãnh đạo lại sợ nhân dân nổi dậy lật đổ chế độ. Giữ “đại cục” bằng
cách lãnh đạo Đảng và Nhà nước tự đặt mình giữa hai gọng kìm như thế, ngay từ
đầu đã là nguyên nhân của mọi thất bại, là khuyến khích Trung Quốc lấn tới.
Nhân dân ta phản đối là tất nhiên. Nhất thiết lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải
xem lại chính mình và đảo ngược cách tư duy này. Nhất thiết lãnh đạo phải dám đi
với dân, để tự gỡ mình ra khỏi cái gọng kìm quái ác tự lựa chọn cho mình này.
Như vậy Đảng mới có khả năng đối mặt với tình thế hiện nay.
Tôi không nghĩ là nhờ giữ “đại cục”, nên
quan hệ Việt – Trung liên quan đến Biển Đông đỡ căng thẳng hơn so với một số
trường hợp khác. Quý vị đại diện lãnh đạo chắc cũng không lạ gì chiến thuật gỡ
bó đũa và bẻ từng cái đũa của Trung Quốc.
Xin thưa rành rọt, có lúc nào nước ta quên
giữ “đại cục”, thế mà đâu có được yên thân!? Nếu cảm thấy có sự yên ả hơn nào
đó đối với nước ta trên Biển Đông như vị đại diện lãnh đạo nhận định, tôi e
rằng đấy là nhận định sai lầm.
Kể từ khi có “Những nguyên tắc thoả thuận
chung về giải quyết những vấn đề trên Biển Đông” ký ngày 11-10-2011 giữa hai
bên đến nay, Trung Quốc đâu có để cho ta yên trên Biển Đông? Hoặc giả vì những
lý do nào đó Trung Quốc có vẻ tạm thời “nương tay” với nước ta – như quý vị đại
diện lãnh đạo nhận định - đương nhiên đấy chỉ là những tính toán thâm hiểm nhằm
vào nội tình nước ta. Trong khi đó tiếng nói diều hâu ở Trung Quốc hiện nay cho
rằng đánh chiếm “lưỡi bò” và cho Việt Nam “bài học” lúc này là thuận lợi nhất,
tiếng nói uyên thâm hơn cho rằng duy trì một Việt nam dặt dẹo như hiện nay là
rẻ nhất! Như vậy 16 chữ, bốn tốt và giữ đại cục Trung Quốc ban tặng ta thực chất
có nội dung gì?
Trên thực tế suốt thời gian từ tháng
10-2011 đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang xâm phạm các vùng biển đảo
nước ta. Nội dung, hình thức và quy mô các hành động leo thang ngày càng nghiêm
trọng hơn. Nhiều lần người phát ngôn Bộ ngoại giao nước ta đã phải chính thức
lên tiếng phản đối.
Tháng 6-2012 Quốc Hội nước ta thông qua
Luật biển, ngay lập tức chính giới và báo chí Trung Quốc gay gắt lên án, ngang
nhiên đến mức đòi nước ta phải huỷ bỏ Luật này! Phía Trung Quốc nói thẳng Việt
Nam nên quên Hoàng Sa và Trường Sa đi, chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển
Đông là không thể bàn cãi, không toà án quốc tế nào, không UNCLOS 82 nào có thể
thay đổi điều này. Trong khi đó hiện nay Trung Quốc lại đang chuẩn bị mọi việc
để sắp tới sẽ đưa cái gọi là vấn đề Biển Hoa Đông4 của Trung Quốc ra kiện cáo
tại Liên Hiệp Quốc!
Tháng 7.2012 Trung Quốc hoàn thành việc
thành lập thành phố hành chính Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của ta,
đặt quân đồn trú thường trực tại đây, giao trách nhiệm cho đơn vị hành chính
mới này trực tiếp quản lý toàn bộ vùng “lưỡi bò” trên Biển Đông, triển khai các
công trình hạ tầng vật chất kỹ thuật cho việc thực hiện những mục tiêu đã công
bố. Cả thế giới xôn xao việc Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỷ đô-la để xây dựng các
kết cấu hạ tầng và thành phố Tam Sa ở Hoàng Sa để thực hiện ý đồ chiếm đoạt
vĩnh viễn vùng này… Sau đó Trung Quốc ngày càng ráo riết xây dựng hàng loạt các
căn cứ hải quân khác trên các đảo lấn chiếm cuả ta, đặc biệt là các căn cứ Chữ
Thập, Gạc Ma, Vành Khăn… Cho đến nay Trung Quốc đã xây dựng xong 7 căn cứ trên
biển như thế, với tổng diện tích là gần tám cây số vuông (8 km2), có căn cứ có
bến đỗ hàng nghìn mét cho tầu chiến, có nơi có đường băng khoảng ba nghìn mét
(3000 m) cho phi cơ… Giới quân sự Trung Quốc gọi thẳng đấy là Vạn Lý Trường
Thành trên biển.
Tháng 8.2012 Trung Quốc “mua” Campuchia
ngăn cản Hội nghị cấp cao ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông theo hướng thông
qua bộ quy tắc ứng xử COC5 mà tất cả các quốc gia trong vùng – kể cả Trung Quốc
– phải tuân thủ.
Tháng 9.2012 Trung Quốc lại cho gọi thầu
nước ngoài khai thác 26 lô dầu khí, trong đó có 9 lô nằm sâu trong lãnh hải,
thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Bên cạnh việc phát hành hộ chiếu in hình
“lưỡi bò”, từ 01.01.2013 Trung Quốc cho tầu cảnh sát kiểm soát mọi tầu bè qua
lại trên Biển Đông...
Nhiều lần trong năm 2013 Trung Quốc cho
hàng chục nghìn tầu cá, có tầu hậu cần 4000 tấn và các tầu của hải quân đi
cùng, thực hiện sự có mặt thường trực của Trung Quốc trên Biển Đông, xâm phạm
cả vào vùng biển của ta, âm mưu thực hiện cái gọi là sự kiểm soát trên thực tế
và không thể tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt nghiêm trọng là tháng 5.2014
Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cắm sâu vào vùng biển nước ta, vừa nhằm mưu đồ
lấn chiếm biển, vừa tạo cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sự có mặt của hải quân Trung
Quốc trên các đảo đã chiếm của ta ở Hoàng Sa và Tường Sa…
Thậm chí từ đầu năm nay Trung Quốc đã ra
lệnh cho các tầu chiến của mình trên Biển Đông tuần tra thường xuyên với nhiệm
vụ sẵn sàng chiến đấu!
Nhân đây, cho phép tôi lưu ý hai vị, mấy
tuần qua Trung Quốc liên tục cho các tầu tuần tra áp sát vùng biển của Nhật
thuộc đảo Senkaku, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nhật. Để hậu thuẫn cho
những hành động uy hiếp này, Trung Quốc đồng thời cho hàng chục vạn dân khắp
nơi toàn Trung Quốc tiến hành biểu tình chống Nhật, có nơi xảy ra bạo lực chống
Nhật. Một số quan sát viên nước ngoài tại chỗ cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc
trên thực tế là người đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình này. Tôi không thể
không liên hệ sự việc này với việc các nhà chức trách nước ta kiên định cấm và
trấn áp thô bạo người dân yêu nước ta tự giác đi biểu tình phản đối Trung Quốc
lấn chiếm biển Đông.
Chắc chắn lão đồng chí và vị đại diện lãnh
đạo đều biết chuyện cán bộ khu phố được cử đến từng nhà giải thích với dân:
những người đi biểu tình như thế là do bị kích động, bị mua chuộc hay được thuê
đi biểu tình! Có nơi cán bộ còn nói thẳng với dân: đi biểu tình như thế là làm
hại đến đại cục quan hệ Việt – Trung, khuyên dân không được đi biểu tình, bảo
dân phải biết phân biệt đúng sai và phải biết hàm ơn Trung Quốc!!!…
Xin nói thực lòng, những việc làm này của
các nhà chức trách nước ta khiến tôi cảm thấy rất nhục cho bản thân mình và cho
đất nước mình! Tôi chỉ có thể kết luận: Nước ta càng ra sức giữ “đại cục” theo
kiểu nhẫn nhục như thế, Trung Quốc càng lấn tới. Hoà bình, hợp tác và hữu nghị
phải giành lấy, chứ không thể van xin như thế mà có được!
Thưa lão đồng chí và vị đại diên lãnh đạo,
phần trình bày của bà Nguyễn Thị Bạch Yến và những vấn đề tôi vừa mới trình bày
về quan hệ Việt – Trung cho thấy tình hình đối nội và đối ngoại của nước ta
hiện nay đặt ra nhiệm vụ nhất thiết phải tiến hành cải cách triệt để hệ thống
chính trị làm đòn bảy chuyển đất nước ta sang một thời kỳ phát triển mới.
Đại diện lãnh đạo:
– Xin cảm ơn giáo sư. Bà Yến và giáo sư đi tới kết luận phải xây
dựng ở nước ta một thể chế chính trị của một nhà nước pháp quyền dân chủ như là
một chìa khoá giải quyết mọi vấn đề và thách thức đang đặt ra cho đất nước. Tôi
hiểu như vây. Đề nghị hãy khoan bàn chuyện này. Chúng ta đang nói về Trung
Quốc, tôi muốn đặt ngay câu hỏi: Lúc này các vị muốn thay đổi chế độ chính trị
xã hội chủ nghĩa sang thể chế chính trị dân chủ tư sản - nghĩa là đi theo con
đường chủ nghĩa tư bản. Xin hỏi: Làm như thế khác nào thay đổi trận tuyến để
chuyển sang đi hẳn với Mỹ để chống Trung Quốc không? Chẳng lẽ các vị không hiểu
điều tế nhị này? Tôi mong được nghe ý kiến của bà Yến và giáo sư.
Yến nhường giáo sư nói trước. Giáo sư
Hoàng Quốc Tuý:
– Xin thưa, băn khoăn của vị đại diện lãnh
đạo phần nào có lý. Hiển nhiên Trung Quốc sẽ rất lo xảy ra việc nước ta thay
đổi chiến tuyến, vì dân chủ là gót chân Achilles của Trung Quốc. Nếu muốn,
Trung Quốc rất có thể vin vào chuyện nước ta cải cách chính trị, để bịa ra cái
cớ “Việt Nam đã thay đổi chiến tuyến nhằm chống Trung Quốc”, để một lần nữa có
lý do “dạy cho nước ta một bài học.” Mặc dù họ thừa biết Việt Nam không bao giờ dại gì đi với một
bên chống một bên.
Thưa hai quý vị, tôi nghĩ Trung Quốc thừa
biết lợi ích lớn nhất của Việt Nam là mong được sống yên ổn, hoà bình và hợp
tác cùng có lợi bên cạnh Trung Quốc. Họ cũng không tự ty đến nỗi sợ Việt Nam đi
với Mỹ chống Trung Quốc đâu ạ. Hiểu vấn đề như thế, nên chúng tôi kết luận,
không thể chỉ vì lo Trung Quốc nghĩ thế này thế nọ mà không dám tiến hành cải
cách dân chủ ở nước ta, vì lợi ích phát triển của nước ta.
Lịch sử quan hệ 2 nước đã nhiều lần cho
thấy Trung Quốc đánh ta hay không đánh ta chỉ phụ thuộc một phần nào đó về phía
ta mà thôi, mà chủ yếu là phụ thuộc vào những tính toán của Trung Quốc trên bàn
cờ chiến lược toàn cầu, với phương châm mục tiêu biện minh cho biện pháp. Thậm
chí khi cần đánh ta, thì họ chủ động dàn dựng bối cảnh và tạo ra lý do đánh ta.
Báo cáo chính trị đai hội 18 của Đảng Cộng
Sản Trung Quốc vừa qua nói rõ: Trung Quốc chủ trương nước giàu quân mạnh, phải
sẵn sàng chiến thắng chiến tranh cục bộ.
Xin hỏi: Một cuộc chiến tranh cục bộ phải
đánh thắng như thế chắc chắn chỉ có thể nằm trong khu vực nước ta đang sống,
chứ không thể ở một châu lục nào khác được, có phải thế không ạ?.. Vậy sự uy
hiếp công khai này nhằm vào ai đây? Sự uy hiếp này có chờ nước ta cải cách đâu?
Cho nên vấn đề đặt ra không phải là sợ Trung Quốc đánh mà nước ta đành bó tay
ngồi yên và chẳng dám làm những việc nước mình phải làm.
Xin thưa hai quý vị, nước ta chỉ có vấn
đề, cũng như tháng 2 năm 1979, một khi Trung Quốc rắp tâm đánh ta, nước ta sẽ
phải trả lời như thế nào?
Thạc sĩ dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị
Bạch Yến:
- Tôi rất tán thành ý kiến của giáo sư
Hoàng Quốc Tuý. Xin đưa ra đây một số ví dụ để các quý vị tham khảo.
Trước cái bắt tay Mỹ - Trung Năm 1972 ở
Thượng Hải, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đứng chung chiến tuyến
chống chủ nghĩa đế quốc. Nhưng sau cái bắt tay lịch sử Trung – Mỹ đầy tai tiếng
này, nước ta có thay đổi chế độ chính trị gì đâu, thế nhưng Trung Quốc đã thay
đổi chiến tuyến và phản thùng cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam .
Lợi dụng việc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam
theo Hiệp định Paris 1973, năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ phần Hoàng Sa
còn lại của ta. Phần trước đó họ đã chiếm năm 1956 khi Hiệp định Geneva 1954
vừa được ký kết.
Năm 1977 Trung Quốc khiển Polpot đánh Việt
Nam quy mô lớn, tạo ra cái bẫy buộc ta phải lâm chiến.
Năm 1979 Trung Quốc vin vào chuyện họ tạo
dựng lên này, đẻ ra cái cớ cần dạy cho Việt Nam một bài học. Đấy là cách căng
Việt Nam
ra hai đầu mà đánh sau khi nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ. Còn
thủ đoạn nào thâm độc hơn không?
Năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm thêm 7 đảo
và bãi đá của ta ở Trường Sa...
Những sự kiện lịch sử này cho ta đủ lý lẽ
kết luận: Khi cần, Trung Quốc đều dàn dựng mọi chuyện để chủ động đánh ta,
không cần chờ đến việc ta thay đổi hay không thay đổi thể chế chính trị.
Hiển nhiên Trung Quốc đánh ta hay không
đánh ta trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào tính toán của Trung Quốc trên bàn cờ
thế giới. Song cũng hiển nhiên như thế, phía ta có hay không có khả năng làm
thất bại các đòn của Trung Quốc một khi họ ra đòn? Đây mới thực sự là vấn đề
của nước ta ạ.
Chúng tôi đã cân nhắc mọi khía cạnh, và
thấy: Để vượt qua được mọi thách thức trong, ngoài hiện nay, không có cách gì
lẩn tránh được công cuộc cải cách triệt để chế độ chính trị của đất nước. Nhiệm
vụ cải cách chế độ chính trị như vậy là điều kiện tiên quyết để có thể phát huy
sức mạnh dân tộc và tạo ra sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tôi xin nhấn mạnh, không có cải cách thể
chế chính trị để có hoà giải dân tộc, sẽ không thể có một Việt Nam độc lập, tự
do dân chủ, phát triển, dấn thân được cùng với cả thế giới tiến bộ, đứng bình
đẳng được cạnh nách Trung Quốc. Nghiêm khắc hơn nữa phải nói: Không cải cách
thể chế chính trị để có hoà giải dân tộc, nước ta sẽ không có đủ ý chí và sức
mạnh thoát được thân phận một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc. Mà như thế, ách
nô dịch Đại Hán sẽ càng được củng cố. Xin đừng quên cảnh báo của cố Bộ trưởng
Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trước đây: Với Hội nghị Thành Đô 1990, nguy cơ Bắc
thuộc lần thứ hai bắt đầu!
Vị đại diện lãnh đạo chen ngang:
– Quá nhấn mạnh đến hoà giải phi giai cấp
như thế, bà Yến đứng trên lập trường nào? Bà Yến không thấy hàng ngày các thế
lực thù địch đang ra sức chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta?
Thạc sĩ doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến:
– Xin thưa, tôi đứng trên lập trường dân
tộc, đứng trên quan điểm lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia là tối thượng. Xin
nói thẳng thắn, tôi không coi cái mà các vị gọi là “nhà nước xã hội chủ nghĩa
của chúng ta” và lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là một! Xin nói rõ hơn nữa,
cái gọi là “nhà nước của dân, do dân, vì dân” được dựng lên ở nước ta hiện nay
chỉ là của giả, có cái tên gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Quý vị có thể tổ chức
thảo luận rộng rãi, dân chủ và công khai để nghe ý kiến cả nước về suy nghĩ này
của tôi.
Tại điểm này, xin cho phép tôi nói một số
suy nghĩ về hoà giải dân tộc.
Thưa các quý vị, con đường gian truân đất
nước ta đã trải qua từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đầy hy sinh tổn thất, có
những mất mát không thể lấy lại được nữa. Con đường này để lại những hố sâu
chia rẽ và những chướng ngại vật trên mọi phương diện đời sống tinh thần và vật
chất của đất nước mà bốn chục năm nay hầu như vẫn chưa vượt qua được. Sự thực
đau lòng và vô cùng khắc nghiệt đối với dân tộc ta là trên con đường này đã xảy
ra cuộc nội chiến Bắc – Nam
khốc liệt trong lòng cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
(Hội trường rộn lên xôn xao)
Vâng, một cuộc nội chiến khốc liệt trong
lòng cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đến nay chúng ta vẫn cố tình trốn tránh
sự thật này. – Yến
chậm rãi nhắc lại để nhấn mạnh.
… Cuộc nội chiến đẫm máu và nước mắt này
quyết liệt đến mức có anh thì không có tôi.
Khắc nghiệt đến mức chỉ có thể giải quyết
được bằng một bên phải loại bỏ, phải tiêu diệt một bên.
Sự khắc nghiệt này đầy ắp những ý tưởng
hay lý tưởng không thể đội trời chung với nhau, lâm chiến quyết liệt với nhau
suốt bảy thập kỷ vừa qua, đặc biệt là trong ba thập kỷ chiến tranh khốc liệt
trên cả nước.
Sự khắc nghiệt này đầy ắp những xung đột
đến tận cùng giữa ngu dốt và trí tuệ, giữa thiện và ác, giữa sống và chết, chia
cắt dân tộc ta sâu thẳm trong tâm khảm cho đến hôm nay… Và ai biết được vết
thương này trong lòng dân tộc ta còn rỉ máu đến bao giờ trong tương lai?!..
Sự khắc nghiệt này chất đầy những bi kịch
và không hiếm khi là thảm kịch của biết bao số phận đã bị cột chặt vào những
khung cảnh không thay đổi được nữa của cuộc đời… Cùng là con một nước, nhưng vì
đứng bên kia chiến tuyến nên trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau. Cả
nước, có không ít các gia đình bị xé đôi, có không ít các bà mẹ có các con mình
ngã xuống cả hai bên chiến tuyến…
Đau lòng hơn nữa, ngay cả sau khi chiến
tranh đã kết thúc, dư chấn của nó thời hậu chiến – đặc biệt là những chính sách
sai lầm trong thời kỳ này - đã gây thêm nhiều tổn thất mới cho đất ước, đồng
thời tiếp tục làm tan nát hàng vạn gia đình, đã xô đẩy hàng triệu người dân rời
bỏ đất nước với thân phận thuyền nhân… Cho đến hôm nay, nhân dân cả nước ta vẫn
chưa làm sao đếm được, chưa làm sao biết được bao nhiêu nghìn, bao nhiêu vạn
trong số những người ra đi này đã bỏ mạng trên biển vì đói khát, vì bệnh tật,
vì thuyền đắm.., bao nhiêu phụ nữ và em gái đã bị hải tặc hãm hiếp và giết
chết?.. Thưa các quý vị, trong số những phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp và giết chết
này có người em họ là con gái của chú tôi!6 – … đến đây, Yến dừng lại, hai bàn
tay nắm chặt đặt trên mặt bàn, cố không nhắc đến chuyện chồng và con mình đang
bị công an giam gữ trong trận bố ráp đánh trường Đại học PH…
(Hội trường xì xào như quặn lên rồi lặng
ngắt…)
… Thưa các quý vị, xin cho phép tôi nêu rõ
ngọn ngành dẫn đến nội chiến là thế này:
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc, lời nguyền địa lý ác nghiệt đã bất khả kháng đẩy nước ta vào cuộc giằng
xé lịch sử giữa phe chủ nghĩa cộng sản và phe chủ nghĩa đế quốc, mà Việt Nam là chiến
trường trực tiếp. Vì lẽ này, sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược của nước ta
bất khả kháng bị cài cắm vào nhiều cuộc chiến tranh qua tay người khác, còn gọi
là các cuộc chiến tranh uỷ thác (các proxy wars)…
Cụ thể là từ 23 tháng 9 năm 1945, khi nước
ta phải bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhất là từ khi phải bước vào
cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân tộc ta cùng một lúc phải gánh trên vai mình năm,
sáu cuộc chiến tranh khác nữa trong lòng một cuộc chiến tranh. Xin liệt kê như
sau.
Một là cuộc chiến tranh nóng giữa chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, với quyết tâm của Mỹ ngăn chặn
chủ nghĩa cộng sản, đến mức sẵn sàng đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá để thực
hiện mục tiêu chiến lược này. Lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ lúc ấy đòi hỏi
như vậy, mặc dù nước Mỹ ngay từ thời tổng thống Eisenhower đến nay chưa một lần
có ý đồ chiếm Việt Nam
làm thuộc địa.
Hai là cuộc chiến tranh nóng trên đất nước
ta chuyển tải cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ.
Ba là cuộc chiến tranh toạ sơn quan hổ
đấu: Trung Quốc quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng, để giữ cho Mỹ
không được đến gần biên giới Trung Quốc.
Bốn là cuộc chiến tranh của Trung Quốc
chống Liên Xô trên đất nước Việt Nam, với mục tiêu chiến lược gió Đông thổi bạt
gió Tây, nhắm ý đồ thoán đoạt từ tay Liên Xô vai trò thống lĩnh phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế.
Năm là cuộc chiến tranh của phong trào
giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Sáu là – và đây là điều đau lòng nhất,
trong lòng cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam ta rơi vào cuộc nội chiến có lẽ
đến nay là duy nhất trong lịch sử và vô cùng đẫm máu7. Sự thật đã xảy ra là:
Bối cảnh quốc tế khách quan đã bất khả kháng đẩy mỗi nửa nước ta gắn bó với lý
tưởng và ý thức hệ của một phe trong chiến tranh lạnh. Mỗi nửa đất nước tiến
hành chiến tranh đối kháng quyết liệt chống nửa đất nước còn lại. Một bên cho
rằng lựa chọn con đường của chủ nghĩa xã hội mới là yêu nước, vì vậy gọi nửa
bên kia là tay sai của chủ nghĩa đế quốc. Một bên cho rằng con đường cứu nước
phải là chủ nghĩa tư bản, vì vậy coi bên kia là lính đánh thuê của chủ nghĩa
cộng sản. Mỗi bên đều dứt khoát coi bên kia là bán nước…
Thưa các quý vị, có nhìn thấu cuộc nội
chiến hiện hữu đã xảy ra này – dù nguồn gốc phát sinh ra nó từ đâu, chúng ta hôm
nay mới có thể nhìn thấu nhát cắt chia đôi trái tim dân tộc, vào giữa lúc đất
nước chìm đắm trong khói lửa kháng chiến chống ngoại xâm.
Có nhìn thấu cuộc nội chiến này, chúng ta
mới ngộ được trong cuộc huynh đệ tương tàn này lợi ích tối cao của quốc gia,
của dân tộc đã bị lợi ích hay cách nhìn của ý thức hệ tác động, làm lu mờ, che
khuất... Thực tế đau lòng này khiến nước ta bất giác – dù là nửa bên này hay
nửa bên kia – ở một góc độ và phạm vi nhất định.., mỗi bên đều là một dạng cánh
tay nối dài của một bên trong ba (3) bên nước lớn ngoại quốc Mỹ - Xô – Trung.
Ba ông lớn này giành giật nhau vì lợi ích chồng chéo riêng, thông qua các hình
thái chiến tranh trên tổ quốc chúng ta, và bằng xương máu của nhân dân ta.
Có nhìn thấu cuộc nội chiến này, cả nước ta
– dù là nửa đất nước bên này hay là nửa đất nước bên kia, - nghĩa là, dù là Hà
Nội hay là Sài Gòn – về phương diện này và trên thực tế đều chỉ là hai con tốt
để chơi, để thí trên bàn cờ lớn giữa các cường quốc. Nước ta, dù là nửa bên này
hay nửa bên kia, dù là gắn với cường quốc A, B, C nào.., đều bị đem ra mặc cả,
bị bán đứng, bị giằng xé, bị biến thành vật đổi chác, hoặc bị bỏ rơi… không
dưới một phen trên bàn cờ lớn này! Xin hãy điểm lại từng sự kiện lịch sử đã
diễn ra từ năm 1945 chí ít cho đến Thành Đô (1990) để hiểu rõ đoạn trường đau
khổ này của dân tộc…
N.T
(còn tiếp)
--------------
Tôi đã đọc 3 kỳ lũ của ông Nguyễn Trung (cựu ĐSVN tại Thái Lan), giờ đây tôi vẫn băn khoăn: ghi chép của tác giả cuộc đối thoại trao đổi có diễn ra thật hay không?, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ những lý lẽ của 2 vị Hải Yến, Quốc Túy phản bác lại vị đại diện lãnh đạo
Trả lờiXóaTiểu thuyết bạn ạ. Lồng chuyện thật......Nhưng như bạn nói,lý lẽ đối đáp rất hay.
XóaĐảng csvn không sợ "lũ" của dân, vì đã có công an, quân đội trong tay, cứ làm vaì cái thiên an môn VN là dân chùn ngay, thầy Tàu của cộng Việt đã daỵ rồi "quyền ở trên đâù nòng súng"
Trả lờiXóaMời các bác xem tin nóng đây này: Rồi lại lâý tiền thuế dân, tiền bán taì nguyên, tiền vay nợ quốc tế để trả vì thua kiện 1 tỷ đô cho ông Trịnh Vĩnh Bình đây này:
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/06/trinh-vinh-binh-kien-chinh-phu-vn-oi-1.html
Dân Bình Thuận không sợ chết nằm lăn ra trước bánh xe đấy ông ạ. Đừng hù dọa!
Xóa(Người Bình Thuận)
Trước mắt , bản chất của chế độ Cộng Sản đã bị chính ĐCSVN tiêu huỷ .
Trả lờiXóaTinh thần nòng cốt vô sản , đấu tranh giai cấp để mang lại một xã hội công bằng thất bại vì thành phần giàu có nhất chính là Đảng viên hôm nay !
Không lý nào chính họ ( Đảng viên ) lại đấu tố mình ! Hoặc kêu gọi người khác đấu tố mình ! Cả hai cách đều không thể .....
Vậy tại sao không xoá đi từ Cộng Sản , cho Đảng viên đỡ tâm tư , dằn vặt ? Cho nhân dân được thoải mái cùng nhà nước bớt ngượng ngùng ? Cho con đường ngoại giao với thế giới được thênh thang rộng mở ?
Một xã hội dân chủ , người giàu có làm ăn chân chính tôn trọng pháp luật , đời sống nhân dân ấm no , đạo đức ổn định , không tốt hay sao ? Cần chi phải Cộng Sản cho mất thời gian , phí công phí sức , vô ích họp hành hoang phí tiền bạc , gây thêm nhiều hiềm khích cá nhân ?
Hướng thiện và tránh điều ác vẫn tốt hơn chọn con đường hành ác để tầm thiện . Không thể lấy sắc máu để biện minh cho thiện tâm , lấy đấu tố để tìm sự công bằng , lấy chiến tranh xâm lấn để gọi là tự vệ .
Hãy trả lại cho người Việt truyền thống thương yêu và đùm bọc . Đừng đấu tranh , đấu tố , kiểm điểm , phê bình , chẳng khác chi gà nhà cùng một mẹ lại bôi mặt đá nhau .
Hãy quên đi một thời vàng son và khổ đau vì Cộng Sản , nó không thuộc bản chất dân tộc , truyền thống dân tộc , đạo đức dân tộc .
Cộng sản là một sản phẩm mà người Việt Nam hầu hết đều đã thử nghiệm , chất đắng chua nhiều hơn vạn ngọt bùi . Không ăn được thì đành phải nhả ra mà thôi , tiếc máu xương vì nó , e rằng bản thân Việt Nam ta sẽ ngộ độc tập thể ....!