* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo)
Thạc sĩ dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị
Bạch Yến:
– Xin thưa, chống tham nhũng là việc nhất thiết phải làm, song
không được biến tướng thành đấu đá giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Vì làm như
thế, trên thực tế là tiếp tục nuôi tham nhũng và làm kiệt quệ đất nước, trốn
tránh đòi hỏi phải cải cách hệ thống chính trị.
Cả nước rất lo lắng, vì thấy có nhiều điều
uẩn khúc đang bị giấu giếm đằng sau hay chung quanh những vụ “đánh tham nhũng”.
Dư luận trong dân đâu đâu cũng cho rằng sự việc chắc phải nghiêm trọng hơn rất
nhiều so với những gì được giải thích trên báo chí. Các vụ bắt bớ nhân danh
đánh tham nhũng, thường gây ra ngay lập tức những hiện tượng tháo chạy ồ ạt
trên thị trường chứng khoán. Có lúc Ngân hàng Nhà nước đã phải cấp tốc điều
hàng trăm tỷ đồng chỉ để cứu một ngân hàng nào đó trúng đạn, nhằm phòng ngừa
hiệu ứng rút tiền bày đàn và nguy cơ đổ vỡ domino của cả hệ thống. Cái nảy xảy
cái ung, giữa lúc nhà nước đang cháy vốn. Xin hỏi: lấy tiền ở đâu ra mà cứu như
thế? Hay lại in thêm tiền?.. Làm như thế là cách chống tham nhũng có hiệu quả
hay sao?
Thực tế đã và đang xảy ra là các vụ bắt bớ
như vậy, khiến cho cơ chế kinh tế thị trường hình thành dần dần trong suốt mấy
chục năm đổi mới bỗng dưng bị các chỉ thị hành chính và các biện pháp hình sự
bóp nghẹt.
Xin thưa, đánh tham nhũng kiểu đánh nhau
như thế giữa các nhóm lợi ích, người thua là nền kinh tế cả nước. Xin thử hỏi,
nếu chính quyền tuột tay để xảy ra đổ vỡ domino trong hệ thống ngân hàng, trong
bất kể một ngành kinh tế nào khác.., sẽ lấy in tiền nào mà cứu cho xuể? Trong
khi đó thâm hụt ngân sách kéo dài kinh niên và ngày càng cao, quá nhiều dự án
thiếu vốn, quá nhiều công trình dở dang, nợ nần ngày càng khó kiểm soát...
Xin thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh
đạo, chỉ số của thị trường chứng khoán từ nhiều năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh
chỉ còn ¼, và ở Hà Nội chỉ còn 1/5 so với đỉnh cao nó đã đạt được2! Đây là chỉ
số đo hiện tượng xuống dốc và hiện nay đang mất đà của nền kinh tế. Cùng một
lúc tiền tệ - tài chính nước ta hiện nay thường trực cả hai nguy cơ: lạm phát
tăng cao trở lại, hoặc rơi vào thiểu phát và đình đốn…
Tất cả nói lên nền kinh tế đất nước hiện
nay có rất nhiều vấn đề rất nhạy cảm và nguy hiểm. Đời sống của người lao động
đang rất khó khăn vì giá cả leo thang, và bây giờ là thêm nạn mất việc đang lan
rộng…
Nếu nhìn toàn bộ những điều vừa trình bày
dưới góc độ sự can thiệp thường trực của quyền lực mềm Trung Quốc, tôi nghĩ
tình hình có lẽ còn đáng lo ngại hơn nhiều. Hiện nay, chỉ một tin đồn nhảm cũng
khiến nhiều người lo âu, làm ngân hàng này ngân hàng nọ khốn khổ, dân tình nhốn
nháo… Khắp nơi loạn xạ những lời đồn nhảm, khiến các cơ quan của ta phải làm
việc này việc nọ để thanh minh, để giải thích… Tình trạng thiếu công khai minh
bạch và bưng bít thông tin càng làm cho mọi chuyện phức tạp hơn…
Đại diện lãnh đạo:
– Xin hỏi thẳng bà Yến, bà không tán thành cách chúng tôi đã làm
trong chống tham nhũng, vậy theo bà thì phải đánh như thế nào?
Thạc sĩ dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị
Bạch Yến:
– Xin thưa, Đảng độc quyền lãnh đạo và nắm quyền lực tuyệt đối, theo
lẽ đương nhiên Đảng cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện và tuyệt đối về tình
hình đang diễn ra trên đất nước hiện nay. Tại các nước có chế độ chính trị đúng
đắn thì tất cả những người lãnh đạo này lẽ ra phải từ chức ba, bốn lần rồi!
Đặt ra vấn đề gỡ rối, có nghĩa là tập thể
Bộ Chính trị - với tính cách là những người đứng đầu các bộ máy của Đảng, Quốc
hội và Chính phủ, có trách nhiệm phải vượt qua lợi ích nhóm, gạt hết mọi riêng
tư với nhau, để cùng nhau một ý chí bàn bạc cách sửa lỗi hệ thống, chứ không
phải là chỉ tìm cách đánh, hay đánh nhau như đang diễn ra. Tự phê bình và phê
bình với tinh thần bỏ qua việc sửa lỗi hệ thống và chỉ đơn thuần nhằm vào
“đánh” như vậy là sai ngay từ đầu rồi! là cách nhìn thiển cận, hoặc ngay từ đầu
đã có dụng ý không tốt rồi!
Bộ Chính trị nắm trọn vẹn mọi quyền lực
trong tay, nếu là một khối thống nhất và một lòng vì nước, thì hoàn toàn có thể
làm được theo cách gỡ rối. Tại sao không làm?
Với mục đích sửa lỗi hệ thống như vậy, gỡ
rối không loại trừ việc sẽ phải sử dụng những biện pháp nghiêm khắc nhất, song
gỡ rối vẫn hoàn toàn khác với đánh.
Quyền lực trọn vẹn trong tay như thế mà
không cùng nhau gỡ rối, lại chỉ chọn cách đánh như đang làm, rõ ràng đấy chỉ là
biểu hiện của chia rẽ nội bộ, của bất lực, là đối phó lẫn nhau, là không vì
nước! Có phải thế không ạ?..
Cả hội trường lào rào xì xào. Yến lại phải
chờ một lúc:
Xin thưa, khắc phục các nguyên nhân gây ra
tham nhũng mới thực sự là chống tham nhũng có hiệu quả. Hay là bây giờ bộ máy
lãnh đạo và thực thi quyền lực đã quá nát, do đó không còn nữa khả năng gỡ rối?
Mà đánh như thế, đương nhiên sẽ có bên thắng bên thua, song chung cuộc lỗi hệ
thống vẫn còn nguyên vẹn, cuối cùng sẽ chỉ có đất nước thua vì phải chịu trận
thảm hại! Có phải thế không ạ?..
Cứ giả thiết là lãnh đạo tiến hành đánh
như vậy hoàn toàn với thiện chí – dù điều này trên thực tế là không thể, nhưng
xin hỏi trong tình hình bê bối như thế, đánh làm sao xuể? Mà không đánh thì nợ
xấu, thất thoát, vỡ bong bóng, thôn tính lẫn nhau… sẽ đẻ số ra mãi ra và sớm muộn
sẽ làm phá sản toàn bộ nền kinh tế. Mới chỉ có bắt vài người mà đến hôm nay vẫn
chưa khắc phục xong những thiệt hại lớn và tình trạng dao động nhốn nháo trong
toàn bộ hệ thống tài chính - tiền tệ. Đánh tiếp nữa thì sẽ ra sao ạ? Mà chuyện
phải đánh như thế thì còn rất nhiều, nhiều vụ đáng phải đánh còn bự hơn nhiều!
Mới chỉ đánh sơ sơ như vậy, dư luận đã râm ran có lẽ phải vay tiền IMF để giải
quyết vấn đề nợ xấu, nhà nước ta lại phải đứng ra cải chính! Tôi dám khẳng định
đánh như đang làm hiển nhiên không phải là lối thoát, mà là đi nhanh hơn đến đổ
vỡ!
Vị đại diện lãnh đạo:
– Nói như bà Yến là chẳng hiểu gì về tự phê bình và phê bình đợt
này, mà lại còn có thái độ nghi vấn nữa. Tôi thẳng thắn hỏi thực: Doanh nhân và
trí thức đứng về bên nào trong đấu tranh này? Vì đây là vấn đề lập trường: Ủng
hộ hay chống đấu tranh chống tham nhũng?
Thạc sĩ dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị
Bạch yến, không mảy may thay đổi thái độ:
– Xin thưa, vị đại diện lãnh đạo nhận xét
chúng tôi không hiểu gì là rất đúng ạ. Thực quả là rất cố gắng, song những đảng
viên như chúng tôi vẫn không thể nào hiểu được ý nghĩa đợt học tập Nghị quyết
Trung ương 4, đợt tự phê bình và phê bình kỳ này ạ. Các phương tiện thông tin
đại chúng đều nói đợt này rất quan trọng, đã đạt được những kết quả ban đầu rất
có ý nghĩa đối với xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Lãnh đạo Đảng chính thức
thông báo đi thông báo lại trên tivi: Trong đợt này ở cấp cao, có người đã viết
đi viết lại bản tự phê bình, có người đã phát biểu phê bình bốn năm lần xây
dựng cho người tự kiểm điểm, không khí rất chân tình, thiêng liêng…
Xin thưa, chính tôi cũng chăm chú nghe và
đọc những tin này, nhưng thực tình tôi không hiểu lãnh đạo định gửi cho dân
thông điệp gì… Bản thân tôi không thu lượm được bất kể thông tin nào từ những
tin tức chung chung như vậy. Tôi cũng không thông minh thêm được chút nào qua
các con số như “bốn năm lần góp ý”. Tôi cũng không muốn làm cái việc đoán mò
xem những khái niệm như “chân tình”, “thiêng liêng” có nội dung gì, có thể mang
lại chuyển biến gì… Nếu đồng chí đại diện lãnh đạo cũng ở vào địa vị người dân
như tôi và được nghe những thông tin như thế, tôi chắc đồng chí cũng sẽ không
thông minh hơn chúng tôi.
Nhân đây, tôi xin hỏi trực tiếp vị đại
diện lãnh đạo: Kiểm thảo viết đi viết lại bốn năm lần, rất chân tình, thiêng
liêng… là về những vấn đề gì? Chẳng lẽ Đảng phải giữ bí mật? Ở cấp cao nhất của
Đảng có việc nào của Đảng mà không liên quan đến vận mệnh quốc gia? Chẳng lẽ
người dân không nên biết những thông tin liên quan đến vận mệnh quốc gia?
Xin thưa, nếu cố ý không cho dân biết thì
nên thôi hẳn việc thông tin chung chung gây nhiễu loạn như thế đi có hơn không?
Trong khi đó tôi rất khát khao được biết
đợt tự phê bình và phê bình lần này làm rõ được những vấn đề nghiêm trọng gì
của đất nước, đề ra được những giải pháp gì cho tình hình nóng bỏng hiện nay,
và nhân dân cần phải tham gia đối phó thế nào, vân vân...
Xin nói thực lòng, cá nhân tôi không đứng
về bên nào trong đấu tranh chống tham nhũng như cách đang làm trong đợt tự phê
bình và phê bình lần này. Vì đánh như đánh nhau, nên dù bên nào thắng đất nước
vẫn thua. Là chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng PH, mấy ngày nay tôi đứng
ngồi không yên vì giao dịch của Ngân hàng PH bỗng dưng giảm hẳn, mặc dù Ngân
hàng PH chẳng liên quan gì đến mấy vụ bắt bớ vừa rồi. Chính tôi cũng chưa sao
ước lượng được cái giá nền kinh tế cả nước phải trả cho chuyện đánh như vậy.
Xin thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh
đạo, cho dù kết quả đánh lần này có thể chống được một vài tội tham nhũng cụ
thể nào đó.., cứ giả định một cách lý tưởng là như thế đi. Song chung cuộc
những nguyên nhân gây ra tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn, bởi vì hệ thống sản sinh
ra những nguyên nhân ấy còn nguyên vẹn. Để rồi sau đợt đánh này, sẽ từ hệ thống
này, lại thai nghén và ra đời một chu kỳ đánh nhau mới, hiệp này đẻ ra hiệp
khác... Chung cuộc là tiếp tục đẩy nền kinh tế đất nước đi gần hơn nữa tới đổ
vỡ.
Xin thưa, đánh như thế cho thấy trong lãnh
đạo Đảng không còn ý chí và khả năng tìm tòi con đường sửa lỗi hệ thống, mà chỉ
tuân theo bản năng ngoan cố, thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng. Đánh chân tình
và thiêng liêng như thế chỉ là để níu kéo cái gọi là định hướng xã hội chủ
nghĩa…
Vị đại diện lãnh đạo:
– Kiểm điểm chân tình và thiêng
liêng nhận khuyết điểm như thế mà bà Yến còn nghi ngờ, vậy theo bà thế nào mới
là tự phê bình và phê bình nghiêm túc? Thật là… là… Nói thế mà cũng nói được. –
sắc mặt vị đại diện lãnh đạo bừng bừng. - ...Vì là đối thoại, tôi không muốn
quy kết bà là chống Đảng hay lật đổ chế độ... Nhưng tôi muốn hỏi thẳng: Ý kiến
của bà phải chăng chỉ nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng?
Hội trường ồ lên vì tính chất búa bổ của
câu hỏi. Nhưng Yến vẫn giữ được bình tĩnh:
– Xin thưa, hiện tượng đánh là một chỉ dấu
mới nữa, cho thấy tha hoá đã dồn Đảng tới ngã ba đường. Một ngả là đành ươn hèn
tha hoá tiếp, để đi tới phân rã, và sẽ sụp đổ như của một tập hợp các băng đảng
trong một đảng. Một ngả khác là phải lựa chọn lột xác, tự cải cách để đi với
dân tộc, đi với đất nước, để trở lại là một chính đảng trong một đất nước do
nhân dân làm chủ...
Vậy xin hỏi lại: Lãnh đạo Đảng hôm nay sẽ
chọn ngả đường nào?
Trong tình hình đất nước như vừa trình
bày, doanh nhân và trí thức chúng tôi kêu gọi cả nước phát huy sức mạnh hoà
giải dân tộc, đứng lên tiến hành cải cách triệt để và toàn diện để cứu nguy và
phát triển đất nước. Đấy là sự lựa chọn con đường hoà bình cải cách của chúng
tôi.
Tiếng vỗ tay ầm ầm ran lên từng hồi từng
hồi, nét mặt vị đại diện lãnh đạo và lão đồng chí cực kỳ căng thẳng, cả hai đều
rướn lên chăm chăm, hết nhìn Yến lại nhìn về phía trước.
Mãi vị đại diện lãnh đạo mới nói được:
- Nói như bà Yến là cực kỳ phản động...,
xin lỗi, là cực kỳ nguy hiểm… Mà tôi nói là phản động, là phản lại lại chủ
nghĩa Mác – Lênin, là chống lại tư tưởng Hồ Chí Minh… Coi bà là phản động cũng
không sai… Và như thế là có sự hiểu biết rất khác nhau về Đảng, về chủ nghĩa xã
hội, về xây dựng đất nước, về độc lập dân tộc gắn với chủ nghã xã hội. Tôi xin
nhắc lại, để tỏ ý thức dân chủ, ý thức tôn trọng lẫn nhau trong đối thoại, hôm
nay tôi chưa muốn quy kết gì vội. Lúc nào đó sẽ tính…
Tôi muốn chuyển sang vấn đề khác. Bản tổng
kết có một vấn đề rất thời sự và rất quan trọng khác, hôm nay tôi muốn nghe
trực tiếp và trao đổi ý kiến. Đó là vấn đề Trung Quốc và mối quan hệ Việt –
Trung. Bản tổng kết của các vị cho biết giáo sư Hoàng Quốc Tuý sẽ trình bày đề
tài này. Xin được nghe ý kiến của giáo sư.
Hội trường lào xào một lúc nữa vì sự
chuyển đoạn đột ngột, đồng chí lão thành cách mạng phải giơ hai tay lên trời ra
hiệu sự yên lặng mới trở lại.
Giáo sư Hoàng Quốc Tuý:
- … Tôi xin bắt đầu từ lịch sử…. (Giáo sư điểm lại các giai đoạn phát
triển quan hệ Việt – Trung từ thời kỳ Việt Nam – Trung Hoa từ khi hai nước có
quan hệ ngoại giao chính thức năm 1950 đến hôm nay.).
Giáo sư kết luận:
– … Có thể nói, bốn thập kỷ nay kể từ khi giành
lại độc lập thống nhất đất nước, quan hệ Việt – Trung là mối quan tâm đối ngoại
hàng đầu của nước ta. Với tất cả nỗ lực có thể có được, nước ta vẫn chưa sao
thành công trong việc xây dựng mối quan hệ này đúng với tinh thần núi liền núi,
sông liền sông như nó đã từng một thời... Thậm chí nước ta đã có những nhân
nhượng, những hy sinh quá mức cho phép, chắc chắn sau này những người chịu
trách nhiệm sẽ phải sám hối với dân tộc, với hậu thế… Tuy nhiên nước ta vẫn
thất bại.
Xin thưa hai vị, vì mong muốn khôi phục
quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc, nước ta đã chấp nhận mọi điều
kiện để họp hội nghị Thành Đô năm 1990, quay về gắn bó liên minh với nước Trung
Quốc xã hội chủ nghĩa vỏ. Đi vào bước ngoặt đổi chiều này, Việt Nam ta
bỏ lỡ thời cơ trở thành một nước độc lập tự chủ đi với cả thế giới tiến bộ và
không cần phải gắn mình với bất kỳ ai. Tuy qua bước đi này Việt Nam giành được
sự hoà hoãn nhất định, nhưng cái giá phải trả rất đắt. Kết quả tổng thể đạt
được cho đến nay là: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc càng phát triển, Việt Nam
càng lệ thuộc vào Trung Quốc, nước ta đang đứng trước tình hình con đường phát
triển của đất nước có nguy cơ bị chặn đứng.
Bà Yến đã nêu lên sự lũng đoạn nguy hiểm
của Trung Quốc đối với nền kinh tế nước ta, tôi xin miễn nhắc lại.
Trong phần trình bày của mình, xin cho
phép tôi đặc biệt lưu ý hai vị về sự can thiệp mọi mặt của quyền lực mềm Trung
Quốc vào nội trị nước ta. Nổi bất nhất là sự can thiệp này đã làm tê liệt đáng
kể sức đề kháng của hệ thống chính trị của đất nước, đồng thời nó tiêm nhiễm
vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhiều quan điểm phản
động, nhất là đã xui khiến được phía ta du nhập trọn gói cái gọi là “chống diễn
biến hoà bình” và coi “vấn đề dân chủ và quyền con người” là vũ khí của các thế
lực thù địch chống lại chế độ chính trị nước ta.
Hệ quả sự can thiệp của quyền lực mềm cùng
với tha hoá của Đảng đã dẫn tới Đảng nhận diện sai kẻ thù bên ngoài và coi nhân
dân là đối tượng! Thực tế này khiến cho đất nước ta suy yếu nghiêm trọng, đồng
thời phân hoá sâu sắc – có những mặt gần như đối kháng – mối quan hệ giữa nhân
dân và Đảng, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Toàn bộ tình hình này trong
bối cảnh quốc tế mới hiện nay, khiến cho tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta đang lâm
nguy!
Thưa hai vị, thực chất quan hệ Việt –
Trung hiện nay là quan hệ giữa
● một bên là nước Việt Nam nhỏ yếu hơn, bị
đối tác của mình uy hiếp và can thiệp ngày càng sâu về nhiều mặt, có một số
khía cạnh lệ thuộc như một nước chư hầu kiểu mới, vùng biển đảo của quốc gia
đang bị lấn chiếm, uy hiếp;
● và một bên là nước Trung Quốc to lớn,
đông dân nhất thế giới, đang tranh giành địa vị siêu cường đầy sắc thái đại
Hán. Tình hình càng trở nên éo le và khắc nghiệt ở chỗ do những điều kiện địa
lý tự nhiên, Việt Nam
ngẫu nhiên trở thành chướng ngại vật đầu tiên Trung Quốc cần khuất phục trên
con đường của nó vươn ra đại dương để trở thành siêu cường.
Thưa hai vị, trong bối cảnh như vậy, những
chuẩn mực của 16 chữ, 4 tốt, giữ đại cục… do Trung Quốc ban tặng cho mối quan
hệ song phương Việt – Trung chỉ là lừa mỵ, trên thực tế đã và đang trở thành
cái xích vô hình, có chức năng cột chặt hơn nữa chư hầu kiểu mới Việt Nam vào
thiên triều Đại Trung Hoa.
Thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh đạo,
trong tình hình như vậy, Việt Nam không thể tiếp tục lấy hoà hiếu, nhường nhịn,
trăm sự lấy ngậm bồ hòn làm ngọt… để tự siết mình trong cái xích được ban tặng
ấy.
Việc hai nước có chế độ chính trị một đảng
giống nhau, cùng mang cái tên gọi là xã hội chủ nghĩa chỉ là sự giống nhau bề
ngoài, không thể xoá bỏ hay làm dịu được những mâu thuẫn quốc gia quyết liệt
như tôi vừa mới trình bày. Lịch sử quan hệ Việt – Trung, nhất là từ cuộc chiến
tranh biên giới tháng 2-1979 cho đến hôm nay, cho thấy không thể bác bỏ sự thật
khách quan này. Thậm chí trong hiện tại, với việc Trung Quốc quyết liệt thôn
tính vùng “lưỡi bò” trên Biển Đông, quan hệ Việt – Trung lại một lần nữa đi vào
thời kỳ bùng lên những nhân tố đối kháng mới rất nguy hiểm.
Theo tôi, sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng
Sa và một số đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã giành thêm được nhiều thắng lợi
quan trọng trong việc thực hiện ý đồ “không đánh mà thắng” đúng tinh thần Tôn
Tẫn đối với Việt Nam. Đấy là, sự lũng đoạn của Trung Quốc hiển nhiên đã làm
thất bại nhiều nỗ lực chiến lược của ta trong sự nghiệp công nghiệp hoá đất
nước nói riêng và trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung. Trên
thực tế Trung Quốc đã tạo ra được sự kiềm chế nhất định đối với nước ta về các
mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự ở mức độ rất đáng lo ngại. Đã xuất
hiện những hiện tượng thoả hiệp, khiếp nhược của lãnh đạo nước ta trước những
bước đi của Trung Quốc trực tiếp uy hiếp ta.
Toàn bộ chiến lược không đánh mà thắng
hiện nay của Trung Quốc đối với ta cũng có thể tóm tắt trong 16 chữ: xâm lăng
hàng hoá, vơ vét tài nguyên, lũng đoạn kinh tế, thao túng chính trị. Đó cũng là
chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đang được Trung Quốc vận dụng rất thành công tại
nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở châu Phi. Riêng ở Đông Nam Á và đối với nước
ta, chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán này còn được hỗ trợ bởi các biện pháp vũ lực
và chúng ta đã được nếm trải trên Biển Đông.
Đại diện lãnh đạo:
- Tôi e rằng giáo sư lập luận như thế rất
khiên cưỡng. Hiện nay ai cũng thấy quan hệ Trung – Nhật, quan hệ Trung Quốc – Philippines
liên quan đến Biển Đông đang rất căng thẳng. Song trong quan hệ song phương
Việt - Trung nhờ có 4 tốt và 16 chữ, nhờ cả hai bên đều quan tâm gìn giữ đại
cục, do đó quan hệ Việt – Trung liên quan đến Biển Đông hiện nay khá hơn nhiều
so với những cặp quan hệ song phương kia. Sự thật có phải là như thế không?
Thoả thuận cấp cao Việt – Trung tháng 10-2011 về những nguyên tắc giữ gìn hoà
bình trên Biển Đông rõ ràng phát huy tác dụng3. Giáo sư chẳng lẽ không nhận ra
điều này?...
N.Tr
(còn tiếp)
-------------
Chúng ta hãy suy ngẫm thật nhiều, nhận thức thật đầy đủ. Đừng để mắc sai lầm kiểu cho rằng ở các nước dân chủ vẫn có việc "Đảng XYZ nào đó cầm quyền"? Trong khi chúng ta dư biết tại các nước đó QUYỀN LỰC THUỘC VỀ NHÂN DÂN!
Trả lờiXóaCám ơn bác Nguyễn Trung đã rất công phu trung tác phẩm này.
Trả lờiXóaNhưng bác bắt bà Thạc sĩ doanh nhân nói nhiều quá.
Vì nói nhiều quá, thì dù nói đúng, đại diện phe nhân dân và phe lãnh đạo cũng không muốn nghe cho hết. Một khi người ta không muốn nghe ( hoặc nghe không hết ý) thì giảm giá trị lời nói rất nhiều.
Xin tác giả cho biết 2 đại lão lú đó là ai được không ạ !
Trả lờiXóaTố Hữu từng nịnh đảng và câu nhử dân, mồi chài dân, mị dân:
Trả lờiXóa"Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngửng đầu mà bay" (Bài ca mùa xuân 61)
Ừ! Nay ai đó cử thử xem, cứ mạnh bạo thể hiện chính kiến, bản lĩnh của "người dân một nước có tự do" thẳng lưng, ngửng đầu mà xem, sẽ bị đảng "hốt liền, nhốt ngay", cho ngồi ghế 258 ngay! Đảng "ta": Nói dzậy mà hổng phải dzậy đâu nhé! Đụng đến đảng cho dù mình đúng cũng chỉ có tù, chết oan!