Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Kẹt xe cấp ...nhà nước!

Hình minh họa
Chính trị địa phương mà không mạnh thì chính trị trung ương sẽ không lành mạnh. Phải minh định, cái gì cần tập quyền để bảo đảm tính thống nhất, sức mạnh của một quốc gia; cái gì cần phân quyền nhằm phát huy tính năng động của chính quyền cơ sở, mà không nảy sinh cát cứ.
Cho dù cả Ban Bí thư lẫn Thủ tướng đều ra văn bản “cấm quà”, ai dám khẳng định nguyên nhân chính làm cho Hà Nội kẹt xe đến tận mấy hôm nay không phải vì “triều cống”.
Quà cáp không phải là thứ có thể vận hành theo chỉ thị; nó, hoặc tuân theo “mệnh lệnh của trái tim”; hoặc được toan tính như một khoản đầu tư (cho ghế và cho dự án). Có những khoản quà cáp được trao theo “truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta”; nhưng tôi tin, có không ít “rương tráp” đã chẳng được vác ra Thủ đô, nếu ghế và tiền bạc không chủ yếu được quyết từ Hà Nội.
Cùng thời điểm với các lệnh cấm quà Tết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố quy chế diện cán bộ thuộc thẩm quyền Trung ương. Bộ Chính trị quản lý bí thư, chủ tịch Ủy ban và chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; còn Ban Bí thư thì quản lý tới từng ủy viên thường vụ. Cho dù đây không phải là quy định mới, nhưng việc nhắc lại trong mỗi nhiệm kỳ (kể từ khóa VII tới nay) cũng làm các địa phương hiểu rõ đâu mới thực là trung tâm quyền lực.
Và, nếu như lâu nay, chỉ chánh phó giám đốc mới phải ra Bộ; bắt đầu từ nhiệm kỳ trước, ở ngành Công an, việc bổ nhiệm các cấp từ trưởng, phó phòng; trưởng phó huyện trở lên đều phải “ra” Hà Nội [cấp phó được ủy quyền cho giám đốc Công an tỉnh ký sau khi được TCCT đồng ý]. Có ai biết có bao nhiêu người trong số 1.226 giáo sư, phó giáo sư vừa được phong, trước đó, không phải “thăm viếng” thủ đô; có công ty dược nào trước Tết đã không phải ra Cục, Bộ…
Công cuộc “đốt lò” – chống hậu quả của “THAM” – có những thành tích nhất định hình như có làm giảm sự chú ý vào các nỗ lực cắt giảm giấy phép và các điều kiện kinh doanh – căn nguyên của “NHŨNG”. Suốt hai nhiệm kỳ tài sản công bị chia chác như chỗ không người của bọn quan THAM ở “tầm vĩ mô”, đã làm cho xã hội mất cảnh giác với 7.000 điều kiện kinh doanh và giấy phép con [phát sinh trong khoảng 2008 – 2014] trao công cụ cho “cấp vi mô” nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân tới tận hang cùng, ngõ hẻm.
Tuy nhiên, nếu như công cuộc chống tham cho dù đã còng tay vài con “hổ giấy” cũng chưa phải được tiến hành trên nền tảng bền vững của nhà nước pháp quyền; thì, công cuộc triệt phá nguy cơ NHŨNG lại vẫn vẫn chưa đi từ gốc. Các bộ thay vì ban hành chính sách vẫn thích “quản lý, phát triển ngành” (Bộ Công thương nắm sắt, sữa, Bộ Y tế giữ các “bệnh viện đầu ngành”; Bộ Giáo dục vẫn thích phong giáo sư cho…Bộ trưởng). Các cơ quan điều tiết thị trường ở Trung ương thay vì chỉ xây dựng các quy định hành chính lại muốn thực thi các quy định đó (lẽ ra nên giao cho địa phương và các văn phòng địa phương).
Không thể cải cách các thể chế kinh tế thành công, nếu hai chức năng hành pháp chính trị & hành chính công vụ không tách bạch. Một khi các cơ quan ban hành các giấy phép đang có thể trục lợi qua việc cấp các giấy phép đó, mà hy vọng chính sách không lấp ló đặc lợi, đặc quyền thì thật là rất mơ hồ.
Tôi không nghi ngờ nỗ lực chống chạy dự án khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho sửa đổi Luật Đầu Tư Công (2014). Tuy nhiên, khi Luật ấy được giao cho các quan chức trong đầu có “sỏi” ở Bộ của ông, Luật ông Vinh không chỉ không ngăn được nạn chạy dự án mà còn tăng thêm một tầng để “chạy”. Đầu thập niên 90, khi muốn cải cách lĩnh vực tài chính ngân hàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã giao cho các chuyên gia độc lập song hành soạn thảo Pháp lệnh Các Tổ chức Tín Dụng với ban soạn thảo của Ngành và cuối cùng, không phải Dự thảo Ngành mà bản của các chuyên gia [Lâm Võ Hoàng & Huỳnh Bửu Sơn] đã được chọn.
Cái sai phổ biến và căn bản nhất của các nhà hoạch định chính sách trong hơn hai thập niên qua, là đã trao cho cơ quan hành pháp sử dụng quá nhiều công cụ hành chính can thiệp vào các quan hệ dân sự & thị trường.
Đất đai, về danh nghĩa là sở hữu toàn dân, nhưng “bảy quyền” mà Hiến pháp và Luật trao cho người sử dụng đất là tài sản (có cái gì bán ra vàng, ra tiền mà không được coi là tài sản không). Thế nhưng, Luật vẫn trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên có quyền thu hồi đất. Không có một nhà nước nào tôn trọng các nguyên tắc dân sự lại cho phép sử dụng một quyết định hành chánh tước tài sản của người dân (thu hồi đất).
Ở cấp văn bản thấp hơn, Nghị định 109, lại đòi một doanh nghiệp phải có nhà kho to, máy xay xát lớn mới cho quyền xuất khẩu gạo. Trong khi, các nhà xuất khẩu chỉ cần thị trường, nhà kho và máy xay xát họ có thể đi thuê thay vì là nơi chôn vốn [Nghị định 109 ngay lập tức “tước” quyền xuất khẩu gạo của khoảng 100 doanh nghiệp và giúp khoảng 100 doanh nghiệp khác trở thành “cai đầu dài”, xuất ủy thác cho những doanh nghiệp nhỏ có thị trường thật sự].
Tôi vẫn cho rằng, “chính phủ kiến tạo” có nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, để một nhà nước có khả năng “kiến tạo” mà không can thiệp quá mức cần thiết vào khả năng tự vận hành của xã hội và thị trường, đòi hỏi Chính phủ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố chính trị, mà còn phải thiết kế một mô hình thích hợp.
Thử hỏi, nếu Sơn La có 1.400 tỉ và được quyền chi xài chúng, Hội đồng Nhân dân Tỉnh sẽ tranh cãi để tìm một thứ tự ưu tiên, lấy cái dân bức xúc nhất, mà đầu tư hay họ vẫn làm “quảng trường tượng Bác”. Thử hỏi, nếu các xã vùng xa được quyền chọn lựa, thay vì tùy thuộc vào những người mang dự án từ “trên” về, họ sẽ làm cầu cho con cháu đi hay “xây nhà văn hóa” rồi bỏ không gần như quanh năm, suốt tháng.
Chẳng có thứ thuốc tiên gì có thể bảo đảm lúc nào cũng “trên bảo dưới nghe” mà nắm hết mọi thứ ở trung ương. Làm sao chống được nạn “chạy chức” khi các “chân ghế” không phải được – phần căn bản - đặt trên nền tảng lá phiếu của cử tri hay của các đảng viên, mà chỉ từ các cấp ủy bên trên. Làm sao không “cửa sau” khi hầu hết các dự án là từ trung ương rót xuống.
Chính trị địa phương mà không mạnh thì chính trị trung ương sẽ không lành mạnh. Phải minh định, cái gì cần tập quyền để bảo đảm tính thống nhất, sức mạnh của một quốc gia; cái gì cần phân quyền nhằm phát huy tính năng động của chính quyền cơ sở, mà không nảy sinh cát cứ.
Không phải tự nhiên, từ ba, bốn hôm nay, Sài Gòn – từ quán xá tới đường sá – đã rất thông thoáng, thì người dân Hà Nội vẫn cứ kêu trời. Vấn đề giao thông đôi khi không chỉ cần được sửa đường sá hay cấm một vài loại phương tiện giao thông. Kẹt xe ngày Tết ở Hà Nội là “Kẹt xe cấp Nhà nước”, cho nên, nó phải được điều chỉnh từ cả mô hình nhà nước.
Huy Đức/(FB Huy Đức)

3 nhận xét: