Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Cuộc đua vốn ngoại vào bất động sản càng thêm nóng

Nhà ở là thị trường hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Thành Hoa
Cuộc đua rót vốn vào thị trường bất động sản của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng trở nên quyết liệt, khi số lượng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này đang tăng lên.
Thị trường bất động sản Việt Nam năm qua đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên: các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm về kinh doanh còn các doanh nghiệp địa phương lại nắm giữ quỹ đất lớn và có sự am hiểm về trình tự thủ tục đầu tư.
Theo đơn vị tư vấn Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL), hiện có hàng trăm triệu đô la Mỹ đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đặc biệt là Trung Quốc với số lượng nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng.
Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn tại JLL cho hay, đơn vị này đã tư vấn cho các giao dịch chuyển nhượng và hợp tác giữa các nhà đầu tư địa phương và nước ngoài với tổng giá trị lên tới hơn 250 triệu đô la Mỹ trong vài năm trở lại đây.
Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm qua chiếm tới 8,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2017 với giá trị 3,05 tỉ đô la, đứng thứ ba trong tổng cơ cấu FDI.
Hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo đang bước vào thời kỳ tăng tốc, nhờ vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế vĩ mô, quá trình hội nhập toàn cầu, tình hình chính trị, xã hội cũng như những chính sách tái cơ cấu trong ngành ngân hàng và tài chính, đầu tư công và khối doanh nghiệp nhà nước.
Nghiên cứu về “khẩu vị” của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Stephen Wyatt, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, nhà ở luôn là mảng thị trường hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện đang có xu hướng chuyển sang mảng thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7-8%).
Theo ông Stephen Wyatt, mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.
Đối với các dự án nhà ở và bất động sản thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, nghĩa là những khu đất này phải hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt. Tuy nhiên, những dự án này rất hiếm khiến các chủ đầu tư phải cạnh tranh gay gắt và đối mặt với không ít áp lực.
Việc dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản trong nước được nhìn nhận tích cực. Về lâu dài, điều này sẽ làm tăng tính minh bạch và bền vững của thị trường bởi trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật, manh mún sẽ bị triệt tiêu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần xem lại tính bền vững và hiệu quả của các dự án được rót vốn ngoại. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã ồ ạt thu hút vốn ngoại, đầu tư dàn trải trong khi thiếu chiến lược bài bản, nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến rủi ro tài chính, khiến dự án bị đắp chiếu trong thời gian dài, đặc biệt khi dòng tiền không hoàn toàn là vốn tự có của đối tác.
Hoạt động M&A đã và đang có những tác động nào tới thị trường bất động sản? Hoạt động này đang đứng trước những thách thức, khó khăn và triển vọng nào? Mời quý độc giả quan tâm cùng chia sẻ.
Hà Nam/(TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét