Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Mỹ


Tham gia đoàn có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công an Tô LâmBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến DũngBộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường...
Theo lịch trình, ngày 29-31/5, Thủ tướng sẽ thăm, làm việc ở New York và thủ đô Washington DC. Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng hôm 31/5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi chính quyền mới nhậm chức.
Theo thông báo hôm 23/5 của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump mong chờ chuyến thăm và muốn “thúc đẩy hợp tác khu vực với một trong những đối tác quan trọng ở Đông Nam Á". Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận những vấn đề hợp tác song phương và khu vực.
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm này là hợp tác thương mại. Khoảng 100 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng và các doanh nghiệp đều hy vọng có những hợp đồng ký kết cụ thể trong chuyến đi.
Phát biểu với báo giới, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Patrick Murphy nói Washington trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để hai bên thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quan hệ song phương.
“Việt Nam là một trong những bằng chứng điển hình về cách hai cựu thù có thể trở thành bạn bè và đối tác. Mỹ và Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt và sẽ còn tiếp tục phát triển. Các bên liên tục có những cuộc tiếp xúc cấp cao cả ở Hà Nội và Washington trong những năm qua”, ông Murphy nói.
Hai đồng chủ tịch Nhóm ASEAN (ASEAN Caucus) của Quốc hội Mỹ là Ann Wagner, nghị sĩ Cộng hoà bang Missouri và Joaquin Castro, nghị sĩ Dân chủ bang Texas, đã ra tuyên bố chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm.
Cả hai bày tỏ coi trọng đối tác Việt Nam, đồng thời tin tưởng chuyến thăm sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ nói riêng và hợp tác vì một châu Á - Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng nói chung.
Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, ngày 24/5 cũng có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chuyến thăm và cho rằng chuyến thăm là bước quan trọng tăng cường liên kết giữa hai dân tộc và là một ưu tiên đối với Mỹ. Ông đánh giá quan hệ đối tác giữa hai nước đã phát triển thực chất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và ngày nay đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tháng 11 năm nay, Tổng thống Donald Trump dự kiến đến Việt Nam để tham dự Hội nghị APEC 2017.
----------+
Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ?
Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi “nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam” cũng như “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ”.
Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation); tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Đầu tháng Năm, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh
từng tiếp xúc với Thượng nghị sĩ John McCain.
Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp dân biểu và thượng nghị sĩ nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.
Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy, nhằm “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước và “thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao”.
Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.

Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu
của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam
Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này “là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ”.
Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề “Việt Nam: Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ”.
Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng “khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ “trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh” cũng như thảo luận “các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Trong chuyến thăm Mỹ tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với quan chức chủ nhà.
Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.
Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.
Hai quan chức Mỹ được trích lời “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.
Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam “muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn”.

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới Trung Quốc
hơn 10 ngày trước chuyến công du Mỹ của ông Phúc.
Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã “nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông”.
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và “không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác”.
Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh “không dựa vào nước này để chống nước kia”.
(VOA)
---------------

1 nhận xét:

  1. Dân Việt lại mất một khoản tiền "khủng" để cho một vài nhóm lợi ích đi du lịch, mua sắm, bởi vì những "quan chức" này có phải là đại diện của dân Việt đâu? Họ sang Mỹ hoàn toàn vì MỤC ĐÍCH CÁ NHÂN! Như "kịch bản" thường lệ, sau "chuyến thăm Mỹ" sẽ có sự quảng cáo rùm beng về "thắng lợi" này nọ, nhưng rồi dân ta lại vẫn sẽ càng ngày càng khổ, càng nghèo hơn, càng mất tự do hơn...
    Trong thời gian qua đã có bao "chuyến đi" như thế này rồi, kết quả thế nào, mọi người đã biết cả, trừ những kẻ mất trí!

    Trả lờiXóa