Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Hãy tự mình biết ‘làm chủ’

* ĐẶNG BÍCH PHƯỢNG
Một người hỏi tôi: Tại sao bà ứng cử vào Quốc hội? Tôi trả lời, bao nhiêu năm nay, chuyện bầu bán dân ta chỉ quen với chuyện Đảng cử, dân bầu. Tôi muốn người dân thay đổi nếp suy nghĩ đó. Cứ bảo dân làm chủ, vậy thì hãy để dân tự cử người mình tin tưởng, hoặc để họ tự ứng cử đi.
             Tôi lấy 2 ví dụ:
1/Hàng xóm nhà tôi nuôi chim cảnh. Một lần tôi chứng kiến, khi lồng chim mở, con chim đã không hề bay ra. Nó khiến tôi liên tưởng đến những người quen tuân thủ đến mức, quên mất mình có những quyền gì.
2/Trước đây tôi không bao giờ viết ra những điều mình nghĩ. Nhưng rồi lên mạng, đọc những gì thiên hạ viết, tôi nghĩ: viết thế thì mình cũng viết được. Thế là tôi viết. Và tôi thấy nhiều người đọc bài của tôi. Nó không có gì mới. Chỉ là tôi đã nói ra những gì họ nghĩ.
Đó là một trong những lý do tôi quyết định ứng cử vào quốc hội kỳ này. Tôi muốn nhiều người làm như tôi. Thay đổi cách suy nghĩ thụ động bấy lâu nay đi. Nói dân làm chủ, thì hãy làm chủ từ những điều như thế này.
Hiến pháp không quy định 90-95% đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản. Kể cả đã có từ 5-10% đại biểu quốc hội là đại biểu ngoài đảng đi chăng nữa, nhưng cứ nhìn và nghe những gì mà các đại biểu nói và làm ở quốc hội xem, họ có thể làm gì? Nếu khi cần biểu quyết, thì cả 5-10% đại biểu ngoài đảng phản đối có thay đổi được cục diện? Quốc hội này phục vụ cho quyền lợi của đảng cộng sản, hay của nhân dân?
Nếu bây giờ, số người tự ứng cử không phải 10 người, mà là 100 người, 200 người, hoặc nhiều hơn thế, và số người tự ứng cử đó là những người có tài, có tâm huyết, thì Ủy ban bầu cử quốc hội có lý do gì để gạt ngần ấy con người?
Lý do khác nữa, tôi thấy đại biểu quốc hội hiện tại quá xa dân. Rất nhiều người chưa từng gặp một vị đại biểu bằng xương bằng thịt nào trong đời. Trong khi người dân đề nghị đại biểu quốc hội thực thi trách nhiệm giám sát của mình, thì các đại biểu lại đa phần chỉ làm phận sự của người đưa thư, tức là chuyến các khiếu nại, kiến nghị của người dân đến chính cơ quan, cá nhân bị khiếu nại. Đây cũng là điều tôi muốn thay đổi.
Câu hỏi tiếp theo: nếu bà trúng cử, bà sẽ làm gì?
Báo Vneconomic ngày 26/7/2012 đưa tin: “Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khiếu kiện về đất đai chiếm trên 90%. Tính đến hết tháng 6/2012, số vụ khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối…”
Tôi có thâm niên ít nhất là 8 năm làm công tác giải phóng mặt bằng, nói vui như ông trưởng phòng của tôi, là làm cái nghề đào mồ cuốc mả thiên hạ. Và tôi có thâm niên 16 năm làm trong một cơ quan quản lý về các dự án làm đường, cũng là liên quan đến đất đai. Ít nhất các quy trình thu hồi và đền bù đất đai theo Luật tôi nắm khá rõ.
Nhiều năm gần đây, rất nhiều đất nông nghiệp đã bị thu hồi từ tay những người nông dân, để giao cho chủ đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Việc chuyển giao đất đai này không được thực hiện theo cơ chế thị trường, mà theo cách áp đặt thô bạo của chủ đầu tư, được chính quyền bảo trợ. Có một mối quan hệ kỳ lạ giữa chính quyền và chủ đầu tư, khi nhiều nông dân bị chính quyền bỏ tù vì không chịu giao đất cho chủ đầu tư với giá đền bù rẻ mạt, hoặc vẫn muốn có đất canh tác để nuôi sống gia đình. Lợi nhuận khổng lồ từ đất đai, chủ yếu rơi vào tay những chủ đầu tư hay cái mà người ta nói đó là nhóm lợi ích. Một m2 đất nông nghiệp được đền bù với giá trên dưới 300.000 đồng. Sau khi đổ đất san nền, chủ đầu tư bán lại với giá 30.000.000 đồng. Lợi nhuận gấp cả trăm lần như thế, làm sao không tạo ra bất công cho được?
Trong bài: “Đất đai đứng đầu danh sách tham nhũng” đăng trên báo đời sống pháp luật, ngày 21-08-2014, có đoạn viết: “Trong một khảo sát gần đây do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện, quản lý đất đai bị đánh giá là một trong những ngành tham nhũng nhất, chiếm xấp xỉ 60%.”
Truyền thông nhiều lần đưa tin về những khu đô thị ma bạt ngàn ở Hà Nội, Bắc Ninh. Người ta cố sống cố chết lấy đất trồng trọt của người nông dân bằng được, để xây lên những đô thị bỏ hoang như thế. Còn người nông dân, sau hơn 70 năm kể từ cuộc cách mạng tháng 8/45, đến nay vẫn tiếp tục đi đòi quyền “người cày có ruộng”!
Tham nhũng đất đai, và tỷ lệ khiếu kiện đất đai chiếm tới 90% là hệ quả tất yếu của chính sách đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Thúc đẩy việc sửa đổi Luật đất đai từ sở hữu toàn dân sang sở hữu đa thành phần là điều tôi hướng tới nếu trúng cử đại biểu quốc hội.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ đề nghị quốc hội thúc đẩy việc thực thi Luật trưng cầu dân ý một cách có hiệu quả hơn. Lâu nay truyền thông nhà nước luôn nói rằng đa số người dân đồng thuận với các chính sách của nhà nước. Nhưng không có một biện pháp nào để kiểm chứng được điều này. Ví dụ hôm trước các quan chức vừa nói dân đồng thuận việc thay thế cây xanh ở thủ đô Hà Nội, thì hôm sau lại nói dừng chặt cây theo nguyện vọng của người dân.
Tất cả những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước, liên quan đến môi trường sống của người dân, phải được thông qua các cuộc trưng cầu dân ý.
Câu hỏi cuối cùng:
- Bà nghĩ bà có cơ hội nào trúng cử không?
- Đáp: tôi chẳng có cơ hội nào cả.
- Vậy tại sao tôi vẫn muốn ứng cử nhỉ?
Tôi nghĩ, thoát khỏi nỗi sợ hãi của bản thân đã là một thay đổi. Nhiều người như vậy, sẽ khiến xã hội này thay đổi.
Đ.B.P/anhbasam
------------

11 nhận xét:

  1. "Lâu nay truyền thông nhà nước luôn nói rằng đa số người dân đồng thuận với các chính sách của nhà nước."

    CS luôn luôn TIẾM DANH NHÂN DÂN để MỊ DÂN rõ ràng là như vậy và từ xưa đến giờ vẫn là vậy không thay đổi.
    Bởi vì CS luôn đi LÁO, XẢO TRÁ và LẬT LỌNG.

    Trả lờiXóa
  2. - Bà nghĩ bà có cơ hội nào trúng cử không?
    - Tôi chẳng có cơ hội nào cả.
    - Nhưng bà cũng sẽ có cơ hội trúng cử. Một ngày nào đó. Cám ơn bà.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi ủng hộ những người như chị Đặng Bích Phượng, chị Nguyễn Thị Hạnh, Bác Nguyễn Tường Thụy, Bác Nguyễn Quang A... (những người ngoài đảng csVN) tham gia ứng cử đại biểu quốc hội (tuy không có hy vọng trúng cử vì đảng cử ai thì bắt dân phải và chỉ được người bầu người đó của đảng chứ người tự ứng cử thì đảng ép dân ngăn dân không cho bầu, mà nếu các cử tri ứng cử tự do có vào được thì cũng là dịp may để còn có tiếng nói của người dân ở cái "quốc hội"), nhưng việc ứng cử tự do của các vị có tác dụng khai trí cho người dân hơn là vì vào được quốc hội, vì sự kiện đó nhằm đánh thức quyền của người dân ta đã bị đảng "nó" cướp mất từ lâu.
    Xem tuyên ngôn nhân quyền LHQ để thấy nhà cầm quyền csVN vi phạm nghiêm trọng như thế nào:
    http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948/65774/noi-dung.aspx
    Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
    ....
    Điều 21:
    1) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
    2) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
    3) Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
    Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
    ....
    Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này".

    Trả lờiXóa
  4. Trước trận Mậu Thân 68,mặc dù biết chưa chắc đã thắng,nhưng Lê Duẫn vẫn nướng hàng trăm nghìn sinh mạng chỉ với mục đích : "làm tung toé lên những khả năng chính trị".
    Và ông ta đã thành công phần nào,dư luận Mỹ tạo ra áp lực to lớn để buộc quân đội Mỹ rút về.
    Tôi nhận thấy,phong trào của tiến sĩ A cũng sẽ như thế,có thể chẳng có ai "lọt" vào được QH,nhưng với nhiều người ra ứng cử,đãng sẽ rất bối rối.Từ đó,mọi bản chất,sai lầm sẽ bị phơi bày,đánh động dư luận quốc tế,và "tung toé lên những khả năng chính trị" không ngờ tới.
    Vì thế,tôi xin ủng hộ hết mình và mong muốn nhiều người cũng như thế.
    Hãy khích lệ tinh thần những người dám dấn thân.

    Trả lờiXóa
  5. Dân lương thiệnlúc 07:21 21 tháng 2, 2016

    Chị Đặng Bích Phượng mà bạn bè hay gọi chị với cát tên Phương Bích là một kỹ sư ngành xây dựng rất thông minh và rất thích tìm tòi. Chị không giỏi tiếng Anh, nhưng có một câu tiếng Việt mà chị đề nghị dịch ra tiếng Anh mà chưa thấy ai dịch được :
    - "Anh là con thứ mấy trong gia đình?"
    Nếu được vào Quốc hội, chỉ cần chị nêu ra xmh câu hỏi đại loại như thế thì Quốc hội sẽ đỡ bù nhìn như lâu nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Where did you come in your family?" Nguời Mỹ sẽ hiểu bạn hỏi họ thứ mấy trong gia đình.

      Xóa
  6. Trương Minh Tịnhlúc 14:10 21 tháng 2, 2016

    Đặng Bích Phượng có lí.Tôi ũng hộ.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi nhiệt liệt ủng hộ những vị đã đăng ký ra ứng cử ĐBQH như TS Nguyễn Quang A , Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Tường Thụy , Nguyễn Kim Môn , Lê Văn Luân ……Và rất nhiều người khác .

    Tôi đồng tình với phương châm rất ngắn gọn của Chị Đặng Phương Bích : “thoát khỏi nỗi sợ hãi của bản thân đã là một thay đổi. Nhiều người như vậy, sẽ khiến xã hội này thay đổi. “
    Dù “tôi chẳng có cơ hội nào cả.” nhưng cơ hội lại chính ở đây , từ sự khởi đầu này , nó phù hợp với câu Slogal trên Blog Chim KIWI của Phương Bích : “ Thà thắp lên một que diêm , còn hơn ngồi nguyền rủa trong bóng tối “

    Đông âu , Nam Phi , Myanma sẽ không bao giờ thay đổi , nếu mỗi người dân ở đó không thay đổi tư duy . Việt Nam không phải là ngoại lệ .
    Thời gian tới đây , rất có thể chính quyền sẽ dùng nhiều chiêu trò truyền thông để công kích , bôi nhọ, mạt sát những vị này , nhưng tôi tin ở lòng can đảm và ý chí của họ , qua đó biết thêm lòng dạ của chính quyền . Và chính đó lại là những kinh nghiệm để đi tiếp .

    Chúc các vị toại ý .

    ĐGCĐ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã có tên Nguyễn Kim Khánh mạt sát TS Nguyễn Quang A được đăng trên blog Phạm Viết Đào.Hoan hô những con NGƯỜI dấn thân như:TS Nguyên Quang A,Đặng Bích Phượng...Rồi sẽ có ngày VN cũng làm được như Myanma.

      Xóa
    2. Nặc danh21:43 thân mến .

      Đây mới chỉ là màn dạo đầu . Rồi có thể có cả mắm tôm , dầu nhớt , đấu tố của tổ dân phố ………Mà hình như các vị ấy đã từng trải qua rồi . Chính quyền là thế . Điều này chỉ làm họ thêm dày dạn kinh nghiệm . Tuy nhiên việc “ Đối đáp “ với các dạng DLV này , nên để các còm sỹ thì phù hợp hơn . Theo tôi Các vị ấy nên tập trung vào mục đích chính của mình là hướng tới đại chúng , chớ nên xa đà vào ma trận câu chữ làm rối tâm trí , hãy bỏ qua , và có thể , nên học Đức Phật trong việc xử lý tình huống :
      Một lần, khi thuyết pháp ở làng nọ, bỗng có người chạy lại nhổ vào mặt Đức Phật rồi buông lời thóa mạ.
      Các đệ tử định can ngăn nhưng Ngài giơ tay ra hiệu đừng, rồi ôn tồn hỏi người kia:
      “Còn gì nữa không?”
      Câu nói ấy sau này được nhiều người nhắc lại khi chuyện liên quan đến sự nhẫn nhục. Phật hỏi “Còn gì nữa không?” vì Ngài nghĩ có thể người ấy còn điều ấm ức chưa nói hết. Thì để cho anh ta nói hết.
      Sừng sờ trước thái độ nhẫn nhục ấy của Phật, người kia không nói gì thêm, hôm sau đến cúi rạp trước Ngài xin tha tội. Phật nói:
      “Trong một ngày có nhiều nước chảy qua sông Hằng. Ta không còn là ta của ngày hôm qua. Cả ông cũng vậy. Hôm qua ông phỉ nhổ, hôm nay ông xin tha lỗi. Cả người nhổ và người bị nhổ đã đổi khác. Mọi vật cũng đổi khác, chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Vậy hãy đứng dậy, mong ông từ nay chỉ bình tĩnh dùng lời bày tỏ lòng mình.”
      Rồi Ngài lại hỏi:
      “Còn gì nữa không?”


      ĐGCĐ

      Xóa
  8. Chỉ cần 10% ĐBQH thực sự là NGƯỜI, và phát biểu cũng như hành động tích cực, kiên quyết, VN sẽ thay đổi. (Không phải "đổi mới" như tắc kè cà vạt).

    Trả lờiXóa