HÌnh minh họa |
Một luật sư bình luận với BBC rằng việc ra bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng "càng nhanh càng không hay". Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được ấn định hôm 8/1/2018.
Hôm 27/12, Tòa án Nhân dân Hà Nội loan báo đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hôm 21/1/2018, trang Thông tin Chính Phủ cho hay.
'Không bảo đảm'
Hôm 27/12, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật sư cùng tên, bình luận: "Các luật sư bảo vệ hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ rất căng."
"Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người ta sẽ bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 từ ngày 1/1/2018."
"Từ đây đến đó rồi sau đó xử sơ thẩm, xử phúc thẩm vụ này thì người ta sẽ xử lý thế nào các bị can bị truy tố điều này."
"Việc thay thế Điều 165 bằng những điều nào thì tôi chưa thấy hướng dẫn nào của Tòa án Nhân dân tối cao."
"Thường thì mỗi khi thay đổi, Tòa án Nhân dân tối cao hoặc Quốc hội phải ra văn bản."
Đề cập về việc bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào 8/12/2017 đến 20/12/2017 tổng cộng là 12 ngày, bao gồm cả bốn ngày nghỉ cuối tuần, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói thêm: "Tôi không rõ liệu có áp lực nào để đẩy quy trình tố tụng đối với ông Đinh La Thăng lên nhanh cho kịp ngày xử 8/1 hay không."
"Thường theo việc hoàn tất bản kết luận điều tra càng nhanh càng tốt."
"Tuy vậy, thực tế thì tôi thấy việc này làm càng nhanh thì không bảo đảm lắm, không hay."
"Vụ này dự kiến xử 14 ngày, có lẽ tòa sẽ phải làm việc rất khẩn trương."
Cùng ngày, nhà báo Huy Đức viết trên trang cá nhân: "Cho dù, tham nhũng là cướp ngày, tôi vẫn không nghĩ rằng cần phải áp dụng mức án cao nhất cho những người như ông Đinh La Thăng. Vấn đề là phải truy thu hết tài sản mà họ tham nhũng và phần tiền bạc mà do hành vi phạm tội của họ đã làm thất thoát của dân, của nước."
"Cho dù, cứ mỗi tội danh tòa cho Đinh La Thăng hưởng mức án nhẹ nhất thì tổng hợp các hình phạt áp dụng cho các hành vi mà ông đã phạm phải, số năm tù của Thăng sẽ không dưới 30 năm. Nếu ông thực sự đi tù thay vì chỉ lên trại Vĩnh Quang hay vào Viện 198 "an dưỡng" một số năm tượng trưng rồi về với rượu Macallan 30 thì hình phạt với ông như thế là thỏa đáng."
"Nhưng, tòa không thể cho Thăng hưởng lượng khoan hồng mà lại giữ mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn - người chỉ làm theo lệnh của chủ mưu Đinh La Thăng. Từ đầu Sơn cũng đã "thật thà khai báo" không những nhận tội mà còn tố giác các hành vi phạm tội của Đinh La Thăng."
Báo Tuổi Trẻ hôm 27/12 viết: "Với nhiều chỉ đạo sai trái và tham ô 14 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội tham ô theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, cố ý làm trái với mức phạt lên tới 20 năm tù,"
Tờ này cũng cho hay ông Đinh La Thăng đối diện bản án 10-20 năm tù.
Tổng cộng 22 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này. Trong số 12 bị cáo bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN); Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó tổng giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN)...
Có tám bị cáo bị truy tố tội "Tham ô tài sản" theo Điều 278.
Riêng hai ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Tham ô tài sản".
"Hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật," trang Thông tin Chính Phủ viết.
(BBC)
Đúng là ăn tàn phá hoại, với những số tiền khủng như vậy...? Đi tới đâu tan hoang tới đó...? Hai mươi năm tù nghe có ổn không...?Chỉ đạo thuộc cấp bằng mọi cách móc tiền nhà nước nộp cho mình, làm những việc phi đạo đức cả thời gian dài...? Gây bức xúc trong cán bộ công nhân viên những nơi ông ta đã từng làm việc, làm mất lòng tin của nhân dân với chế độ...? Đề nghị phải xử nghiêm để lấy lại niềm tin của người dân với nhà nước ta. Và xử để răn đe cho những ai đã và đang có ý định móc ruột nhà nước phải kinh sợ.
Trả lờiXóa