Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Xử Thăng-Thanh sao cho không ‘vỡ bình’

Vụ đại án PVN nằm ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng vụ xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tại PVN là một sự tính toán kỹ lưỡng, có tính “mưu lược” để vừa đạt mục tiêu đằng sau chiến dịch chống tham nhũng, vừa không để xảy ra “vỡ bình”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng ở Việt Nam, nhận định với VOA rằng vụ xét xử các quan chức ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tuy được khoác áo là vụ án kinh tế nhưng lại “sặc mùi chính trị”.
Ông nói:
“Khi người ta đưa ra xử chóng vánh như thế, ít ra là đối với ông Thăng, thì đấy là một sự tính toán có thể rất mưu lược. Bởi vì nếu xử dở, xử lấy lệ thì rất có hại cho họ. Nhưng nếu xử rất nghiêm túc thì lúc đấy có thể còn có hại hơn nữa bởi vì sẽ đụng đến không biết bao nhiêu người. Người ta phải gói vụ này chỉ ở trong một vài cái liên quan đến ‘Cố ý làm trái’ thôi. Nếu làm nghiêm túc ra, tôi nghĩ không chỉ Tập đoàn Dầu khí mà còn có nhiều tập đoàn khác. Lúc đó chắc chắn bình sẽ vỡ. Và đấy là lựa chọn mà người ta phải tính để làm”.
Theo TS. Nguyễn Quang A, vụ án được công luận chú ý suốt hơn một tuần qua đơn thuần là một “màn trình diễn”.
Theo phân tích của nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam, ngay từ động thái dời ngày áp dụng Bộ Luật Hình sự mới, mà lẽ ra áp dụng vào đầu tháng 7/2017, sang đầu năm 2018 đã là một sự tính toán.
“Giá mà Bộ Luật Hình sự này không hoãn lại, thì tội ‘Cố ý làm trái quy định kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ là chẳng có tội gì. Nhưng người ta đã cố hoãn lại để đến 1/1 năm nay mới không còn cái tội như thế. Trong vụ ông Đinh La Thăng, người ta đã cố khởi tố trước ngày 1/1, tức là vào mấy ngày cuối của năm ngoái, còn những ông liên quan thì đã khởi tố trước đó. Cho nên đối với một vụ án ‘diễn’ như thế này thì chẳng có căn cứ gì để đánh giá cả”.
Luật sư Phạm Công Út, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết Bộ Luật Hình sự mới có sự phân định rõ ràng về vai trò của các đối tượng trong một vụ án đồng phạm như vụ PVN.
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
“Theo Bộ Luật Hình sự mới áp dụng ngày 1/1/2018 thì đây là một vụ án đồng phạm. Về đồng phạm, người ta xá định có 4 vị trí: người chủ mưu, người xúi giục, người giúp sức và người thực hành. Trong vụ án ông Đinh La Thăng, hành vi của ông ấy bị cáo buộc về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế. Vụ án ‘Cố ý làm trái’ này có nhiều đồng phạm. Người ta sẽ phân định ai là người chủ mưu cố ý làm trái, ai là người giúp sức, ai là người thừa hành, ai là người xúi giục. Người lãnh đạo có phải là người chủ mưu hay không, thì ở đây các luật sư sẽ có ‘đất diễn’. Họ sẽ bằng lý lẽ thuyết phục rằng ông Đinh La Thăng không phải là người chủ mưu mà ông ấy chỉ là người lãnh đạo thôi”.
Bất chấp nỗ lực từ phía luật sư và lời phủ nhận của ông Thăng về hành vi “cố ý làm trái”, viện dẫn thực hiện theo “chủ trương của Bộ Chính trị”, ngày 16/1, Viện Kiểm sát đưa ra kết luận “Bị cáo Đinh La Thăng là chủ mưu xuyên suốt trong vụ án”.
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù.
Tương tự, Trịnh Xuân Thanh cũng không thừa nhận tội “Tham ô tài sản” (mà hậu quả có thể lên đến án tử hình), trong khi luật sư của ông Thanh nói nếu chỉ dựa vào lời khai “mờ nhạt, mâu thuẫn” của nhân chứng mà không có chứng cứ thì không đủ căn cứ xác định ông Thanh tham ô.
Trả lời luật sư, Viện Kiểm sát nói đây là án truy xét, thời gian xảy ra đã lâu nên có những khó khăn nhất định trong việc thu thập chứng cứ ông Thanh tư túi 4 tỷ đồng, nhưng sau đó vẫn khép ông này vào tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” và đề nghị án tù chung thân.
Trước đó, một số người trong giới quan sát chính trị cũng đã đưa ra dự đoán về những án tù nặng đối với ông Thăng và ông Thanh, xem đây như một hình thức “cảnh cáo” trong cuộc đấu đá nội bộ Đảng Cộng sản.
Chính vì vậy, theo TS. Nguyễn Quang A, rất khó để đánh giá đúng, sai trong một vụ án “sắp xếp” như thế này.
“Bởi vì nó là diễn nên thực sự người dân không có đầy đủ thông tin. Tôi e là ngay cả những luật sư ở bên ngoài mà không có hồ sơ trong tay, chỉ nghe người ta nói, thì có khi cũng rất dễ bị lầm lẫn”.
TS. Nguyễn Quang A nói ngay cả các con số được đưa ra trong các cáo trạng cũng rất khó để xác minh về độ xác thực của nó. Nhưng ông cho rằng những con số “trăm tỷ”, “nghìn tỷ” lại tạo hiệu quả rất tốt trong việc khiến cho người dân tin đây thực sự là một vụ án về tham nhũng.
Đại án PVN nằm ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dư luận và báo chí quốc tế cho rằng mục tiêu đằng sau chiến dịch này là nhằm tiêu diệt phe cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy cầm quyền.
Nhận định về điều này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng tham nhũng không thể chống bằng tham nhũng hay bằng bất kỳ hình thức nào không đúng pháp quyền.
Ông nói:
“Mục tiêu, ý định của chiến dịch chống tham nhũng là tốt, bởi vì không chống thì nó hỏng cả. Thực ra thì nó đã hỏng rất nhiều rồi, bây giờ không chống thì nó sẽ hỏng hết. Bây giờ chống thì mọi người phải hiểu cái kết quả ấy theo cùng một nhận thức. Nếu người ta hiểu kết quả chống tham nhũng theo các nhận thức khác nhau thì việc chống tham nhũng ấy có vấn đề”.
Những lời sau cùng trong nước mắt “xin lỗi Đảng”, “xin lỗi bác Trọng” của hai ông Thăng-Thanh càng khiến dư luận bàn tán nhiều hơn về nhận định cho rằng “Đảng quyền” nằm trên “pháp quyền” trong hệ thống tư pháp tại Việt Nam.
Dự kiến, Viện Kiểm sát sẽ tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác của PVN vào ngày 22/1.
Khánh An/(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét