Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tổng bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, lấy ý kiến về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức quyền.
Sáng nay, tại Hà Nội, Ban Tổ chức TƯ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Hội nghị sẽ lấy ý kiến của các đại biểu vào dự thảo chuyên đề: “Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính đánh giá ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn đi đôi với đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp, thái độ làm việc.
Đồng thời, ngành đã huy động được sức mạnh chung để hoàn thành một khối lượng lớn công việc, từ những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách đến những nội dung quan trọng; trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhạy cảm, phức tạp, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2017, nhất là củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ đề nghị các đại biểu thẳng thắn, nghiêm túc, tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá, trao đổi một số nội dung.
Cụ thể, đánh giá mặt được, chưa được của ngành trong năm qua; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phương pháp, phong cách lề lối làm việc cần điều chỉnh gì; giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém.
Đồng thời, chia sẻ những nội dung tâm đắc, nhất là những cách làm mới, sáng tạo, những mô hình hay, hiệu quả trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, nhất là tạo bước đột phá trong việc thực hiện nghị quyết TƯ 6 về tinh giản bộ máy, biên chế.
“Đề nghị các đồng chí tập trung và dành thời gian cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm, giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng vào tháng 1/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập chuyện chạy chức, chạy quyền.
Tổng bí thư ghi nhận khối lượng công việc lớn và quan trọng mà ngành tổ chức là việc khó, phức tạp, vì động chạm đến con người, là ngành “ân ít, oán nhiều”.
“Hiện nay, trong dân gian, dư luận xã hội vẫn nói câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng khen, chạy thi đua, chạy chế độ, chạy luân chuyển”, Tổng bí thư đề nghị hội nghị thảo luận xem có chuyện đó không, rõ ràng, minh bạch.
Ông cho rằng, việc này khá phổ biến, không chỉ trong ngành tổ chức cán bộ, mà ở cả đào tạo, giáo dục, “cứ thấy bao nhiêu tỷ vào chức này chức kia nghe mà xót cả ruột, nhức cả đầu”.
“Người ta nói giờ chạy cũng tinh vi lắm, ai thừa nhận mình chạy, mà dưới dạng đi thăm, đi chúc Tết, ngày lễ, gửi quà cũng rất khéo, nhưng nhận rồi thì há miệng mắc quai, tay đã nhúng chàm, mai kia xét phải nể. Người không được vào quy hoạch thì là vì không đến thăm ai có phải không?”, Tổng bí thư yêu cầu cần nhìn thẳng vào sự thật, nói thật.
“Hội nghị hãy thảo luận để khẳng định sòng phẳng, rõ ràng, nếu có thì ta rút kinh nghiệm, ai chạy, chạy ai, ở đâu, mức độ thế nào, cứ để dân gian nói mà không có thì oan cho anh em”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại hội nghị năm 2015.
------------------/
Tổng bí thư: Không để bị lợi ích nào cám dỗ
Chúng ta phải chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa trong công tác cán bộ, không để bị lợi ích nào cám dỗ..., Tổng bí thư nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Ban Tổ chức các cấp có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.
Cụ thể, Ban có chức năng tham mưu cho TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng; trực tiếp là về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
Đồng thời cũng là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực quan trọng này, góp phần bảo đảm cho Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh về tổ chức. Phạm vi hoạt động của Ban rất rộng; nội dung rất phong phú; tính chất rất quan trọng và phức tạp.
“Đây là công việc con người đối với con người nên rất hệ trọng và nhạy cảm”, Tổng bí thư nói.
Cán bộ nào thì đường lối ấy
Theo Tổng bí thư, xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người. “Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện. Nhưng mặt khác, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư điểm lại một số kết quả nổi bật của ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Điển hình như đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội 12, chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp…
Tổng bí thư ghi nhận ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tích cực, chủ động tham mưu, cụ thể hoá nghị quyết của Đảng, đặc biệt đã tham mưu để ban hành nghị quyết TƯ 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nghị quyết TƯ 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đồng thời giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều quy định, quy chế trong công tác xây dựng Đảng, góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Tiếp tục tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết TƯ 4 khoá 11, 12, bước đầu đã có sự chuyển biến ngày càng rõ nét của các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Riêng về công tác cán bộ, Tổng bí thư ghi nhận ngành đã tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung vào khắc phục những hạn chế, sơ hở để công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn.
Qua đó bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền. Ban Tổ chức TƯ đã chủ động thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên chính, xét thăng hạng viên chức...
Cán bộ vi phạm kỷ luật đáng báo động
Tổng bí thư lưu ý: “Chúng ta cũng cần thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục”.
Đó là tình trạng vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng. Cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ... Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng.
“Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ sai? Vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?”, Tổng bí thư nêu vấn đề.
Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải nghiêm túc
Tổng bí thư lưu ý năm 2018 còn nhiều việc phải làm. Trong đó tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các hội nghị TƯ sắp tới, mà trước mắt là đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực.
Việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực.
Chủ động tham mưu xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp uỷ, ban chấp hành các cấp, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng bí thư cũng lưu ý: Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
Ông đề nghị hội nghị thảo luận sôi nổi, khách quan, đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề, mức độ tình hình hiện nay ra sao, đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
“Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
(VnN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét