Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Vụ Vũ ‘Nhôm’: Từ ‘xử lý nội bộ’ chuyển sang ra tòa công khai?

Tổng bí thư Trọng hình như đang rất muốn tiến hành “cải tổ Bộ Công an” ngay trong năm 2018. Ảnh: TTXVN
Ngày 15/1/2018, trùng với thời điểm Bộ Công an tổ chức tổng kết năm 2017 và phương hướng năm 2018, một phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh là Trung tướng Trần Đăng Yến cũng tổ chức cuộc họp báo “thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2017”. Dường như trong cuộc họp báo này, ông Trần Đăng Yến đã buộc phải thỏa mãn phần nào những nghi ngờ của dư luận khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến vụ việc Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”) vừa bị bắt giữ để điều tra về hành vi ‘Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Một động thái đáng chú ý là ngay trước cuộc họp báo trên, Tổng bí thư Trọng đã dự buổi tổ chức tổng kết năm 2017 của Bộ Công an. Tại đây, như một thói quen đã thành lệ kể từ thời điểm ông Trọng tự tham gia vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng 10/2016, ông Trọng đã nắm vai trò “chủ trì” cuộc tổng kết này và đọc một bài phát biểu huấn thị dài dành cho lực lượng công an.
Một nội dung đáng chú ý không kém là trong bài huấn thị trên, Tổng bí thư Trọng đã chỉ đạo “Xử lý nghiêm cán bộ chiến sĩ công an vi phạm pháp luật”. Chỉ đạo này đã được nhiều tờ báo nhà nước rút tít nhấn mạnh. Thông tấn xã Việt Nam còn lấy tựa đề “Tổng Bí thư: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong lực lượng công an”.
Khá rõ là động tác “dự và chỉ đạo” của Tổng bí thư Trọng là một “món quà” dành riêng cho ngành công an, lồng trong bối cảnh nhiều dư luận đã và đang cho rằng nội bộ Bộ Công an đã có những dấu hiệu lục đục gia tăng kể từ năm 2014 đến nay, đặc biệt trong thời gian gần đây. Kể cả dư luận đang nổi lên về “hai Bộ Công an”…
Có thể cho rằng chỉ đạo trên là rất có ẩn ý, nhưng lại là một ẩn ý không cần che giấu của ông Trọng.
Bối cảnh diễn ra cuộc tổng kết của bộ Công an lại trùng với thời gian vừa xảy ra hai vụ scandal chấn động trong nội bộ ngành này: đầu tiên là vụ đào thoát của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ mà sau đó “bắt lại được”; ngay sau đó là nhiều tin tức lan tràn về việc cựu Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân – Trung tướng Phan Văn Vĩnh – bị bắt vì liên quan đến “bảo kê cho hoạt động cờ bạc trá hình”, mà cho tới nay Bộ Công an vẫn không có khẳng định nào về việc ông Vĩnh không bị bắt, và người ta cũng chẳng thấy tướng Phan Văn Vĩnh hiện ra để “cải chính” quá nhiều tin tức đồn đoán về mình.
Liên quan vụ Vũ “Nhôm”, chi tiết có lẽ mới nhất và đáng quan tâm nhất trong nội dung trả lời báo giới của Trung tướng Trần Đăng Yến là “Đối với Phan Văn Anh Vũ, hiện nay, ngoài hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước còn nhiều hoạt động kinh tế đang được điều tra, công an đang tiếp tục làm rõ, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên khi báo chí hỏi dồm dập về nhiều vấn đề gây nghi ngờ như viên thượng tá công an này có tới 3 hộ chiếu, liệu có thế lực nào đã bảo kê cho Vũ bỏ trốn khỏi Việt Nam, tài liệu bí mật mà Vũ cố ý để lộ là gì…, thì đã không được Trung tướng Yến trả lời trực tiếp mà chỉ nói chung chung “đang điều tra”.
Thái độ mập mờ của Trung tướng Trần Đăng Yến cho thấy có vẻ Tổng cục An ninh đã phải chịu một sức ép của cấp trên để miễn cưỡng tổ chức buổi họp báo, trong đó trọng tâm không phải là “tổng kết năm 2017 của ngành công an” mà chính là vụ Vũ “Nhôm”, mặc dù cơ quan này đã có thể thủ sẵn phương án “không trả lời trực tiếp” hay “chỉ trả lời cho có”.
Có dư luận cho rằng rất có thể Tổng bí thư Trọng chính là “cấp trên” đã yêu cầu Bộ Công an và Tổng cục An ninh phải tổ chức họp báo vụ Vũ “Nhôm” và đưa vụ việc này ra công khai, thay vì chỉ “xử lý nội bộ” như thường thấy đối với nhiều vụ việc trước đây liên quan đến “người trong ngành”.
Luồng dư luận trên là có cơ sở, nếu xét trên giác độ gần đây ông Trọng đã chỉ đạo đưa vụ việc Đinh La Thăng và Trịnh xuân Thanh ra xử công khai, thậm chí còn cho báo chí thoải mái chụp ảnh cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị còng tay.
“Công khai hóa” có thể đang là một vũ khí mà ông Trọng tạm thời sử dụng để đối phó với truyền thống “xử lý nội bộ” trong ngành công an, không cho giấu diếm và thể hiện quan điểm “không có vùng cấm trong xử lý cán bộ” của ông.
Để thực hiện được chủ trương kiêm thủ pháp “công khai hóa” trên, vấn đề của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ không còn được gói gọn trong “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” như một động tác nhằm “khuôn” cho công tác xử lý nội bộ nữa, mà đã được chuyển sang “sai phạm kinh tế”.
Đại gia Vũ “Nhôm” – với tư cách là “công ty bình phong” của ngành tình báo, lại để lại quá nhiều tì vết trong các thương vụ làm ăn, với việc mua hơn ba chục nhà công sản Ở Đà Nẵng mà bị nghi có dấu hiệu “đi đêm” với các cơ quan chức năng, hàng loạt dự án đất đai mà có thể liên đới mật thiết với một số quan chức cấp bộ, trong đó có “các thủ trưởng” Bộ Công an.
Nếu không được “xử lý nội bộ” mà phải đưa ra tòa, có khả năng Vũ “Nhôm” sẽ phải đối mặt với một phiên tòa công khai như vụ xử “Thăng – Thanh”. Nhưng trước đó, chắc chắn Vũ “Nhôm” phải khai ra những quan chức nào đã hỗ trợ cho Vũ trong nhiều thương vụ làm ăn và “đi đêm”, tiền tham nhũng (nếu có) chảy vào túi ai, và tất mhiên cả một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ “Nhôm” đào thoát khỏi Việt Nam ngon lành đến thế…
Theo đó và một khi kịch bản “xử lý nội bộ” đã bị loại trừ, có khả năng không ít tướng tá công an sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc “theo chân” Phan Văn Anh Vũ để “nhập kho”. Đó cũng là một trong những tiền đề quan trọng để Tổng bí thư Trọng, nếu muốn và hình như đang rất muốn, sẽ tiến hành “cải tổ Bộ Công an” ngay trong năm 2018.
Thiền Lâm/(Cali Today news)

1 nhận xét:

  1. Lại một anh lâm phán xằng.Xử kín hay công khai đấy là quyền của tòa.Nói rằng với vụ thằng Nhôm này là nội bộ CA có vấn đề?Rõ là ngu.Bu Mỹ các anh trong nhà trắng còn thanh thải,sao anh chẳng đặt vấn đề.

    Trả lờiXóa