Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Thực hư thông tin Bộ Chính trị chỉ đạo chỉ định thầu nhà máy nhiệt điện

Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006, và các kết luận sau đó hoàn toàn không đề cập đến nội dung chỉ định thầu công trình nhà máy nhiệt điện.
Tại phiên toà xét xử các bị cáo thuộc Tập đoàn Dầu khí ngày 9/1, trả lời Hội đồng xét xử về việc chỉ định PVC làm tổng thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai: “Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn; Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...”.
Vậy có đúng là Bộ Chính trị cho chủ trương chỉ định thầu Nhiệt điện Thái Bình 2?
Theo tìm hiểu của Báo VietNamNet, Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không đề cập đến nội dung chỉ định thầu công trình nhà máy nhiệt điện. Nội dung văn bản này chính là Định hướng cơ bản cho ngành dầu khí đến năm 2015. Kết luận nêu những khó khăn thuận lợi và chỉ ra định hướng phát triển cho toàn ngành ngành dầu khí được thể hiện thông qua những tư tưởng chỉ đạo cụ thể.
Kết luận 41 đưa ra chiến lược phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế.
Kết luận cũng đưa ra định hướng các giải pháp về tìm kiếm thăm dò dầu khí; khai thác dầu khí: phát triển công nghiệp khí; công nghiệp chế biến dầu khí; phát triển dịch vụ dầu khí. 
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu văn bản số 49TB- VPCP ngày 17/2/2009 Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Văn bản có nêu: “Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ đạo các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án của Tập đoàn nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước. Yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng các qui định của pháp luật về chỉ định thầu”.
Có thể thấy rõ, văn bản Kết luận số 41 của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 không có nội dung chỉ đạo xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; và càng không có chỉ đạo chỉ định thầu đối với công trình này.
Với Thông báo số 49-TB ngày  17/2/2009 của Văn phòng Chính phủ, thì Thủ tướng Chính phủ có đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn Dầu khí thực hiện chỉ định thầu, với điều kiện phải  đúng "các quy định pháp luật về chỉ định thầu".
Một trong những tiêu chuẩn để chọn là đơn vị được chỉ định thầu, đơn vị đó phải hội đủ năng lực, trong đó có năng lực tài chính.
Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, Bộ Chính trị có chủ trương làm nhiệt điện, thủy điện và đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng việc triển khai, tổ chức thực hiện thế nào để  đạt hiệu quả và không để xảy ra sai phạm, lại là trách nhiệm của đơn vị tổ chức thực hiện. Anh chỉ định nhà thầu không đủ trình độ, không đủ năng lực tài chính là sự chủ quan của anh. Quá trình thực hiện, để thất thoát tiền của Nhà nước, của nhân dân,  người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí đương nhiên phải chịu trách nhiệm. Ở đây Bộ Chính trị không chỉ đạo làm nhanh, làm cấp tốc, làm với bất kỳ giá nào, bất chấp nguyên tắc, luật lệ hiện hành.
Đăng Tấn - Hiền Anh/VnN

2 nhận xét:

  1. Đây không phải là làm sai ...?mà đây chính là nhóm lợi ích cấu kết với nhau để ăn cắp tiền của nhà nước...? Tìm kẽ hở của luật pháp để ăn cắp mà người đầu trò ở đây chính là ĐLT cùng nhóm đệ tử TXT và Vũ Đức Thuận. Một dự án lớn mà các bị cáo chỉ tham ô 13 tỷ . Đây là một dấu hỏi lớn....? Xử án phải nghiêm minh đúng pháp luật... Và phải lấy lại được tiền cho nhà nước.

    Trả lờiXóa
  2. Mấy hôm nay đọc đi đọc lại bài náy, ý nhấn là nhắc đến 'Bộ Chính trị'. Đây là nhóm từ rất nhậy cảm. Nghĩ mình trước đây tham gia nhiều vào việc soạn thảo văn bản ở cả tây và đông Hùng Vương nên mạnh bạo có đôi lời.
    Văn chương cung đình là một loại hình chưa được nghiên cứu nhiều. Uyển chuyển, linh hoạt, ... một câu, một mệnh đề đa nghĩa. Có thể lấy câu chuyện ông Lê Đức Thọ nói với ông Đậu Ngọc Xuân, mà ông Xuân kể lại với chúng tôi. Cụ thể ông Tho khen Văn phòng Trung ương: Khi bàn mỗi người mỗi ý, thế mà Văn phòng nó viết kết luận thấy nhất trí cả, mà ai cũng thấy có ý mình trong đó.
    Còn ở Văn phòng Chính phủ, sau khi thảo luận, chúng tôi chuẩn bị kết luân dù viết thế nào, vị chủ trì mở đầu cũng nói là nói chung thống nhất.
    Để có thể có tư liệu để bình phán ý kiến ông Thăng khai ở tòa,tốt nhất công bố toàn văn hai công văn mà bài trên có nhắc tới, thậm chí cả các công văn có liên quan.
    Và trên cơ sở đó sẽ có 3 tình huống sảy ra:
    Ông Thăng vu khống,
    Ông Thăng kém không hiểu nổi nội dung của công văn,
    Và thứ 3 là văn chương cung đình lắt léo quá, thần dân đé hiểu sai và quan trọng là từ đó hại đến công việc chung.
    Liệu có tình huống thứ tư.
    Và từ kinh nghiệm này cần có đề tài nghiên cứu về văn chương cung đình để có thêm nhiều tiến sĩ.

    Trả lờiXóa