Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

‘THẰNG’ CƠ CHẾ


* BÙI VĂN BỒNG
Vụ đại án động trời đang xét xử  Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh   hiện nay, có những bị cáo đổ lỗi tại Cơ chế!
Cơ chế là “thằng” nào mà có tác dụng ghê gớm như vậy? Tội trạng, mức độ vi phạm pháp luật, vi phạm đường lối, chính sách của đảng, vi pham pháp luật Nhà nước dù cho cỡ nào, bí quá, đổ tại cơ chế, coi như xong, êm xuội! Không có một Tòa án nào có thể lôi “thằng” cơ chế ra hầu tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, là hiện hữu, nhưng cũng rất trừu tượng, chung chung, nói cách gì cũng được. Con người đẻ ra cơ chế, lại dùng ngay cơ chế để vụ lợi, chạy tội, bỏ qua pháp luật…
Cơ chế là gì? Ta vẫn thường nghe các cụm từ "đi xin cho X một cơ chế?", "cơ chế xin cho", “cơ chế giải quyết chính sách”, “cơ chế cho nhân sự”…
Từ "cơ chế" là chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa "mécanisme""cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau" (có thể "Tập thể lãnh đạo" cũng đồng hành với định nghĩa này?!). Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là "cách thức theo đó một quá trình thực hiện". Cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt như vậy rất chung chung, lấy khái niệm giải thích cho khái niệm, chưa thể gọi là chuẩn xác.
Không rõ từ “cơ chế” bắt đầu được dùng ở nước ta tự bao giờ, nhưng có thể khẳng định rằng nó được dùng trước tiên và từ lâu trong ngành y. Các thầy thuốc thường nói đến cơ chế gây bệnh và cơ chế tác dụng của thuốc.  Và khi người ta đã nhận biết được những cơ chế ấy, có nghĩa là đã giải thích được bệnh và phương pháp chữa bệnh có cơ sở khoa học. Cơ chế (nguyên nhân) gây bệnh, tiến trình biến chứng, phát tán, ... cùng gọi chung là cơ chế gây bệnh.
Nếu chưa nhận biết được thì việc chẩn đoán và điều trị vẫn chỉ là theo triệu chứng, theo kinh nghiệm mà thôi. Điều đáng lưu ý là cả cách dùng trong ngành y, cả định nghĩa trong từ điển, đều cho thấy “cơ chế” được dùng với hàm ý chỉ hiện tượng ở trạng thái động chứ không phải ở trạng thái tĩnh. Cho nên hiểu cơ chế chỉ là các chủ trương, qui định quản lý, điều hành là hiểu theo trạng thái tĩnh, chưa thấu triệt hết tính chất động của hiện tượng.
Từ "cơ chế" được dùng rộng rãi trong lĩnh vực chính trị-kinh tế, quản lý xã hội từ khoảng cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là những qui định về quản lý. Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người như nêu trên.
Việc tiến hành công việc theo "Cơ chế xin-cho" có thể được hiểu trong xã hội hiện nay theo 1 cách như sau: Trong mọi ban ngành đều có các chỉ tiêu, nguồn vốn do Nhà nước giao hàng năm theo kế hoạch và cơ quan chủ quản có quyền quyết định đơn vị nào sẽ được thực hiện. Nhưng để giành được các chỉ tiêu, nguồn vốn đó thì đơn vị thực hiện cần phải đề đạt mong muốn của mình và có một số hoạt động sao cho đáp ứng được yêu cầu của Cơ quan Chủ quản. Trong quá trình thực hiện, cả hai bên đều phải nỗ lực vì các chỉ tiêu, nguồn vốn đều có thời hạn xác định và nếu không kịp thì sẽ không thực hiện được và nhất là nguồn vốn Nhà nước sẽ không kịp giải ngân được.
Có lẽ cái "cơ chế xin-cho" phải được hiểu theo một cách khác, vì nếu nó có giá trị tích cực như vậy, sao nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu phải xóa bỏ "cơ chế xin-cho"? 
Cơ chế xin-cho được mang nghĩa tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc vào trong quá trình con người thực hiện, những "hoạt động" và "yêu cầu" đặt ra như đã nói ở trên là tích cực hay tiêu cực.
Riêng trong lĩnh vực quản lý, có các loại cơ chế sau đây, xin liệt kê để khi ai đó viết bài cơ chế đỡ mất công tìm: cơ chế hiện đại; cơ chế lạc hậu; cơ chế cũ; cơ chế mới; cơ chế một cửa; cơ chế đúng; cơ chế sai; cơ chế vay trả; cơ chế xin cho; cơ chế thoáng; cơ chế mở; cơ chế cải cách, cơ chế phù hợp, cơ chế không phù hợp...
Bàn về cơ chế quản lý như là một hiện tượng đang chuyển động, không thể không nói tới những con người hoạt động trong đó như là những chi tiết không thể thiếu của bộ máy quản lý. Con người nằm trong cơ chế, tham gia vào sự vận hành của cơ chế, bị cơ chế điều khiển, chứ không nằm ngoài cơ chế và điều khiển cơ chế. Quan hệ giữa cơ chế với con người là quan hệ giữa cục bộ với toàn bộ. Cho nên nó không chỉ bao gồm những qui định về cách thức vận hành, mà còn bao gồm cả con người hoạt động theo những cách thức đã được định sẵn trong thiết kế cơ chế. Và chính những hành động của tất cả chi tiết con người như thế tạo nên cơ chế như là một bộ máy quản lý đang vận hành.
Cần nhấn mạnh rằng cơ chế phải và chỉ có thể vận hành theo những cách thức định sẵn, trong đó mỗi chi tiết phải đóng được vai trò của mình. Chỉ cần một chi tiết hư mòn hay kém chất lượng, sự vận hành của cơ chế sẽ lập tức trục trặc. Cho nên cơ chế tự nó có khả năng phát hiện và đòi hỏi loại trừ những chi tiết, ở đây là những con người không phù hợp với nó.
Theo tác giả Lê Văn Tứ (Tuổi trẻ): Cơ chế phân bổ quota hàng dệt may đã không đạt được tới mức như thế nên mới có vụ Mai Thanh Hải. Cho nên không thể qui vụ này chỉ là do có người xấu, mà phải thấy ngược lại, chính là do cơ chế có khiếm khuyết. Nếu cơ chế tốt thì dù có Mai Thanh Hải là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, y cũng không dám làm và không thể làm. Và nếu y cả gan làm thì cũng sẽ bị cơ chế phát hiện và thải loại, vụ việc không thể xảy ra. Còn nếu cứ theo cơ chế hiện hành thì dù không có Mai Thanh Hải đang bị tạm giam hiện nay, cũng sẽ có một hay những Mai Thanh Hải khác. Người ta bàn nhiều về tính không minh bạch, không công khai của cơ chế phân bổ quota hiện nay. Vì vậy kết quả phân bổ không phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào người làm việc phân bổ. Phải chăng chính vì thế mà tiêu cực đã xảy ra, và còn có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khác.
Có người lý luận rằng trong quan hệ giữa cơ chế với con người, con người là yếu tố quyết định vì cơ chế do con người tạo ra. Ở đây có sự lẫn lộn giữa người tạo ra cơ chế và đứng ngoài cơ chế với người thực hiện nằm trong cơ chế như là một bộ phận của cơ chế. Cơ chế đúng là do con người tạo ra, nhưng người đó không phải là ông vụ phó Lê Văn Thắng hay ông chuyên viên Mai Thanh Hải, mà là những người thiết kế ra cơ chế và giám sát nó vận hành. Xét cho cùng trách nhiệm phải qui về đó.
Đến đây có thể gút lại câu chuyện như sau: Cơ chế phân bổ quota khiếm khuyết đã khuyến khích và tạo điều kiện khách quan cho Mai Thanh Hải và đồng bọn tiêu cực. Đó là lỗi về cơ chế. Tất nhiên nếu Mai Thanh Hải là người liêm chính thì tiêu cực có thể không xảy ra, song đó là trường hợp may mắn, mà quản lý thì không thể dựa vào may rủi được. Đến lượt mình, cơ chế không tốt là do người thiết kế cơ chế yếu kém hoặc cũng không tốt nốt. Đó mới là lỗi về con người. Câu chuyện đã đi tới cội nguồn của nó…
Một ví dụ khác: Trên thực tế, cam kết trong WTO về doanh nghiệp nhà nước ghi rõ: Chính phủ Việt Nam không tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay doanh nghiệp được hưởng độc quyền. 
Cho đến gần đây, quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện bởi các bộ, các ủy ban tỉnh, và hội đồng quản trị các tổng công ty. Cơ chế này, đã dẫn đến tình trạng các quyết định đầu tư vốn ở doanh nghiệp do nhiều cấp thực hiện (bộ, ngành, địa phương, tổng công ty) theo kiểu phong trào.Việc giao vốn, cấp vốn trực tiếp từ ngân sách hoặc cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước mang tính hành chính, bao cấp nên hiệu quả đầu tư chưa cao.Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp còn rất “lỏng lẻo” vì trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp được nhà nước đầu tư vốn không rõ ràng.
“Cơ chế chủ quản” đối với các doanh nghiệp như hiện nay là không phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và Luật doanh nghiệp đòi hỏi. Do đó phải có biện pháp kiên quyết xoá bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ chế này nhằm nâng cao hiệu quả tạo môi trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Đảng ta đã thể hiện rõ chí quyết vạch ra từ những đại hội các khóa trước. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ( khóa XI) chiều ngày 15-10-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhân mạnh: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm”…
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.
Có một điều gây bức xúc từ lâu: Người ta cho rằng đã thành cơ chế thì không thể hoặc rất khó thay đổi. Do hiểu vậy, người ta coi cơ chế  như   một   “hằng đẳng thức”, không mấy ai dám sáng tạo trong thực thi và vận dụng, không mấy ai dám bỏ hoặc thay nó bằng một cách thức khác, hoặc bỏ đi, hoặc chuyển đổi cho phù hợp thực tế. Cho nên, “thằng” cơ chế cứ nghiễm nhiên tồn tại, thành bức bình phong cho những ai chỉ nhăm nhe tìm cớ áp dụng nó, đổ lỗi tài "cơ chế", coi cơ chế là "thần độ mạng", "đấng cứu tinh", nhằm vơ lợi cho cá nhân, phe nhóm, thậm chí cho cả ‘hệ thống lợi ích’ của các tầng, hệ quan chức!
BVB

2 nhận xét:

  1. Thiết nghĩ nên chăng nêu ra mấy nhóm từ nữa để có thể bổ xung cho may ra có thể hiểu được phần nào. Ví như 'cơ chế', 'thể chế', 'phương thức' thậm chí 'chế độ'. Tôi băn khoăn không biết mô tả thế nào. Năm 2003, trong một lần hội thảo ở trường đại học Kinh tế Hà Nội, tôi đăt tên cho cơ chế hiện hành là 'cơ chế Trạng Quỳnh'. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hỏi lại, tôi không trả lời. Thực ra tôi đã có câu trả lời nhưng sợ như thế là bất nhã với anh Doanh. Cơ chế đó là cho ỉa như không cho đái. Thế thì bí chết mất.
    Cơ chế, thể chế đó biến người thông minh thành kẻ ngu đần, biến kẻ sĩ, người quân tử thành kẻ tiểu nhân.
    Thử qua sát hành xử cả các siêu VIP, hay như đọc cuốn sách 'Bọn nhân văn giai phẩm trước tòa án dư luận' do Tố Hữu chủ trương xuất bản từ năm 1959 trong đó cả trăm nhà 'văn hóa' đánh hội đông nhóm Nhân Văn - Giai phẩm. Và sau này còn có nhiều ấn phẩm, nhiều loại người kiểu đó như trận đánh hội đồng ông Tạ Ngọc Phách, toàn đánh 'dưới thắt lưng'.
    Vấn đề phải tìm ra cơ sở để hình thành thứ cơ chế đó mới diệt tận gốc được

    Trả lờiXóa
  2. Xã hội loài người dù với thể chế nào thì cũng vận hành theo rất nhiều cơ chế. Cơ chế là 1 khái niệm chung , không chỉ xã hội Việt Nam mới sử dụng.
    - Thí dụ : cơ chế ra chính sách của Mỹ phụ thuộc phần lớn vào vận động hành lang - lobby. Nôm na là chạy chính sách , lúc này đồng tiền đóng vai trò quyết định và dĩ nhiên kẻ hưởng lợi là kẻ nhiều tiền, những nhà tư bản.
    Nói thêm : hành vi lobby bản chất là tham nhũng, tham nhũng ở đây là tham nhũng chính sách. Bản chất lobby là tham nhũng, nhưng tại 1 số nước phương Tây đã được luật hóa. Không cấm được thì đưa vào luật.
    Đó là cơ chế ra chính sách của quốc hội Mỹ.

    Trả lờiXóa