Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Sau một tuần hội họp với những hoạt cảnh quen thuộc mà cứ mỗi 5 năm người ta lại thấy một lần, Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 đã bế mạc ngày 24/10, và theo bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh thì nó đã mở ra “kỷ nguyên mới của CNXH đặc sắc Trung Quốc”.
Một Tập Cận Bình quyền uy tuyệt đối trong chính giới…
Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, kỳ đại hội được cho là mang tính bước ngoặt này diễn ra rất êm thấm, không xẩy ra bất kỳ sự cố đáng kể nào.
Suốt ba năm rưỡi trước đấy, thông qua chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do chính mình viết kịch bản và đạo diễn, Tập Cận Bình đã loại trừ hoặc vô hiệu hoá hầu như mọi đối thủ, đặc biệt là “bố già” Giang Trạch Dân cùng vây cánh. Điều này đã cho phép đương kim Chủ tịch Trung Quốc kiểm soát và làm chủ toàn bộ diễn tiến của đại hội.
Mặc dù đã đoán trước chiến thắng dễ dàng của Tập Cận Bình, song xem ra phần lớn mọi người vẫn phải bất ngờ trước mức độ thành công của ông ta trên hành trình thâu tóm quyền lực tuyệt đối.
Đại hội 19 đã thông qua điều lệ đảng sửa đổi, trong đó nêu tên Chủ tịch Tập Cận Bình cùng “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.
Đây là lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, tư tưởng của một nhà lãnh đạo đương nhiệm được đưa vào điều lệ đảng, đặt họ Tập ngang hàng với người khai sinh ra nhà nước “Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Chưa hết, cả 5 thành viên mới trong Thường vụ Bộ Chính trị đều được coi là đồng minh của đương kim TBT, và không một ai trong số họ được xem là “tiếp ban nhân” của ông ta.
Nghĩa là, nếu không có gì bất ngờ ngoài dự đoán, Tập Cận Bình sẽ còn tiếp tục nắm giữ ngôi vị tối cao sau khi nhiệm kỳ Đại hội 19 kết thúc, cho phép ông ta thoả sức hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” của mình.
…và trong quân đội
Trên nguyên tắc lãnh đạo tập thể, Điều lệ Đảng CSTQ năm 2012 chỉ quy định sự lãnh đạo của Đảng CSTQ đối với quân đội một cách chung chung. Phần “Cương lĩnh chung” của Điều lệ 2012 ghi: “Đảng CSTQ kiên định vai trò lãnh đạo đối với Quân Giải phóng Nhân dân và các lực lượng vũ trang khác…”). Điều 23 quy định cụ thể hơn: “Các tổ chức đảng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hoạt động theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Cơ quan đảm nhiệm công tác chính trị của Quân uỷ Trung ương là Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa; Tổng cục Chính trị chỉ đạo công tác đảng và chính trị trong quân đội. Quân uỷ Trung ương quy định hệ thống tổ chức và các cơ quan đảng trong các lực lượng vũ trang.”
Tuy nhiên, văn kiện quan trọng nhất của Đảng CSTQ vừa được Đại hội 19 thông qua đã thể hiện những thay đổi hệ trọng. Theo Tân Hoa Xã, nghị quyết đại hội đã đưa tư tưởng quân sự của TBT Tập Cận Bình và quyền lãnh đạo “tuyệt đối” của đảng đối với lực lượng vũ trang vào điều lệ đảng. Nghị quyết nhấn mạnh, Đảng CSTQ cần duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân khác, cũng như thực hiện tư tưởng quân sự của TBT Tập Cận Bình về tăng cường sức mạnh quân đội.
Đặc biệt, bên cạnh quy định Quân ủy Trung ương phụ trách công tác đảng và công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, bản điều lệ mới còn quy định Chủ tịch Quân ủy Trung ương chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động của cơ quan này.
“Kỷ nguyên Tập Cận Bình”
“Kỷ nguyên mới” của Trung Quốc có thể chỉ mới được mở ra sau Đại hội 19, song “kỷ nguyên Tập Cận Bình” thì đã bắt đầu từ 5 năm trước, khi Đại hội 18 chính thức đưa họ Tập lên ngôi vị “hoàng đế đỏ” của đất nước 1,3 tỷ dân.
Chỉ vài tuần sau đó, tân Tổng Bí thư Đảng CSTQ đã đưa ra học thuyết mới về sự trỗi dậy của Trung Quốc mà ông ta gọi là “giấc mộng Trung Hoa”, và nhấn mạnh: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc.”
Song song với quá trình thâu tóm quyền lực, Tập Cận Bình đã thực hiện cuộc cải cách quân đội sâu rộng và triệt để nhất kể từ khi “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa” ra đời. Từ đầu năm 2016, báo chí chính thống ở Trung Quốc đã đồng loạt tung hô một Tập Cận Bình “Tổng tư lệnh” – chức vụ xưa nay chưa từng có. Đề cập đến cuộc cải tổ quân đội rầm rộ này, trang mạng của Đài RFI chạy hàng tít: “Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Quốc khống chế Châu Á”.
Bên ngoài lãnh thổ quốc gia, “kỷ nguyên Tập Cận Bình” được đánh dấu bằng một loạt sự kiện cho thấy con “sư tử Trung Hoa” đã thực sự cất tiếng gầm khiến cả thế giới phải e ngại: (i) yêu sách chủ quyền đối với 85% diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “vùng biển lịch sử” nằm trong đường lưỡi bò được bộ máy tuyên truyền Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh và tuyên truyền rộng rãi; (ii) bồi đắp và quân sự hoá 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành một chuỗi căn cứ quân sự liên hoàn hòng khống chế hoàn toàn Biển Đông; (iii) đưa giàn khoan HD981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; (iv) điều một tiểu hạm đội hải quân đi qua vùng biển ngoài khơi Alaska, một động thái “nắn gân” Washington trước ngày Chủ tịch Trung Quốc thăm Hoa Kỳ; (v) thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, bên cạnh căn cứ duy nhất của Mỹ tại Châu Phi; (vi) đe doạ sử dụng vũ lực, buộc Hà Nội phải yêu cầu công ty Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính, một khu vực nằm trong thềm lục địa của Việt Nam; v.v. và v.v.
Hệ luỵ với Việt Nam
Việt Nam là quốc gia án ngữ con đường tiến xuống phía nam, hướng bành trướng khả dĩ nhất của Đại Hán, trong bối cảnh ở phía tây, phía bắc và phía đông họ đều vấp phải những đối thủ ngang tầm là Ấn Độ, Nga và Nhật (chưa kể một Đài Loan xương xẩu được coi là đồng minh của Mỹ).
Ngoài ra, trong số các quốc gia bao quanh Biển Đông, Việt Nam còn là quốc gia tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc trên vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Khuất phục được Hà Nội, Bắc Kinh sẽ dễ dàng khuất phục được một ASEAN vốn đã bị họ chia năm sẻ bảy bằng đủ mánh lới.
Trên thực tế, họ Tập đã thể hiện một thứ quyền uy đặc biệt đối với Hà Nội ngay từ khi “kỷ nguyên Tập Cận Bình” còn chưa bắt đầu.
Người Việt trong và ngoài nước hẳn vẫn chưa hết phẫn nộ khi xem lại hình ảnh dàn thiếu nhi Việt Nam vẫy lá quốc kỳ Trung Quốc 6 sao (thay vì 5) trong lễ tiếp đón Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 21/12/2011. Và cuộc gặp giữa Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình ngày 20/9/2012 tại Nam Ninh đã giúp “đồng chí X” đảo ngược tình thế hiểm nghèo của mình tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, khiến Nguyễn Phú Trọng phải mếu máo bế mạc hội nghị vì không kỷ luật được “một đồng chí trong Bộ Chính trị”.
Không còn nghi ngờ gì, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tượng “ưu tiên số 1” trong lộ trình hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình sau Đại hội 19, dĩ nhiên là với mức độ bạo liệt và quyết đoán hơn trước rất nhiều.
Và tương lai đất nước
“Kỷ nguyên mới của CNXH đặc sắc Trung Quốc” mở ra trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng đang “một mình một chợ” trên sân khấu chính trị Việt Nam.
Trần Đại Quang, thủ lĩnh phe nhóm chống Tàu trong bộ máy và là đối thủ đáng kể nhất của ngài TBT, hầu như chỉ còn “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước kể từ khi “tái xuất” ngày 28/8 sau hơn một tháng biến mất vì liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam. Đinh Thế Huynh, một ứng cử viên nặng ký khác cho ngôi vị TBT trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng trở về “làm người tử tế” vào giữa nhiệm kỳ như cam kết ban đầu, vẫn “bặt vô âm tín” suốt 5 tháng qua. Những ứng cử viên tiềm năng khác thì đang sốt vó với chiến dịch “đốt lò” do ngài Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng phát động cũng như Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp do ông ta ban hành hồi tháng Năm.
Dưới sự lãnh đạo của một nhân vật đã đi vào “văn học dân gian” kèm theo hỗn danh là “lú” cùng câu ‘phát ngôn lịch sử’ “Tình hình Biển Đông không có gì mới” thì với những gì trên đây, hẳn ai cũng ý thức được tình thế Việt Nam đang chông chênh đến thế nào.
Trong khi lẽ ra phải dân chủ hoá xã hội để đưa nước nhà thoát khỏi hiểm hoạ Đại Hán đang ngày một hiện ra lồ lộ thì lãnh đạo CSVN lại làm điều ngược lại. Một ngày sau khi Đại hội 19 Đảng CSTQ bế mạc, sinh viên yêu nước Phan Kim Khánh bị kết án 6 năm tù giam, 4 năm quản chế chỉ vì anh đã lên tiếng chống tham nhũng và cổ suý dân chủ. Hai ngày sau, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình Quốc hội dự luật An ninh mạng, một đạo luật được nhiều người cho là nhằm mục đích tăng cường kiểm soát Internet, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin của dân chúng. (Dân chủ là tiền đề quyết định để Việt Nam tự cường dân tộc và tiến tới thiết lập quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ và đồng minh, đặc biệt là tham gia liên minh Mỹ - Nhật - Ấn - Úc. Đó là điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể tồn tại bên cạnh con “sư tử Trung Hoa” đã thức giấc.)
Tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Thành uỷ Hà Nội hôm 20/10, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô và chỉ đạo là phải “xây dựng Hà Nội thành ‘thành phố rồng bay’.”
Và với “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải do chính ngài TBT đặt vào vị trí “đầu rồng”, có lẽ ai cũng hình dung ra “con rồng Hà Nội” đã và đang kéo “con rồng Việt Nam” bay về phương nào.
Lê Anh Hùng(Blog VOA)
----------------
Tập cận Bình càng sớm tóm thâu quyền uy thì ĐCSTQ càng sớm biến dạng và chế độ CSTQ càng sớm trở thành tư bản chuyên chế độc tài .
Trả lờiXóaRiêng VN ông Trọng chưa đủ sức tóm thâu quyền uy , VN phải đấu đá nội bộ tanh bành sau APEC . Ai chiến thắng sẽ được cả Tập lẫn Trump ủng hộ để lợi dụng làm đàn em .
Thế cờ chính trị VN hôm nay khá rõ nét . Quang , Phúc , Trọng như thể cùng đuối nước cố thanh toán lẫn nhau để riêng mình sống sót vào bờ .