Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

“KHE HỞ” CỦA LUẬT HAY LÀ MƯU ĐỒ CỦA LÒNG THAM?

Thanh tra Chính phủ thừa nhận không thể xử lý được khối tài sản ‘khủng’ của ông Phạm Sỹ Quý !


* BÙI VĂN BỒNG
Theo Wb VTC: Tác giả Lưu Thủy đã đưa ra hiện trạng, dẫn liệu, nhận định và phân tích: Về việc xử lý đối với khối tài sản của cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết còn vướng mắc trong quy định của pháp luật.
Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam thừa nhận trong luật còn tồn tại nhiều vướng mắc nên chưa thể xử lý khối tài sản "khủng" của ông Phạm Sỹ Quý.
Luật chưa có quy định về truy nguồn gốc và tịch thu hết tài sản tham nhũng (!?)
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra chiều 3/11, báo chí đặt câu hỏi về vụ “biệt phủ” Yên Bái: "Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Phòng, chống tham nhũng (TTCP) nói là luật chưa có quy định để truy nguồn gốc tài sản vợ ông Phạm Sỹ Quý. Vậy chúng ta không thể truy nguồn gốc tài sản của bà Huệ vợ ông Phạm Sỹ Quý? Việc xử lý kỷ luật Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý theo kiến nghị trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã thỏa đáng chưa?".
Trả lời câu hỏi trên, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết, xung quanh việc thực hiện những kiến nghị trong kết luận thanh tra của TTCP về xử lý vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý, TTCP ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái và TP Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận thanh tra cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
“Về tiến độ việc xử lý này, theo kết luận của TTCP và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ thì UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận xử lý này trước ngày 30/11/2017. Trên cơ sở báo cáo này, TTCP sẽ có những kiểm tra, giám sát để đánh giá việc thực hiện kết luận”, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam nói.
Tuy nhiên, về vấn đề xử lý khối tài sản “khủng” của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý thì đại diện TTCP lại trả lời chưa thỏa đáng.
Trước câu hỏi "đại diện Cục Phòng chống tham nhũng (TTCP) cho biết, theo quy định pháp luật hiện chưa có quy định nào để truy suất nguồn gốc tài sản của vợ, con ông Phạm Sỹ Quý, điều này có đúng hay không", ông Bùi Ngọc Lam cho biết “trong quy định pháp luật về lĩnh vực này còn có nhiều tồn tại”.
“Về nguồn gốc tài sản, không chỉ riêng vụ việc ông Phạm Sỹ Quý mà trong các vụ việc khác, các văn bản quy định pháp luật khác có điều chỉnh liên quan tới tài sản của công dân, cá nhân, trong đó có cán bộ công chức, viên chức, đây đúng là vấn đề còn nhiều tồn tại”, người đại diện TTCP thừa nhận.
“Để khắc phục thì tới đây khi sửa Luật phòng chống tham nhũng sẽ có những điều chỉnh để hoàn thiện luật này”, ông Bùi Ngọc Lam nói.
Xử lý kỷ luật về đảng, chính quyền … coi như xong!?
Trước đó, ngày 27/10, TTCP thông báo, thực hiện kết luận của TTCP, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã có các quyết định kỷ luật về Đảng và Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có các quyết định kỷ luật về chính quyền đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái.
Cụ thể, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, đồng thời cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở TN&MT.
Về chính quyền, ông Quý bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN&MT; điều động đến nhận công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó văn phòng HĐND tỉnh.
            Cũng về hiện trạng “Luật cố tình tạo khe hở để bao che, chia chác”, thủ đoạn của các Nhóm lợi ích, tác giả Hoàng Thùy (Vnexpress) khẳng định: “Dự luật phòng chống tham nhũng sửa nhiều, nhưng vẫn rối”.
Theo tác giả bài báo: Trước nhiều vấn đề chưa đạt được sự thống nhất, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ sửa đổi, cố gắng trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 10. 
Chiều 6/9/2017, Ủy ban Tư pháp tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. Đại biểu Phan Huỳnh Sơn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều 114, xác định nguyên tắc xử lý các hành vi tham nhũng. Dự thảo đề cập xử lý nghiêm minh, trong đó có người nghỉ hưu và người bị cho thôi việc.
"Xử lý hình sự thì tôi không nói, nhưng kỷ luật người về hưu và cho thôi việc tôi không đồng tình", ông Sơn nói và cho rằng nguyên tắc xử lý là nghiêm minh nhưng phải kịp thời. Đối với một hành vi vi phạm kéo dài, khi phát hiện đã qua nhiều năm, thời hạn theo luật cán bộ công chức không còn, giờ luật phòng chống tham nhũng đưa vào kỷ luật người về hưu, khi họ không còn là công chức viên chức thì "không thuyết phục".
"Xử lý như vậy e rằng không đảm bảo tính kịp thời, răn đe và phòng ngừa, đề nghị ban soạn thảo xem xét nguyên tắc này. Xử lý phải đảm bảo thời hạn, thời hiệu. Luật hình sự cũng quy định trong khoảng thời gian nhất định từ khi vi phạm thì sẽ trở thành người không có tội", ông Sơn phân tích.
Kiểm soát tài sản là bảo bối trong phòng chống tham nhũng
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp đặt vấn đề, mọi người cứ kỳ vọng Luật phòng chống tham nhũng sẽ khắc phục được tình trạng tham nhũng, nhưng điều này khó khả thi.
"Muốn phòng chống tham nhũng thì phải toàn hệ thống chính trị. Bất kể một kẽ hở của văn bản pháp luật nào đều có liên quan đến tham nhũng, như giáo dục, y tế, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức", ông Quyền nói và khẳng định, Luật phòng chống tham nhũng chỉ đóng vị trí rất nhỏ. Qua nhiều lần sửa đổi, đến nay luật vẫn hình thức, hiệu quả thấp.
Ông Quyền phân tích, khó khăn nhất của công tác phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản. Ở nhiều nước, không có Luật phòng, chống tham nhũng nhưng có luật kiểm soát tài sản. Vì vậy họ chống tham nhũng đơn giản hơn rất nhiều vì kiểm soát được việc chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác.
"Tham nhũng là tội phạm ngầm cho nên các biện pháp phòng chống phải từ kiểm soát tài sản khi dịch chuyển, đó là bảo bối. Chúng ta chưa làm được, mà không kiểm soát được tài sản thì vô phương phòng chống tham nhũng", ông nói và cho rằng tham nhũng là tội phạm ẩn, biện pháp phòng chống phải đặc biệt, nhưng hiện nay đều "hết sức thông thường" như thanh tra, điều tra…
Đối vấn đề xác minh tài sản, thu hồi tài sản, ông Quyền đề nghị phải có cơ chế đưa vào tố tụng chứ không để mấy người làm tổ chức cán bộ đi xác minh. Bởi các phán quyết tài sản mà không thông qua tòa án thì không bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền công dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cũng cho rằng việc chuyển dịch, biến động bất động sản của cán bộ phải luôn được cập nhật và nắm bắt. Tuy nhiên, không cần thiết công khai tràn lan thông tin liên quan đến tài sản của đối tượng vì không cẩn thận thì luật không đảm bảo nguyên tắc của hiến pháp về quyền công dân.
"Nếu muốn người dân có quyền giám sát thì phải quy định các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân, làm cơ sở để công chúng giám sát và khi cần thiết thì có thể tố cáo việc kê khai không trung thực", ông Chiến nói.
Đề nghị trả dự luật cho Chính phủ
Tham gia ban soạn thảo, ông Nguyễn Hải Phong (Phó viện trưởng VKSND Tối cao) cho biết sau 10 năm thực hiện luật người dân mong đây là công cụ pháp lý quan trọng, tạo tiền đề đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. "Tuy nhiên, khi đọc dự luật, tôi cứ thấy ngờ ngợ không biết mình có còn trí tuệ pháp luật để hiểu hay không? Tôi đề nghị chuyển về cho Chính phủ để làm lại. Luật này còn ẩu hơn Bộ luật hình sự", ông Phong nhận xét.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy ban Tư pháp) cũng đánh giá, nhiều quy định dự thảo luật có vấn đề. Có điều hiển nhiên sai, đã được phát hiện, góp ý từ lần trước nhưng sau một năm Ban soạn thảo vẫn không sửa. "Nếu Ủy ban mà sửa thì sợ rằng lại trở thành cơ quan soạn thảo, vậy ai sẽ là cơ quan thẩm tra? Nếu tiếp tục thì sẽ rơi vào một dạng khác của Bộ luật hình sự (do sai sót nên phải lùi thời hiệu thi hành)", ông Cường nói.
Cho rằng trong vài ba ngày giải trình là hoàn thiện được luật, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị lui thời gian trình Quốc hội để Chính phủ hoàn chỉnh, vì có những vấn đề trong dự luật đang không rõ cơ sở pháp lý.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tháng 9 năm ngoái cơ quan này đã thẩm tra dự luật một lần, phiên họp đó căng thẳng không kém hôm nay. Đây là dự án luật lớn, ảnh hưởng nhiều nhưng sự tập trung và quy chế làm việc của Ban soạn thảo chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu QH Lê Thị Nga nói: "Với nội dung chuẩn bị này, dù nhiều cố gắng nhưng chất lượng so với yêu cầu chưa đạt để trình Quốc hội. Cần có bản giải trình để Thường vụ Quốc hội xem xét. Đề nghị Chính phủ chuẩn bị thêm, cố gắng trình phiên họp Thường vụ tháng 10". (Hoàng Thủy –VnEx).
 … Thế nhưng cho đến nay, cái “khe hở nhằm giữ của cho nhau, bênh vực che chắn cho nhau” vẫn chưa ai “bịt lại” hoặc “lấp đầy” được. Phải chăng, kẻ chỉ đạo làm luật, thảo luận luật, và trực tiếp sọan thảo luật đã “vào hùa” cùng ăn cánh để dễ dàng cuỗm những khối tài sản khổng lồ, những của cải cướp được bằng mọi thủ đoạn làm rỗng Ngân khố Quốc gia, làm nghèo, kiệt quệ đất nước?
BVB
--------------

5 nhận xét:

  1. Không tới nỗi là không thể truy thu được... tại không muốn làm thôi. Bà Trà to vật vẫn còn ngồi ở chức bí thư tỉnh uỷ, ai mà sờ vào được....? vài hôm nữa chờ yên ắng rồi lên chức vù vù bây giờ. Chức giám đốc là bà Trà bổ nhiệm em mình. Đúng quy trình do bà Trà và nhóm của bà đặt ra....?Tầm cỡ của bà Trà thì phải tổng bí thư, ban kiểm tra trung ương mới bứng được.

    Trả lờiXóa
  2. Trọng NÚ đã phán: chống tham nhũng là ta đánh ta.Vậy luật pháp phải có kẽ hở để đồng chí ta thoát tội.

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ với 12 dự án thua lỗ, phá sản của Bộ Công Thương đã đốt 63,5 nghìn tỉ đồng tương đương 3 tỉ đô la của Nhà nước. Trách nhiệm đó là của thời ông Vũ Huy Hoàng làm BT. Đề nghị QH xử lý đưa ông Hoàng ra vành móng ngựa , thu hồi tài sản cá nhân sung vào công quỹ.

    Trả lờiXóa
  4. Như là chuyện con kiến mà leo cành đa.Chẳng biết quan trên xử thật hay là trêu ngươi các bác ơi.

    Trả lờiXóa
  5. "... Phải chăng, kẻ chỉ đạo làm luật, thảo luận luật, và trực tiếp sọan thảo luật đã “vào hùa” cùng ăn cánh để dễ dàng cuỗm những khối tài sản khổng lồ, những của cải cướp được bằng mọi thủ đoạn làm rỗng Ngân khố Quốc gia, làm nghèo, kiệt quệ đất nước?"
    Rất chuẩn, cảm ơn đại tá!

    Trả lờiXóa