*
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG
1-Sự việc
Bão lụt mang đến nhiều tai họa. Toàn dân lo phòng
chống và khắc phục. Trong những hoạt động của lãnh đạo cấp cao có một số việc
tạm được, nhưng có vài việc hình như người ta làm mà chưa suy nghĩ kỹ đến tác
dụng thực tế, kể cả tác hại của nó. Tôi xin lấy vài việc liên quan đến
trận bão 12 trong đầu tháng 11/2017 làm dẫn chứng. Đó là : Những bức công
điện (CĐ) của Chính phủ và điện khẩn của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống
thiên tai (gọi tắt là Ban thiên tai);
Sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng.
Khi bão vừa hình thành đã có dự báo trên đài phát
thanh và truyền hình , đại đa số người dân đã biết và có ý thức theo dõi. Quá
trình hoạt động của bão cho đến khi kết thúc đã được các đài, các báo thông tin
kịp thời, cụ thể. Thế rồi Ban thiên tai vội vàng triệu tập cuộc họp, thông báo,
bàn bạc, thảo luận, vạch kế hoạch, ra mệnh lệnh và hình như quan trọng nhất là
thảo điện khẩn gửi đi các nơi. Nói là thảo, nhưng hình như trên 80% nội dung
bức điện đã có sẵn trong bộ nhớ máy tính, chỉ cần gọi ra, sửa hoặc thay vài
điểm về tên cơn bão, hướng đi của nó và tên các đơn vị cần nhận điện. Tôi
đã xem lại các điện số 83; 84 ngày 31 tháng 10 và số 85 ngày 1 tháng 11 của Ban
thiên tai. Nội dung chính gồm tình trạng của Áp thấp nhiệt đới trở thành bão,
tình hình mưa lụt và nước ở các sông, nhiệm vụ các địa phướng, các đơn vị. Tiếp
theo điện của Ban thiên tai là CĐ cuả Chính phủ, ( CĐ số 1659 ngày 1/11 )
nhắc lại gần như nguyên văn bản tin về bão, về các nhiệm vụ trong điện khẩn của
Ban , có nhiệm vụ chi tiết hơn cho từng địa phương và đơn vị. Khi bão xẩy ra,
Ban thiên tai lại gửi điện hỏa tốc ( số 86, ngày 3/11), chỉ thị phải làm ngay
các việc này nọ.
Sau cơn bão, các đài, báo đưa thông tin khá chi tiết
về hoạt động của nó, sự tàn phá và các thiệt hại do nó gây ra. Thế rồi lại
có công điện của Chính phủ ( CĐ số 1681 ngày 5/11 ) về thiệt hại và nhiệm
vụ. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe xong CĐ đó trên VTV1. Nghe mất gần 14
phút, không thể nhớ hết, phải tìm xem lại văn bản trên mạng. Nội dung CĐ
khá dài, khoảng 2300 từ, Xin tóm tắt. Mở đầu mô tả cơn bão và thiệt hại như
đài, báo đã đưa. Phần chính nêu nhiệm vụ của 14 đơn vị. Đó là các địa phương;
các Bộ : Nông nghiệp, Công thương, Giao thông, Thông tin, Y tế, Quốc phòng,
Công an, Tài nguyên, các bộ khác; Ủy ban ứng phó thiên tai, Ban chỉ đạo phòng
chống thiên tai, Đài truyền hình. Nhiệm vụ gồm các việc như : Tìm người mất
tích , cứu giúp người bị nạn, giúp sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông,
điện, thông tin, vệ sinh môi trường, cung cấp lương thực v.v…và v.v….
Những việc mà các bức điện của Ban thiên tai và của
Chính phủ kể ra ( trước, trong và sau mỗi thiên tai) tôi đã được nghe đi nghe
lại hàng trăm lần từ các thiên tai trước, và đại đa số người dân có trí tuệ
bình thường đều biết rõ.
Trong
lúc mọi người lo tập trung chống bão lại được đón Phó thủ tướng (PTT) về trực
tiếp chỉ huy ứng phó. Tháp tùng PTT là một đoàn người khá đông, để bảo vệ, để
phục vụ, để nghe lệnh và có lẽ còn để được quay phim chụp ảnh. PTT đã chỉ huy,
đã ra lệnh. Câu nói của ông : “Tính mạng con người là trên hết” được nhiều báo
in nổi bật. Ông chỉ đạo phải làm ngay việc này, việc nọ, việc kia…
2-Bình luận
Theo tôi, những việc vừa kể có tác dụng thực tế rất
ít, thậm chí là lợi ít hại nhiều, nó chứng tỏ cách làm việc thiếu
sáng tạo, nặng về hình thức và tuyên truyền, là sản phẩm của những đầu óc kém
trí tuệ. Người ta thích lặp đi lặp lại những điều nhiều người đã biết rõ, đến
mức nhàm chán. Người ta thích thú với việc chỉ dùng một cái đầu của họ để nghĩ
thay công việc cho nhiều người cấp dưới. Hay là phải ra lệnh như vậy để chứng
tỏ ta đây có quyền lực và có trí tuệ hơn người. Tôi cứ thắc mắc, liệu mấy ông
Chủ tịch, Bộ trưởng biết hay không biết phải làm gì khi bão lụt sắp xẩy ra.
Cấp trên có phải dạy cho họ không. Nếu cứ tiếp tục gửi các bức điện như
trên sẽ đến lúc tỉnh, huyện, xã không cần suy nghĩ phải làm việc gì khi bão lụt
mà ngồi chờ điện chỉ đạo của cấp trên. Phải chăng cách chỉ đạo như vậy là một
tật rất xấu sinh ra từ nguyên lý “ Tập trung dân
chủ”. Nấp đằng sau chiêu bài “ Sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên đến từng chi
tiết cụ thể” là sự coi thường cấp dưới, là biến cấp dười thành những kẻ
chỉ biết nghe lời sai bảo. Tôi nghĩ, phần nhiều quan chức vừa ngu vừa tham
nhưng có kém đến mức không biết làm gì, đến nỗi phải có lời chỉ dẫn của các
công điện. Hay là lời thơ của cô giáo Lam đang phát huy giá trị : “ Đất nước
mình ngộ lắm phải không anh, Bốn ngàn tuổi mà không chịu lớn.”. Có lẽ nào làm
đến chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đến Bộ trưởng mà không tự biết phải làm gì để
chống chọi và khắc phục hậu quả bão lụt hay sao.
Thế những lúc sắp có bão lụt và khi chúng nó gây tai
họa không lẽ cấp trên im lặng, mặc cho cấp dười làm gì thì làm. Không, không
được im lặng, không được mặc cấp dưới muốn làm gì thì làm. Cấp trên phải hết
sức quan tâm, nhưng phải suy nghĩ, phải tìm tòi để sự chỉ đạo mang lại hiệu quả
thiết thực chứ không phải làm cho qua chuyện. Có câu: “ Rượu nhạt uống lắm cũng
say. Người khôn nói lắm dù hay cũng nhàm”. Người khôn nói lắm cũng nhàm huống
gì những người kém trí tuệ. Theo tôi, vẫn cần CĐ, vẫn cần điện khẩn những khi
cần thiết, nhưng phải rất ngắn gọn, không kể ra những điều cấp dưới đã biết
hoặc bắt buộc phải biết. Thí dụ nên viết CĐ như sau : “ Bão 12 sắp vào. Lệnh
cho các địa phương sau….phải tập trung phòng chống”. Nội dung của phòng,
chống như thế nào thì các địa phương phải biết, không biết thì học, hỏi. Không
việc gì Ban thiên tai hoặc Thủ tường phải dạy cấp dười những việc thông
thường như gọi tàu thuyền về, tìm nơi neo đậu, phải chống giữ nhà cửa,
phải để phòng lũ quét, sạt đất v.v…
Thế còn sự có mặt của lãnh đạo cấp cao. Có cần không
?. Cần lắm chứ, nhưng cần vào việc khác có hiệu quả hơn chứ không cần ngồi trên
ca nô vượt lũ như nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, không cần đến tận nơi chỉ huy,
ra lệnh như PTT Trịnh Đình Dũng. Muốn chỉ huy, muốn ra lệnh có tác dụng thì
ngoài việc có kiến thức, có kinh nghiệm về chống bão, lũ, còn phải nắm
chắc tình hình và lực lượng, để có thể ra những mệnh lệnh cụ thể. Nếu không
được như thế thì chỉ có thể nói những câu chung chung hoặc hô vài khẩu hiệu để
quay phim, chụp ảnh, chỉ làm khổ cho những người tháp tùng.
Trong các tai họa của dân, chỉ huy chống đỡ và khắc
phục là việc của các cán bộ trực tiếp ở địa phương, các lãnh đạo cao cấp
chỉ nên thị sát, có thể trực tiếp nhận yêu cầu và điều lực lượng từ nơi
khác đến hỗ trợ. Sau tai họa có thể và cần đến thăm hỏi, úy lạo.
Những việc làm tương tự của lãnh đạo được một số người
hoan nghênh, có thể họ chỉ cảm nhận về hình thức mà chưa nghĩ tới tác dụng thực
tế. Cũng có thể nhiều người thấy rõ chẳng có tác dụng gì, nhưng chưa tiện nói
ra. Tôi viết vài câu phản biện, mong được những ai quan tâm suy nghĩ và phán
xét.
NĐC (Tác giả gửi BVB)
--------------
Kính thưa thầy- GS.TS Nguyễn Đình Cống!
Trả lờiXóaCĐ phòng và chống bão lũ nếu không viết như thế thì sợ cấp dưới không thực thi được đầy đủ các biện pháp! Vậy tốt nhất có bao nhiêu việc phải làm cứ thống kê ra cho cấp dưới là tiện và chắc ăn nhất. Nếu nơi nào làm không tốt thì cứ Parem ấy mà vạch ra những thiếu sót mà phê bình hoặc quy trách nhiệm. Một năm có chừng hơn chục cơn bão, đọc nhiều lần công điện là thuộc lòng ngay các quy trình và các biện pháp phòng chống và khắc phục bão lũ mà. Đúng là như vậy thì có phải nhất cử lưỡng tiện không ạ? Còn lãnh đao TW và lãnh đạo địa phương lúc này hoạt động như một Ban tác chiến mặt trận ban lệnh chỉ huy mặt trận kịp thời, đồng cam cộng khổ chia sẻ gian nguy cùng các chiến sĩ, như thế bám sát chứ sao ạ!
Em chúc thầy mạnh khỏe và trường thọ.
Những huấn thị chỉ nên thông tin cho những vùng không bao giờ có bão lụt biết mà "đề phòng" thôi bác ạ. Còn dân đen tôi, tôi còn nhớ hơn 60 năm trước chẳng có TTin gì nhưng bố tôi nhìn trời biết sắp có bão lớn thế là dục anh em tôi "lo" cách đối phó và "chạy bão", làm ngay những việc cần làm. Tôi lo làm cái bè bằng cây chuối để đi lại trong mưa lụt và ...
Trả lờiXóa