Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Văn hóa quyền lực

Bóng tối quyền lực: Trông người lại ngẫm đến ta
Quyết định đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye mà Quốc hội Hàn Quốc đưa ra tuần trước với 56 phiếu chống/234 phiếu thuận, đồng nghĩa với việc ngay cả các nghị sĩ đảng cầm quyền cũng không đứng về phía bà.Nỗi tức giận của người dân Hàn Quốc nổ ra sau khi có những thông tin tiết lộ về ảnh hưởng của bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park, lợi dụng mối quan hệ bạn bè này để ép nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc (chaebol) đóng góp tổng cộng 70 triệu đô la Mỹ vào các quỹ do bà Choi kiểm soát. Các chaebol thì muốn thông qua bà Choi để tác động đến các quyết định của Tổng thống theo hướng thuận lợi nhất cho quan hệ “mù mờ” giữa chính phủ và các tập đoàn lớn nhưng ban đầu dân chúng tin rằng điều đó sẽ giúp các tập đoàn trở nên hùng mạnh hơn, cạnh tranh được với nước ngoài, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Chúng ta thấy sự ra đời và phát triển vũ bão của Hyundai, Samsung, LG, Daewoo… trở thành những đối thủ đáng nể của các công ty Nhật, Mỹ…
Nhưng hiện nay, theo số liệu của Bloomberg, nợ của các hộ gia đình tài phiệt Hàn Quốc năm ngoái đã chiếm tới 87% GDP, so với 74% năm 2009; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức “cao liên tục”, trung bình 9,3%. Người dân cho rằng mối quan hệ giữa chính phủ và các chaebol cần phải được cắt đứt. Trước khi các công tố viên cáo buộc các chaebol liên quan đến vụ bê bối, nhiều công ty Hàn Quốc đã gặp sự cố lớn như Hyundai Motor, Hanjin Shipping Co., Lotte, Samsung Electronics… Người dân Hàn Quốc cần phải chấn chỉnh lại mối quan hệ này, minh bạch hóa, nếu muốn phát triển bền vững.
Một đất nước phát triển như Hàn Quốc mà tam giác nhà nước – thị trường – xã hội còn chịu nhiều hệ lụy từ mối quan hệ nhập nhằng giữa các chaebol và chính quyền thì với chúng ta, hệ thức văn hóa nào khả dĩ xác lập rạch ròi ba chân vạc ấy, nếu không xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả của việc thị trường bất ổn khi nhà nước tiếp tay hay thông đồng với những tập đoàn trong kinh doanh. Sự cộng thông giữa cả ba tổ chức ấy đòi hỏi tính giải trình, sự minh bạch và có sự giám sát của toàn dân thông qua không chỉ quốc hội mà qua các tổ chức xã hội cần thiết.
Chúng ta đang theo hệ thức văn hóa nào?
Như người ta thường nói “Xã hội nào Nhà nước ấy" hay “Thị trường nào, xã hội ấy”, và “Nhà nước nào, thị trường ấy”, vì mọi phát triển tiên tiến, nghĩa là mang tiếng văn minh nhất của những quốc gia trên thế giới, đều nhất thiết phải dựa trên sự triển khai thông hợp giữa ba thực thể khác nhau là tổ chức nhà nước, tổ chức thị trường, và tổ chức xã hội.
Nói như tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm (TTNT) trong tác phẩm “Nhân văn và Kinh tế” thì “… xã hội bạc nhược nuôi dưỡng một nhà nước lộng quyền. Thị trường nghiêm chỉnh cần có một xã hội đàng hoàng… Chẳng vô cớ mà Tản Đà đã có câu thơ hết sức xót xa và sâu sắc “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn” và cũng chẳng ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh lại nêu cao khẩu hiệu tiên quyết của cuộc đổi đời đích thực, của mọi quốc gia “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh". (TTNT – Nhân văn và Kinh tế, NXB Trẻ, 2016).
Phải xây dựng được văn hóa quyền lực đúng nghĩa và phải mang tính chất văn minh vì “…văn hóa là để tồn sinh cùng cộng đồng còn văn minh là để đua tranh cùng thế giới; văn hóa là tinh túy tinh thần, văn minh là tinh hoa vật chất” (sđd).
Trong lịch sử, chúng ta từng phê phán các ông vua thời phong kiến khi họ tự xưng là thiên tài, tuyên bố thiên hạ là của mình, như vua Louis XIV (1638-1715) của Pháp ngang nhiên vỗ ngực tuyên bố “Nhà nước chính là ta”. Đã có thời chúng ta lên án gay gắt tư duy lũy tre làng, khói lam chiều, tiểu nông, lừ đừ suy nghĩ, liêm sỉ nửa vời, chiếu trên chiếu dưới…. và ca tụng tư duy theo hướng “đại công nghiệp”. Nhưng thử hỏi xem, hiện nay những ông chủ tịch thôn, xã, huyện cho đến tỉnh, thành phố… có bao nhiêu người thoát được cái tư duy manh mún địa phương, giòng họ, khi nghĩ theo kiểu nếu tỉnh người ta, huyện người ta có cái gì thì tỉnh mình, huyện mình cũng phải có cái đó; phải có thủy diện, phải có resorts, có nhà máy đường, nhà máy gạch tuynel, nhà máy thép, thậm chí phải có… tượng đài, có Festival du lịch, pháo hoa… cho bằng anh bằng em (trong khi chỉ có khoảng 5, 6 tỉnh hay thành phố nộp 80-90% ngân sách). Hậu quả là gì? Ai cũng thấy là ngân sách bị dàn trải không hiệu quả, thiếu cả cầu đường nông thôn, trường học, bệnh viện… là những nhu cầu vô cùng bức thiết của nhân dân.
Tác giả TTNT chia ra làm 3 loại văn hóa. Đối với thị trường là văn hóa quyền lợi + khai thác và ngắn hạn; đối với nhà nước là văn hóa quyền thế + quy trình và trung hạn còn xã hội thì là văn hóa quyền thuộc + tích trữ và dài hạn. Tính tương hỗ giữa tổ chức nhà nước dân chủ và tổ chức xã hội dân chủ tương tự như sự cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chặn của cái phanh. Chức năng cơ bản của tổ chức nhà nước, nói chung chỉ là “trợ thủ” cho kinh tế thị trường và bảo vệ trật tự xã hội cho nền kinh tế ấy. Hệ thống tương quan giữa nhà nước, thị trường và xã hội chỉ có thể vững vàng lớn mạnh khi giữa ba thực thể là tín cân bằng hài hòa tạo tác nên sự thông hợp chứ không phải là sự tha hóa, xâm hại lẫn nhau bởi ý đồ thống lĩnh, bá quyền, toàn trị. Một câu ngạn ngữ Nga xin phép trích lại ở đây “Ở tận cùng của đáy là quyền lực của sự hắc ám. Ở tít trên đỉnh cao là sự mờ ám của quyền lực”.
Chúng ta đã làm gì với tổ chức thị trường?
Chúng ta đã mặc cho hệ thức văn hóa của nó – văn hóa quyền lợi – ngang nhiên và ngạo ngược tung hoành, xã hội tranh nhau ca tụng đại gia, tung hô những kẻ giàu có dù vay nợ chồng chất, dù lừa đảo, chiếm đoạt công quỹ, lũng đoạn ngân sách. Có những ngành làm ăn bết bát do chủ quan nhưng vẫn yêu cầu nhà nước bảo hộ thị trường. Chúng ta đã từng bao lần đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu, điện nước nhưng tất cả vẫn là ẩn số khi được công bố! Phải lưu ý vì “… đồng tiền sẽ có khả năng biến tất cả thành đồng lõa và đồng phạm trong những cuộc tranh giành quyền lợi khai thác vô độ đến tận cùng mọi thứ, ngay trước mặt, một cách vô cùng thiển cận, thậm chí chẳng cần nghĩ đến mai sau…" (TTNT – sđd).
Một ví dụ cụ thể là phần lớn dự án BOT quốc lộ đều gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, QL 1A đoạn qua Bình Thuận, nhà đầu tư báo cáo quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 2.608 tỉ đồng. Còn tại dự án BOT cải tạo nền đường QL 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán 1.943 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 2.085 tỉ đồng. Trên thực tế, thời gian thu phí tại các dự án BOT hiện nay vẫn được tính dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu nên có nhiều dự án với chiều dài nhà đầu tư thi công chỉ từ 20-30 km mà thu phí đến hơn 20 năm. Điều này đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Cho đến nay, chưa thấy Bộ Giao thông Vận tải công bố một dự án BOT nào phải rút ngắn thời gian thu phí dù Kiểm soát Nhà nước đã kiến nghị giảm 5 năm đối với một số dự án.
Nhà nước thường thì bị chi phối bởi văn hóa quyền lực hay quyền thế, theo thứ văn hóa quy trình vì đó là nguồn động năng thúc đẩy con người tôn thờ quy lụy quyền lực, từ đó thoái hóa và tha hóa bản thân, nghĩa là lao mình vào cuộc chơi mua quan bán tước khi hiểu ra vai trò của quyền thế và quyền lợi hay cụ thể là tiền tệ. Những nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta đã nhiều lần bức xúc về vấn đề này nhưng phải chăng nó diễn ra quá tinh vi, “theo đúng quy trình”, nên không thể “bắt tận tay, day tận mặt”.
Cao Bá Quát ngày xưa khi viết Tài tử đa cùng phú đã từng phải thốt lên những lời chán chường, “Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phủ, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” hay Nguyễn Du trong Truyện Kiều từng thốt lên những lời tâm sự của Từ Hải “Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”.

Fidel Castro có lần nói: “Không nắm được quyền thế, lý tưởng khó có điều kiện cần thiết để được hiện thực hóa. Nhưng có được quyền thế trong tay, lắm khi lý tưởng chỉ là những viễn mơ của một thời, mông lung và thoi thóp”. Với những thành phần quan chức ngụp lặn đắm chìm trong văn hóa quyền lực thì quy trình biến thành công cụ rất hiệu dụng để tính toán và sắp xếp các mưu đồ, sách lược nặng tính cục bộ hoặc lợi ích nhóm, khi quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý. Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.
Trong một bài viết gần đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm… gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế".
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương “Lợi ích nhóm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.
Và từ đó người ta tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực, chức vụ, tham nhũng chính sách… Về “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, như có lần chúng tôi đã phân tích trong một số báo Văn hóa Phật giáo, nó không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng biện chứng, một “bệnh thái” do sự tha hóa trong quá trình phát triển không lành mạnh của các quốc gia. Nó xảy ra mọi nơi, không chỉ riêng ở các nước tư bản mà kể cả các nước có chế độ chính trị khác, nơi mà sự quản lý nhà nước chưa tốt, thiếu chặt chẽ… hay thiếu kỷ cương ngay từ ban đầu!
Ông Hoàng cho biết “Bây giờ lợi ích nhóm còn quốc tế hóa, ra bên ngoài biên giới quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài. Vụ Formosa ở Hà Tĩnh vừa qua, không thể loại bỏ lợi ích nhóm trong đó. Tại sao vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra như thế nhưng lâu ngày mới phát hiện?”
Nghị quyết của Đảng vừa qua nói đến 4 nguy cơ: nguy cơ về tụt hậu, về tham nhũng, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ diễn biến hòa bình. Bốn nguy cơ này đều liên quan đến lợi ích nhóm, do lợi ích nhóm tác động. Và chúng ta có thể giải đáp rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc “vận dụng quyền lực” thiếu văn hóa và cả văn minh.
Chúng ta tự hỏi vì sao cải cách hành chính vẫn chỉ “hành là chính”? Vì lợi ích nhóm chăng? Hiện nay tính đến quý 1 năm 2016 vẫn còn 7.000 loại giấy phép con bủa vây doanh nghiệp mà trong đó trên một nửa không có cơ sở pháp lý để tồn tại! (Theo tuyên bố của Văn phòng Chính phủ ngày 22/4/2016 – Đọc thêm: Còn bao lâu cuộc chiến với cối xay gió – Văn hóa Phật giáo tháng 4/2016).
Văn hóa quyền lực còn kéo theo văn hóa quyền thuộc khi dân gian vẫn nói câu: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ; còn lại là mặc kệ” hay ngày xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng, rút của công cũng dễ”! Nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tình trạng bổ nhiệm tràn lan tại thời điểm chuyển giao quyền lực và tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng lại là “đúng quy trình bổ nhiệm người nhà” chứ không phải người tài. Chúng ta chợt hiểu vì sao có người thống kê sơ bộ rằng tới 30% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước hàng năm.
Một khi nhà nước tự xem mình là chủ đạo, là thống soái thì hậu quả là xã hội và thị trường bị chi phối nặng nề trong mọi hoạt động. Vì khi đó quyền lợi và quyền lực là một, điều khiển mọi quan hệ, gây nhũng nhiễu cho sự vận hành của toàn thể. Đồng tiền hay lợi ích nhóm sẽ thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những phe nhóm, biến tài ản nhà nước thành “chùm khế ngọt” mà trèo hái mỗi ngày! Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu, và các đơn hàng, hợp đồng đều ký bằng công ty “sân sau”, qua công ty anh em hay bố mẹ… mọi cơ sở, chính sách đều được “đạo diễn” phù phép sao cho những nhóm nào đó có thể bòn rút hay hưởng lợi! Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.
Chúng ta phải làm gì?
Về hành vi của các nhà lãnh đạo, trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hồng, Phật dạy một nhà lãnh đạo tốt phải:
1. Tôn trọng pháp luật, thực thi pháp luật
2. Bảo vệ dân, vô tư, không thiên vị
3. Từ bỏ mọi dục vọng cá nhân, không tham nhũng
4. Lắng nghe các ý kiến chánh đáng của dân.
Thế nên, để hạn chế thứ văn hóa quyền lực này, cần có một nhà lãnh đạo thông tuệ, vạch ra những thể chế phù hợp mà trong đó phải có sự giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội dân chủ, và của các cơ quan tư pháp hay lập pháp. Xây dựng văn hóa cách chức và nhất là từ chức. Ở các nước, dù không có trách nhiệm trực tiếp nhưng nếu để xảy ra sai phạm, người quản lý cũng sẽ từ chức. Bởi đó là đạo đức, là lòng tự trọng chứ không phải sợ mất đi quyền lợi hay xấu hổ như quan niệm hiện nay. Nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nghĩa là dung túng, vô tình hay cố ý. Ngoài ra phải kiểm soát quyền lực, vì quyền lực về cơ bản hiện nay chưa được kiểm soát, nên cán bộ tha hóa và làm tê liệt các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo.
Hãy lấy Singapore làm tấm gương cần học tập khi Đảng cầm quyền PAP (Đảng Nhân dân Hành động) không những chịu sự giám sát của các đảng đối lập, còn luôn đặt dưới sự kiểm tra của những cơ quan chế tài theo dõi nghiêm ngặt mọi biểu hiện sai hiến pháp hay pháp luật, chệch đường lối hay vi phạm cam kết khi tham dự bầu cử. Nhà nước thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng và đưa ra Luật phòng chống tham nhũng. Cục điều tra tham nhũng có quyền bắt người, quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, quyền điều tra tài sản bất minh của bất cứ nghi can nào. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói: Thành tựu lớn nhất của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) là “bảo đảm sức sống và sự liêm khiết của Đảng chứ không phải là trở thành một chính đảng suy thoái và tham nhũng”.
Quản lý quyền lực là một diễn trình dân chủ, tôn trọng giá trị nhân bản và phát huy nội hàm nhân văn trong các hệ thức văn hóa. Tất cả là nền tảng cho một nền kinh tế bền vững, trong một xã hội văn minh.
Có thành hiện thực hay không là do ý chí của những nhà lãnh đạo hôm nay và mai sau, nhất là khi ý chí toàn dân cháy bỏng khát vọng muốn đất nước thực sự phát triển. Phải thay đổi hệ sinh thái “thiếu oxy” bấy lâu nay hay đúng hơn chưa thực sự “thông tuệ” vì thiếu sự kết nối lành mạnh giữa thị trường – xã hội và nhà nước – một nhà nước đang muốn trở thành “của dân, do dân, và vì dân”!
Nguyên Cẩn/(Văn hóa Phật giáo)
--------------

2 nhận xét:

  1. đàn gãy trai trâu . Vô ích , trí thức là cục phân .Duy nhất chỉ có " xã bàn làm lại " .

    Trả lờiXóa
  2. Giải mã câu "Chúc các đồng chí ở lại làm người tử tế":
    "TAO VÀ CHÚNG MÀY ĐỀU LÀ CÙNG MỘT GIUỘC - NHỮNG KẺ KHỐN NẠN!"

    Trả lờiXóa