Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Hai cách lý giải cho sự trì trệ kinh tế toàn cầu

* Jean Pisani-Ferry
Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu lại gây thất vọng. Một năm trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sản xuất toàn cầu sẽ tăng 4% vào năm 2015. Bây giờ thì Quỹ dự đoán mức tăng 3,3% cho năm nay – gần giống mức tăng trưởng của năm 2013 và 2014, và thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2000-2007 đến hơn một phần trăm.

Trong khu vực Eurozone, tăng trưởng trong quý gần đây nhất không ấn tượng. Nhật quay về vùng âm. Brazil và Nga đang suy thoái. Thương mại toàn cầu đã chậm lại. Và việc kinh tế Trung Quốc chậm lại kèm theo những biến động thị trường mùa hè này đã tạo thêm những bất ổn.
Sự thật thì vẫn có những điểm sáng: Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh đang vượt quá mong đợi. Nước Mỹ đang phục hồi vững chắc. Châu Phi thì khá khả quan. Nhưng nhìn chung rất khó để phủ nhận rằng nền kinh tế thế giới đang thiếu sức bật.
Điều này xảy ra một phần là bởi cây không thể lớn mãi: Nền kinh tế Trung Quốc không thể tiếp tục tăng trưởng 10% mỗi năm. Và một phần bởi vì tăng trưởng không phải là điều chúng ta có thể thèm muốn vô điều kiện: vì người dân có thể sẽ sống tốt hơn với tỷ lệ tăng trưởng chậm lại nhưng có bầu không khí sạch sẽ hơn.
Nhưng vẫn có nhiều nước còn nghèo để có được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, và nhiều nước khác cho dù giàu nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có lẽ là có lý do khác làm chậm tăng trưởng.
Về cơ bản, chúng ta có hai cách giải thích trái ngược nhau. Lý thuyết đầu tiên, gọi là Thuyết Trì trệ Trường kỳ (Secular Stagnation Hypothesis), được đề xuất bởi Larry Summers. Lập luận chính của thuyết này cho rằng lãi suất cân bằng mà tại đó cung và cầu cân bằng nhau hiện tại đang ở dưới mức lãi suất thực.
Điều này có thể coi là nghịch lý, bởi vì lãi suất đang ở mức gần 0% ở hầu hết các quốc gia phát triển. Nhưng điều quan trọng là lãi suất thực, tức chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lạm phát. Cân bằng kinh tế tổng thể có thể cần lãi suất thực âm, nhưng với lạm phát thấp nhất trong mọi thời đại (IMF dự báo lạm phát sẽ âm trong năm nay và năm sau tại những nền kinh tế phát triển, và bằng 0 trong những nền kinh tế đang trỗi dậy) thì điều này là không khả thi.
Có một số lý do vì sao lãi suất cân bằng có thể đã đạt tới mức âm. Một số liên quan đến cấu trúc: tiết kiệm đang ở mức cao trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, cũng như ở châu Âu, nơi người dân đang già hóa tiết kiệm tiền lo cho lúc về hưu. Cùng lúc đó, nền kinh tế kỹ thuật số mới ít cần vốn hơn nền kinh tế cũ dùng nhiều nguyên vật liệu đầu vào. Điều này sẽ còn nổi bật hơn trong tương lai bởi sự trỗi dậy của cái gọi là nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Những lý do khác mang tính chất tạm thời hơn. Tại một số nước, những đợt bùng nổ bất động sản bằng vốn vay đã làm cho các hộ gia đình và công ty bị nợ quá mức; và các chính phủ đã phải giảm thâm hụt để kiềm chế nợ của mình. Kết quả là sẽ có quá ít nhà đầu tư và quá nhiều người tiết kiệm.
Thuyết Trì trệ Trường kỳ là một điều đáng lo, vì nó cho thấy có ít lý do để tin rằng mọi chuyện sẽ tự cải thiện. Đúng vậy, giảm nợ không phải là không có giới hạn. Và việc giảm nợ đang bị cản trở bởi mức tăng trưởng chậm và, do tỷ lệ thất nghiệp cao và nhu cầu toàn cầu yếu, lạm phát đã ở mức thấp triền miên. Tệ hơn nữa, về dài hạn, mức đầu tư thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất, và thất nghiệp lâu dài sẽ phá hủy các kỹ năng. Cả hai điều này đều làm giảm tiềm năng tăng trưởng tương lai.
Dường như một vòng xoáy tệ hại đang hoạt động. Cách để phá vòng xoáy này, theo Summers, là duy trì kích thích tiền tệ và tăng cầu một cách quyết liệt thông qua chính sách tài khóa.
Hướng giải thích khác cho việc tăng trưởng toàn cầu yếu dai dẳng được đưa ra bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlement – BIS), một tổ chức của các ngân hàng trung ương. BIS cho rằng lãi suất thấp quá mức là một lý do lớn giải thích vì sao tốc độ tăng trưởng gây thất vọng.
Cách giải thích này thậm chí còn nghịch lý hơn cách đầu tiên, nhưng logic tương đối rõ ràng: Các chính phủ thường cố gắng trốn tránh nhiệm vụ khó khăn là cải thiện mức độ hiệu quả của nền kinh tế thông qua cải cách mảng cung và phụ thuộc vào các giải pháp mảng cầu. Vì thế, khi họ đối mặt với một nền kinh tế chậm lại do lý do cấu trúc, nhiều quốc gia phản ứng bằng cách giảm lãi suất và kích thích tín dụng.
Nhưng tín dụng rẻ khuyến khích những khoản đầu tư xấu và nợ quá mức, những khoản này thường những người vay nợ không thể trả. Về cơ bản, đầu tư là một ván cược không thể có thưởng nếu tăng trưởng bị đình trệ do yếu tố cấu trúc. Những biện pháp khuyến khích tăng trưởng nhân tạo sẽ thất bại.
Thêm vào đó, BIS tuyên bố rằng tín dụng thậm chí còn làm những khiếm khuyết về mặt cấu trúc trở nên tồi tệ thêm. Bong bóng nhà đất và những khoản đầu tư cho các dự án mơ hồ khiến hao phí tài nguyên và phân phối vốn sai lầm, dẫn đến mức tăng trưởng tiềm năng giảm xuống. Ví dụ điển hình nhất có thể là Tây Ban Nha trong thập niên 2000, khi sinh viên nghỉ học đại học trước khi tốt nghiệp để tham gia vào cơn sốt thị trường bất động sản điên rồ vào thời điểm đó. Vừa gom góp những khối bê tông vô dụng, vùa bị mất nguồn vốn con người, đất nước này bị thua thiệt đến hai lần.
Ở đây cũng vậy, logic chỉ ra một vòng xoáy tệ hại: Tăng trưởng chậm dẫn đến những giải pháp nhân tạo và làm xói mòn tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
BIS ủng hộ việc hạn chế tài khóa, tái cấu trúc nợ nếu cần, và bình thường hóa một cách nhanh chóng chính sách tiền tệ – chỉ trích một cách rõ ràng sự cẩn trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và lập trường quyết liệt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Cả hai lý thuyết đều có tính nhất quán nội tại. Nhưng cả hai lý thuyết chỉ giải thích được một số  sự kiện.
Thuyết Trì trệ Trường kỳ giải thích hiệu quả những sai lầm của vùng Eurozone sau khi xảy ra suy thoái toàn cầu, khi các nhà nước tìm cách giảm nợ trong khi các công ty và hộ gia đình không muốn chi tiêu, và ECB giữ chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt. Những giải thích của BIS nghe có vẻ như một bản tóm tắt những khó khăn của Trung Quốc, nơi mà mức tăng trưởng đã giảm từ 10% xuống 7% và thậm chí còn thấp hơn nữa, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục thúc đẩy đầu tư lên mức gần một nửa GDP và khuyến khích đủ thứ dự án sinh lãi thấp.
Thế thì lý thuyết nào thích hợp với những sự kiện ở mức toàn cầu hơn? Tới bây giờ thì sẽ là không phù hợp nếu cho rằng các nền kinh tế phát triển đã kích cầu quá mức. Mức thất nghiệp cao triền miên và lạm phát tổng thể gần bằng 0% không cho thấy họ đã sai lầm khi chi tiêu quá mức. Đúng là coi nhẹ rủi ro tài chính vẫn còn là một nguy cơ, nhưng các công cụ điều tiết đã được thêm vào thùng dụng cụ chính sách. Vì thế lời kêu gọi của BIS về việc bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách toàn diện khắp mọi nơi hẵng còn quá sớm (nhưng điều này không có nghĩa là có thể trì hoãn cải cách).
Nhưng tại các nước đang trỗi dậy, việc các kỳ vọng tăng trưởng và tiềm năng thực không khớp nhau thường trở thành một vấn đề trầm trọng mà kích cầu cũng như tăng nợ không ngừng không thể khắc phục được. Thay vào đó, các chính phủ nên ngừng thổi phồng viễn cảnh tăng trưởng để làm nền cho tính chính danh chính trị của họ.
J.P-F/NCQT
---------/
** Jean Pisani-Ferry là giáo sư ở Trường Quản trị Hertie ở Berlin, và hiện tại đang là Tổng Cao ủy về Hoạch định Chính sách của chính phủ Pháp. Ông từng là giám đốc của Bruegel, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Brussels.
(Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp)
------------

2 nhận xét:

  1. Đừng có tăng trưởng kiểu đồ mã. Mà hãy nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
    Điều này chỉ đạt được bởi 1 xã hội tử tế.

    Trả lờiXóa
  2. Dài và cao siêu hỉ?
    Bác cả chú hai cậu ba anh tư thím năm cô sáu nhà cháu đang lo giữ ghế, moi tiền lũ ông chủ để nuôi bộ máy bù cả đầu đếu ngợi được cái gì, ếu có time đọc đâu

    Trả lờiXóa