Công trình Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Khởi tố Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Vĩnh Long
Đường dây tham ô tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đang bị bóc gỡ. Lần lượt các đối tượng Bùi Hữu Trí (chuyên viên phụ trách xây dựng cơ bản) và Trần Lê Đông (Kế toán trưởng) bị bắt giữ, mới đây đến lượt Giám đốc Sở này là ông Nguyễn Tố Tranh cũng bị khởi tố bị can, nhưng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Từ đình chỉ chức vụ đến khởi tố bị can
Ngày 13-11, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long Phạm Văn Hưởng xác nhận: Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Vĩnh Long vừa gửi thông báo khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Tố Tranh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long với hai tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng do có liên quan đến vụ án tham ô tại Sở này.
Trước đó, ngày 1-10-2012, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với ông Nguyễn Tố Tranh và tất cả các chức vụ khác của ông này để phục vụ công tác điều tra.
Trước khi bị đình chỉ, ông Tranh còn giữ chức Phó Ban thường trực tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh Vĩnh Long.
Cũng liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Hữu Trí (SN 1979) về tội nhận hối lộ; Phạm Tiến Ngọ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Thành Tiến (trụ sở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) về tội đưa hối lộ và Trần Lê Đông tội tham ô tài sản.
Tại cơ quan CSĐT, Bùi Hữu Trí khai đã nhận hối lộ hơn 1,5 tỷ đồng từ Phạm Tiến Ngọ chung chi 10% gói thầu công trình xây dựng tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) giá trị đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Bùi Hữu Trí chỉ mới trở thành công chức công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long khoảng bốn năm nhưng lại là một “đại gia” trẻ nhất Sở này. Không chỉ người dân sinh sống lân cận khu vực nhà Trí mà cả các cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long cũng hết sức bất ngờ khi công chức trẻ này phất lên giàu có như “diều gặp gió”. Hằng ngày, Trí đến cơ quan làm việc bằng ô-tô hiệu Forutner mới coóng; tậu cùng lúc hai căn nhà hoành tráng tại khu phố Hoa Lan, phường 8, TP Vĩnh Long cùng rất nhiều sổ tiết kiệm tiền, vàng gửi tại các ngân hàng. Đến khi cơ quan CSĐT bất ngờ ập vào nơi làm việc, đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt đối với Bùi Hữu Trí thì mọi sự mới vỡ lẽ.
Lộ diện đường dây “chạy” dự án
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT phát hiện một đường dây “chạy” dự án hết sức tinh vi tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long. Ngoài công trình Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cơ quan CSĐT còn làm rõ các tiêu cực chung chi, “lại quả” tại nhiều dự án khác do Sở này làm chủ đầu tư.
Tại cơ quan CSĐT, bị can Phạm Tiến Ngọ khai nhận, được Bùi Hữu Trí “lèo lái” vô cùng khéo léo nên đã được chỉ định thầu và trúng thầu nhiều gói thầu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình văn hóa do Sở làm chủ đầu tư. Mỗi khi có gói thầu xây dựng mới, Bùi Hữu Trí đều “bắn tin” cho Phạm Tiến Ngọ và chỉ rõ đường đi, nước bước. Tuy nhiên, điều kiện do Trí chủ động đưa ra là Ngọ phải “lại quả” 10% giá trị gói thầu. Sau khi các “điều khoản” được thỏa thuận, Phạm Tiến Ngọ được Bùi Hữu Trí tạo điều kiện tối đa để trúng thầu.
Suốt thời gian dài, hầu như tất cả các dự án thuộc các công trình văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long làm chủ đầu tư thì chỉ có doanh nghiệp tư Thành Tiến của Ngọ “một mình một chợ”, không công ty nào khác chen chân vào được.
Để đối phó với cơ quan chức năng, Bùi Hữu Trí đã “phù phép” bằng cách “mượn” danh nghĩa của nhiều công ty xây dựng khác để tham gia hồ sơ đấu thầu. Nhưng thực tế đều do doanh nghiệp tư nhân Thành Tiến “bao sân”.
Ngày 16-1-2012, ông Nguyễn Tố Tranh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, ký hợp đồng số 07/2011/HĐ-XD (chỉ định thầu) với ông Phạm Tiến Ngọ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thành Tiến, thi công gói thầu số 1: san lấp mặt bằng, chánh điện, nhà quản lý, bệ thờ thần Nông, thờ ngũ hành... thuộc dự án công trình di tích đình Trung Hòa (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) với giá trị hợp đồng hơn 3,2 tỷ. Sau khi nhận được 1,6 tỷ đồng từ 50% giá trị công trình, Phạm Tiến Ngọ đã chi ngay cho Bùi Hữu Trí 300 triệu đồng.
Tại công trình Đài tưởng niệm Nam kỳ khởi nghĩa thuộc huyện Vũng Liêm, chỉ gói thầu 2B thực hiện kết cấu móng, bệ đài, tường chắn đất, san lấp cát... đã lên đến khoảng 16 tỷ đồng cũng được Bùi Hữu Trí “lo” hết cho Phạm Tiến Ngọ. Trí hướng dẫn ông Ngọ mượn pháp nhân công ty khác tham dự bởi doanh nghiệp tư nhân Thành Tiến không đủ năng lực nên đã liên doanh với Công ty TNHH Hoàng Thắng. Để hợp thức hóa phiên đấu thầu ảo, ông này mượn thêm pháp nhân Công ty cổ phần xây dựng - sản xuất - thương mại Lê Gia Hưng và Công ty TNHH một thành viên quản lý - sửa chữa cầu đường 715 để tham gia.
Ngày 29-9-2011, ba công ty cùng dự đấu thầu, nhưng thực tế chỉ có mỗi “liên doanh” của Phạm Tiến Ngọ và hiển nhiên trúng thầu. Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại sở, cơ quan CSĐT phát hiện, chỉ trong một ngày 1-11-2011, ông Nguyễn Tố Tranh ký kết hai hợp đồng với ông Phạm Tiến Ngọ sửa chữa, cải tạo hai công trình: di tích Công Thần Miếu và Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn giá trị hơn 650 triệu đồng. Ngoài 10% “lại quả”, ông Ngọ tiếp tục “lót tay” cho Bùi Hữu Trí 20 triệu đồng để lo việc nghiệm thu hai công trình trên được… thuận lợi.
Theo điều tra ban đầu, còn nhiều công trình trọng điểm khác cũng “dính” tiêu cực đưa và nhận hối lộ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long như: Công viên tượng đài chiến thắng Mậu Thân, Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (phường 4, TP Vĩnh Long), Công viên tượng đài Tiểu đoàn 857… Ngoài ra, Bùi Hữu Trí và Trần Lê Đông khai: còn lập khống hồ sơ để chiếm đoạt 239 triệu đồng, sau đó “chia” cho ông Tranh 80 triệu đồng. Hai bị can trên khai, tất cả mọi việc từ chỉ định thầu, phù phép hồ sơ đấu thầu đều thông qua Giám đốc Sở là ông Nguyễn Tố Tranh và mỗi lần nhận hối lộ đều “ăn chia” đều đặn theo tỉ lệ với giám đốc.
Còn phía doanh nghiệp đưa hối lộ khai rằng, để có tiền “lại quả” cho cán bộ và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, họ phải cắt xén, xà xẻo công trình để “bù trừ” lại phần “kinh phí” đã chung chi.
Hiện, vụ án tham ô này đang được cơ quan CSĐT công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục mở rộng điều tra.
Bùi Quốc Dũng
> Ông Sáu Dân của lòng dân:
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/nld.com.vn/Ong-Sau-Dan-cua-long-dan/6432374.epi
> Ông Sáu Dân của lòng dân:
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/nld.com.vn/Ong-Sau-Dan-cua-long-dan/6432374.epi
> Ông Sáu Dân-Con người nặng lòng với dân, với nước:
http://www.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?tabid=36&categoryid=41&itemid=14816
Khi người ta đã tham tiền thì cạn suy, mờ mắt, giả điếc, không cần biết đến ai, không cần xem đụng đến ai, kể cả linh thiêng linh ứng cũng vứt hết, miễn là nhét túi được nhiều tiền...
Trả lờiXóaKhông rõ việc xây dựng tượng đài bà mẹ VN anh hùng, ủng hộ Trường sa và rất nhiều công trình khác thì sao nhẩy?
Trả lờiXóaBọn này táng tận lương tâm quá. Chúng xúc phạm bao nhiêu con người tôn kính hương hồn vị Thủ tướng tài hoa, đức độ, vì dân. Tôi hình dung rằng, cùng ở Vĩnh Long cả, lúc Cụ còn sống nếu được gặp chắc chắn chúng xun xoe, nịnh bợ Cụ lắm đấy. Chúng không còn xứng đồng hương của Cụ, chứ chưa nói gì đến tư cách Đảng viên với cán bộ. Nghĩ thương Cụ Kiệt vô cùng. Lại cũng thương Cụ Giáp phải buồn lòng vì mấy đứa vấy bẩn tượng đài Điện Biên Phủ thiêng liêng.
Trả lờiXóaNgười sống chúng còn không care huống chi người chết. Những công trình cho người chết bị bớt xén thì thiệt hại cũng không lớn lắm còn những công trình cho người sống bị bớt xén thì hậu quả không thể lường hết được. Để trúng được đấu thầu, công ty phải chung cho cán bộ xét thầu một mớ tiền rất lớn. Để có lời bù vào số tiền thất thoát thì bắt buột phải rút ruột công trình. Hầu hết công trình nào cũng xuống cấp một cách nhanh chóng. Có cái sụp vì một va chạm nhẹ trong lúc đang trong giai đoạn hoàn thành. Kinh khủng thiệt chú bồng ạ.
Trả lờiXóa