Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Gia đình và tổng thống Mỹ

* Trần Hồng Phong
 Gia đình cựu tổng thống Mỹ Kennerdy (ảnh internet)
Tự bao giờ, tôi ngày càng cảm phục, thấy gần gũi thân yêu hơn với nước Mỹ. Dù hai đất nước cách xa nửa vòng trái đất, bên đó đang ngày thì bên này là đêm. Đó là một tình cảm tự nhiên, như đàn ông yêu đàn bà, con bướm yêu nụ hoa. Hoàn toàn không phải bị ai "nhồi sọ" hay "dụ dỗ" phải yêu, hay phải ghét! Ở Mỹ, người ta được quyền nói yêu hay ghét một chính trị gia, theo quan điểm hay cảm xúc của chính mình! Cái quyền tưởng chừng "nhỏ mọn" ấy lại không/chưa bao giờ thực sự có - ở những nước cộng sản như Triều Tiên hay Trung Quốc.
Tôi biết về nước Mỹ từ lâu lắm. Đầu tiên có lẽ là từ những bài học thầy cô giảng trên lớp, về những cuộc biểu tình của người dân Mỹ phản đối chiến tranh ở VN. Những tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Nhưng rồi về sau và chủ yếu, là qua sự tự tìm hiểu, qua những tác phẩm văn học, điện ảnh, những nhà văn, nghệ sỹ mà tôi được đọc, được xem - chứ không phải là các chính trị gia của đất nước này.
Là người say mê sách, tôi đã đọc Tình yêu cuộc sống, Nanh trắng của Jack London cùng nhiều tác phẩm của ông từ đầu những năm học cấp 2. Đó cũng là quãng thời gian tôi đọc những Cuốn theo chiều gió, Hàm cá mập, hay Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, .... Lên cấp 3 và cho đến tận bây giờ, tôi say mê và ngưỡng mộ các tiểu thuyết của Ernest Hemingway, với những câu thoại rất tinh tế và đặc biệt thay cho mô tả, như Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả ... Nhưng không hiểu sao, tôi rất thích một tác phẩm có vẻ ít tên tuổi và ít người biết: Sống trong bóng tối - nói về những ngày tháng khó khăn và lãng mạn của một cặp đôi trẻ nghèo khó, chập chững bước vào đời, cố gắng trụ lại ở một thành phố lớn trong giai đoạn nước Mỹ đang chuyển mình công nghiệp hóa.
Để hiểu về một đất nước, và con người, văn hoá, lịch sử ... xứ ấy - có lẽ không gì tốt hơn là đọc các tác phẩm văn học. Quý vị đã từng đọc những cuốn sách ấy chưa? Nếu chưa thì nên đọc. Thật đấy.
Nói về phim Mỹ và các diễn viên điện ảnh, thì tôi mê lắm. Kể từ những bộ phim mà người ta dùng từ "bom tấn" đầu tiên cách nay cả chục năm như: Mặt nạ Zorro, Kingkong, cho đến Avatar, hay gần đây như Star Wars 7, Công viên kỷ Jura 4 ... - cả nhà tôi đều ra rạp mua vé thưởng lãm (có lẽ tôi thuộc nhóm khán giả "già" nhất trong rạp!). Nhưng thực ra hiện nay mọi người đều dễ dàng xem phim Mỹ trên các kênh Cinemax hay Starmovie, HBO mỗi ngày.
Thật thú vị khi hầu như không có bộ phim Mỹ nào kết thúc mà không có một nụ hôn, một cuộc hẹn hò giữa những người yêu nhau. Một chiến thắng thuộc về lẽ phải, một kết thúc có hậu, nhân ái. Và luôn đề cao vai trò cá nhân! Đề cao tất cả mọi cá nhân, chứ không phải chỉ đề cao và chỉ đề cao một người, biến cá nhân thành thần thánh. lãnh tụ khác người thường. Phim Mỹ còn có nét dí dỏm dễ thương là luôn chế dễu, châm biếm, thậm chí "bôi bác" giới cảnh sát, luật sư - cười cợt nhóm này như là những kẻ hám thành tích, giành công, hay quỷ quyệt, thực dụng! Hê hê.
Và chúng ta sẽ nhận thấy rằng, người Mỹ thật sự nhân ái, luôn yêu và tôn trọng thiên nhiên, luôn quan niệm cần bảo vệ người yếu thế: trẻ em, phụ nữ. Đặc biệt văn hoá Mỹ và cả nền chính trị xã hội luôn đề cao giá trị của GIA ĐÌNH. Tự bao giờ, gia đình, giá trị gia đình đi vào đời sống chính trị tại Mỹ như một tất yếu, không tách rời.

Gia đình tổng thống Obama trong chuyến thăm điện Kremlin (Nga) năm 2009

Trong thế giới chính trị, chúng ta luôn thấy không chỉ một mình vị tổng thống, mà cả gia đình ông trong những thời khắc quan trọng nhất, hay khó khăn nhất - của chính tổng thống và cũng là của cả nước Mỹ. Bên cạnh vị tổng thống bao giờ cũng phải là gia đình, chứ không phải là đảng phái của ông. (Trong công việc, thì là các thành viên nội các - do ông lựa chọn).
Gia đình luôn sát cánh trong các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống. Dù người thân của tổng thống/ứng cử viên tổng thống đã lớn tuổi bạc tóc, hay chỉ là một cô bé, cậu bé chưa biết gì và cũng không có quyền gì về chính trị, về bầu cử. Có thể nói không quá, gia đình là biểu tượng của văn hoá và chính trị của nước Mỹ.
Hãy thử nhìn vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây. Đó là hình ảnh gia đình tổng thống Obama với hai cô con gái dễ thương, gia đình ông Donal Trump với nhiều thế hệ, hay gia đình bà Hillary Clinton với một người con gái duy nhất ...

Gia đình Clinton trong giây phút "thua cuộc". Ông Clinton và con gái (thứ 2 và 3 từ phải sang). Một cận cảnh trên truyền hình cho thấy ông Clinton đã rơi nước mắt vì thương, cảm phục vợ mình!

Trong cuộc bầu cử vừa kết thúc cách nay hai ngày, nhiều người hẳn không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh trong giây phút bà Clinton tuyên bố thua cuộc, chúc ông Trump "trở thành một tổng thống tốt của chúng ta" (ngày 10/11/2016), ông Clinton (chồng bà, cũng từng là một tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ) và con gái duy nhất của hai người đứng ngay sát bên cạnh, luôn vỗ tay thể hiện sự sát cánh cùng bà.
Cả gia đình Clinton đều cười trong giây phút "thất bại" ấy, song người ta có thể thấy rõ ông Clinton miệng cười mà nước mắt đã rơi. (Có ống kính của một nhà báo đã ghi lại khoảnh khắc ấy cho thấy ông Clinton đã nói cho chính mình "that my girl" (đó là cô gái của tôi). Đó là những giọt nước mắt bản năng, tự nhiên, thể hiện tình cảm của ông dành cho người thân yêu nhất. Vì vậy mà nó trong sáng và cao thượng. Hoàn toàn không có dấu vết của sự cay cú, bất mãn vì thất bại, hay ủy mị yếu đuối.
Người ta hẳn cũng không thể không mỉm cười, khi nhớ đến hình ảnh đại gia đình của ông Trump, thú vị về hình ảnh cậu con trai út của ông (mới 10 tuổi), đang đứng bên cạnh những người lớn, đã cố gắng "không ngã gục", hết ngáp dài rồi lại dụi mắt - vì quá buồn ngủ vào lúc 3 giờ sáng, trong lúc ông Trump hào hùng tuyên bố thắng cuộc. Vui, mà đời thật.


Đại gia đình tổng thống vừa đắc cử Donal Trump.  Trong một clip trên mạng xã hội, người ta không khỏi tức cười khi thấy cậu con trai 10 tuổi của ông Trump (người ông đang đặt hai tay lên vai) hết ngáp lại dụi mắt vì quá buồn ngủ trong giây phút trọng đại nhất cuộc đời của cha mình
Tôi yêu nước Mỹ có lẽ vì từ những điều đơn giản ấy. Là tổng thống, nhưng người ta chọn gia đình, công việc và phụng sự tổ quốc như một nghĩa vụ công dân. Chứ không phải và không có khái niệm "lý tưởng cách mạng", bắt ép người khác phải theo cái lý tưởng của mình.
Thử hỏi có khi nào chúng ta thấy hình ảnh lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông của Trung Quốc sánh vai cùng phu nhân của mình trong một sự kiện quan trọng? (Sự thật thì ông Mao có nhiều vợ,  và bà vợ bé cuối cùng là Giang Thanh xíu nữa thì bị các "đồng chí" của mình tử hình chỉ chưa đầy một năm sau khi ông Mao qua đời - vì những màn đấu tố nội bộ trong đảng).
Thử hỏi có khi nào người ta thấy ông Putin, tổng thống Nga sánh vai cùng vợ con trong một sự kiện chính trị, dù ông này đã chễm chệ "ngai vàng" suốt gần 20 chục năm qua? (Sự thật là ông Putin đã bị vợ bỏ vì bà không chịu nổi thói nghiện quyền lực, đến quên cả gia đình, người thân của ông Putin).
Cuối cùng, chúng ta nên nhớ chính vì tôn trọng giá trị gia đình, mà nước Mỹ cho phép vợ chồng, anh em, cha mẹ bảo lãnh nhau được nhập cư, định cư vào nước Mỹ dưới hình thức "đoàn tụ gia đình". Hiện có hàng triệu người Việt Nam đã được chính quyền Mỹ cho phép định cư tại Mỹ, và trong suốt khoảng 20 năm qua, mỗi năm đã gửi khoảng 10 tỷ đô la về Việt Nam, giúp đỡ người thân. Liệu có mấy quốc gia nào làm được như vậy?
Tôi không bênh vực cho một nước Mỹ chưa bao giờ hoàn thiện, với những mặt trái của nó. Nhưng bất luận thế nào, thì nước Mỹ rõ ràng đã và đang là một siêu cường có tầm ảnh hưởng quan trọng đến toàn thế giới. Có quá nhiều điều để chúng ta, các chính phủ khác cần phải học hỏi - trong văn hóa, chính trị, và tất nhiên trong cả kinh tế, khoa học kỹ thuật ...nữa.
(Bình luận án)
-----------------

6 nhận xét:

  1. Bài viết tự sự của tác giả rất thuyết phục . Chắc chắn nhiều người đồng cảm nhận về nước Mỹ, người Mỹ và các TT Mỹ như tác giả. Người Dân VN đã có 3 lần hân hạnh đón tiếp TT Mỹ đến thăm . TT Bin Clinton và Barac Obama đã để lại dấu ấn sâu đậm , gần gũi thân thiện đối với mỗi người dân VN, đặc biệt thành phố HN và TP HCM. Nước Mỹ chưa hẳn hoàn thiện đó là thực tế . Song đất nước Mỹ, XH Mỹ, con người Mỹ và các giá trị Mỹ là đích muốn đến của hơn 90 triệu người dân VN. Trừ quan chức cao cấp tham quyền, cố vị và tham nhũng của đảng và nhà nước VN.

    Trả lờiXóa
  2. Ai là bạn,đồng minh của nước Mỹ?
    Anh,Pháp,Đức,Nhật,Hàn,Đài,Úc,Đan Mạch,Hà Lan...đó đều là những đất nước văn minh,thịnh vượng hàng đầu thế giới.
    Ai coi Mỹ là kẻ thù,đối thủ?
    Phát xít,Hồi giáo cực đoan,cộng sản,độc tài...
    Đó đều là những cặn bã của loài người.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bài viết của tác giả.Với thực tế đó nên thế giới này có Giấc mơ Mỹ thay vì giấc mơ Nga hay Tàu dù bị cs nhồi sọ Trăng LX tròn hơn trăng nước Mỹ.

    Trả lờiXóa
  4. Bản chất của tất cả các chế độ độc tài là coi con người là phương tiện vì thế gia đình chẳng có mấy giá trị trong hệ thống đó ngoài chức năng tiếp tục sản sinh ra phương tiện. Hơn nữa, trong hệ thống đó quyền lực không được kiểm soát nên gia định vợ con của những kẻ có chức có quyền thương có xu hướng lạm dụng quyền lực đãn đến những bê bối thối nát phải che đậy.

    Trả lờiXóa
  5. Bạn nói thật chí lý! Tôi cũng yêu nước Mỹ vì những điều như bạn đã nêu lên trong bài viết này!

    Trả lờiXóa