Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Độc quyền chân lý kiểu mới

Gần đây áp lực từ các tiếng nói trên mạng xã hội nghe chừng cũng có tác dụng như báo chí, thậm chí còn nhanh hơn, trăm tai nghìn mắt hơn. Thế nhưng nếu như báo chí có báo nghiêm túc, có báo lá cải thì trên mạng xã hội tính lá cải, võ đoán, thiếu kiểm chứng, ưa giật gân, ưa tạo tranh cãi đang là xu hướng chính…
Trong diễn văn nhậm chức trình bày trước Quốc hội vào năm 2002, Thủ tướng vừa được bổ nhiệm và phê chuẩn lúc đó, ông Phan Văn Khải, đã nhấn mạnh vào cụm từ “độc quyền chân lý” khi nói về dân chủ hóa quá trình phát triển xã hội.
Sau đó vào năm 2003, ông nhắc lại khái niệm này tại Hội đồng lý luận trung ương khi nói đến việc tôn trọng những ý kiến khác biệt, tranh luận bình đẳng, tránh tình trạng “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện”.
Đó là nói về cách tiếp cận trong tranh luận, trong thuyết phục, trong bảo vệ cho quan điểm của từng người – nhờ đó ý kiến khác biệt được lắng nghe. Dĩ nhiên trong mối quan hệ hành chính, chắc chắn không bao giờ được xảy ra tình trạng độc quyền chân lý, hiểu theo nghĩa sếp luôn nói đúng. Trong mối quan hệ này, mọi việc phải dựa vào luật lệ, quy chế, quy định – không ai được quyền dựa vào ý kiến cá nhân để áp đặt lên người khác, bất chấp luật pháp.
Đáng tiếc là hơn 10 năm sau, tình trạng độc quyền chân lý không những không giảm trong tranh luận mà còn biến thành một dạng khác rất mới: độc quyền chân lý đôi lúc là sự bao biện, coi thường sự đóng góp của người khác, rằng chỉ có người nói là đúng hay biết được hướng giải quyết đúng đắn; mọi góc nhìn khác là dư thừa, làm phân tâm, làm rối thêm sự việc.
Trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là đi lên từ một mô hình khác (mô hình kế hoạch hóa tập trung) chuyển sang mô hình kinh tế thị trường, chắc chắn có lúc người điều hành đưa ra quyết định sai hay không phù hợp tại thời điểm đó. Không ai tài giỏi đến mức không bao giờ sai sót. Vấn đề là biết nhận ra cái sai của mình và sửa sai kịp thời – đó mới là điểm mấu chốt làm nên sự thành công của mọi quá trình hoạch định chính sách. Còn cứ khư khư độc quyền chân lý thì sự bế tắc sẽ là kết quả đương nhiên.
Hiện nay cái khắc tinh của quán tính độc quyền chân lý là báo chí – khi làm đúng chức năng phản ánh mọi khía cạnh của dư luận xã hội – báo chí sẽ trở thành một diễn đàn không có chỗ cho độc quyền chân lý hoành hành. Đáng tiếc đôi lúc báo chí cũng rơi vào chỗ chính báo chí cũng độc quyền chân lý luôn.
Gần đây, áp lực từ các tiếng nói trên mạng xã hội nghe chừng cũng có tác dụng như báo chí, thậm chí còn nhanh hơn, trăm tai nghìn mắt hơn. Thế nhưng nếu như báo chí có báo nghiêm túc, có báo lá cải thì trên mạng xã hội tính lá cải, võ đoán, thiếu kiểm chứng, ưa giật gân, ưa tạo tranh cãi đang là xu hướng chính, những tiếng nói tỉnh táo, phân tích chừng mực rất hiếm, bị chìm lấp trong một môi trường ngập tiếng ồn, tiếng cãi vã… Từ đó, mạng xã hội cũng hình thành những nhóm “độc quyền chân lý” riêng cho nhóm họ, cũng cực đoan chẳng kém gì. Tính năng sinh hoạt theo nhóm cùng quan điểm, cùng cách nhìn càng củng cố xu hướng độc quyền chân lý trên các diễn đàn mạng mà lẽ ra phải là nơi chia sẻ, tranh luận các quan điểm khác nhau.
Ở các nước, mạng xã hội cũng ồn ào, cũng đầy các câu chuyện thêu dệt nhưng nó được cân bằng lại bởi một nền báo chí mạnh. Mạng xã hội chỉ khơi mào một sự quan tâm nào đó và sau đó người ta sẽ quay sang báo chí chính thống để được đọc thông tin có kiểm chứng, được thu thập bởi những người có tay nghề, bởi một bộ máy chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra. Sự tương tác này càng làm cho cả hai bên mạnh lên, đóng đúng vai trò giám sát mà giới tinh hoa ở những nước này kỳ vọng cũng nhằm tự giúp họ luôn hoàn thiện, nhờ đó không ai có thể độc quyền dòng chảy thông tin được.
*  *  *
Quay trở lại Việt Nam, mạng xã hội đang có một tác động rất lớn đến ứng xử của mọi người, kể cả phản ứng của chính quyền trong nhiều trường hợp. Cái đáng tiếc là chúng ta đang thiếu vắng vai trò cân bằng trở lại của một nền báo chí mạnh để sàng lọc, kiểm chứng, xác minh, điều tra các thông tin đang hình thành các dòng chảy trên mạng xã hội.
Những dòng chảy trên mạng xã hội đôi lúc hội tụ lại làm thành một tâm lý đám đông với đầy đủ đặc tính của đám đông truyền thống. Tâm lý này nếu không được cân đối bằng sự phân tích bình tĩnh của báo chí truyền thống, sẽ có thể dẫn tới những phản ứng làm xã hội bất ổn.
Lấy ví dụ sự cố môi trường ở vùng biển miền Trung, cho đến nay câu hỏi rất chính đáng của người dân là biển đã sạch chưa, cá có an toàn để tiêu thụ chưa – vẫn chưa có câu trả lời. Cuộc họp báo công bố thủ phạm gây cá chết vào ngày 30/6 vẫn chưa giải đáp thỏa đáng các độc chất gây chết cá, kể cả san hô dưới đáy biển có còn đó hay đã tiêu hủy, ngư dân giờ đã có thể ra khơi đánh bắt được chưa, bao giờ bắt tay làm sạch biển và mất bao lâu thì khắc phục hoàn toàn hậu quả…
Một khi báo chí chính thống để trống trận địa cung cấp câu trả lời thì đương nhiên mạng xã hội sẽ tràn ngập các loại đồn đoán, thật giả khó lường.
Nhìn lại khái niệm độc quyền chân lý ở phần đầu, rõ ràng một sự vào cuộc của báo chí sẽ góp phần khắc phục những điểm yếu của bộ máy bởi bộ máy không yếu thì đã không để xảy ra sự cố cá chết như thế; báo chí cũng sẽ thay mặt nhà nước hay cùng nhà nước rà soát lại các dự án khác có tiềm năng gây ô nhiễm như Formosa; báo chí cũng sẽ giúp tìm giải pháp khắc phục các lỗ hổng trong phân cấp cấp phép để tránh tình trạng địa phương xé rào ưu đãi tràn lan cho nhà đầu tư và sau đó gánh hậu quả.
Nếu cứ khăng khăng độc quyền chân lý – chắc chắn dòng chảy thông tin sẽ không kiểm soát được mà bản thân bộ máy không bị giám sát sẽ vận hành ngày càng yếu đi, chỉ đối phó với từng vụ việc chứ không phục vụ cho một tầm nhìn lâu dài hay một chiến lược dài hạn.
Nguyễn Vạn Phú(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
-----------

6 nhận xét:

  1. Hoặc là tác giả quá hồn nhiên hoặc là tác giả ở trên trời rớt xuống nên mới cho rằng "sự vào cuộc của báo chí sẽ góp phần khắc phục..."
    Ở trên đất nước này,có tờ báo nào dám viết theo ý mình mà không nhìn mặt gã tuyên giáo?
    Có ông tổng biên tập nào dám không "thấm nhuần"?
    Tác giả thử viết một bài nói về việc hầu như toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam phải chịu phụ thuộc vào Trung Quốc xem ông tbt báo Thời báo kinh tế Sài Gòn của tác giả có dám đăng không?
    Mọi sự phân tích về báo chí của tác giả chỉ phù hợp với một nền báo chí tự do thật sự.Còn một khi đãng vẫn đang cầm cây gậy tuyên giáo trong tay thì mọi sự phân tích đều vô nghĩa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với Lệ Thủy.
      Phân tích kiểu đánh đồng ngôn luận giữa chế độ độc tài và
      dân chủ là qúa thiếu sót và qúa thiên lệch.
      Dựa vào những phân tích trên đây,tác giả đang rơi vào kiểu
      lý luận cho báo chí "chính thống" là đúng đắn,là sự thật,do
      đó cần phải cố gắng đưa ra những thông tin đó để đè bẹp dư
      luận trên Internet ! Thật là bé cái lầm hay tác giả cố tình
      bác bỏ thông tin không chính thống là vất đi,không đáng tin
      cậy cho bằng thông tin "chính thông" của đảng CS.
      Một kiểu biện hộ độc quyền thông tin rất khéo léo nhưng lại
      lòi ra mặt nạ giả dối !

      Xóa
  2. Đừng nghe cộng sản nói, hãy xem cộng sản làm
    Đó là chân lý

    Trả lờiXóa
  3. TTg VC Phan Văn Khải có lẽ là người ít mang tai tiếng về tham nhũng nhất torng các đời TTg VC gần đây. (Quý vị có lẽ nhầm lẫn khi ca ngợi TTg VVK. Ông này "làm kinh tế tư nhân" rất giỏi)
    Trong thời gian Phan Văn Khải tại chức TTg, vấn để nổi bật nhất là Vụ PMU 18, là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình bị cách chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam. TTg VC Nguyễn Tấn Dũng tại lễ nhậm chức phát biểu: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay!(?)" là cũng liên quan tới vụ việc này.
    Ông Khải khi từ chức cũng xin lỗi nhân dân vì đã để tình trạng tham nhũng nghiêm trọng diễn ra.
    Còn Nguyễn Tấn Dũng khi bị đá đít thì phun ra 1 câu ngang phè phè, lởm khởm, cay cú:
    - Chúng mầy ỡ lại ráng mần tữ tế nghe!
    Cứ như 1 thằng xã hội đen dạy đời!

    Trả lờiXóa
  4. Tác giả bài viết có cái nhìn tương đối khách quan.Mảng dư luận xã hôi chỉ cần gợi mở một vấn đề nào đó còn bị che dấu,bưng bit,thì báo chí chính thống phải được vào cuôc để cung cấp thông tin đã được kiểm chứng cho xã hôi ngay lập tưc,nhưng ở ta chưa làm đươc điều đó mà vẫn độc quyền thông tin.Trở lại bài viết,vì độc quyền về chân lí cho nên trong tư duy của một nhiệm kỳ,kể cả trong Đảng không có đấu tranh hoăc không giám đấu tranh cho "chân lý" dù chân lý đó là của Đảng hay trong chính quyên,nên khi hêt nhiệm kỳ hay khi hêt quyên mới giám lôi ra bao nhiêu chuyện động trời.Ở các nươc văn minh,có nền Dân chủ,tự do thật sự,mỗi kỳ chuyển giao quyền lưc nó nhẹ nhàng như đánh tay lái chuyển làn đường của chiếc xe hơi trên đường cao tốc,còn ở các nước gọi là CNXH như ở Trung Quôc hay ở xứ ta mỗi kỳ Đại hội xong,bầu cử xong cú như sau cơn bão,sau động đất vạy,đên nhiệm kỳ mới,mới băt đầu xét lại việc làm của nhiệm kỳ trươc,trước nữa như Tập Cận Bình mới lôi phe cánh Giang Trạch Dân ra mà thịt gọi là"Đả hổ"
    Ở xứ ta gân đây xem ra dư luận đang chú ý tới cựu bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đang đặt câu hỏi có con hổ nào to hơn nữa không?
    Độc quyền chân lý ở xứ ta là truyền thống.Nên tự ngay xưa đã có người viết:
    Bố nhớ bé nhiều lắm bé ơi!
    Bé mang dép ngươc bố la hoài
    Ở đây chân trái là chân phải
    Chân lý học hoài cũng thế thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết này đưa ra như là một hy vọng về một nền báo chí độc lập, lành mạnh của Việt Nam trong tương lai. Thực tại, báo chí VN chỉ là phương tiện có nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm và xuyên suốt là tuyên truyền chủ trương, đường lối của ĐCSVN và nhà nước VN. Báo chí VN dường như chỉ thực hiện chức năng minh họa có chọn lọc, thông qua ban tuyên giáo các cấp của ĐCSVN. Hiện nay 818 cơ quan báo chí Nhà nước, chỉ có tổng biên tập là Ban tuyên giáo TW. Với kết cấu hệ thống báo chí như vậy thì VN không thể có báo chí tự do theo đúng nghĩa mà chức năng phải có . Ví dụ : Chỉ với từ " máy bay tan xác" thay vì "máy bay rơi ' của 1 nhà báo trên Fb đã bị tước thẻ hành nghề, vì không đúng " chỉ đạo của trên". Hơn 100 năm trước Cụ Phan Chu Trinh đã từng lên án chế độ kiểm duyệt báo chí hà khắc của thực dân Pháp , nhưng cụ được "phục sinh" thì Cụ sẽ nói gì về báo chí VN hiện nay?!!

    Trả lờiXóa