Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Vượt lên trên lệ thuộc “Ý thức hệ” để vì NƯỚC, vì DÂN

 
* Ts. ĐOÀN XUÂN LỘC
Với cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhắc đến như là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên thăm Mỹ và được lãnh đạo nước này tiếp đón tại phòng Bầu Dục.
Nhưng điều dư luận chờ đợi là cuộc gặp lịch sử này có tạo nên một bước đột phá trong quan hệ Việt-Mỹ và đường lối đối ngoại của Việt Nam nói chung.
              >TBT thăm nhà tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson  
Cụ thể một trong những điều người dân quan tâm, chờ đợi là với chuyến đi Mỹ và cuộc tiếp xúc đặc biệt này, ông Trọng và giới lãnh đạo Việt Nam cuối cùng có biết gạt bỏ ý thức hệ (cộng sản, xã hội chủ nghĩa) và lấy lợi ích quốc gia làm tâm điểm cho chính sách ngoại giao của mình.
Đặt quyền lợi quốc gia lên trên
Trong một lá thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 09/08/1995, ông Võ Văn Kiệt viết: ‘khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực […] đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên thế giới’...
------------/
*=*  Hôm nay 07/07/ 2015, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội kiến tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Nghi lễ tiếp đón mang ý nghĩa biểu tượng và trọng thị, cho dù khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.
Theo thông cáo của phủ Tổng thống Mỹ, sáng nay, vào lúc 11 giờ 10 , tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.
Trước đó, thông cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Obama thảo luận với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng những phương thức thắt chặt quan hệ toàn diện với Việt Nam, 20 năm sau khi bình thường hóa bang giao với Hà Nội. Phía Hoa Kỳ xem đây là dịp để thảo luận các hồ sơ khác từ Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình dương TPP, nhân quyền tại Việt Nam và hợp tác an ninh quốc phòng.
Theo Washington Post, chính quyền Obama cho biết Hà Nội bày tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự với Hoa Kỳ và tổng thống Obama đã đáp ứng lại mong đợi này.
Sự kiện bất thường gây chú ý là ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp trong Phòng Bầu dục, một vinh dự hiếm khi dành cho khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.
Giới bảo vệ nhân quyền và nhiều dân biểu Mỹ chỉ trích tổng thống Mỹ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng một cách trọng thị, trong khi tại Việt Nam còn hơn 100 tù nhân chính trị.
Theo dân biểu Zoe Lofgren, bang California, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 3, bà đã trao cho ông Nguyễn Phú Trọng danh sách các tù nhân chính trị và đòi Hà Nội phải trả tự do cho những tù nhân này.

Tú Anh/(RFI)
-------------/
... Về quan hệ Việt-Trung, trong thư mật nhưng sau đó được tiết lộ ấy, cố Thủ tướng Việt Nam – người có công lớn trong việc giúp Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN – nhận định ‘tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa’ trong quan hệ giữa hai nước.
Có thể ông Kiệt đưa ra những nhận định, cảnh báo như vậy vì trong những năm cuối 1980 và đầu 1990, một số nhân vật chóp bu trong Đảng Cộng sản Việt Nam – như tập hồi ký của cựu Thứ trưởng Trần Quang Cơ, người mới qua đời hôm 25/06/2015 tiết lộ, đánh giá – vì muốn bằng mọi giá ‘bảo vệ CNXH chống đế quốc Mỹ’ đã ‘nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung’, gây nên những ‘sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại’ như Hội nghị Thành Đô.
Nhưng tiếng nói của ông Kiệt không được lắng nghe vì nhiều năm sau đó, dù chủ trương đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn ưu tiên mối bang giao với Trung Quốc trong khi đó nghi kỵ, dè dặt với Mỹ.
Xem ra giờ mọi chuyện đã khác. Nhiều diễn biến gần đây cho thấy Việt Nam và Mỹ trở nên thân thiện, gần gũi trong khi đó quan giữa Hà Nội và Bắc Kinh không mấy nồng ấm, thậm chí càng ngày càng trở nên căng thẳng.
Dù vẫn còn có bất đồng về một số vấn đề, như nhân quyền, có rất nhiều dấu hiệu, sự kiện – như chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ và được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại phòng Bầu Dục, dù ông không phải là nguyên thủ quốc gia hay nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ – cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện rất nhiều và hai bên cũng đang mong muốn nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.
Và có thể nói nguyên nhân chính khiến Hà Nội và Washington làm vậy là cả hai đều lo ngại về những động thái mạnh bạo, hung hăng ở Biển Đông của Trung Quốc gần đây.
Chính quyền Mỹ mời ông Trọng sang Mỹ lúc này và Tổng thống Obama phá lệ dành một sự tiếp đó như vậy cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam dù Washington hoàn toàn đối lập với Hà Nội về ý thức hệ vì giới lãnh đạo nước này muốn có thêm sự ủng hộ của các nước trong khu vực khi Trung Quốc đang có những hành động đe dọa đến quyền lợi, vị thế của Mỹ trong vùng.
Hà Nội tìm cách xích lại gần Washington cùng chỉ vì lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc và tham vọng của nước này tại Biển Đông.
Có thể nói ngoại trừ những thành phần quá bảo thủ, vẫn ôm mộng tưởng về một chủ nghĩa xã hội xa xôi, không thực nào đó giờ nhiều người trong giới lãnh đạo ở Hà Nội đã nhận ra rằng trong quan hệ với Việt Nam, ‘mặt bành trướng, bá quyền’ của Trung Quốc luôn lấn át ‘mặt xã hội chủ nghĩa’.
Cụ thể, với những động thái hung hăng của của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây, chắc họ hiểu chung ‘ý thức hệ cộng sản’, cùng ‘xã hội chủ nghĩa’ không thể ngăn Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, đe dọa chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Và chắc họ cũng thấy quốc gia đứng về phía Việt Nam, ủng hộ lập trường và ít nhiều lên tiếng bảo vệ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông trong thời gian qua không ai khác là Mỹ - một quốc gia không cùng ý thức hệ nhưng chung lập trường với Việt Nam về nhiều vấn đề khu vực trong đó có vấn đề Biển Đông.
Nói cách khác, phải chăng cuối cùng họ hiểu được – đúng như những gì mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định cách đây 20 năm – trong thế giới ngày hôm nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, chứ không phải một thứ chủ nghĩa, ý thức hệ nào đó, là lý do chính khiến các quốc gia xung đột hay hợp tác với nhau?
‘Tạo dấu ấn cho mình’
Bằng việc đến Mỹ lần này, có thể ông Trọng cũng đang có những thay đổi về tư duy, cách hành xử. Thay vì cứ mãi coi trọng chuyện bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giờ ông biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc, nhân dân lên trên hết và có một đường hướng đối ngoại thích hợp, rất thực tiễn để đạt được điều đó.
Đây cũng là lý do dư luận Việt Nam nói chung có không ít kỳ vọng vào chuyến thăm Mỹ được coi là lịch sử này của ông, dù một số người trong giới quan sát cho rằng chuyến đi của ông khó tạo ra được một bước đột phá nào trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như đường hướng đối ngoại của Việt Nam nói chung.
Đâu đó có người không hy vọng gì về chuyến đi Mỹ của ông Trọng vì cho rằng trong các lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam thành phần bảo thủ, kiên định xã hội chủ nghĩa, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn mạnh, nhiều và vì vậy họ luôn hướng Việt Nam gần gũi với Bắc Kinh, trong khi có thái độ nghi kỵ, cảnh giác với Mỹ. Ông Trọng được coi là một người trong nhóm bảo thủ, giáo điều và thân Bắc Kinh này.
Dựa trên những phát ngôn, cách hành xử của ông kể từ khi ông lên làm Tổng Bí thư và đặc biệt trong thời gian Trung Quốc đưa và đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam năm ngoái, có thể nói một nhận định như vậy không phải là không có cơ sở.
Nhưng không phải ai trong giới lãnh đạo chóp bu hiện tại của Việt Nam cũng giữ lập trường như thế.
Những phát ngôn như ‘không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghĩ viễn vông’ hay ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ khi nói về quan hệ với Trung Quốc chứng tỏ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biết đặt quyền lợi dân tộc, đất nước lên trên hết.
Có thể nói đây cũng là lý do tại sao ông Dũng – như kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản năm ngoái cho thấy – nhận được nhiều sự ủng hộ, tín nhiệm hơn từ Ban Chấp hành Trung ương và người dân nói chung cũng có cảm tình với ông hơn dù ông Dũng được coi là có nhiều yếu kém, sai phạm trong điều hành kinh tế cũng như khía cạnh khác.
Vì vậy, nếu qua chuyến đi Mỹ của mình, ông Trọng tạo được bước đột phá trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như những thay đổi tích cực khác trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ông không chỉ củng cố được vị thế, ảnh hưởng của mình và phe nhóm của mình trong Đảng Cộng sản, trước và trong đại hội XII sắp tới mà còn chiếm được cảm tình của người dân.
Lý do quan trọng khác mà nhiều người không kỳ vọng lắm về chuyến đi này là ông Trọng được coi là một lãnh đạo thiếu bản lĩnh, thiếu tầm.
Vì điều đó – hay vì không có chủ trương ‘tạo dấu ấn cho mình’ như ông nói khi tiếp xúc báo chí sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư vào tháng 1 năm 2011 – trong hơn bốn năm nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam, ông chưa tạo được một dấu ấn gì đặc biệt, tốt đẹp.
Sau đại hội XII vào năm tới, chắc chắn ông sẽ không còn nắm giữ chức vụ quan trọng nào. Vì vậy, có thể nói chuyến đi Mỹ này – một chuyến thăm được coi rất ý nghĩa đối với Việt Nam và cũng là chuyến công du quan trọng nhất của ông Trọng – là cơ hội hiếm có để ông cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân.
Bỏ ‘tư duy chính trị xơ cứng’
Ông Trọng chỉ làm được đó, nếu ông dám mạnh dạn từ bỏ ‘tư duy xơ cứng’, quá giáo điều – một lối tư duy đã từng kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Một sai lầm gây thiệt hại lớn về đối ngoại, an ninh-quốc phòng, phát triển kinh tế của giới lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội trong giai đoạn 1975-1993 được ông Trần Quang Cơ nhắc đến trong tập ký ‘Ký ức và suy nghĩ’ của mình là ‘tư duy chính trị xơ cứng’ của giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam giai đoạn ấy, đặc biệt là những năm sau khi đất nước thống nhất.
Thay vì ‘phải mạnh dạn sớm đổi mới tư duy về đối ngoại để có một đường lối phù hợp thực tiễn’ nhằm đưa đất nước ‘hòa nhập với đà phát triển chung của khu vực và thế giới’, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn duy trì lối tư duy cứng nhắc và điều đó ‘đã giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài’.
Một ví dụ cụ thể được ông đưa ra là vào ngày 12/6/1975, tức chỉ chưa đây hai tháng sau khi Việt Nam thống nhất, Mỹ đã gửi Hà Nội một thông điệp, trong đó đề nghị ‘tiến hành bất cứ quan hệ nào’ với Việt Nam. Khoảng gần hai năm sau đó, tại vòng đàm phán giữa hai bên vào ngày 3/4 tháng 5 năm 1977, Mỹ đề nghị ‘hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện’. Nhưng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã từ chối đề nghị đó.
Là người trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán giữa hai bên trong thời gian ấy, ông Trần Quang Cơ đã cảm thấy đau xót về việc Việt Nam từ chối đề nghị của Mỹ vì nó ‘đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước’ – như cảnh đất nước rơi vào tụt hậu vì ‘bỏ lỡ mất cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực’ hay cảnh Việt Nam ‘đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng’.
Phải mất 20 năm – một thời gian quá dài – Việt Nam mới có thể chật vật bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Nhắc lại chi tiết này để thấy nếu giới lãnh đạo Việt Nam thực tế, thức thời, nhạy bén, năng động hơn, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam đã có diễn ra từ lâu và vị thế, mực độ phát triển của Việt Nam giờ cũng đã tốt hơn nhiều.
Với tất cả những ai muốn đất nước hướng tới phồn thịnh, giàu mạnh, dân chủ, chắc ai cũng không muốn ông Trọng và giới lãnh đạo Việt Nam bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.
Đ.X.L/BBC
------------

21 nhận xét:

  1. thủ tướng nguyễn tấn dũng sấp ghé thăm mỹ nhân dự đại hội đồng liên hợp quốc sẻ diển ra.

    Trả lờiXóa
  2. Joe Biden sẽ tiếp Nguyễn Phú Trọng, rồi Obama sẽ ngồi vào để thảo luận. Nếu đúng như thế thì không tốt! Chơi xấu! Giống y như cách Obama tiếp đón Ed Miliband khi ông này làm thủ lĩnh đảng Lao Động Anh và đang tranh cử.
    Không muốn làm mất lòng David Cameron là thù tướng Anh lúc ấy, Obama đã chỉ "tạt vào" khi Miliband được một viên chức Nhà Trắng chính thức tiếp đón. Chuyện này đã bị báo Anh cho là Obama tỏ ý khinh rẻ Ed Miliband! (Có thể đó là một trong những lý do mà đảng của Miliband bị đại bại trong cuộc bầu cử vừa rồi ở Anh!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ tự hào ở đỉnh cao trí tuệ mà nói với ông TT Obama rằng nền dân chủ XHCN dân chủ gấp vạn lần TBCN. Còn nữa, Việt Nam chúng tôi đang đi theo mô hình kinh tế Thị trường định hướng XHCN, ưu việt lắm, có lẽ đến 100 năm sau Mỹ cũng không theo kịp vì không biết có CNXH thật hay không.
      Do vậy, tôi sang đây là để cho các ông biết cách làm của VN chứ không cần vào TPP cái gì hết. (Trọng lẩm bẩm 1 mình: ủa mà TPP là cái gì nhỉ?)

      Xóa
    2. Con vẹt này nói rất giống THD.

      Xóa
  3. Trong Chiến tranh Việt Nam, người Việt và người Mỹ ở hai đầu chiến tuyến. Lúc đó Trung Quốc đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong công cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Mặc dù sự hỗ trợ này không hoàn toàn vô tư trong sáng vì có những động cơ chiến lược phục vụ cho lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi của họ mà thời điểm đó người Việt khó có thể nhận ra, mãi sau này thời gian, lịch sử mới bóc dần bí mật.
    Và khi không đạt được mưu đồ lợi ích vị kỷ hẹp hòi, bành trướng đại Hán của mình, Bắc Kinh kích động lực lượng diệt chủng Pol Pot do họ nuôi dưỡng chống phá biên giới Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh đất nước và dẫn đến cuộc Chiến tranh Biên giới Tây Nam tiêu diệt Khmer Đỏ, cứu người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng man rợ.

    Khmer Đỏ bị đánh tan tác thì đến lúc ông chủ của chúng, Trung Nam Hải quyết định xua quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gây ra cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc đẫm máu. Việt Nam và Trung Quốc từ bạn thành thù cũng chỉ bởi độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa. Người Việt đã buộc phải đứng lên bảo vệ từng tấc đất của cha ông trước sức tấn công tàn phá ghê gớm của láng giềng từng là đồng chí anh em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói chính xác hơn là ':- người Việt '' miền Bắc'' và người Mỹ ở hai đầu chiến - Chớ quên là người Việt '' miền Nam'' đứng cùng chiến tuyến với Mỹ...Nhật, Nam Hàn , Canada . Pháp, Úc....

      Xóa
  4. Một vấn đề khác có thể được thảo luận là an ninh, đặc biệt là lệnh cấm lâu nay của Mỹ không cho bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái, Bộ ngoại giao Mỹ loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh trên biển của Hà Nội. Nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ đã tới Hà Nội thảo luận khả năng bán hàng cho quân đội Việt Nam. Tuy vậy, hồ sơ nhân quyền kém cỏi của Hà Nội lâu nay vẫn cản trở việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Dù chưa rõ việc này sẽ diễn ra thế nào tại cuộc gặp, chắc chắc hai bên sẽ thảo luận và việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm không phải là bất khả.


    Một loan báo có khả năng hơn là về chuyến thăm đáp lễ của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam vào cuối 2015. Hai người tiền nhiệm của ông Obama đều đã thăm Hà Nội trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2015 sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối tác khu vực quan trọng trong lúc Mỹ tiếp tục nỗ lực tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương.”

    Trả lờiXóa
  5. không nên hy vọng gì ở ông tổng đâu

    Trả lờiXóa
  6. phó tổng thống tiếp là đưa tin sai sự thật có ý đồ xấu ,obama tiếp và làm việc phó tổng thống mỹ chủ trì chiêu đải.

    Trả lờiXóa
  7. Ông hãy vì ông trước tiên.
    Lúc này là lúc Việt Nam cần nghiêm túc nhìn lại lịch sử, trong đặc biệt là mối quan hệ của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc "Đoàn kết chống Mỹ bảo vệ phe XHCN" làm cho chiến tranh kéo dài gần 30 năm.
    Hôm nay Liên Xô đã đổ, nhưng TQ đang cấu kết với Putin tiếp tục chính sách cũ, biến VN thành nô lệ thời hiện đại.
    Cả thế giới đã nhìn ra sự thật này.
    Nhân dân VN cũng đã nhận ra sự thật này.
    Nhiều nhân vật lãnh đạo trong ĐCSVN cũng nhận ra sự thật này
    Bản thân ông Tổng Trọng cũng nhận ra sự thật này

    Vậy lúc này ông Tổng phải tự quyết định: Nếu ông chọn hướng bắt tay thật tình với Mỹ, nhân dân VN ở trong nước và ở hải ngoại sẽ hoan nghênh ông, ông có thể chuẩn bị nghỉ hưu với lòng thanh thản, bình an
    Còn nếu không?
    Không sao.
    Người khác sẽ làm và ông sẽ lãnh mọi lời chửi bới, xỉ nhục

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Dân lành có một nhận xét thật hay.Nếu ông không làm thì guồng quay lịch sử vẫn chạy và sẽ có người khác thực hiện !!!

      Xóa
    2. Cám ơn Nặc Danh 8:36.
      Nếu thức thời thì ông Tổng hãy đi trước một bước đón đầu.
      Lịch sử cho phép ông rồi đó:
      1 - Khảu hiệu TẬN TRUNG VỚI NƯỚC TẬN HIẾU VỚI DÂN đã được HCM nêu cao, bây giờ ông quay lại khẩu hiệu đó, bác bỏ khẩu hiệu Trung với đảng tức là ông thức thời thôi, có lỗi gì đâu

      2- Khẩu hiệu NHÂN QUYỀN DÂN CHỦ và trở về với tên nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA. Đó là ông tỏ ra tôn trọng chủ tịch HCM sáng suốt, và sửa sai lầm đổi thanh CM XHCN của Lê Duẩn thôi mà

      3- Thậm chí ông có GIẢI TÁN ĐCS thì chính HCM cũng đã giải tán một lần rồi. Đến năm 1953 mới thành lập đảng Lao động VN và bên cạnh đó có đảng dân chủ và đảng xã hội.

      Vậy là ông có công lớn "sửa sai để từ bỏ qua khứ tiến đến tương lai đó"

      Xóa
    3. Người VN chân chínhlúc 04:21 9 tháng 7, 2015

      Tôi tán thành ý kiến trên
      Không phải làm quá nhiều.
      Chỉ cần quay lại khẩu hiệu TẬN TRUNG VỚI NƯỚC TẬN HIẾU VỚI DÂN là đủ

      Xóa
  8. Trương Minh Tịnhlúc 21:55 7 tháng 7, 2015

    Thật ra thì cũng chẵng còn cái "ý thức hệ" nào nữa để vượt lên. VN ngày nay là một chế độ độc tài không hơn không kém,nhưng phải nhờ TQ chống lưng để giử ghế.Vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  9. VN ta vẫn còn đỏng đảnh chút. Giống như cô gái được hỏi làm vợ người ta, muốn "tròn mông gồng lưng" rồi nhưng vẫn ra vẻ ta đây bất cần. Rồi đến lúc cũng tự cởi bỏ xiêm y để ...quấn thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Nhớ lại năm 1985 nhân kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh VN tờ "Time International" có ra số đặc biệt về VN. Nhiều bài viết của các cây bút hàng đầu trên số đó đến giờ vấn nguyên giá trị. Nhiều quan chức Hoa Kỳ thời đó đã nói:" They know that we know what they want" (họ biết rằng chúng tôi đã biết họ muốn gì) được đăng trên số này.
    Nhớ lại cuộc tiếp đón TT Clinton lần đầu thăm VN của CT Trần Đức Lương được nhiều quan chức VN chốn riêng tư mô tả lại là:"tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Nhưng chỉ vì ông TBT LKP "lên gân" khi tiếp Bill mà làm hỏng kết quả của cuộc viếng thăm.
    Quả bóng luôn nằm phía sân Việt Nam. Luôn luôn "mặt ngoài còn e"

    Trả lờiXóa
  11. "Cùng chung ý thức hệ" và " XHCN " đã bị bỏ đi hoặc không còn có ý nghĩa trong chuyến đi này của TBT NPT. VN đang tự chuyển đông để tìm thế cân bằng trong mối quan hệ phức tạp đa phương hiện nay. Tất cả phải vì lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia.Đấy là điều kiện tiên quyết !. Việc còn lại là ĐCS VN phải nhanh chóng đổi mới một cách toàn diện thì mới có thể tự cứu được mình và đất nước mình trước sự đe dọa của TQ.

    Trả lờiXóa
  12. Chỉ vì lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia thì dân sẽ nghe theo và đoàn kết. Chỉ vì lợi ích nhóm của "một bộ phận không nhỏ" thì dân tộc sẽ điêu tàn, tụt hậu. Mỗi thời mỗi khác??? Thời đại toàn cầu hóa và cả quả đất là một mái nhà thì ba cái lý thuyết cũ ríc phải bỏ mà phải lấy thực tiễn làm thước đo Quyền lợi của dân tộc của quốc gia là tối quan trọng vì dân tộc có độc lập có sánh vai với ai được thì phải giàu có, hùng mạnh và văn minh.....

    Trả lờiXóa
  13. Con dân đất Việtlúc 06:51 9 tháng 7, 2015

    Tôi cho rằng ít nhiều ông Tổng đã "Vượt lên ý thức hệ" trong chuyến đi này.
    Mấy ngày trên đất "Tư bản sẫy chết" ông Tổng cũng phần nào nhận ra công cụ tuyên truyền của CS là lừa dối là bịa đặt rồi đó.
    Nhìn nét mặt bình tĩnh của ông khi cùng Obama họp báo trong phòng bầu dục, tôi cũng cho rằng ông đã tìm thấy sự thanh thản và tin cậy khi ở trong lòng nước Mỹ.
    Đó là nơi ông từng nghĩ, ông phải lấy can đảm để đối phó với kẻ thù .
    Liệu lúc rời đất Mỹ, trở về nhà, liệu ông có giữ được bình tĩnh trước những đe dọa của thằng bạn Phương Bắc hay không?
    Quan trọng vẫn là khí phách cha ông có ngấm vào máu ông chút nào không?

    Trả lờiXóa
  14. Người giác ngộlúc 07:08 9 tháng 7, 2015

    Bên ngoài Nhà Trắng vẫn có khá đông người VN dương cao cờ vàng phản đối ông.
    Tại sao họ phản đối?
    Vì họ không tin ông.
    Vì họ đòi ông phải thả khoảng 100 người yêu nước vẫn ngồi trong nhà tù của ông.
    Ông phải làm gì?

    Trả lờiXóa
  15. Tiến sỹ. Nguyễnlúc 23:04 9 tháng 7, 2015

    đồng ý với tác giả bài viết. Qua chứng kiến cuộc viếng thăm của ông Nguyễn Phú trọng tại tòa bạch ốc, phải công nhận rằng ông Trọng đã có tiến bộ vượt bậc từ việc họp báo không cầm giấy đọc cũng như trả lời phỏng vấn khá khúc triết, không làm mất mặt người dân việt. Xứng đáng ghi điểm cho ông trọng xưa nay vẫn gọi là LÚ. Qua đây hy vọng là tác giả đúng, mong ông Trọng cũng như những người bảo thủ đang nắm quyền lãnh đạo đất nước có chuyển biến mạnh trong 06 tháng tới. QUAN TRÍ CỦA GIỚI CẦM QUYỀN PHẤN ĐẤU THEO KỊP DÂN TRÍ VIỆT NAM HIỆN NAY.

    Trả lờiXóa