Dù đồng ý với cách làm này vì
cho rằng đây không chỉ là biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà
cũng sẽ giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn, song
ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại về việc chưa có quy định của pháp luật với hình
thức chuyển nợ thành vốn góp cổ phần.
Sau Cảng Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
(VietinBank) một lần nữa lại muốn tiếp tục chuyển nợ của Vinalines thành vốn
góp cổ phần.
Nợ “mẹ”
thành vốn góp tại “con”
Đích nhắm của VietinBank lần này là nơi Tổng công ty
Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang có khoản vốn góp trị giá khoảng 102 tỷ đồng
(chiếm 51% vốn điều lệ) tại Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ.
Theo đề xuất của VietinBank, ngân hàng này muốn nhận toàn
bộ số cổ phần của Vinalines để cấn trừ nợ của Vinalines.
“Giá trị nợ được cấn trừ sẽ do VietinBank và Vinalines
thỏa thuận”, ông Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank đề xuất.
Cần phải nói thêm rằng, cơ hội thu hồi nợ của ngân
hàng này đến, khi Vinalines đang cân nhắc chủ trương thoái toàn bộ vốn góp tại
Cảng Vinalines Đình Vũ nhằm tiến hành tái cơ cấu toàn diện hoạt động của Tổng
công ty.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tổng dư nợ
của Vinalines tại VietinBank tính đến cuối tháng 6/2015 là hơn 2.300 tỷ đồng.
Số tiền này chưa tính đến khoản dư nợ lãi vay là 310 tỷ đồng. Xét trên bình
diện toàn Tổng công ty, nợ tín dụng VietinBank của công ty mẹ và các công ty
con vào khoảng 5.000 tỷ đồng – biến tổ chức tín dụng này thành một trong những
chủ nợ lớn nhất của Vinalines.
Điều đáng nói là, các khoản dư nợ này chủ yếu xuất
phát từ các hợp đồng tín dụng mua sắm tàu biển của công ty mẹ trong giai đoạn
trước đây.
Hiện tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này là các tàu
đã bị giảm sút rất lớn so với thời điểm cho vay đầu tư. Vì vậy, trong trường hợp các bên thống
nhất xử lý để thu hồi nợ vay, thì giá trị thu hồi nhiều khả năng cũng không đủ
thanh toán nợ gốc vay của Vinalines tại VietinBank.
Trước đó, vào tháng 2/2014, VietinBank cũng đề nghị
Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức tái cơ cấu nợ này tại 3 công ty
con của Vinalines hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng là: Cảng Sài Gòn,
Cảng Đà Nẵng và Cảng Hải Phòng. Trong đó, giá trị tham gia cổ phần tối đa tại 2
cảng là Đà Nẵng và Hải Phòng chiếm 11% vốn điều lệ.
Đối với Cảng Hải Phòng, lãnh đạo Ngân hàng muốn được
ưu tiên thực hiện chuyển nợ thành vốn góp trước khi Vinalines bán cổ phần cho
Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI) và các nhà đầu tư khác.
Theo lãnh đạo VietinBank, việc chuyển nợ công ty mẹ
thành vốn góp cổ phần tại các công ty con là lối thoát duy nhất, bởi khả năng
thanh toán của Vinalines là rất thấp, khi vẫn phải đang vật lộn để thoát khỏi
các khoản thua lỗ lớn chủ yếu do tình hình vận tải biển thế giới chậm được phục
hồi.
Ai được lợi?
VietinBank cho rằng, việc ngân hàng này trở thành cổ
đông chiến lược tại các cảng thành viên không chỉ giảm số nợ hiện tại, mà còn
nâng cao năng lực tài chính của Vinalines khi đầu tư, phát triển các đơn vị
thành viên sau cổ phần hóa.
Đối
với Vinalines, họ cũng lợi lớn khi một mũi tên trúng hai đích, là vừa giảm được
nợ, lại tìm được nhà đầu tư chiến lược khi tiến hành cổ phần hóa hoặc thoái vốn
tại các cảng biển lớn.
Mặc dù vậy, có thể việc chuyển nợ thành vốn góp cổ
phần sẽ khiến Vinalines gặp nhiều bất lợi, bởi các công ty được chọn chủ yếu là
cảng không liên quan gì đến khoản nợ mua sắm tàu. Bên cạnh đó, việc không thu
được bất cứ đồng nào từ thoái vốn các công ty cổ phần sẽ khiến quá trình tái cơ
cấu, chuyển hướng đầu tư của Vinalines thêm phần khó khăn khi không có đủ nguồn
lực.
Bên cạnh đó, ngay cả khi thống nhất được phương án xử
lý nợ, không dễ để các bên tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ hoán đổi nợ thành
cổ phiếu, cũng như mức vốn điều lệ tham gia tối đa tại các công ty cổ phần.
Được biết, hai bên dường như cũng chưa đạt được sự
thống nhất liên quan đến tỷ lệ hoán đổi nợ vay của Vinalines tại VietinBank
thành vốn góp cổ phần tại Cảng Sài Gòn. Cụ thể, trong khi Vinalines muốn tỷ lệ
là 2,3:1 (2,3 đồng dư nợ đổi 1 đồng vốn cổ phần) thì VietinBank lại đưa ra tỷ
lệ là 1:1.
Điều đáng lưu ý là, dù đồng ý với cách làm này vì cho
rằng đây không chỉ là biện pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà cũng
sẽ giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn, song Ngân
hàng Nhà nước cũng lo ngại về việc chưa có quy định của pháp luật với hình thức
chuyển nợ thành vốn góp cổ phần.
Ngân
hàng Nhà nước cũng đề nghị Vinalines khi báo cáo phương án này với các cấp có
thẩm quyền cần lưu ý “đây là phương án xử lý nợ thông qua hình thức chuyển nợ
vay thành vốn góp cổ phần, nên VietinBank không thuộc đối tượng áp dụng các
điều kiện và điều khoản liên quan đến hoạt động đầu tư để trở thành cổ đông
chiến lược như nộp tiền đặt cọc khi đăng ký mua cổ phần, chuyển tiền mua cổ
phẩn sau khi thực hiện IPO… theo các quy định hiện hành”.
“Hơn nữa, đơn vị nhận góp vốn là Cảng Hải Phòng, Đà
Nẵng lại không phải là khách hàng vay của VietinBank”, ông Nguyễn Phước Thanh,
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam băn khoăn.
Anh Minh/ĐTO
------------
Nếu tôi là chủ nợ, tôi đồng ý chuyển nợ thành vốn góp, thì tôi trở thành thành viên của HĐQT và lúc ấy tôi có quyền chọn TGĐ mới, có quyền tuyển dụng bộ máy quản lý mới, có quyền sa thải những kẻ bất tài vô dụng lâu nay chỉ biết rút và phá hoại ở cái tập đoàn tai tiếng này.
Trả lờiXóaCác ông đại diện cho Nhà nước có đồng ý vậy không?
Chuyển nợ thành góp vốn!
Trả lờiXóaChuyện là có thật ở VN, biến tiền của (ngân hàng, Tổng CTy,...dưới dạng vay) thành vốn của mình. Khôn quá. Nhóm lợi ích trong "định hướng XHCN" hay, giỏi quá!
Cai bon nha nuoc.nhom loi ich nay danh trao con den that ki dieu .Vo vet het di roi se tra lai sau gap nhieu lan nhe
Trả lờiXóaTrích "Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Vinalines khi báo cáo phương án này với các cấp có thẩm quyền ..."
Trả lờiXóaNgân hàng Nhà nước, VietinBank, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều là tài sản của nhà nước VN. Mà theo điều 4 hiến pháp, thì "lực lượng lãnh đạo nhà nước", chỉ huy các cơ quan này, vậy cứ làm theo lệnh của "lực lượng lãnh đạo nhà nước" là đúng luật, bình luận làm gì!