* Leonard E. Read
Leonard E.
Read (1898-1983) thành lập Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic
Education-FEE) năm 1946 và làm chủ tịch của tổ chức này cho đến khi qua đời.
FEE là một trong những trung tâm nghiên cứu tự do (think tank) đầu tiên của Mỹ.
“Tôi, Cây Bút
Chì,” là tiểu luận nổi tiếng nhất của ông, được ấn hành tháng 12, 1958 trong
tạp chí Người Tự Do. Dù có một vài những thay đổi trong cách thức và nơi sản
xuất bút chì, những nguyên tắc trong bài này vẫn không đổi.
*
* *
Tôi là một cây bút chì - một cây bút chì bằng gỗ, tầm
thường và quen thuộc với những em học sinh và người lớn biết đọc và biết viết.
Viết vừa là nghề chính vừa là nghề phụ và là thú vui
của tôi. Đó là những việc tôi làm. Có thể bạn đang thắc mắc là tại sao tôi lại
viết về gia phả của mình. Xem nào, để bắt đầu, phải nói là câu chuyện đời tôi
là một chuyện rất thú vị. Và thứ nữa, tôi là một bí ẩn–còn bí ẩn hơn cả một cái
cây hay một buổi hoàng hôn, hay ngay cả một tia chớp. Nhưng, buồn thay, những
người dùng tới tôi vẫn thản nhiên sử dụng và chẳng buồn tìm hiểu nguồn gốc của
tôi như thế nào, cứ như thể sự hiện hữu của tôi chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên
và chẳng có căn nguyên chi hết. Cái thái độ rẻ rúng ấy đẩy tôi xuống hạng những
đồ vật hạng xoàng. [Nhưng] Đó là một loại sai lầm khủng khiếp mà nhân loại
không thể tồn tại lâu dài được mà không gặp nguy hiểm. Lý do là vì, như nhà
thông thái G. K. Chesterton đã nói: “Chúng ta bị héo tàn đi vì thiếu sự tò mò,
chứ không phải vì thiếu những điều kỳ diệu.”.
Leonard E. Read |
Tôi, Cây Bút Chì, dù có bề ngoài đơn giản, đáng để cho
các bạn phải kinh ngạc, vâng, đó là điều mà tôi sẽ cố thuyết phục các bạn. Thực
ra, nếu bạn có thể hiểu tôi–không, đối với nhiều người, đây quả là một đòi hỏi
quá đáng–hay nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản
thân tôi, thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất
dần đi. [Cuộc đời tôi] là một bài học thâm thúy. Và bản thân tôi có thể dạy bài
học này hay hơn một chiếc xe hơi hay một cái máy bay, hay một cái máy rửa chén,
bởi vì, thực ra, tôi có một bề ngoài đơn giản.
Đơn
giản? Đúng thế! Nhưng tôi dám cá là không có một cá nhân nào trên trái đất này
biết cách chế tạo ra tôi. Nói nghe có vẻ lập dị, phải không các bạn? Nhất là
khi ta thấy có vào khoảng một tỷ rưỡi cây bút chì được chế tạo hàng năm tại
nước Mỹ.
Xin
bạn hãy cầm tôi lên và ngắm nghía xem. Bạn thấy gì nào? Chẳng có gì hấp dẫn đôi
mắt cả–một chút gỗ, chút sơn, cái nhãn hiệu, than chì, chút kim loại, và một
cục tẩy.
VÔ SỐ TIỀN
NHÂN
Nếu như bạn không thể truy nguyên gia phả của bạn từ
nhiều đời trước, thì đó cũng là điều bất khả cho tôi để kể tên và giải thích
tất cả những tiền nhân của mình. Nhưng tôi cũng cố kể ra một số đủ để lấy le
với bạn về cuộc đời phong phú và phức tạp của tôi.
Cây gia phả của tôi bắt đầu, thực ra, là một cái cây,
chính là một cây tuyết tùng có thớ gỗ thẳng, mọc tại miền bắc của tiểu bang California và tiểu bang Oregon . Bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng ra
tất cả những nào cưa, nào xe vận tải, dây chão và vô số những dụng cụ khác nhau
để đốn những cây tuyết tùng xuống và kéo ra lề đường. Hãy thử nghĩ đến tất cả
những người thợ và vô vàn những kỹ thuật cần thiết tạo nên nghề thợ rừng: đào
mỏ lấy quặng sắt, luyện thép và chế biến thành lưỡi cưa, lưỡi búa, động cơ; việc
trồng những cây gai dầu và quá trình chế biến thành những sợi dây chão to lớn
và chắc chắn; rồi những trại cưa có phòng ngủ và phòng ăn và bếp núc cho nhân
viên. Có cả hàng ngàn người không ai biết đến đã góp phần vào tạo nên một ly cà
phê buổi sáng cho những người thợ rừng.
Những thân gỗ sau khi đốn xong được chuyên chở bằng xe
lửa tới một nhà máy cưa ở San Leandro , bang California . Bạn có thể
tưởng tượng ra những người chế tạo ra những toa xe lửa, đường rầy và những kỹ
sư hỏa xa đã chế tạo và xây dựng ra những hệ thống thông tin phụ thêm vào đó?
Những điều này thuộc về vô số tiền nhân của tôi.
Bây giờ hãy xem đến nhà máy xẻ gỗ ở San Leandro . Những thân gỗ tuyết tùng được xẻ
thành những lát gỗ mỏng và cưa thành những thanh gỗ có chiều dài bằng cây bút chì,
dầy khoảng 0.6 phân. Rồi lại còn có những lò nướng và nhuộm màu cho những thanh
gỗ này như kiểu phụ nữ thoa phấn lên mặt. Người ta muốn tôi có màu sắc đẹp đẽ
chứ không phải màu trắng nhợt nhạt của gỗ. Xong rồi những thanh gỗ này được
thoa sáp và nướng khô thêm một lần nữa. Bao nhiêu kỹ thuật đã đổ vào việc chế
tạo nên lò nướng và máy nhuộm, vào việc tạo ra sức nóng, điện lực và ánh sáng,
động cơ, dây cu-roa, và những vật dụng cần thiết khác trong một nhà máy cưa?
Phải kể luôn những người thợ quét dọn nhà máy nữa chứ? Vâng, và phải kể luôn
những người đã đổ bê-tông làm nên cái đập thủy điện cho Công ty Điện lực và Khí
đốt thiên nhiên Thái Bình Dương, tức là công ty cung cấp điện cho nhà máy cưa
này.
Cũng đừng nên quên những bậc tổ tiên hiện tại và quá
khứ của tôi đã góp phần vào việc chuyển vận sáu mươi toa xe chở những thanh gỗ
đi khắp nước.
Rồi
vào đến xưởng làm bút chì–gồm có bốn triệu đô-la tiền máy móc và nhà cửa, tất
cả vốn liếng tích lũy từ bao nhiêu tổ tiên của tôi ky cóp để dành–mỗi thanh gỗ
được xẻ 8 cái rãnh bằng một cái máy rất phức tạp, sau đó một cái máy khác đặt
chì vào những thanh gỗ khác, rồi được trét keo và đặt chồng lên nhau như những
miếng bánh sandwich kẹp chì vậy. Tôi và 7 anh em khác được “đẻ” ra từ cái bánh
mì kẹp chì này.
Cái
“ruột” chì của tôi, gọi như vậy chứ thật ra chẳng có chút chì nào cả, cũng rất
phức tạp. Bột than (chì) được lấy lên từ mỏ ở Ceylon . Hãy nghĩ đến những người
thợ mỏ và những người thợ làm bao nhiêu những vật dụng khác và những người thợ
làm bao giấy đựng bột than chì để chuyên chở, rồi những người thợ làm dây để
buộc những bao này lại, rồi những công nhân bốc vác những kiện hàng này lên tàu
thủy, rồi những người thợ đóng tàu thủy nữa. Ngay cả những người giữ hải đăng
và những người tài công lái tàu ra vào hải cảng cũng góp phần vào việc sinh sản
ra tôi.
Bột than chì được trộn với đất sét lấy từ Mississippi có chứa dung
dịch ammoniac và được dùng trong quá trình tinh luyện. Rồi thì những hóa chất
lỏng khác được thêm vào như chất mỡ sulfate–một loại mỡ động vật có phản ứng
hóa học với axit sulfuric. Sau khi chảy qua vô số máy móc, hợp chất này cuối
cùng được bơm ra thành những sợi dài, giống như từng thỏi xúc-xích, được cắt
đúng cỡ và nướng thêm vài giờ với nhiệt độ 1010 độ C. Nhằm gia tăng độ cứng và
trơn láng của những thỏi “chì,” chúng được nhúng vào một hợp chất nóng gồm có
chất sáp làm nến lấy từ Mexico, sáp paraffin, và mỡ động vật được hy-drô hóa.
Cái vỏ gỗ tuyết tùng của tôi được sơn sáu lớp sơn
láng. Bạn có biết loại sơn láng (làm sơn mài) có bao nhiêu chất không? Ai có
thể nghĩ rằng những người nông dân trồng cây thầu dầu và những người thợ ép
thầu dầu cũng dự phần trong tiến trình này? Nhưng mà thật như vậy đó. Ngay cả
tiến trình pha sơn thành màu vàng đẹp đẽ cũng cần tay nghề của vô số bao nhiêu
người.
Hãy xem đến cái nhãn hiệu. Đó là một lớp màng mỏng tạo
nên bởi than đen trộn với nhựa cây và được hơ nóng. Bạn có biết người ta lấy
nhựa cây như thế nào không?
Tôi có một chút xíu kim loại–cái vòng bịt đuôi cây bút
chì–làm bằng thau. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những người thợ mỏ kẽm và đồng và
những người có tay nghề tạo nên những tấm thau sáng loáng từ những sản phẩm đó
của thiên nhiên. Còn cái vòng màu đen trên cái vòng bằng thau đó làm bằng chất
kền màu đen. Kền màu đen là cái gì và dùng nó như thế nào đây? Để biết được tại
sao ở giữa cái vòng bịt bằng thau đó lại không có vòng kền màu đen cũng phải
mất thêm cả bao nhiêu trang nữa để giải thích.
Rồi đến cái vương miện của tôi, vẫn thường được gọi
nôm na là “cái mấu,” tức là chỗ giữ cục tẩy để người ta xóa đi những chỗ viết
sai. Cái chất gọi là “factice” chính là cái chất “tẩy” đi những chỗ viết sai.
Cái chất này cũng giông giống như chất cao-su, nhưng thực ra là hợp chất của
dầu hạt cải Canola trộn với chất sulfur chloric. Chất cao-su, trái với những gì
ta nghĩ, không “tẩy” được và chỉ dùng để dính hợp chất này lại mà thôi. Rồi còn
vô số những hóa chất và chất xúc tác khác. Còn thêm chất đá bọt đến từ Ý đại
lợi và chất phẩm màu để nhuộm cái mấu là từ hợp chất cadmium sulfide.
KHÔNG MỘT AI
BIẾT
Còn có ai muốn thử với điều tôi khẳng định ban đầu là
không có một người duy nhất nào trên trái đất biết cách làm ra tôi không?
Thực ra, hàng triệu người đã góp tay vào việc cấu tạo
nên tôi, nhưng mà không có ai biết được những người khác. Bạn cũng có thể nói
rằng tôi đã nói phóng đại khi liên kết một người hái trái cà phê ở xứ Ba-tây xa
lắc và những người trồng thực phẩm ở chỗ nào đó với sự cấu tạo ra tôi. Nhưng
tôi vẫn giữ lập trường. Đó là, không có một người duy nhất nào trong số những
triệu người này, kể cả ông chủ xếp sòng của công ty sản xuất bút chì, là người
đã đóng góp hơn một phần nho nhỏ cách thức tạo ra tôi. Sự khác nhau giữa người
thợ mỏ ở Ceylon và người thợ
rừng ở Oregon
là sự khác nhau về cách thức. Cả hai người thợ này không thể thiếu được, cũng
như nhà hóa học trong xưởng hay người công nhân tại giếng dầu hỏa (sáp paraffin
làm từ dầu hỏa) cũng không thể thiếu được.
Đây cũng là một sự kiện đáng ngạc nhiên nữa. Đó là,
tất cả những người dính dáng đến tiền thân của tôi, từ người công nhân làm việc
ở giếng dầu hỏa, đến nhà hóa học, hay người thợ mỏ đào than chì và đất sét, hay
bất cứ ai chế ra tàu thủy, xe lửa, hay xe vận tải, hay những người thợ chạy cái
máy làm “vương miện” cho tôi, hay ông chủ tịch hãng làm bút chì…làm những công
việc của họ…đều không cần đến tôi. Mỗi người trong số những người này không cần
tôi bằng một em bé đang học lớp một. Thực ra, có một số người trong hằng hà sa
số những người này chưa bao giờ thấy một cây bút chì chứ đừng nói gì đến sử
dụng nó. Động lực để họ làm việc là điều gì khác chứ không phải tôi. Có lẽ phải
nói như thế này: Mỗi người trong số hàng triệu người này thấy rằng họ có thể
trao đổi một tí ti kiến thức về cách thức chế tạo đồ dùng và dịch vụ của họ với
những nhu cầu khác mà họ cần. Tôi có thể không nằm trong danh sách những nhu
cầu của họ.
KHÔNG CÓ NHÀ
TỔNG ĐẠO DIỄN
Có một sự kiện còn đáng ngạc nhiên hơn: sự vắng bóng
của một nhà tổng đạo diễn, một người chỉ đạo và ra mệnh lệnh điều khiển vô vàn
những hoạt động kể trên để tạo ra tôi. Ta không tìm được dấu tích của một người
như vậy. Thay vào đó, ta thấy có một Bàn Tay Vô Hình đang điều động mọi sự. Đó
cũng chính là sự bí ẩn tôi nói tới lúc ban đầu.
Người ta thường nói là “Chỉ có Thượng đế mới có thể
tạo ra một cái cây.” Tại sao ta đồng ý với câu nói này? Chẳng phải vì ta nhận
thức được là con người không thể tạo ra được một cái cây hay sao? Thực ra, liệu
ta có thể mô tả được một cái cây hay không đã? Ta không thể làm được điều này
ngoài một số những miêu tả hời hợt. Ta có thể nói, thí dụ như thế này, là một
cấu trúc phân tử nào đó đã thể hiện thành một cái cây. Nhưng có một bộ óc con
người nào đã có thể ghi chép lại, chứ đừng nói đến việc chỉ đạo, những thay đổi
liên tục trong những phân tử đã diễn ra trong đời sống của một thân cây không?
Đó là một kỳ tích không thể nào tưởng tượng nổi!
Tôi, Cây Bút chì, là một sự kết hợp phức tạp của nhiều
điều kỳ diệu: một cái cây, kẽm, đồng, bột than, vân vân. Nhưng thêm vào trong
những điều kỳ diệu đã thể hiện trong thiên nhiên còn có một điều kỳ diệu hơn
nữa: sự phối hợp những năng lực sáng tạo của con người–hàng triệu những kiến
thức nhỏ bé được phối hợp một cách tự nhiên và tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu và
ước muốn của con người mà không có một bàn tay đạo diễn nào của con người cả!
Vì chỉ có Thượng Đế mới tạo ra được một cái cây, tôi khẳng quyết là chỉ có Ngài
mới tạo ra tôi. Con người chẳng có thể làm gì hơn là sắp xếp hàng triệu những
phương thức sản xuất lại cũng như Ngài đã phối hợp những phân tử lại để tạo ra
một cái cây.
Đó chính là những điều tôi muốn nói khi viết rằng:
“nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản thân tôi,
thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất dần đi.” Vì,
nếu ta ý thức được rằng những phương thức sản xuất này sẽ, một cách tự nhiên và
tự động, sắp xếp lại thành những công thức sản xuất đầy sáng tạo để đáp ứng
những nhu cầu của con người–nghĩa là không có sự hiện diện của chính quyền hay
một sự chỉ đạo mang tính cưỡng bách nào–thì con người sẽ thủ đắc được phần tử
tuyệt đối cần thiết cho tự do: Niềm tin vào những con người tự do. Tự do sẽ
không thể nào hiện hữu được nếu thiếu niềm tin này.
Một khi mà nhà nước có được độc quyền về một hoạt động
sáng tạo, thí dụ như phân phát thư tín, thì hầu hết người ta sẽ nghĩ rằng thư
tín sẽ không thể nào được phân phối một cách hữu hiệu bởi những người hoạt động
một cách tự do. Và đây là lý do: Mỗi người trong chúng ta nhìn nhận rằng mình
không biết mọi cách thức liên quan đến việc phát thư, đồng thời cũng nhận thức
rằng không một cá nhân nào có thể biết hết được. Đó là những nhận thức đúng
đắn. Không một cá nhân nào có thể biết được hết mọi cách thức phân phối thư tín
cho toàn quốc, cũng như không có ai biết hết mọi cách thức làm ra cây bút chì.
Và, khi mà ta không có niềm tin vào con người tự do–niềm tin rằng hàng triệu
những phương thức sản xuất nho nhỏ sẽ tự động và tự nhiên phối hợp lại để tạo
ra sản phẩm–thì người ta không thể nào mà không kết luận, một cách sai lầm,
rằng thư tín chỉ có thể được phân phối bởi và qua sự “đạo diễn” của nhà nước.
NHỮNG BẰNG
CHỨNG HÙNG HỒN
Nếu Tôi, Cây Bút Chì, chỉ là một đồ vật được dùng làm
bằng chứng cho sự sáng tạo của con người khi họ được tự do để thử nghiệm, thì
lập luận của những người thiếu niềm tin sẽ tương đối đứng vững. Nhưng, có vô số
bằng chứng như vậy trên mọi lãnh vực. Việc phân phối thư từ coi vậy chứ thực
đơn giản khi ta so sánh với, thí dụ, việc ráp một chiếc xe hơi hay một cái máy
tính hay một cái máy xay lúa hay một cái máy tiện hay hàng chục ngàn những điều
khác nữa. Phân phối ư? Trên lãnh vực này khi người ta được tự do thử nghiệm, đã
gởi giọng nói của con người vòng quanh trái đất trong vòng không tới một giây
đồng hồ; họ đã chuyển đi hình ảnh và tiếng nói trực tiếp tới nhà khi sự việc
đang xảy ra; họ đã chuyển 150 hành khách từ Seattle tới Baltimore[1] dưới 4
tiếng đồng hồ; họ đã chuyển xăng dầu từ Texas tới New York bằng một giá rẻ
không ngờ và chẳng cần trợ cấp của chính phủ; họ đã chuyển 4 ký dầu hỏa từ Vịnh
Ba Tư tới bờ phía đông nước Mỹ với một giá rẻ hơn là bưu phí gửi một lá thư qua
bên kia đường.
Bài học mà tôi muốn truyền đạt như thế này: Hãy để cho
tất cả những năng lực sáng tạo được tự do. Xã hội chỉ cần được tổ chức để hoạt
động hài hòa với bài học này. Hãy để bộ máy pháp luật của xã hội dẹp bỏ hết
những chướng ngại cho sự tự do càng nhiều càng tốt. Hãy để cho những phương
thức sản xuất đầy sáng tạo được tự do tuôn chảy. Hãy có niềm tin là những con
người tự do sẽ tương tác hài hòa với Bàn Tay Vô Hình. Niềm tin này sẽ được xác
lập. Tôi, Cây Bút Chì, dù bản thân tôi rất ư là đơn giản đã thể hiện được sự kỳ
diệu của sự sáng tạo ra tôi; đó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy đây là một
niềm tin thực tiễn và thực tế, cũng có thực như trời nắng, trời mưa, cây tuyết
tùng, và trái đất của chúng ta.
LED/danluan
(Học viện Công dân chuyển ngữ)
---------/
[1] Seattle
là thành phố thuộc bang Washington thuộc miền
tây nước Mỹ, Baltimore là thành phố thuộc bang Maryland thuộc miền đông
nước Mỹ.
[*] Tên chính thức của tôi là Mongol
482. Những bộ phận tạo nên tôi được lắp ráp, chế tạo, và hoàn tất tại xưởng của
Công ty Bút chì Eberhard Faber (công ty sản xuất bút chì nổi tiếng trên thế
giới; được thành lập tại Đức năm 1922, được công ty Faber-Castell (Mỹ) mua lại
năm 1994, và sau trở thành một bộ phận của công ty PaperMate của Mỹ).>
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét