* NGUYỄN TRUNG
(tiếp
theo/hết)
Nhìn lại nước ta 70 năm qua, đặc biệt là
trong 40 năm qua, Đảng và Nhà nước lấy các biện pháp cách mạng và chuyên chính
thay thế cho quá trình phát triển và các giải pháp của phát triển để giải quyết
các vấn đề của đất nước trong bất kỳ lĩnh vực nào, nên đã vấp phải không ít
thất bại nghiêm trọng.
Chính vì không làm tốt được các nhiệm vụ
của phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển con người, trong xây dựng
thể chế kinh tế và thể chế chính trị, trong phát triển văn hoá và giáo dục, xây
dựng xã hội dân sự.., nên 40 năm qua là một giai đoạn phát triển thất bại, đất
nước hôm nay đang phải trả giá.
>> Mời xem “Lũ” từ : Kỳ 1 ; Kỳ 2 ; Kỳ 3 ; Kỳ 4 ; Kỳ 5 ; Kỳ 6
>> Mời xem “Lũ” từ : Kỳ 1 ; Kỳ 2 ; Kỳ 3 ; Kỳ 4 ; Kỳ 5 ; Kỳ 6
Kết luận là: muốn thực hiện tốt các giải
pháp của phát triển, chỉ có một con đường là phải tiến hành cải cách chính trị
và bắt đầu từ cải cách chính trị, trong đó khởi sự từ cải cách Đảng. Mà như thế
trên thực tế không phải là xoá đảng, mà là cứu Đảng khỏi bàn tay đao phủ của
tha hoá, cải tạo cái đảng duy nhất đang nắm vận mệnh đất nước trong tay thành
đảng của dân tộc, ngăn chặn bằng được nguy cơ Đảng tha hoá tiếp không sao cứu
vãn được, để cuối cùng sẽ chỉ còn lại là một lực lượng chính trị khủng khiếp
đối kháng với dân tộc.
Xin thưa, trả lời của chúng tôi về câu hỏi
có muốn xoá Đảng hay không như vậy đã rõ chưa ạ?
Hội trường vỗ tay thay cho câu trả lời.
Yến nói tiếp:
– Tôi xin trả lời câu hỏi thứ hai: Có phải chúng tôi đòi
đa nguyên đa đảng không?
Xin thưa, chúng tôi yêu cầu nhiều thứ cao
hơn đa nguyên đa đảng ạ. Cao hơn rất nhiều! Quan trọng hơn rất nhiều!
Giáo sư Hoàng Quốc Tuý đã nói lên rất rõ 3
(ba) yêu cầu bức thiết của cải cách chính trị: phải cải tạo Đảng trở thành đảng
của dân tộc, phải xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ trong đó quyền lực nhà
nước là tối cao và thuộc về nhân dân, phải xây dựng được một Chính phủ với bộ
máy chính quyền bảo đảm những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội tốt nhất
cho tiến hành thành công cải cách chính trị và có năng lực mở đường cho đất
nước ta phấn đấu trở thành nước phát triển.
Mặc dù phải xây dựng Hiến pháp mới, song
chúng tôi đòi phải thực hiện ngay những quyền công dân và mọi quyền con người
đã ghi được trong Hiến pháp 2013.
Nhằm phát huy trí tuệ và quyền năng của
công dân, chúng tôi đòi phải thực hiện ngay quyền tự do ngôn luận, quyền biểu
tình, quyền lập hội. Đặc biệt là phải sớm có luật trưng cầu dân ý để nhân dân
có tiếng nói quyết định về những vấn đề đại sự của quốc gia.
Về vấn đề đa nguyên, đa đảng, tôi xin phép
nêu lên suy nghĩ thế này: Đây là đòi hỏi tất yếu của một thể chế chính trị dân
chủ, không thể khác được. Là nước đi sau, nước ta có lợi thế từ kinh nghiệm của
cả thế giới và của chính mình, làm sao xây dựng nên được một thể chế chính trị
đa nguyên và đa đảng của trí tuệ, của dân chủ và của phát triển, loại bỏ ngay
từ đầu mọi nguy cơ của đa nguyên đa đảng của hỗn loạn.
Ngày nay tiến bộ của khoa học, sự phát
triển của trí tuệ, đặc biệt là sự phát triển của giáo dục, hoàn toàn cho phép
nước ta tận dụng lợi thế nước đi sau để xây dựng nên một thể chế chính trị đa
nguyên đa đảng của phát triển như thế. Về tầm nhìn dài hạn, chế độ chính trị đa
nguyên đa đảng còn phải thường xuyên được đổi mới, củng cố và phát triển trên
nền tảng thường xuyên phát huy yếu tố con người trong quá trình phát triển kinh
tế - chính trị - văn hoá xã hội của đất nước. Sự thật, đây cũng là quá trình
xây dựng và vận hành thể chế chính trị đa nguyên đa đảng của các nước phát
triển.
Là nước đi sau, nước ta không cần “copy”
hay nhập khẩu thứ đa nguyên đa đảng cứ vài ba năm lại đảo chính một lần làm hỗn
loạn đất nước, hoặc thứ đa nguyên đa đảng luôn luôn nói chuyện với nhau bằng
bạo lực và bạo loạn.
Nhất thiết phải tiến tới một thể chế chính
trị đa nguyên đa đảng của trí tuệ, dân chủ và phát triển như một số nước phát
triển đã xây dựng được. Song ngay bây giờ còn quan trọng hơn thế, là nhất thiết
phải xây dựng bằng được những điều kiện không thể thiếu cho việc thiết lập một
thể chế chính trị đa nguyên đa đảng như thế.
Hiến pháp mới, Toà án Hiến pháp và sự thực
thi nghiêm minh luật pháp phải trở thành nền tảng và công cụ cho việc xây dựng
và bảo đảm sự vận hành của một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng như thế.
Đây là những việc phải làm ngay trong nhiệm kỳ của Đại hội Đảng khoá tới, mặc
dù lúc này chưa nên đặt ra vấn đề lập các đảng phái mới, chúng tôi nghĩ như
vậy.
Để đẩy nhanh tiến trình hình thành và ra
đời thể chế chính trị đa nguyên đa đảng trong phạm vi thời gian của nhiệm kỳ
khoá tới hoặc muộn lắm là kéo dài thêm một hai năm nữa, chúng tôi kiến nghị Đại
hội khoá tới này phải ghi vào chương trình nghị sự và giao cho Ban Chấp hành
Trung ương khoá tới thực hiện: Đó là nhiệm vụ xây dựng xong trong nhiệm kỳ tới
và trình Quốc hội thông qua Luật về đảng phái chính trị của nước ta. Cần thì
thực hiện trưng cầu dân ý để bảo đảm chất lượng của Luật. Đảng của chúng ta hôm
nay sẽ là người đầu tiên chịu sự ràng buộc và chịu tuân thủ Luật này, sau đó
các đảng mới ra đời cứ thế mà làm theo.
Vị đại diện lãnh đạo chồm hẳn lên, tay chỉ
thẳng vào Yến:
– Xin lỗi bà Yến. Bà nói gì? Luật về đảng phái chính trị cho Đảng
Cộng Sản Việt Nam
hiện nay?
Yến:
– Thưa vâng.
– Đảng cũng phải chịu sự phán xét của Luật này? –
vị đại diện lãnh đạo.
– Thưa vâng. Đảng phải tuân thủ Hiến pháp, chịu sự phán
xét của Toà án Hiến pháp và và chịu mọi ràng buộc của Luật về các đảng phái
chính trị, như bất kể một đảng chính trị khác nào đó sẽ ra đời trong tương lai.
Nhà nước pháp quyền dân chủ bắt buộc đảng phái chính trị…
Yến chưa kịp
nói hết câu, vị đại diện lãnh đạo bỗng dưng nấc liên tục, mặt tím tái dần, rồi
ngã phủ phục xuống bàn bất tỉnh. Người bác sĩ riêng ngồi phía sau nhảy vọt lên,
vội lấy ống xịt thuốc chống hen… Xong các động tác cần thiết cấp cứu tại chỗ,
người bác sĩ riêng lệnh cho sĩ quan bảo vệ vị đại diện lãnh đạo gọi xe cấp cứu…
Hội trường im phắc.
Chưa đầy mươi phút sau, xe cấp cứu đưa vị
đại diện lãnh đạo đi bệnh viện… Hội trường rì rào một lúc rồi trở lại trạng
thái bình thường.
Vị lão thành cách mạng dõng dạc:
– Chúng ta chúc bệnh nhân mau bình phục. Đối thoại của chúng ta
tiếp tục.
Tôi xin phép vừa hỏi, vừa nói lên tâm tư của mình.
Xin hỏi thật lòng bà Yến và giáo sư Tuý, ý
tưởng cải cách và kiến nghị cách tiến hành Đại hội của các vị như thế có ảo
tưởng không? Đến nay mọi chuyện chuẩn bị Đại hội đã an bài rồi, chỉ còn dang dở
mỗi vấn đề nhân sự thôi. Đại hội nào chẳng thế. Ván đã đóng thuyền đến mức này
rồi mà các vị vẫn còn mong ước hão huyền như vậy sao? Đã bốn mươi năm rồi mà
không thể làm nổi cải cách chính trị, bây giờ làm được hay sao? Cho đến bây
giờ, cứ ai đụng vào cải cách chính trị là bay luôn! Làm đến ông trời cũng
bay!.. Chẳng lẽ các đồng chí không biết những chuyện này à?..
Tôi thừa nhận sáng kiến Đại hội trực tiếp
bầu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước là mới, táo bạo lắm, chí lý lắm. Nhưng
chuyện này chưa hề có tiền lệ, nên càng ảo tưởng trăm lần! Có bói cũng không ra
người như thế đâu để mà bầu trực tiếp. Mà ngay cả thực hiện được bầu trực tiếp,
chắc gì hay lấy gì bảo đảm người được bầu sẽ làm đúng sứ mệnh được giao hả các
đồng chí? Không phải bây giờ, mà từ lâu rồi, nhất là từ Hội nghị Trung ương 4,
vấn đề nhân sự là vấn đề số một của Đại hội tới, đến hôm nay vẫn chưa thể nói
là đã có câu trả lời yên tâm. Tôi lo lắm.
Yến:
– Thưa lão đồng chí, thưa cử toạ.
Chúng tôi cũng lo lắng như lão đồng chí. Thú thật, chúng tôi cũng tự biết kiến
nghị của chúng tôi là ảo tưởng, còn tệ hơn cả ảo tưởng.
Kính thưa lão đồng chí và cử toạ, chúng
tôi không một chút mơ hồ về ảo tưởng của mình, nhưng chúng tôi quyết mạo hiểm!
Tìm con đường sống cho đất nước, đòi hỏi phải mạo hiểm!
Xin cho phép tôi giãi bày từng điểm về suy
nghĩ của lão đồng chí.
Trước hết, nếu chấp nhận mạo hiểm, thì
không thể có chuyện ván đã đóng thuyền được ạ. Hiển nhiên là, đến nay hoàn toàn
chưa có thảo luận dân chủ, thẳng thắn và trung thực trong Đảng về hiện tình đất
nước và cục diện thế giới hôm nay. Không làm việc này làm sao tiến hành Đại hội
một cách nghiêm túc được ạ? Nên xin toàn Đảng phải có tiếng nói của mình: Hoàn
toàn chưa có và không thể cho phép có chuyện ván đã đóng thuyền, phải trở về
với sự thật trước đã, trước khi Đại hội làm tiếp các việc khác.
Thưa lão đồng chí và cử toạ, hiện nay
trong hàng ngũ những đảng viên tâm huyết với đất nước, đặc biệt trong giới lão
thành, trong giới nhân sĩ trí thức, trong những người quan tâm khác… đều có
chung lo lắng: Chưa thấy gương mặt nào có thể gửi gắm vận mệnh của đất nước,
của Đảng, mà Đại hội đến sát nút rồi!.. …
Đúng là bế tắc thật, tìm người có sẵn như
vậy là hoàn toàn không thể ạ.
Nhưng chẳng lẽ đánh bó tay chịu chết hay
sao ạ?
Cho nên chỉ còn con đường phải xem lại
cách tìm và cách chọn người vậy, chứ không thể tìm người có sẵn...
Chúng tôi đã tranh luận với nhau rất nhiều
về con đường tìm và chọn này rồi ạ. Chúng tôi đi tới kết luận: Cứ thảo luận dân
chủ và trung thực về tình hình và nhiệm vụ, về lối ra, giải pháp, chắc chắn sẽ
bật ra được việc tìm thế nào và chọn thế nào, rồi Đại hội sẽ làm lộ diện được
các ứng viên cho việc bầu ai.
Xin lưu ý cho, trong trình bày của mình,
giáo sư Tuý đã nhấn mạnh một điểm rất quan trọng: Thảo luận dân chủ và trung
thực về đất nước và về Đảng cả giai đoạn 40 năm qua là để tìm lối ra về đường
lối, chính sách, chiến lược và các bước đi cho hôm nay, tuyệt đối không được
lạm dụng vào chuyện xử lý cá nhân. Tiến hành Đại hội như thế, sẽ bật ra được
cách tìm và chọn nhân sự. Không thể tìm và chọn theo cách có sẵn, càng không
thể tìm và chọn theo mâm bát được Bộ Chính trị hay nhân danh Bộ Chính trị khoá
này bày ra được ạ.
Đương nhiên theo quy định, Ban Chấp hành
Trung ương và Bộ Chính trị khoá hiện tại có nhiệm vụ phải chuẩn bị tốt nhất cho
Đại hội tới mọi việc. Song mọi việc chuẩn bị này dù hoàn hảo đến mức nào đi nữa
cũng không thể thay thế trách nhiệm và chức năng của Đại hội.
Hơn thế nữa, Đại hội trực tiếp tìm và chọn
bằng dũng cảm đối mặt với sự thật, bám sát cuộc sống. Tìm và chọn như thế chẳng
lẽ không đáng tin cậy hơn, không tốt hơn chọn mâm bát đã bày sẵn hay sao?
Đừng, xin dứt khoát không được phó mặc
quyền và trách nhiệm cao nhất của Đại hội cho mâm bát đã bày sẵn như thế! Đại
hội chọn mâm bát đã bày sẵn, sẽ là: chính Đại hội vi phạm Điều lệ Đảng và sẽ
phạm trọng tội với đất nước, với Đảng!
Cử toạ vỗ tay rầm rầm hưởng ứng. Yến phải
chờ một lát:
– Thưa lão đồng chí và cử toạ, tôi
xin phép nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề đạo đức liên quan đến việc tìm và
chọn của Đại hội tới như vừa trình bày.
Nếu đưa ra những đòi hỏi về tiêu chuẩn
phẩm hạnh, dù là lý tưởng hay cao siêu đến thế nào đi nữa, song trong thâm tâm
chỉ nhằm kiềm chế, loại nhau, trói buộc nhau, đặt xuống dưới việc lớn của Đảng
và của đất nước, làm như thế là không có đạo đức.
Nếu lấy lý trí vượt qua mọi riêng tư, dựa
trên dũng cảm đối mặt với tình hình và nhiệm vụ đang đặt ra cho đất nước, quyết
tìm ra giải pháp khả thi và tối ưu cho Đảng, cho đất nước, xin nhấn mạnh là
giải pháp khả thi và tối ưu trong thực tế của Đảng và của đất nước, chứ không
phải là những điều trừu tượng hay hão huyền nào, làm như thế là có đạo đức. Làm
như thế sẽ tìm được và chọn được.
Trong Đảng chẳng có sẵn siêu nhân nào cho
Đại hội lựa chọn đâu ạ. Chắc Đảng cũng chẳng muốn đem một siêu nhân nào ngoài
đời vào, nếu có. Cho nên, nhìn rõ được sự thật và những vấn đề phải giải quyết,
trong quá trình thảo luận quyết sách, sẽ thấy được ai trong những nhân vật hiện
hữu nắm bắt được nhiệm vụ đại hội đề ra và có những tố chất thực hiện. Quá
trình này sẽ làm bật ra những gương mặt cho tìm và chọn, đồng thời cũng dẫn tới
cách tìm và chọn tối ưu trong hoàn cảnh cho phép.
Tôi cũng xin lưu ý, sông có khúc, người có
lúc. Khi Thuý Kiều và Từ Hải đến được với nhau, thân phận phù du của Thuý Kiều
trở thành quan toà, còn Từ Hải trở thành người thực thi công lý! Cái thực tế
Thuý Kiều và Từ Hải đến được với nhau tạo ra sự thay đổi như thế. Con người là
như thế! Và như thế mới là biện chứng!
Tại Đại hội tới này, cái đến được với nhau
như thế, chính là Đảng phải tự lột xác để đến với sự thật, trở về với dân tộc!
Tiếng vỗ tay rầm rầm.
Thưa lão đồng chí và cử toạ,.. – Yến nói
tiếp: Lịch sử ra đời của Đảng ta vốn dĩ là vì dân tộc. Quá trình chiến đấu ra
sống vào chết của nó là vì dân tộc và được nhân dân nuôi nấng, bảo vệ. Một đảng
như thế ngày nay chẳng lẽ không có khả năng trở về với dân tộc?
Lão đồng chí lo lắng, giả thử người được
Đại hội chọn không làm nổi hoặc thậm chí có thể phản lại sứ mệnh được trao thì
sao? Hoặc thậm chí sự lựa chọn của Đại hội sẽ bị Trung Quốc quyết phá thì sao?
Thưa vâng, đấy là những lo lắng chính đáng và không phải không có khả năng trở
thành hiện thực. Lo lắng như thế, không phải là bi quan. Thật ra, nếu không lo
lắng như thế sẽ là tê liệt nhạy bén chính trị, sẽ là mù quáng! Thiết nghĩ toàn
Đảng và cả nước phải luôn luôn thức với lo lắng này, để quyết sớm xây dựng bằng
được cho đất nước ta cái dĩ bất biến mà giáo sư Tuý đã trình bày.
Cái bảo đảm bất khả kháng cho đất nước
trước bất kỳ nguy cơ hay thách thức nào là: Đảng quyết trở thành đảng của dân
tộc để đời đời đi với dân tộc, nhân dân ta quyết xây dựng bằng được cho tổ quốc
mình một nhà nước pháp quyền dân chủ để thực hiện bằng được quyền của mình làm
chủ đất nước.
Một khi Đảng hôm nay quyết trở thành đảng
của dân tộc, trở về với dân tộc, một khi Đảng của dân tộc nguyện đời đời đi với
dân tộc, một khi nhân dân ta quyết đứng lên thực hiện quyền của mình làm chủ
đất nước trong nhà nước pháp quyền, chắc chắn sẽ đủ sức kiểm soát được mọi tình
huống bất trắc.
Xin thưa lão đồng chí và cử toạ, chúng tôi
chia sẻ hoàn toàn nỗi lo của lão đồng chí. Chúng tôi thừa nhận thực tế là sự
tha hoá 70 năm, 40 năm của Đảng thâm căn cố đế đến tận cấp cơ sở thấp nhất
trong toàn bộ hệ thống chính trị cả nước, không dễ gì khắc phục được. Nhiều
thói hư tật xấu đã cáu kết lại thành những nếp văn hoá tiêu cực, rất khó tẩy
rửa. Nhiều tập quán trong Đảng đã thành các luật còn mạnh hơn luật… Đây là sự
thật. Thậm chí không ít ý kiến cho rằng Đảng này và hệ thống chính trị này
không thể cải tạo được nữa, phải xoá bỏ nó. Suy nghĩ như vậy không phải là phi
lý. Trên thực tế đã ba bốn lần nó xứng đáng được xoá bỏ rồi! Đến nay trên thế
giới cũng chưa có đảng cộng sản nào ở các nước Liên Xô Đông Âu cũ tự thay đổi
được chính mình, mà chỉ có hiện tượng các đảng này tan rã hay bị lật đổ. Đây
cũng là sự thật. Ngay trong thế giới đương đại, không hiếm những cuộc cải cách
đã thành công nhưng cuối cùng lại bị phản bội… Ukraina lúc đầu là như thế, sự
phản bội đã đẩy đất nước đến bờ vực thẳm hôm nay… Rồi đến các võ bẩn của sự can
thiệp từ bên ngoài…
Xin thưa các quý vị, còn một sự thật nữa,
đó là chúng ta cũng có ít nhất hai cách lựa chọn thái độ ứng xử của mình đối
với sự thật:
○ Hoặc là đầu hàng nó, cam chịu chờ chết.
○ Hoặc là quyết hiểu tường tận sự thật, để
hiểu rõ những khó khăn phải vượt qua, để đi tới những quyết định chính xác, khả
thi và tối ưu, để đủ lý trí tiến hành tuần tự từng bước theo hướng của phát
triển, tất cả cho xây dựng cái dĩ bất biến làm nền tảng, tất cả cho quyết tâm
tìm đường sống.
Thiết nghĩ nên thảo luận dân chủ, công
khai trên các diễn đàn học thuật trong cả nước: Đất nước ta trong thế giới hôm
nay và bên cạnh một Trung Quốc như vậy, nhân dân ta – đặc biệt là toàn thể đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam – nên lựa chọn cách ứng xử nào đối với sự thật?
Cuộc sống trong thế giới hôm nay cho phép cái gì và không cho phép cái gì?..
Lợi thế nước đi sau cho phép nước ta những lựa chọn tối ưu nào?..
Chúng tôi đã trăn trở hàng chục năm nay,
để hôm nay được nói lên trước toàn thể các quý vị và trước cả nước mong muốn
cháy bỏng của chúng tôi: Thế giới đã sang trang, tình hình đất nước đã sang
trang, khát vọng của nhân dân đổi đời đất nước là sức mạnh, thời và thế đang
đứng về phía đất nước, vì vậy Đại hội Đảng sắp tới này phải là Đại hội của sự
thật, hoà hợp dân tộc và cải cách!
Chúng tôi mong ước cả nước và toàn Đảng
chia sẻ quyết tâm mạo hiểm của chúng tôi!..
Đối thoại kết thúc, vị lão thành cách mạng
đã chia tay mọi người từ lâu, nhưng cử toạ chẳng ai muốn ra về.
Mọi người tự phân ra thành các cuộc toạ
đàm tuỳ nghi, từng đám từng đám… Ngay trong hội trường, trên sân cỏ, trong căng
tin, chung quanh các ki-ốt bia, trong các quán cà-phê của khu vực hội trường…
Cuộc sống do sự thật dấy lên có sức sôi động khác thường… Chỗ nào cũng rất
nhiều lời thán phục và đồng tình với cải cách, lối ra của đất nước... Song cũng
không thiếu những ý kiến đầy lo lắng, hoài nghi khả năng hiện thực của cải
cách…
Yến và giáo sư Tuý cũng phải nán lại với
họ một hai tiếng nữa rồi mới dứt áo ra về được.
Trời đã tối.
Trong xe từ Hội trường câu lạc bộ Thống
Nhất trên đường về nhà, Yến tới tấp nhận được điện thoại của Vũ, Bảo Vân, Khái,
Lan… gọi từ trong Thành phố ra: Phạm Trung Trung Nam đã bị công an đánh chết
trong lúc tạm giam! Thạch vẫn chưa được thả.
Cả bầu trời sập xuống.
Yến run bắn người, vì trong đầu sục
sôi: …Polpot đã giết chồng ta! Hải tặc giết em ta! Hôm nay công an cộng
sản giết con ta! Trời ơi, sao chúng mày ác thế!..
Ngay đêm hôm đó Yến bay vào Thành phố…
Khoảng vài giờ đồng hồ sau cái tin đầu
tiên trên mạng tinhthuong.com loan báo sự việc thầy giáo Phạm Trung Trung Nam
bị công an đánh chết trong lúc tạm giam, học sinh tại nhiều trường đại học,
trường phổ thông trong Thành phố tự động làm lễ truy điệu, post lên mạng những
hình ảnh và tiếng nói quyết liệt..
Đến buổi trưa, rồi đến chiều, các lễ truy
điệu tự động như thế lan dần ra các tỉnh và thành phố khác.
Sang ngày hôm sau, các cơn bão mạng dấy
lên các cuộc bãi khoá trong nhiều trường khắp cả nước. Đất nước xôn xao.
Ngay trong ngày, công nhân các xí nghiệp
của tập đoàn PH cũng chủ động làm lễ truy điệu Phạm Trung Trung Nam .
Nhiều xí nghiệp cả ba miền Bắc, Trung Nam làm theo.
Sang ngày thứ ba, báo Tuổi trẻ hôm nay và
báo Thanh niên của dân tộc, hai tờ báo lớn nhất quốc gia phá rào, ra số đặc
biệt kèm theo phụ trương, dấy lên cơn đại hồng thuỷ. Nhiều báo chí chính thống
khác tự tháo gông làm theo. Ngày càng nhiều báo chí làm theo…
Liên tiếp tuần này sang tuần khác các con
lũ quét của sự thật phá tan tành nhiều thành trì của dối trá, quật lên mặt đất
trỏng trơ các xác thối của tội ác và tham nhũng…
Đất nước chuyển mình trong lũ…
Hà Nội, Võng Thị, những ngày
Tháng Tư năm 2015.
Cuộc sống của tiểu thuyết. Toàn bộ tên các
nhân vật, địa danh, sự kiện, sự việc, thời gian, không gian và mọi thứ khác…
trong tiểu thuyết đều thuộc về đời sống trong tiểu thuyết và chỉ có trong tiểu
thuyết mà thôi; mọi sự trùng lặp với đời sống thực ngoài đời nếu xảy ra, đều là
và chỉ là ngẫu nhiên.
Nguyễn Trung/(Diễn Đàn)/Trích từ "LŨ"-Tiểu thuyết chính luận/
------------------
1. Ước đoán theo các số liệu thống kê thu thập được, tổng các
nguồn lực đưa vào 30 năm (1986 – 2015) công nghiệp hóa ở nước ta ước khoảng 350
- 400 tỷ USD, hoặc có thể hơn nhiều. Những nguồn lực này bao gồm: đầu tư trong
nước, FDI, kiều hối, ODA và các loại hình viện trợ khác nhau.
2. Chỉ số chứng khoán lúc cao điểm nhất ở TPHCM là khoảng 1300
điểm, nhiều năm gần đây đến hôm nay chỉ còn >600 điểm, ở Hà Nội các chỉ số
này là khoảng 300 điểm, nhiều năm gần đây đến hiện nay là >60 điểm.
3. “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh
thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc
dưới đây:
- 3a. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm
cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu
nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần
“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua
hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho
Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc
phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc,
góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
- 3b. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng
cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu
cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận
thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ
chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản
và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên
Biển.
- 3c. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên
biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo
cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của
“Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt
Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.
Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên
tranh chấp khác.
- 3d. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp
cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối
xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang
tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai
bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát
triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
- 3e. Giải quyết các vấn đề trên biển theo
tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân
định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp
tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh
vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm,
cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ
lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề
khó khăn hơn.
-3g. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ
Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ
chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí
thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để
kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển”. (TTXVN/Vietnam+)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2121-tha-thun-vit-trung-v-nhng-nguyen-tc-c-bn-ch-o-gii-quyt-vn-
4. Vùng biển tranh chấp với Nhật, liên quan đến nhóm đảo Senkacư
của Nhật.
5. Code of Conduct – có
tình ràng buộc cao và nhằm thay thế DOC (The Declaration on the Conduct of
Parties in the South China Sea ) năm 2004.
6. Tìm xem: Nguyễn Trung, tiểu thuyết Dòng đời, sách đã dẫn.
7. Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, tiểu thuyết Dòng đời, xuất bản
năm 2006, quyển một, tập 2, chương “Nước đứng”, tr. 498 – 499, nhân vật đại tá
Phạm Trung Nghĩa đã phân tích trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược còn
chứa đựng 5 – 6 cuộc chiến tranh khác mang tính chất chiến tranh ủy thác, và
đặc biệt nghiêm trọng là có cuộc nội chiến Bắc – Nam. Yến tán thành nhận định
của ông Nghĩa, đem chia sẻ với nhiều người và được chấp nhận, song ai cũng dặn
Yến: Nói với nhau thì được, nói công khai sẽ bị quy kết là phản động đấy, rất
nguy hiểm…
8. Tìm xem “Appeasement Policy” trên Google – Wikipedia.
9. Gọi là chính phủ Vichy
(1940 – 1944), vì đặt thủ đô Pháp ở vùng này.
10. Vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc giáp ranh với Áo, 1938 bị sáp nhập
vào nước Đức Quốc xã do chính sách xoa dịu của thủ tướng Anh Neville Chamberlain.
--------------
Hoan nghênh bác Nguyễn Trung đã viết một tác phẩm có giá trị thực tế đối với đất nước Việt Nam chúng ta.
Trả lờiXóaGiàn lãnh đạo bảo thủ giáo điều cần phải đọc hiểu và thực hiện. Ánh sáng là đây, nhân tài là đây, biện chứng là đây, sao phải cứ mò mẫm tìm tòi ở đâu với mớ lý thuyết hổ lốn vô thần Mác Lê lỗi thời cho khốn khổ.