(Kỳ 1)
*
PIERRE BOURDIEU
(Nguyễn Duy Bình - dịch)
“Nhiều thị trường hơn là nhiều công bằng hơn”…Bằng
quyền lực gần như tuyệt đối, một thứ quyền lực chi phối các tập đoàn truyền
thông lớn, có nghĩa là chi phối toàn bộ các công cụ sản xuất và phát hành các
sản phẩm văn hóa, những ông chủ thế giới mới đang hướng đến việc thâu tóm tất
cả các quyền lực kinh tế, văn hóa và biểu trưng, những quyền lực mà trong phần
lớn các xã hội luôn mang tính riêng biệt, thậm chí đối lập, và như vậy, họ có
khả năng áp đặt trên quy mô lớn thế giới quan của họ cho phù hợp với quyền lợi
của mình.
BVB - Nhà xã hội học Pierre Bourdieu (1930 –
2002) nổi tiếng người Pháp, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với ngành khoa học xã
hội và nhân văn ở Pháp cũng như ở các nước khác trên thế giới. Ông chiếm giữ
một vị thế nổi trội giữa làng xã hội học Pháp, là người đứng đầu bộ môn xã hội
học trường Cao đẳng nước Pháp (Collège de France), người sáng lập và chủ bút
tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales (Biên bản nghiên cứu về khoa
học xã hội), tác giả của những sách bán chạy nhất hiếm hoi về xã hội học, người
đứng đầu một “trường phái”, ông đã và đang còn là một gương mặt đáng chú ý nhất
của xã hội học Pháp. Pierre Bourdieu |
Với các khái niệm như tập tính, trường, bạo lực biểu
trưng, P. Bourdieu đã có các công
trình nghiên cứu các yếu tố văn hóa và biểu trưng, đồng phê phán kịch liệt sự
xâm lăng của “cơ ché thị trường” vào lĩnh vực văn hóa. Bourdieu nhấn mạnh
đến những xâm thực trái chiều, co skhi như sự ‘phá ngang’ của cơ chê
sthị trường đối với văn hoa svà đạo đức xã hội. tầm quan trọng của.
Bài tham luận mà nhà xã hội học này đã trình bày tại Diễn đàn quốc tế về văn
học, được tổ chức tại Seoul từ ngày 26 đến 29 tháng 9 năm 2000 và đã được in
trong cuốn Contre-feux 2 dưới nhan đề “VĂN HOÁ LÂM NGUY” (la culture en
danger).
Tôi đã thường cảnh báo ý đồ và tham vọng của các
chuyên gia khoa học xã hội khi họ lôi ra những tệ nạn của ngày hôm nay và của
mai sau để mà lên án. Tôi đã phải vượt qua những giới hạn mà mình đã tự xác
định nhân danh ý niệm về tính khách quan mà dần dà bản thân tôi thấy như một
hình thức kiểm duyệt. Chính vì thế mà ngày nay, trước những nguy cơ đang đè
nặng lên nền văn hóa, những nguy cơ mà rất nhiều người không hay biết, kể cả
những nhà văn, nghệ sĩ và học giả là những người liên quan đầu tiên, tôi thấy
cần thiết phải cho phổ biến thật rộng rãi, càng rộng rãi càng tốt, cái mà theo
tôi là giác độ nghiên cứu tiến bộ nhất về hậu quả của cái được gọi là toàn cầu
hóa đối với văn hóa.
Tôi đã miêu tả và phân tích (nhất là trong cuốn
sách Quy tắc nghệ thuật của tôi) tiến trình tự
trị hóa lâu dài và kết cục của nó là sự hình thành, trong một số nước phương
Tây, những thế giới xã hội thu nhỏ mà tôi gọi là những trường, trường
văn học, trường khoa học hay trường nghệ thuật; tôi đã chỉ ra rằng những vũ
trụ này tuân theo những quy luật riêng của chúng (đây là nguyên nghĩa của khái
niệm tự trị), khác với những quy luật của thế giới xã hội xung quanh, nhất là
về phương diện kinh tế, ví như trường văn học hay trường nghệ thuật thường
tránh được quy luật về tiền và lợi nhuận, ít nhất là trong lĩnh vực tự trị của
chúng. Tôi cũng đã luôn nhấn mạnh về việc tiến trình này không phải là một kiểu
phát triển tuyến tính và được định hướng theo kiểu Hégel, và quá trình hướng
tới tính tự trị có thể bị gián đoạn, bất ngờ, như chúng ta đã từng chứng
kiến điều đó mỗi khi mà các chế độ độc tài được thiết lập, những chế độ có khả
năng cắt đứt những thế giới nghệ thuật với những cuộc chinh phục
trong quá khứ của chúng. Nhưng, trong các nước phát triển, điều đang xảy ra
ngày hôm nay với thế giới sáng tạo nghệ thuật là cái gì đó hoàn toàn mới
mẻ, và thực sự chưa bao giờ có trong lịch sử: quả như vậy, sự độc lập trong
việc sáng tạo và lưu hành các sản phẩm văn hóa trước những đòi hỏi về kinh tế,
một sự độc lập khó khăn lắm mới có được, giờ đang bị đe dọa, ngay trong nguyên
lý của mình, bởi sự thâm nhập của logic thương mại vào mọi giai đoạn
sáng tạo và phát hành các sản phẩm văn hóa.
Các nhà tiên tri tân phúc âm theo chủ-nghĩa-tự-do-mới
tuyên bố rằng, về văn hóa cũng như về các lĩnh vực khác, cơ chế thị trường chỉ
mang lại ích lợi mà thôi. Một mực không thừa nhận tính đặc thù của các sản phẩm
văn hóa một cách tường minh hay hàm ẩn, ví như về sách chẳng hạn (họ không chịu
chấp nhận bất cứ hình thức bảo hộ nào), họ khẳng định, chẳng hạn, rằng những
thành tựu mới mẻ về khoa học công nghệ và sự đổi mới về kinh tế vốn khai thác
tối đa những thành tựu đó sẽ chỉ có thể làm tăng số lượng và chất lượng của các
sản phẩm văn hóa, và như vậy làm tăng luôn cả mức độ thỏa mãn của người tiêu
dùng, dĩ nhiên với điều kiện tất cả những gì được những tập đoàn truyền thông
tích hợp cả công nghệ và kinh tế cho lưu hành, có nghĩa là vừa cả các thông
điệp truyền hình cũng như sách vở, phim ảnh, trò chơi, thường được gộp dưới cái
tên thông tin, được xem như một thứ hàng hóa nào đó, và do vậy được đối xử
như bất cứ sản phẩm nào, và tuân theo quy luật lợi ích kinh tế. Như vậy, việc
phát triển ồ ạt của các kênh truyền hình kỹ thuật số theo chủ đề hẳn đã kéo
theo sự “bùng nổ của truyền thông tự chọn” (explosition of media choices”) đến
mức tất có thể nói cầu được ước thấy, mọi nhu cầu và thị hiếu dường như đều
được đáp ứng: kể cả về những mặt này, quy luật lợi nhuận sẽ mang tính dân chủ,
vì nó thừa nhận những sản phẩm được số đông yêu thích. Tôi có cỡ hàng chục
trích dẫn, đôi khi được sử dụng nhiều lần, để làm cơ sở cho những khẳng định
của tôi.
Ví dụ duy nhất,
đúc kết được những gì tôi vừa nói, được mượn của Jean-Marie Messier: “Hàng
triệu công ăn việc làm đã được tạo ra ở Mỹ nhờ vào sự giải phóng toàn bị
lĩnh vực viễn thông và nhờ vào công nghệ tuyền thông. Nước Pháp phải học theo
Mỹ về lĩnh vực này! Tính cạnh tranh của nền kinh tế và công ăn việc làm của con
em chúng ta đang bị thử thách. Chúng ta phải thoát khỏi sự sợ sệt, ra sức cạnh
tranh và sáng tạo.”
Những lập luận này có giá trị gì? Trái ngược với huyền
thoại về sự đa dạng, phong phú của các sản phẩm là sự đồng nhất các sản phẩm, ở
bình diện quốc gia cũng như quốc tế: sự cạnh tranh không đa dạng hóa mà đồng
nhất hóa, ý đồ khai thác tối đa người tiêu dùng đã đưa các nhà sản xuất đến
việc tìm kiếm các sản phẩm tàu chợ, có giá trị cho mọi thành phần công
chúng và cho mọi quốc gia, bởi vì không được đa dạng hóa và góp phần đa
dạng hóa, ví như phim ảnh Hollywood, telenovelas, phim truyền hình
dài tập, soap opéras, phim trinh thám nhiều tập, nhạc thương mại, kịch đại
lộ hay kịch Broadway, sách bán chạy (best-sellers) được phát hành khắp thế
giới, tuần báo dành cho mọi đối tượng. Ngoài ra, sự cạnh tranh, với sự tập
trung của bộ máy sản xuất và lưu hành, đang tuột dốc không phanh: nhiều hệ
thống truyền thông đang có xu hướng phát hành cùng thời điểm một loại sản phẩm
được ra đời từ sự tìm kiếm lợi nhuận tối đa với những đầu tư tối thiểu. Sự tập
trung các tập đoàn truyền thông dẫn đến sự sát nhập theo phương thẳng
đứng, như thể phát hành đi trước sản xuất theo sau, áp đặt một sự kiểm
duyệt bằng tiền thuần túy.
Có thể lấy ví dụ như sự sáp nhập mới đây giữa Viacom
và CBS, một tập đoàn hướng tới việc sản xuất nội dung và một tập đoàn hướng tới
việc phát hành. Sự tích hợp các hoạt động sản xuất, khai thác và phát hành kéo
theo sự lạm dụng cậy quyền cậy thế, tạo điều kiện thuận lợi cho phim nhà phát
triển: Gaumont, Pathé và UGC đã chiếu 80% phim độc quyền có mặt trên thị trường
Paris: cũng cần phải nêu ra đây sự phát triển rầm rộ của các cụm rạp chiếu
bóng (multiplexe), hoàn toàn phục tùng các yêu sách của các nhà phát hành
phim. Các nhà này cạnh tranh bất chính với các rạp chiếu phim nhỏ và độc lập,
thường có nguy cơ phải đóng cửa.
Thế nhưng điều quan trọng nhất, đó là sự coi trọng
doanh thu, việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa trong thời gian sớm nhất và tính
“thẩm mỹ” từ đó mà có càng ngày càng có một sự chi phối rộng rãi lên tất cả mọi
sản phẩm văn hóa. Hậu quả của chính sách như vậy hoàn toàn giống với những hậu
quả gặp phải trong lĩnh vực xuất bản, lĩnh vực này cũng có sự tập trung quyền
lực rất cao: ví dụ như ở Mỹ, ngoài hai nhà xuất bản độc lập: W.W. Norton
và Houghton MIFFLIN, một vài tạp chí đại học (càng ngày càng chịu chi phối bởi
nhu cầu tài chính) và một số nhà xuất bản nhỏ có tinh thần “chiến đấu”,
việc kinh doanh sách nằm trong tay tám tập đoàn truyền thông khổng lồ.
Không chút lập lờ, một số nhà xuất bản phải hướng đến
doanh thu, và hậu quả, bên cạnh các hậu quả khác, là sự xâm lấn của các ngôi
sao truyền thông trong giới tác giả và sự kiểm duyệt qua đồng tiền. Điều này
thể hiện rõ nhất ở chỗ, vì được sát nhập vào các tập đoàn đa phương tiện lớn,
các nhà xuất bản phải đạt được lợi suất rất cao. (Tôi có thể nêu ra ở đây M.
Thomas MIDDLEHOFF, Tổng giám đốc Bertelsman. Theo báo La Tribune, ông
này đã “cho các trung tâm lợi nhuận 2 năm để kiếm ra được hơn 10% lợi nhuận so
với số vốn được đầu tư.) Làm gì mà không thấy được rằng cơ chế lợi nhuận, nhất
là cơ chế kiếm lời ngắn hạn, là sự phủ nhận sạch trơn giá trị văn hóa, vốn đòi
hỏi những đầu tư mạo hiểm, công toi, không biết bao giờ hoàn bổn, và thường
chết rồi thì vốn mới hoàn nguyên?
Điều đáng bàn ở đây là việc tiếp tục cho ra những sản
phẩm văn hóa không hướng tới mục đích thương mại thuần túy và không chấp nhận
những phán quyết của những người đang làm mưa làm gió trong lĩnh vực truyền
thông đại chúng, nhất là bằng quyền lực mà họ đang nắm giữ đối với các phương
tiện truyền thông lớn. Quả vậy, một trong những khó khăn trong cuộc chiến này,
đó là sự tồn tại khả thể những vẻ bề ngoài phản dân chủ, trong khi việc sản
xuất ồ ạt các sản phẩm văn hóa công nghiệp được đại đa số công chúng ủng hộ,
đặc biệt là giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới vì họ tiếp cận dễ dàng hơn (việc
tiêu thụ các sản phẩm này không cần nhiều vốn văn hóa) và cũng bởi vì họ là đối
tượng của hiện tượng đua đòi phản cảm: đúng như thế thật, lần đầu
tiên trong lịch sử, các sản phẩm văn hóa đại chúng rẻ tiền nhất lại được coi
như là những sản phẩm thời thượng trong một xã hội mà kinh tế và chính trị đóng
vai trò thống soái; những thanh thiếu niên mặcbaggy pants,quần dài có đụng trễ
xuống ngang đùi, hẳn không biết rằng thời trang mà họ cho là siêu thời thượng,
siêu hiện đại ấy đã ra đời trong các nhà tù Mỹ, giống như sở thích chạm trổ
vậy!
Điều này có nghĩa là “văn minh” quần jean,
Coca-Cola, McDonald’s không những có quyền lực kinh tế mà còn có quyền lực biểu
trưng. Quyền lực biểu trưng ở đây được thực thi qua một sự lôi cuốn mà bản thân
các nạn nhân có góp phần vào tạo nên. Khi biến trẻ em, thanh thiếu niên, nhất
là những em không có hệ miễn dịch riêng, thành mục tiêu ưu tiên cho chính sách
thương mại, với sự hỗ trợ của quảng cáo và truyền thông, vừa bị ép buộc nhưng
cũng vừa là tòng phạm, các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất và phát hành các
sản phẩm văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, có ảnh hưởng cực lớn, chưa bao giờ có
trong lịch sử, đối với xã hội đương đại trong đó mỗi cá thể như bị trẻ con hóa...
(còn tiếp)
--------------
Đau đầu quá, đọc xong thấy mình ngu!!
Trả lờiXóaVăn hóa văn nghệ VN thậm nguy cấp - thằng cắt tóc đi hát vênh vang, nghe mà muốn xỉu. Nhạc sĩ đại tài thì bị hằn học khi bày tỏ nỗi lòng giùm cho đa số trong xã hội. Cứ mở TV là thấy những người bình thường, hoặc tầm thường, nói tinh nói tướng. Họ tự đắc, trong khi người khác thấy đó thật thảm hại.
Trả lờiXóaSự khiêm tốn của những người hiểu biết nay biến đâu hết rồi?