Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

PGS, TS Trần Ngọc Toản: Tất cả vì Biển Đông yêu dấu

Dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn và gần gũi, đó là cảm nhận của tôi khi lần đầu gặp PGS, TS Trần Ngọc Toản - tác giả của rất nhiều cuốn sách, trong đó Biển Đông yêu dấu (NXB Trẻ) - một tác phẩm đặc biệt truyền đến lớp trẻ tình yêu, sự hiểu biết, kiến thức rộng lớn về biển cả của đất nước mình.
PGS, TS Trần Ngọc Toản là một trong những người Việt đầu tiên được đào tạo về dầu khí, là một trong những người gắn bó lâu dài nhất với ngành dầu khí và đào tạo về dầu khí của Việt Nam.
Duyên nợ với ngành dầu khí
Sinh ra tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cậu bé Toản (lúc bấy giờ tên là Mười) sớm chứng kiến cảnh giặc tàn phá quê hương. Sự chiến đấu, bị bắt bớ, giam cầm, hy sinh của các anh chị ruột, bản thân Mười phải theo bố mẹ vào ở tù từ năm 11 tuổi và bố mẹ cũng mất tại đây đã tiếp thêm lòng yêu nước và căm thù giặc trong lòng cậu bé. 13 tuổi, Mười làm liên lạc cho cách mạng và được đặt tên là Trần Quốc Toản, nhưng cậu tự thấy mình không xứng nên đổi thành Trần Ngọc Toản.
Với những thành tích xuất sắc, Toản được bầu làm chiến sĩ thi đua của Liên khu V, sau đó tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trong chiếc lán tre ở rừng chiến khu Việt Bắc, Toản được ngồi bên cạnh Bác Hồ, được Bác hỏi chuyện về gia đình, bà con làng xóm, về cuộc sống trong vùng tạm chiến và phong trào du kích... Sau đó, Toản tham dự lễ tiếp quản thủ đô, dự Đại hội anh hùng quân đội và được xét duyệt đi học sĩ quan lục quân tại Trung Quốc, nhưng cả chiều cao và cân nặng đều không đủ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đáp ứng nguyện vọng cho Toản đi học lái xe, nhưng cũng không đủ tiêu chuẩn chiều cao và cân nặng. Cuối cùng, Toản được cho đi học văn hóa và cử sang Romania học ĐH Bucharest. Lúc đầu, Toản được cử học ngành bảo quản xăng dầu, nhưng nước bạn không có ngành đó, thế là Toản học khoa Tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Nhà khoa học làm giàu cho đất nước
Sau 7 năm học tập, ông về nước giảng dạy Địa vật lý tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, là một trong những thầy giáo đầu tiên đào tạo cán bộ cho ngành khoa học này ở Việt Nam.
Tiếp sau đó, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, tiếp tục được phong PGS và đặc biệt gắn liền với những bước đi, những công trình nghiên cứu để tìm ra dầu khí, đưa những giọt tài nguyên còn ở sâu trong lòng đất lên phục vụ đất nước. Cuộc đời ông là minh chứng cho việc “Đất nước Việt Nam không chỉ có những cậu bé chăn trâu trở thành chiến binh dũng cảm mà còn có những nhà khoa học biết làm giàu cho Tổ quốc”.
Khi nghỉ hưu, thôi chức Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, ông vẫn miệt mài với việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết bài cho báo chí và đặc biệt theo đuổi nghiên cứu những công trình về dầu khí, quan tâm đến bước phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, nhất là chiến lược phát triển con người. Có lẽ niềm vui của ông đã trọn vẹn khi những người con đều tham gia cống hiến cho phát triển dầu khí, kinh tế của đất nước bằng con đường học hành, thi tuyển. Đó là thạc sĩ Trần Lê Hoàng, phụ trách đào tạo của Ngân hàng quốc tế; Trần Châu Giang là nghiên cứu sinh địa chất dầu khí, hiện là Phó ban Khoa học kinh tế Viện Dầu khí Việt Nam; Trần Liên Phương là thạc sĩ kinh tế năng lượng; Trần Trung Dũng là tiến sĩ dầu khí. Con dâu ông cũng là tiến sĩ hóa dầu.
* Thưa PGS, TS Trần Ngọc Toản, có thể gọi "Biển Đông yêu dấu" là: nhật ký, chuyện kể hay tiểu thuyết?
- Cuốn Biển Đông yêu dấu tôi viết để phục vụ việc triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế biển của Đảng và được in lần đầu vào năm 2008. Bản độc giả có trong tay được tái bản là cuốn đầy đủ nhất, trong đó có viết thêm chương cuối để nêu một vài kết quả của chương trình kinh tế biển đến năm 2011 và một số ý kiến nhận xét riêng của tôi. Ban đầu, tôi muốn viết một cuốn sách phổ biến khoa học về biển nhưng trong quá trình viết thì gặp rất nhiều vấn đề tôi muốn nói thêm với độc giả, nhất là về lịch sử chống ngoại xâm, về tham vọng chiếm Biển Đông của Trung Quốc, về chương trình kinh tế biển... 
Các vấn đề này nếu viết theo thể loại phổ biến khoa học thì sẽ rất khó kết nối logic, đối tượng bạn đọc là học sinh trung học nên cần phải tránh khô khan. Vì vậy, tôi thay đổi cách viết với hy vọng thông qua chuyện kể về một chuyến đi biển trên con tàu khảo sát địa vật lý thăm dò dầu khí để mỗi bạn đọc có thể có trong tay một bảo tàng mini về Biển Đông, góp phần tạo dựng hành trang ban đầu cho những con người sẽ đưa đất nước trở thành một cường quốc biển trong tương lai.

* Ông muốn gửi gắm điều gì đó đến giới trẻ ngày nay?
- Tôi có niềm tin vào bản chất của lớp trẻ: lòng yêu nước thiết tha, lòng tự trọng và tự hào về dân tộc mình, sự thông minh và tài năng cũng như nhiệt tình muốn được cống hiến cho Tổ quốc như thế hệ cha anh của họ.

* "Biển Đông yêu dấu" không chỉ là những kiến thức về địa lý, khoa học lịch sử mà còn có cả vấn đề tài nguyên dầu mỏ, khí đốt. Công việc đã tạo cơ hội để ông tiếp xúc nhiều, hiểu nhiều hơn về biển?
- Nghề nghiệp, công việc của tôi tạo điều kiện cho tôi luôn được tiếp xúc với khoa học, biển đảo, nhiều vùng miền và với những người lao động có kỹ năng cao, những trí thức uyên bác, những thanh-thiếu niên thông minh, đầy khát vọng, tất cả điều đó đã tạo cho tôi nhiều cơ hội học tập, hiểu biết, nhận diện được sự giàu có, đa dạng, đầy tiềm năng về tự nhiên cũng như con người của Tổ quốc mình nhưng chưa được khai thác hoặc chưa được khai thác, sử dụng hợp lý. Tôi cũng được tiếp xúc với nhiều nước, nhiều dân tộc nên có dịp so sánh giữa họ với mình và nỗi đau lớn nhất của tôi là đất nước mình rất được thiên nhiên ưu ái, dân tộc mình không thua kém về trí tuệ nhưng vẫn đang sống trong tốp cuối của các quốc gia trên thế giới. Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ nhanh chóng cải thiện tình hình này.
           
* Ông đến Biển Đông lần đầu tiên là khi nào?
- Lần đầu tiên tôi đi trên Biển Đông dài ngày là vào đầu năm 1955. Sau khi tham gia tiếp quản Hà Nội ngày 10-10-1954, dự lễ mừng Bác Hồ và Chính phủ về thủ đô ngày 1-1-1955, tôi đi về miền Nam bằng đường biển từ Sầm Sơn đến Quy Nhơn. Không phải vất vả như khi hành quân bộ theo đường Trường Sơn ra Việt Bắc đầu năm 1953 nhưng lần này khi còn chưa được ngắm thỏa thích sự bao la của biển cả thì đã say sóng nhừ người. Những điều tôi viết về cảnh cá heo, cá chuồn bay, cảnh biển ban đêm... là những kỷ niệm trong chuyến đi đó. 
Sau này, tôi có nhiều lần ra giàn khoan ở biển miền Nam và miền Trung nhưng đi bằng trực thăng, còn rất ít đi bằng tàu. Trong các chuyến đi đó, tôi nhận ra những con người làm việc trên biển là những người rất dũng cảm, thông minh, khỏe mạnh và rất lãng mạn. Tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thân ái, tự tin và lạc quan là đặc điểm nổi bật trong quan hệ cộng đồng khi đứng trước các thử thách nghiệt ngã.
                  >> Xem  Nguồn 
---------------

1 nhận xét:

  1. Ồ bác Toản giỏi cổ sinh mà lại dạy địa vật lý he!Xin Bác nhận lời chúc sức khỏe từ một đàn em ở IPGG !

    Trả lờiXóa