Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

> Ai không làm được phải thay sớm



               Sáng 23/1, Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng và thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội đã được tổ chức tại Hà Nội.
                   Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trong một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp. Công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm, việc thực hiện kiểm sát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm…”.

“Ở nơi nào tội phạm hoành hành thì phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi kiến nghị, ai không làm được việc, không đáp ứng được nhiệm vụ thì phải thay sớm” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ.

            “Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa còn thấp. Việc điều tra phát hiện và xử lý tội phạm, kiểm soát các hoạt động tư pháp, công tác thực hành quyền công tố còn bỏ lọt tội phạm hoặc vẫn để xảy ra oan sai…” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề.

7 năm chưa tuyên án
             Đánh giá cao sự quyết liệt của các đơn vị trong phòng chống tội phạm thời gian qua, song đại biểu Đỗ Văn Đương cũng kiến nghị cần phải đánh giá đúng mức bối cảnh tình hình thực tế hiện nay. Qua đó cần phải đi vào thực chất, hiệu quả, tránh bệnh thành tích trong phòng chống tội phạm. Đối với vấn đề thi hành án, khi kinh tế gặp khó khăn, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới nguy cơ đẩy số án kỳ sau lên cao hơn.
             Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Luật đề nghị ngành tòa án khắc phục tình trạng án tuyên mà không thi hành được. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, đưa ra các giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhất.
             Đề nghị xem xét lại thực trạng án quá hạn đang tồn tại trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga dẫn dụ hai vụ việc điển hình và rất khó hiểu trong công tác thi hành án. Vụ việc thứ nhất là Phạm Đình Tiến, nguyên thiếu tá Công an Hà Nội bị truy tố tội nhận hối lộ. Tuy nhiên việc điều tra đã 7 năm nay, nhưng vẫn chưa tuyên án được. Vụ thứ hai là Trần Minh Anh, cũng ở Hà Nội, bị tạm giam từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa mở được một lần xét xử nào.
Đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh đến vai trò, 
trách nhiệm của người đứng đầu. 
Ảnh VNN
              Đề cập đến công tác giám định, nữ đại biểu này còn phản ánh tình trạng dư luận bức xúc nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em trong thời gian qua. Các đối tượng gây án xong rồi phi tang xác nạn nhân rất bài bản tinh vi, nhưng khi đưa ra xét xử lại bảo bị tâm thần. “Thực trạng mua bán bệnh án tâm thần đã được báo chí dư luận phản ánh. Nếu để tội phạm lợi dụng nhằm thoát tội sẽ rất nguy hiểm cho xã hội”, bà Nga nói.

Trách nhiệm người đứng đầu
              Chia sẻ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, ông Luật cũng nêu vấn đề: “Theo báo cáo, Bộ Công an đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng chống tội phạm. Nhưng cũng từ đó, cử tri và người dân lại đặt ra câu hỏi: phải chăng trước đây ngành công an chưa quyết liệt? Phải chăng việc trấn áp các loại tội phạm chỉ làm theo phong trào?”.
               Đại biểu Lê Thị Nga cũng tỏ ra quan ngại trước thực trạng gia tăng loại tội phạm cướp giật, lộng hành ở TP HCM. Tuy nhiên thời gian qua Bộ Công an và Công an TP HCM đã rất cố gắng trấn áp các loại tội phạm này. Tương tự là mô hình tổ công tác đặc biệt của Hà Nội cũng rất hiệu quả, cần được nhân rộng, đảm bảo an toàn cho người dân khi ra đường.
              Liên quan đến vấn đề trách nhiệm, bà Nga nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. “Ở nơi nào tội phạm trộm cướp hoành hành thì phải xem xét trách nhiệm quản lý điều hành của người đứng đầu nơi đó. Từ giám đốc công an các tỉnh, thành phố, đến trưởng công an cấp quận, huyện, phường xã phải chịu trách nhiệm. Tôi kiến nghị, ai không đáp ứng được nhiệm vụ thì phải thay sớm”, bà Nga kiến nghị.
                  Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, vấn đề dư luận và cử tri quan tâm nhất vẫn là tính hiệu quả và trách nhiệm của người thanh tra. Ông Quyền phân tích, cùng một vụ việc đoàn thanh tra trước vào làm việc nhưng không phát hiện được gì, nhưng khi đoàn thanh tra sau vào làm việc lại phát hiện ra tiêu cực. Trong trường hợp đó tại sao người đi thanh tra trước lại không phải gánh chịu trách nhiệm gì? Bất cập này cần phải được cụ thể hóa vào luật.   
               Trong bối cảnh tình hình 2013 vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội K’Sor Phước cảnh báo, kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự sẽ có những thách thức mới, phải chủ động đón nhận, huy động sức mạnh của toàn xã hội. Đặc biệt cần khắc phục khuynh hướng mất niềm tin ở cơ quan bảo vệ pháp luật.
                “Chính vì mất niềm tin nên mới sinh ra tình trạng tự xử trong dân, mà điển hình là thực trạng đánh người hội đồng, dẫn đến tử vong” – ông K’Sor Phước cảnh báo.
Nguyễn Dũng (Infornet)
-----------------------

2 nhận xét:

  1. Hùng "hói" vẫn chém gió thế thôi. Cho nên thay vì "thay sớm" phải hiểu rằng "thay muộn" hoặc là "chẳng thay gì".

    Trả lờiXóa
  2. Ai chém gió thì thay hết, hốt luôn, không nói nhiều.

    Trả lờiXóa