Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

> NHỮNG BÔNG GẠO RỤNG XUỐNG


* Minh Diện

              Gần tết năm ngoái tôi về quê, sang nhà bà Sênh. Gọi nhà, chứ thực ra là một mái lều tranh vách đất ở cuối vườn nhà tôi. Đây là căn nhà bố mẹ tôi làm cho vợ chồng bà Sênh từ năm 1956.
                 Đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, căn nhà vẫn tồn tại, già cỗi, ốm yếu như bà Sênh vậy. Tôi gọi “bà Sênh” là gọi thay  con tôi, còn  theo thứ bậc, bà là thím dâu tôi. Người ta nói chú chết thím ra người dưng, nhưng vợ chồng tôi rất thương bà, vì  bà khổ cực, tính tình thẳng thắn và cũng rất thương vợ chồng tôi.

Nhà báo Minh Diện
             Hôm ấy, thấy bà  nằm  co trên giường trùm chăn kín mít, tưởng bà mệt, tôi chạy ra chợ mua cho bà bát canh bánh đa. Sấp ngửa quay về thì đã thấy bà đứng lom khom, hai tay rờ rẫm trên bức vách,  nhìn như  bóng ma. Tôi bước vào bà cũng không để ý, miệng bà cứ lẩm bẩm “đâu rồi, đâu rồi”. Thôi chết, bà lẫn mất rồi? Nghĩ thế, tôi vội  đặt bát canh xuống giường, lay vai bà hỏi:
             - Bà tìm cái gì trên vách thế?
Bà ngoái đầu lại nhìn tôi, nói thủng thẳng:
             - Cái sênh, cái nhị, cái phách chứ cái gì?
              Ờ, đúng rồi, trên chỗ vách ấy, bà Sênh vẫn treo bộ nhạc cụ sênh, phách, sáo, nhị của bà, sao hôm nay không thấy? Tôi ngó quanh, tìm giúp bà. Vừa lúc đó cái Soan cháu ngoại bà  đi đâu về, tôi hỏi:
             - Bộ nhạc cụ của bà đâu  để bà tìm?
              Cái Soan nói:
             - Người ta  mang vào viện bảo tàng rồi. Họ đổi cho bà  bộ mới, bà không chịu,  sinh ốm rồi lẩn thẩn như người mất hồn thế!
               Bà Sênh nói như mếu:
              - Mất hồn thật chứ bỡn à? Hồn của tao trong cái nhị ấy!
             Cái Soan nói:
              - Để mai cháu lên tỉnh đòi lại cho bà!
Bà Sênh  tươi tỉnh lại
              - Thật nhá? Mày mà nói điêu thì chết với bà!
              Tôi nói
              - Nó không dám nói điêu đâu? Bà ăn canh bánh đa đi!
                Bà Sênh nhìn bát canh bánh đa  hỏi tôi:
              - Sao không mua miếng bánh đa ròn?
             Rồi bà hát:
                Canh cua thiếu bánh đa ròn,
   Như trai không vợ, như gái một con không chồng!
 
                Bà Sênh hay ví von như vậy. Những câu hát xẩm  ngấm vào máu thịt bà từ khi nào, nay cứ tự nhiên bật thành lời, câu ví von nào của bà cũng hợp tình hợp cảnh, có ý nghĩa sâu xa.
              Măc dù năm nay bà Sênh đã 86 tuổi  nhưng bà vẫn sắc sảo, hóm hình, đặc biệt giọng hát xẩm trời phú cho bà  ít ngươi sánh kịp.
               Tôi ngồi  xuống  giường, lấy chiếc phong bì, đưa cho bà:
               - Bà ơi, vợ chồng con biếu bà một triệu, muốn ăn gì bà  bảo cái Soan nói mua cho bà ăn!
                   Bà Sênh chửi:
            - Cha bố nhà anh! Tiền ăn cướp ở đâu mà nhiều thế?
                  Tôi cười:
              - Con tài hèn đức mọn, chứ nếu đủ tài đủ đức, con cũng đi ăn cướp để có nhiều tiền!
               Bà Sênh lại chửi:
               - Cha bố nhà anh! Thế hóa ra mấy ông ứng cử làm quan lớn quan bé kia nói đủ tài đủ đức là  cướp à?
                               Quan bé lại đẻ quan to!
                         Bé cướp con bò, to cướp con voi!
              Tôi cưới xí xóa rồi lấy tấm áo dài đưa cho bà:
              - Đây là thấm áo lụa vợ con may cho bà . Bà để dành, khi nào đi gặp ông thì mặc cho ông khen!
             - Cha bố nhà anh! Thế hóa ra anh chị rủa tôi chết cho khuất mắt!
              Tôi vội thanh minh:
              - Chúng con mong bà sống trăm tuổi! Vì ờ tân miền Nam ,chúng con sợ khi bà trăm tuổi không về kịp !
               Bà Sênh cầm chiếc áo lụa điều đưa lên ngắm nghía, rồi nói:
             - Ông mù có nhìn thấy  đâu mà khen?
               Rồi bà cất tiếng hát:
                               Đôi mắt mù lòa,
                               thương ông, đôi mắt mù lòa,
                               nhưng lòng ông sáng, nhưng lòng ông sáng,
                               như là trăng thanh…
             Bà Sênh  hát về ông Hợi, người chồng thương binh của bà đấy. Ông ấy chết năm 1968 trong trận bom Mỹ ném xuống cầu Bo. Bà Sênh rất ân hận vì hôm đó mải bế đứa con hai tuổi  không  dắt ông vào hầm kịp để ông trúng mảnh bom. Bài hát về ông bà tự sáng tác dài lắm, mỗi lần nghe bà hát, tôi lại rưng rưng xúc động. Hình như những cái xui, cái rủi từ những câu hát  nó vận vào người hát xẩm thì phải. Cứ từ bà thìm dâu tôi đây suy ra thì y như vậy.
            Cả cuộc đời bà Sênh gắn với cây nhị, cây hồ, cái sênh, cài phách,  bàn tay bà miết vào dây nhị đã thành chai, ngón chân bà dận phách đã vẹt mòn. Bà nói cũng là hát mà hát cũng như nói, hình nhu những ca từ đã trộn lẫn trong máu thịt bà, cứ ngân lên như tiếng ve, càng sắp đến lúc sức cùng lực kiệt càng da diết. 
             Bà sinh ra là một người tài sắc, nay đã hơn tám chục tuổi , người quắt lại, nhỏ như một đứa trẻ, lưng gù, đầu bạc,  chân tay khẳng khưu như nhánh cây khô, nhưng tiếng hát xẩm của bà vẫn đanh vẫn nẩy,  gương mặt bà  vẫn  thanh thoát, đôi  mắt vẫn ánh lên  những tia hồi quang  tinh anh, sắc sảo . Dường như  nét duyên  thời  con gái tài sắc  vẫn còn lưu luyến?
             Tôi nhớ hơn năm chục năm trước,  khi tôi mới mười tuổi, đã mê tiếng hát xẩm của bà Sênh. Hồi đó bà Sênh mới ba chục tuổi, gương măt trái soan, da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt dao cau lúng liếng, nhìn bà đẹp như cô gái trong bức tranh tố nữ. Mọi người trong làng gọi bà là Xẩm Sênh.
 
              Làng tôi có chợ Chùa, mỗi tháng  sáu phiên. Góc phía Tây chợ có cây gạo cao chót vót, mùa hè hoa nở đỏ rực một góc  trời.
             Ngày ấy, cứ đến phiên chợ, Xẩm Sênh lại trải  chiếu  dưới gốc cây gạo  hát, kiếm tiềm bố thí.  Cô mặc áo tứ thân, phô lườn yếm trắng, đầu  chít khăn mỏ quạ, có chòm tóc đuôi gà, trên trán rẽ đường ngôi thẳng. Trai tráng khắp vùng mê sắc đẹp và tiếng hát của  cô, kéo nhau đến chợ phiên như đi hội. Nhiều phiên  chợ đông  từ sáng đến chiều, người xúm đen xúm đỏ quanh gốc gạo nghe cô Sênh hát. Người xem đông, nhưng thỉnh thoảng mới có người bỏ vào cái rá tre của cô Sênh một đồng xu đã nhàu nát  sự vò sé của lương tâm. Cô Sênh không hờn dỗi, vẫn đàn hát cho đến khi mọi người thương hại,  bỏ  vế hết,  cô mới thôi. Cô Sênh  hát  từ Thập An, Trống Quân, đến Huê tình; từ Phận gái thuyền quyên, Rể lười, Trương Chi, Ngược đời, đến Mười hai bến nước… Tiếng nhị cứ  réo rắt, xoắn xuýt lấy tiếng hát của cô:
                          Con giun cắn cổ con gà
                  Mấy mụ  đàn bà bóp vú đàn ông
                          Hùm nằm cho lợn liếm lông,
                   Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi,
                         Nắm xôi chim nuốt đứa trẻ lên mười;
                  Con gà nậm rượu nuốt người lao đao,
                          Ếch căn cổ rắn bờ ao,
                  Mấy con cào cào đuổi bắt cá rô….
         Rồi:
                            Anh đây phụ cố vô nhân,
                     Thấy em nhan sắc lòng xuân não nùng,
                             Dù em mặt phấn má hồng
                   Dửng dưng anh chằng thèm trông làm gì…
            Cô Sênh đã nhiều lấn kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Bố cô mù từ nhỏ, học nghề hát xẩm kiếm ăn, lấy mẹ cô, một người lòa. Một người mù, một người lòa dắt díu nhau đi hát xẩm, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, nhưng vẫn sinh được ba người con, một gái hai trai. Bố mẹ cô lấy tên mấy thứ nhạc cụ của mình đặt tên con, cô là chị cả tên Sênh, ai đứa em trai là Sáo, Nhị.
             Trong trận lụt năm 1936, nước cuốn trôi mất hai đứa em cô Sênh, rồi một năm sau bố cô chết. Lúc đó cô mười hai tuổi thay cha dắt mẹ đi hát rong kiếm tiền nuôi nhau. Một hôm cô kéo nhị cho mẹ hát ở gốc gạo chợ Chùa. Bà hát bài thuận hiếu:
                       Này con ơi, khi con được sinh ra
                Công mẹ cũng lắm mà công cha cũng nhiều
                      Tháng ngày, con ơi, những sớm, những chiều
             Những trưa, những tối, mà con ơi, biết bao nhiêu, bao  nhiêu, tháng ngày…
 
                Câu hát đang ngân lên thì đột ngột tắc lịm, bả gục xuống, câu hát vẫn nghẹn trong cổ. Bấy giờ cô Sênh mới mười bốn tuổi đầu, bơ vơ côi cút giũa chợ chiều. Ông Chánh tồng Nhương bỏ tiền làm ma cho mẹ cô Sênh, và đón cô về nhà nuôi.
              Từ đấy cô Sênh không đi hát xẩm nữa.
              Gia đình ông Chánh Nhương giàu nhất làng, ông là người mê hát xẩm nên quý cô con gái nuôi như vàng. Ông hay mời khách đến nhà nghe hát xẩm. Ông ngồi gõ trống, bà ngồi đập phách, cô con nuôi kéo nhị và hát. Khách khứa có khi cũng hát,cũng đàn, thâu đêm suốt sáng.
               Năm 1955, đội cải cách ruộng đất về làng tôi, ông Chánh Nhương bị quy là địa chủ cường hào. Người ta lấy cô Sênh làm thành phần cốt cán, đưa đi huấn luyện mấy ngày, rồi tổ chức cho cô lên tố khổ ông Chánh Nhương.
              Hôm ấy ông Chánh Nhương bị trói vào cây gạo để đấu tố. Người đầu tiên tố ông là cô Sênh. Mấy ngày đưa cô Sênh đi huấn luyện , họ đạ bắt cô học thuộc lòng bài tố khổ soạn sẵn, là tố bố nuôi, bắt mình đàn hát thâu đêm  rồi hãm hiếp . Họ chuẩn bị  lực lương, khi cô Sênh tố xong,  sẽ hô đả đảo Chánh Nhương và ném gạch đá vào ông.
             Bấy giờ đã gần trưa, và mọi người đã tập trung đông đủ. Đội trưởng đội cải cách ruộng đất dẫn cô Sênh đến trước mặt ông Chánh Nhương  nói:
             - Đây là tên địa chủ cường hào gian ác đã hãm hại cô. Hôm nay trước mặt bà con nông dân, cô  vạch mặt hắn cho mọi người biết!
             Cô Sênh đứng lặng, nhìn ông Chánh Nhương, nhìn mọi người. Hàng trăm cặp mắt nhìn cô. Mọi người im lặng chờ đợi. Những cuộc đấu như thế này diễn ra liên tục rồi. Không ai lạ cái trò dàn dựng cùa đội cải cách. Người nào lên tố khỏ cũng  đều nói theo lời xúi dục của đội, không ai dám nói khác. Con chửi cha, cháu chửi ông, vợ chửi chồng, bất chấp luân thường đạo lý. Bây giờ họ nghĩ cái cô sướng ca vô loài này sẽ còn  ngoa ngoắt hơn.
              Nhưng bỗng cô Sênh cất tiếng hát:
               Ôi, cha ơi chính ở nơi đây, cha ơi chính ở nơi đây, mẹ con chết thảm, mẹ con chết thảm, con thời mồ côi! Cha dang tay đón con về, cha dang tay đón con về, nuôi con khôn lớn không hề hại con, không hề hại con! Dù cho sông cạn đá mòn, cha ơi, dù cho sông cạn đá mòn! Dù con có chết, dù con có chết con cũng không thay lòng. Cha ơi con chằng thay lòng…
            Tiếng vỗ tay ào ào như vô thức bật lên.
            Cô Sênh  quỳ xuống ôm ông Chánh Nhương.
            Tên đội trưỏng đội cải cách ruộng đất thét dân quân nhày vào lôi cô Sênh đi.
            Cô Sênh phải đi cải tạo hai năm, khi cô về ông Chánh Nhương đã chết, cô lại đi hát xẩm.
 
            Mãi tới năm 1958, khi đã 32 tuổi cô cô Sênh 32 mới lấy chồng, đó là ông Hợi người em họ bố tôi. Ông Hợi  tham gia cách mạng trước năm 1945, rồi đi bộ đội, 1954 ông tham gia chiến dịch Điện Biên , bị thương mù hai con mắt, về  an dưỡng ở trại thương binh Thái Bình. Mấy lần cô Sênh vào hát phục vụ thương binh, hai ngưới làm quen rồi  nên vợ nên chồng.
               Bố mẹ tôi cho đất và cất cho vợ chồng cô Sênh một căn nhà nhỏ. Chú Hợi hưởng lương thương binh, cô Sênh hưởng lương người chăm sóc thương binh, cô chú sinh ba đứa con, chỉ nươi được cô con gái út. Thím  Sênh đặt tên con là Nhị, chú Hợi muốn con thoát kiếp cầm ca,  đổi là Thoan. Năm 1968, Mỹ ném bom, chú Hợi không chạy ra hầm kịp bị chết, lúc đó Thoan mới hai tuổi.  Thím tôi quay lại về nghề hát xẩm, tay bồng con,  tay xách bị, cồ khoác cây nhị, đi khắp đó đây, hát về nỗi cô đơn của mình.
            Thoan lớn lên xinh  đẹp nhất  làng , làm bao nhiêu chàng trai mê đắm nhưng Thoan không yêu ai.  Mãi đến năm Thoan 26 tuổi, thì tình yêu đến đột ngột như một cơn gió lốc. Tuấn , một chàng trai Hà Nội du học ở Công hòa liên bang  Đức, đẹp trai, hào hoa phong nhã.  Một hôm Tuấn về quê tôi chơi với ngưới bạn cùng học ở Đức,  tình cờ gặp Thoan. Trai tài gái sắc kết dính nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
            Tuấn  không ngờ vấp phài sự phản đối quyết  liệt của cha mẹ anh. Bố mẹ Tuấn  đều là cán bộ cao cấp,  đã nhắm cho Tuấn cô con gái ông Bộ trưởng. Họ nói thẳng ,  nếu Tuấn  bỏ Thoan lấy con gái một ông bộ trưởng  sẽ có tất cả địa vị, tiền tài,  không thì trắng tay.
            Người con trai vị cán bộ cao cấp ấy đã chọn Thoan, từ bỏ tất cả cái thế giới vương giả của ông bố sắp đặt. Lễ cưới  của Tuấn - Thoan rất đơn giản, chỉ có mấy người ban thân của Tuấn và bà con nhà gái.Trong tiệc cưới bà Sênh lên hát tặng hai con một bài xẩm
           Bà vẫn mặc áo tứ thân, chít khăm mỏ quạ , tay kéo nhi, chân dậm phách cất tiếng hát trong như tiếng hạc đêm:
                            Trăm năm trong cõi người ta!
                           Chữ tài  chữ sắc, ấy là ghét nhau
                            Trải qua một cuôc bể dâu,
                    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
                             Lạ gì bỉ sắc tư phong
                      Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!
              Ngày vui   Sênh lại hát kiều, tiếng hát của bà cất lên làm cô dâu và mọi người rân rấn nước mắt. Tôi trách bà:
            - Chán bà quá! Sao ngày vui mà bà hát buồn thế ?
               Bà Sênh chửi:
             - Cha bố anh thôi! Kiếp xẩm thì vui làm sao được?
             Vợ chống Tuấn thuê một căn phòng nhỏ ở phố  Nhân Nghĩa, sống với nhau rất hạnh phúc. Bà Sênh vẫn đi hát xẩm nhưng bây giờ bà không đi hát xin tiền bố thí, mà nhiều cơ sở văn hóa mời bà hát để giữ gìn bản sắc văn hóa.
             Tôi mừng cho bà thím tôi, đặc biệt là em Thoan, bởi em đã lấy được người chống tử tế, có hạnh phúc tương lai, không còn phải chịu cái kiếp xẩm như thím tôi. Không ngờ khi Thoan sắp sinh đứa con đấu lòng thì tai họa sảy ra, chấm dứt cuộc đời tươi trẻ và những ngày hạnh phúc ngắn ngủi của em.
             Hôm ấy Thoan đi bộ trên một đoạn đường vắng. Vì sắp đến ngày sinh nở, em đi bộ như vậy cho dễ sinh. Bỗng hai thằng bịt mặt chạy xe máy từ phía trước lao tới tông thẳng vào Thoan, em chỉ kêu “ối” một tiếng rồi ngã vật xuống đường, hai thằng khốn nạn vuột đi không thèm ngó đầu lại. Thoan được đưa vào bênh viện, nhưng người ta chỉ cứu được đưa trẻ  trong bụng em, đó là cái Soan bấy giờ.
              Thoan chết chưa được 49 ngày, vợ chống ông cán bộ cao cấp cùng với con gái ông bộ trường đi xe MERCEDER đến căn nhà vợ chồng Tuấn thuê. Họ cười nói vô tư nhìn tấm hình Thoan trên bàn thờ, rồi nói chuyện với Tuấn, khi anh đang ngồi ôm đứa con đỏ hỏn trong lòng.
               Mẹ Tuấn nói:
              - Cái Thoan nó chết rồi, đừng tiếc nữa, bây giờ cho đứa bé đi,  làm lại cuộc đời!
                Bố Tuấn nói:
              - Phải có tư duy mới !
              Cô con gái ông bộ trưởng nói:
              - Bố em hứa sẽ sắp xếp cho anh chức vụ trưởng anh ạ!
                 Tuấn đứng dậy thắp nhang trên bàn thờ Thoan và nói:
      - Thoan ơi! Em có nghe thấy những lời họ nói không em? Anh muốn làm một người tốt, một người chồng chung thủy với em, nhưng thời buổi nay khó quá em ạ. Em linh thiêng hãy tha thứ cho anh!
                Hôm sau Tuấn đưa con về quê, giao cho bà Sênh rồi quay về Hà Nội làm rể ông bộ trưởng. Bà Sênh lại bồng cháu đi hát xẩm.

               Hồi tháng bảy vừa qua tôi về thăm quê. Cây gạo đang mùa trổ bông. Những bông hoa gạo đỏ chói chang trên cây và rụng đầy dưới gốc. Hoa gạo, màu mặt trời sắp lặn báo bão. Mỗi bông gạo rụng xuống như có màu máu của của những người thân và dân làng như ông Hợi, ông Chánh Nhương, cha mẹ và các em bà Sênh, của cô Thoàn, bà Sênh… Tôi nhặt một ít bông gạo tươi đặt lên mộ thím dâu tôi. Tôi đang đứng tần ngần bên mộ bà thì  nghe tiếng hát trong trẻo vang lên trong quán cà phê gần đó. Hát rằng:
                             Trời đất bỗng nổi cơn gió bụi
                          Khắp bốn phương chìm nổi đầy sâu
                             Sâu trắng răng,  sâu bạc đầu
                         Sâu nhà, sâu đất, sâu tầu, sâu xe
                            Sâu lập nhóm, sâu kéo bè
                       Sâu chồng, sâu vợ máu me đầy mình
                             Sâu lớn làm luật làm hình
                        Sâu bé làm tội làm tình dân đen
                            Nước giờ đâu dễ đánh phèn
                      Bầy đàn sâu đã nhuộm đen hết rồi
                            Chắp tay con lạy ông Trời!
         Rồi  tiếp điệu trống quân:
                           Quan Ngô hỏi nhỏ quan Tần
                        Tiền đâu mua đất hết gần lại xa
                            Tiền đâu lập ấp xây nhà,
                        Có nghe dư luận bàn ra tán vào
                           Tần rằng nói mới hay sao
                       Mỗi lời là một buộc vào chối tai
                         Hỏi ông tài khoản nước ngoài
                         Đô la mấy chục triêu ai dám bì
                            Ngô rằng tôi có thấm gì
                   Quan Phan,  quan Nguyễn có khi gấp mười
                          Tần nghe Ngô nói cả cười
                   Thế còn rê đuốc trôn người làm chi
                             Biết điều lờ tịt nó đi
                   Đề xem dư luận làm gì được ta
                               Đâu đâu cũng nước non nhà
                       Bạc bà học với Tú bà đồng môn.
           Tôi vào quán cà phê, gặp cái Soan đang hát. Tay nó kéo nhị, chân nó đạp phách, miệng nó hát. Cái dáng ngồi giống hệt bà Sênh. Nó không hát tích cũ tuồng xưa như bà Sênh vẫn hát, mà hát  tích tuồng mới, hình như cỏn buồn hơn tích xưa !

    M.D

2 nhận xét:

  1. Nói Tây mà chết thằng Tàu
    Mươn xưa để nói cái sầu hôm nay!
    Ý tại ngôn ngoại là đây...
    Em rất cảm phục cách dẫn chuyện của bác Minh Diện mặc dù chẳng biết cái mặt bác tròn méo thế nào. Bác Bồng sao không giớ thiệu vài nét và cho mọi người tỏ mặt bác Diện nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Thời buổi này làm người tốt khó quá! Tôi càm thấy thương anh chàng Tuấn trong truyên này. Khốn nan quá! Trần Dăng Dương Hà Nôi.

    Trả lờiXóa