Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

“Cuộc chơi” tiền gửi của PetroVietnam ở OceanBank

Vụ án OceanBank mới bước sang tuần xét xử thứ hai nhưng dư âm đọng lại của nó đang khiến dư luận công chúng đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, liên tục phủ nhận việc chi lãi ngoài, mà chỉ thừa nhận có chương trình tham gia chăm sóc khách hàng. Còn các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) như Công ty Điện lực dầu khí; Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí... đều khẳng định tại tòa không nhận một đồng lãi ngoài nào. Đại diện của các doanh nghiệp này thậm chí còn phủ nhận không biết, chưa bao giờ gặp những người được lãnh đạo OceanBank cử đi chuyển tiền chi lãi ngoài bất chấp những người đó đứng đối chất ngay trước mặt họ theo yêu cầu của tòa.
Trong phiên xử chiều ngày 6-3-2017, ông Nguyễn Xuân Sơn trả lời “tự tin”: “Chi lãi ngoài phải có sổ sách”. Có lẽ bản chất chi hay không chi lãi ngoài nằm ở đây, ở cái gọi là “phải có sổ sách” này!
Vào những năm đỉnh điểm của quãng thời gian thanh khoản thiếu hụt, trần lãi suất huy động lên tới 14%/năm, không ít ngân hàng đã chi lãi ngoài để thu hút tiền gửi của khách hàng. Trên hợp đồng đối với doanh nghiệp hoặc trên giấy gửi tiền đối với cá nhân, cả bên gửi và ngân hàng không ai ghi vào giấy tờ sổ sách lãi suất vượt trần cả. Bởi nếu ghi, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước phát hiện ra ngay, bị phạt nặng ngay. Người ta còn nhớ thời ấy một chi nhánh của một ngân hàng cổ phần huy động vốn tới 17%/năm, rồi bị chính đơn vị gửi tố cáo với cơ quan quản lý và ngân hàng này đã bị xử lý nặng đến mức độ nào: giám đốc chi nhánh mất chức, toàn ngân hàng bị cảnh cáo và dĩ nhiên nộp phạt, chưa kể một loạt biện pháp chế tài sau đó.
Vậy các ngân hàng thời 2010-2011 đã chi lãi ngoài như thế nào? Thôi thì đủ cách. Trên sổ tiết kiệm hoặc trên hợp đồng gửi tiền, người gửi đến khi đáo hạn sẽ nhận được gốc và lãi 14%/năm. Số lãi suất thỏa thuận cao hơn, người gửi được nhận ngay bằng tiền mặt. Người gửi ký một hợp đồng mua bán vàng miếng với ngân hàng, theo đó họ mua giá thấp và bán giá cao, nên họ có lời, còn ngân hàng lỗ. Khoản lỗ của ngân hàng đúng bằng số tiền lãi suất thỏa thuận cao hơn mà người gửi được nhận.
Với doanh nghiệp gửi tiền, hợp đồng mua bán vàng được thay bằng hợp đồng giao dịch ngoại tệ (không chỉ giao dịch đô la Mỹ mà nhiều ngoại tệ khác nhau). Phần lỗ giao dịch ngoại tệ dĩ nhiên ngân hàng chịu. Bởi thế mới có chuyện những năm ấy, kinh doanh vàng ngoại tệ của nhiều ngân hàng lỗ. Ngân hàng lỗ ít thì vài trăm tỉ đồng, lỗ nhiều cả ngàn tỉ đồng. Người ngoài nhìn vào không biết vì sao ngân hàng đồng loạt lỗ giao dịch vàng, ngoại tệ bởi lúc bấy giờ giá vàng tăng cao, hầu như cứ mua là lãi không ít thì nhiều, còn tỷ giá hối đoái biến động theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ.
Một cách khác được một số ngân hàng áp dụng là người gửi tiền mua bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm có quan hệ với ngân hàng. Người gửi tiền cũng có lãi tương tự. Và còn vô số những loại hợp đồng khác mà ngân hàng nghĩ ra như hợp đồng hợp tác kinh doanh, hỗ trợ khách hàng lâu năm, mua ngoại tệ chuyển đi nước ngoài cho con em du học với tỷ giá thấp mà ngân hàng tự nguyện thiệt hại một cách đáng ngạc nhiên, người gửi vay lại tiền với lãi suất thấp... Ngoài ra, khuyến mãi, quay xổ số trúng thưởng lớn và trúng 100%, tặng quà nhân dịp sinh nhật khách hàng, ngày lễ Tết... không tổ chức tín dụng nào bỏ qua.
Ở OceanBank thời kỳ đó Hà Văn Thắm đã lập ra Công ty BSC Vietnam chuyên thực hiện việc ký hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn để thu phí, lấy đó làm nguồn chi lãi ngoài. Công ty BSC trở thành tấm bình phong hợp pháp tất cả các khoản chi chăm sóc khách hàng, chi lãi ngoài với tư cách một doanh nghiệp tư nhân, không có quan hệ chính thống nào với ngân hàng.
Cách hợp thức hóa các khoản chăm sóc khách hàng và chi lãi ngoài của OceanBank không mới. Cái mới ở đây chính là sự có mặt và gửi tiền ở OceanBank của các doanh nghiệp trực thuộc PetroVietnam. Không phải chỉ một, hai, ba mà hàng chục tổng công ty giàu có tiền mặt (giá dầu thô xuất khẩu thời điểm đó rất cao. Đó là những tháng ngày ăn nên làm ra của ngành dầu khí, chưa kể tỷ suất lợi nhuận của PetroVietnam được phép giữ lại để tái đầu tư cũng không hề thấp) đã liên tục duy trì những khoản tiền gửi hàng chục ngàn tỉ đồng ở OceanBank. Nếu các doanh nghiệp này không nhận chi lãi ngoài, như họ nói trước tòa, hà cớ gì họ gửi tiền vào OceanBank khi mà lãi suất tiền gửi ở ngân hàng nào cũng kịch trần 14%/năm?
Kinh doanh là kinh doanh, tiền bạc là tiền bạc, lúc “nước sôi lửa bỏng” tiền mặt là vua, chẳng lẽ các doanh nghiệp dầu khí “vô tư hy sinh” lợi nhuận (cụ thể ở đây là doanh thu tài chính) cho cái ngân hàng cỏn con OceanBank?
Chủ trương gửi tiền vào OceanBank phải chăng chỉ gói gọn trong phạm vi các tổng công ty dầu khí, hay đó là chủ trương của chính tập đoàn? Đấy là điều mà dư luận đang chờ quá trình xét xử vụ án OceanBank làm rõ!
Hải Lý/(TBKTSG
--------------

2 nhận xét:

  1. Tôi chuyển tiền cho người nhà ở CPC qua ngân hàng A.. Kết quả là... mất hút! Người nhà của tôi không nhận được 1 xu! Khiếu nại thì chúng nó nói người nhà của tôi phải về VN để giải quyết?
    Lũ cướp ngày!!!

    Trả lờiXóa
  2. Không xơi thằng khác cũng xơi
    không xơi chúng nó còn chửi ngu

    Trả lờiXóa