Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

'Chủ nghĩa Obama': Hướng nội và 'không làm chuyện điên rồ'

Trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của mình, trọng tâm chiến lược của ông Obama đã biến chuyển theo xu thế “hướng nội” và giữ nguyên tắc “không làm chuyện điên rồ”.

Trong 6 năm cầm quyền của ông Obama, chiến lược toàn cầu và một loạt các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã được điều chỉnh với nhiều thay đổi lớn, tư tưởng ngoại giao của Washington đã được gọi là “Chủ nghĩa Obama”.

Điều kiện nào giúp cho sự chuyển biến ngoại giao của Mỹ, mà đại diện là ông Obama được duy trì liên tục trong những năm qua?
Xu thế “hướng nội” của Mỹ rất rõ ràng
Chiến lược ngoại giao của Mỹ được "đồng bộ" với chiến lược củng cố, phát triển trong nước. Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng lại nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, cần phải tập trung tinh lực và tài nguyên chủ yếu đầu tư vào quốc nội, vì vậy chi phí quốc phòng cũng phải giảm thiểu tương ứng .
Điều chỉnh quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của ông là chuyển hướng trọng tâm từ vấn đề an ninh quân sự với trọng điểm là chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt sang vấn đề an ninh kinh tế, lấy bảo vệ sự ổn định tài chính toàn cầu, thúc đẩy khôi phục kinh tế thế giới làm trung tâm.
Trong 6 năm qua, những chỉ tiêu “có thể đo lường được" như thực lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, trình độ giáo dục đại học v.v... của Hoa Kỳ tiếp tục được nâng cao.
Tuy nhiên, xu thế "phân cực" chính trị trong nước giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ lại hầu như không có chuyển biến tích cực nào, “Đảng con voi” và “Đảng con lừa” công kích, cản trở, phủ quyết lẫn nhau khiến cải cách chính trị và kinh tế bị kìm hãm nghiêm trọng.
Mặc dù nhìn từ góc độ phát triển nội tại và biến động “quyền lực cứng" của các nước lớn trên thế giới, sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ không có xu hướng suy yếu, song một sự thật không thể chối cãi là sức ảnh hưởng của Mỹ đối với chính trị toàn cầu đã giảm đi rõ rệt.
Nguyên nhân chủ yếu là:
Thứ nhất, thực lực đồng minh Châu Âu của Mỹ bị tổn thất, kinh tế Nhật Bản suy thoái dài hạn, sức mạnh và sức ảnh hưởng của toàn bộ phương Tây suy giảm.
Hai là: Số lượng các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và ảnh hưởng của các nước này tăng lên nhanh chóng.
Ba là, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, quyền lực quốc gia bị phân chia, vấn đề quản lý toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, khả năng kiểm soát quy tắc quốc tế về chống khủng bố, thay đổi khí hậu, an ninh mạng v.v... của Mỹ dần yếu đi.
Bốn là, Washington đang tập trung tinh lực vào sự vụ trong nước, sự tự tin và động lực để can dự bên ngoài giảm sút. Mặc dù gần đây tình hình kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh, nhưng chủ yếu là dựa vào nhu cầu trong nước chứ không phải thị trường quốc tế, càng làm tăng thêm xu thế "hướng nội" của Mỹ.
Nguyên tắc ngoại giao “không làm chuyện điên rồ”
Điểm nổi bật của chủ nghĩa Obama chính là ưu tiên kinh tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương và "quyền lực mềm", nỗ lực cải thiện hình ảnh Hoa Kỳ trong mắt thế giới, tập trung xây dựng cơ chế quốc tế và vấn đề quản lý toàn cầu. Đây cũng chính là sự kế thừa và phát huy “Chủ nghĩa Clinton” mà Đảng dân chủ đã theo đuổi trước đó.
Nét đặc sắc nhất trong chính sách ngoại giao của ông Obama chính là theo đuổi nguyên tắc đơn giản nhất là "không làm chuyện điên rồ", mà đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến tranh Iraq do Chính phủ Bush (con) phát động. Và ông Obama đã sửa sai bằng cách chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq và cả Afghanistan.
Có thể thấy rằng, bản chất của “Chủ nghĩa Obama” là sự "kiềm chế" và "thu mình", vận động các nước đồng minh và đối tác áp dụng hành động tập thể, chia sẻ rủi ro và trách nhiệm.
Cho dù trong hoàn cảnh đã hoặc có khả năng xuất hiện xung đột quân sự, ông vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế, áp lực quốc tế v.v… để cố gắng không phải áp dụng hành động quân sự trực tiếp.
“Không làm chuyện điên rồ” cũng có nghĩa là sẽ loại trừ được khả năng phải đối đầu với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc trong tương lai.
Vì vậy, mặc dù Washington đã gia tăng triển khai quân sự nhằm chống lại Bắc Kinh, nhưng Chính phủ Obama vẫn cố gắng tăng cường liên lạc và hợp tác với quân đội nước này, hy vọng thông qua việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát khủng hoảng để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hoặc va chạm với Trung Quốc xuống mức thấp nhất có thể.
Tổng thống Obama cho rằng, nước Mỹ đã kiệt sức sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh nên cần thời gian để "khôi phục nguyên khí". Nhưng từ khi ông nhậm chức, những sự kiện quốc tế trọng đại như phong trào "Mùa xuân Ả Rập" hay sự nổi lên của "Nhà nước Hồi Giáo tự xưng IS" v.v... đã phá hỏng mong muốn ổn định Trung Đông của Nhà Trắng.
Hơn nữa, cục diện hỗn loạn của IraqAfghanistan cũng khiến cho chính phủ Obama và rất nhiều nhà chiến lược Hoa Kỳ dần nhận thức được rằng, áp dụng khuôn mẫu chế độ của dân chủ phương Tây đối với các nước bất đồng về lịch sử, văn hóa và tư tưởng tôn giáo là không phù hợp.
Vì vậy, mặc dù vẫn chưa từ bỏ mong muốn dùng giá trị quan của mình để cải tạo thế giới, nhưng trên thực tế Washington đã chú trọng  hơn đến sự ổn định của trật tự thế giới. Đây là một ý nghĩa khác của nguyên tắc "không làm chuyện điên rồ".
Bản "Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ" năm 2015 đã thể hiện rõ hơn đặc điểm ngoại giao của ông Obama.
Báo cáo cho rằng, đường lối tốt nhất để củng cố địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ chính là tăng cường kinh tế trong nước, xây dựng chế độ dân chủ, thiết lập khối liên minh quốc tế bền vững, và vận dụng tổng hợp sức mạnh về mọi mặt của Hoa Kỳ.
Khi giải thích bản báo này, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đã tuyên bố, các cuộc khủng hoảng như Ukraine hay "Nhà nước Hồi giáo" không thể gây rối loạn hay làm mất phương hướng của Hoa Kỳ. Nhà Trắng vẫn duy trì trọng tâm chiến lược vào những thách thức lâu dài hơn như biến đổi khí hậu, thương mại, nghèo đói, an ninh mạng, y tế công cộng v.v...
(Đón đọc kỳ 2: Mỹ “giấu mình chờ thời”, “né” Trung Quốc, quyết đấu với Nga)
Bảo Chi/ĐVO
--------------

5 nhận xét:

  1. Ngớ ngẩn nhất là tin ngay các bình luận gia chính trị, dù bất cứ phe nào.

    Trả lờiXóa
  2. Obama cực kì xuất sắc, tui khâm phục ông!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Obama cuc ky xuat sac! My khong the la nguoi "canh sat" quoc te duoc, dac biet la sau khi Bush xong nhiem ky cua minh, de lai mot dat nuoc be bet, suyt chut nua thi dan toc My roi vao Dai Suy Thoai. Toi o My nen thay rat ro dieu do. Doi di giu nha hang xom ma nha minh sap sup do...lam sao duoc. Phai cung co cai nha minh dang hoang truoc, moi lam duoc chuyen "binh thien ha" chu!

      Xóa
  3. Chính thời kỷ Obama cai trị thiên về quyền lực mềm
    (soft power) mà Tàu cộng và các thế lực Hồi giáo cực
    đoan đã lợi dụng để kéo bè kết cánh trong việc đầu độc
    toàn thế giới và khủng bố cả loài người !
    Chính sách của Obama TỐT (vì an toàn) cho Mỹ nhưng
    rốt cuộc thiên hạ đại loạn,từ Đông sang Tây,từ Nam lên
    Bắc và Tàu cộng hưởng lợi như chúng đã dự kiến.

    Trả lờiXóa