* Ts.
NGUYỄN HƯNG QUỐC
Một nền dân chủ không phải là tổng số các thiết chế
dân chủ. Có những nơi và những lúc có các thiết chế dân chủ; ừ, thì cũng bầu
cử, cũng có đối lập, cũng có tam quyền phân lập đàng hoàng nhưng lại vẫn không
có dân chủ. Ngoài vấn đề thiết chế, để có dân chủ, người ta cần một yếu tố
khác: văn hoá dân chủ. Nói một cách tóm tắt, một nền dân chủ lành mạnh cần được
xây dựng trên một nền văn hoá dân chủ lành mạnh. Không có văn hoá dân chủ, chế
độ độc tài, sau khi bị lật đổ, sẽ dẫn đến tình trạng hoặc hỗn loạn hoặc một chế
độ độc tài khác, có khi còn khắc nghiệt hơn nữa.
Trước hết, về khái niệm văn hoá: Trong cả mấy trăm
định nghĩa khác nhau về văn hoá, tôi tâm đắc nhất với định nghĩa của các nhà
nhân học (anthropology) trong thời gian gần đây: Đó là một hệ thống biểu tượng,
ý nghĩa, giá trị và quy phạm (norm) chi phối cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm và
cách hành xử của cả một cộng đồng đông đảo. Theo cách hiểu ấy, văn hoá dân chủ
có thể được định nghĩa là một hệ thống biểu tượng, ý nghĩa, giá trị và quy phạm
chi phối quan hệ quyền lực giữa những người cai trị và những người bị trị để
mọi người biết phân biệt cái đúng và cái sai, cái nên và cái không nên, cái có
thể chấp nhận được và cái không thể chấp nhận được, từ đó, biết tương nhượng nhau
hầu tạo nên một cuộc sống hài hoà, ở đó, mọi người đều được tôn trọng.
Trong định nghĩa trên, yếu tố quan trọng nhất là sự
tôn trọng những cái khác và những người khác. Nền độc tài nào cũng được xây
dựng trên tinh thần loại trừ những người khác và những cái khác. Độc tài là một
tâm lý ích kỷ và tự kỷ: Họ chỉ biết có mình họ và những gì quen thuộc nhất đối
với họ. Mọi chế độ độc tài đều bài ngoại, đều kỳ thị chủng tộc hoặc kỳ thị giai
cấp cũng như tôn giáo và phái tính. Văn hoá dân chủ, ngược lại, đề cao sự khoan
dung và hoà đồng.
Việc tôn
trọng cái khác dẫn đến đặc điểm thứ hai của văn hoá dân chủ: Sự tương nhượng.
Về phương diện xã hội, giữa người này và người kia,
giữa tầng lớp này và tầng lớp nọ, bao giờ cũng có những khác biệt nhất định.
Cách giải quyết các sự khác biệt ấy sẽ dẫn đến độc tài và dân chủ. Độc tài: khi
người hoặc nhóm người này nhất định dùng sức mạnh để cưỡng bức những người
khác. Dân chủ: khi mọi người biết ngồi lại với nhau để cùng nhau thương thảo
trong tinh thần cả hai cùng thắng (win-win), nghĩa là mỗi người nhường nhau một
chút.
Về phương diện chính trị, ở các quốc gia dân chủ
phương Tây, bất cứ chính phủ nào cũng được bầu lên từ hơn nửa số cử tri trong
cả nước. Không có ai chiếm được 100% số phiếu. Thường thì chỉ quá bán một chút,
tức khoảng trên 50%. Điều đó có nghĩa là không có một chính phủ nào thực sự đại
diện cho nhân dân nói chung. Và cũng không có một chính phủ nào có được một thứ
quyền lực tuyệt đối. Trong quá trình soạn thảo và thông qua các sắc luật và các
chính sách, lúc nào họ cũng đối đầu với sự phản đối của các phe đối lập cũng
như một bộ phận dân chúng nào đó. Bổn phận của chính phủ, do đó, phải đàm phán
với những người ấy, cuối cùng, mỗi bên nhượng bộ nhau một chút để đi đến một
chính sách chung. Trong ý nghĩa ấy, có thể nói thực chất của chính trị dân chủ
là việc giải quyết các xung khắc về quyền lợi và quan điểm bằng biện pháp thảo
luận để, cuối cùng, đi đến một sự đồng thuận.
Một văn hoá dân chủ bao giờ cũng là một văn hoá dân sự
(civic culture) nơi các công dân ý thức vai trò và trách nhiệm của mình đối với
cái chung. Các lý thuyết gia về chính trị hầu như đồng ý với nhau điểm này: các
chế độ toàn trị và độc tài bao giờ cũng tìm cách truyền bá và nuôi dưỡng thứ
văn hóa thụ động và vô cảm để người dân không quan tâm đến chính trị, bất kể số
phận của dân tộc và của chính mình. Văn hóa dân chủ, ngược lại, khuyến khích
mọi người tham gia thảo luận và phản biện, có tinh thần trách nhiệm và ý thức
sâu sắc về các quyền của mình. Bằng cách hành xử như thế, mỗi người sẽ là một
nhà dân chủ. Có những chế độ độc tài nhưng không có nhà độc tài (như trường hợp
của Việt Nam
hiện nay), nhưng tuyệt đối không thể có một chế độ dân chủ mà lại không có các
nhà dân chủ. Những nhà dân chủ ấy là những công dân bình thường chứ không phải
là những nhà lãnh đạo.
Cuối cùng, văn hóa dân chủ là một văn hóa tôn trọng
pháp luật. Ví dụ, sau khi bầu cử một cách minh bạch, phe thất bại phải chấp
nhận kết quả bầu cử chứ không đòi xóa kết quả để bầu lại cho đến khi nào mình
thắng. Đó là trường hợp của Thái Lan trong một hai thập niên gần đây. Các cuộc
biểu tình làm tê liệt mọi hoạt động chính trị ở đó đều xuất phát từ tinh thần
thiếu tôn trọng luật chơi của dân chủ. Tôi thích thái độ của các chính trị gia
Tây phương hơn. Sau khi biết kết quả bầu cử, lãnh đạo phe bại bao giờ cũng điện
thoại cho đối thủ để, một mặt, thừa nhận mình thua, mặt khác, chúc mừng kẻ
chiến thắng. Kẻ chiến thắng, cũng vậy, trong diễn văn đầu tiên, bao giờ cũng,
một mặt, cám ơn những người bỏ phiếu cho mình; mặt khác, hứa hẹn sẽ phục vụ cho
cả nước chứ không phải chỉ riêng cho đảng mình hoặc những người đã bỏ phiếu cho
mình.
Dĩ nhiên, trong cái gọi là văn hóa dân chủ ấy còn
nhiều yếu tố và đặc điểm khác. Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở những điểm chính.
Những điểm ấy khá đơn giản, nhưng để có được, cần có thời gian học hỏi và rèn
luyện. Người ta thường nói chính trị nhất thời còn văn hóa thì lâu dài. Văn hóa
chính trị, trong đó, có văn hóa dân chủ, cũng vậy: Nó cần thời gian để phát
triển.
N.H.Q/
Blog Nguyễn Hưng Quốc
----------------
DÂN CHỦ sẽ có nếu những người điều hành quốc gia luôn có DANH DỰ!
Trả lờiXóacảm ơn tồng chí Quốc
Trả lờiXóarất đơn giản dễ hiểu và ưng cái bụng của tớ
Ông TS Nguyễn Hưng Quốc oi,ông đương nói gì vậy ? Văn hóa dân chủ - Cụm từ này sẽ có ý nghĩa khi, thực thể dân chủ có hiên hữu // còn đàng này thực thể dân chủ không hiện hữu thì làm gì có văn hóa của nó,thưa ông ???!!!
Trả lờiXóaÔng Quốc viết càng ngày càng hay.
Trả lờiXóaNgười lãnh đạo có văn hoá thì quốc gia có dân chủ,người lãnh đạo như cs Việt nam thì muôn đời đừng mong có dân chủ ông ts Tuấn ạ!!!
Trả lờiXóa