Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

THANH VĂN – Thành ủy Hà Nội cần xem lại quan điểm, cần đổi mới tư duy

PHẢI CHĂNG  SỰ KIỆN “KIM NGỌC” 
ĐANG BỊ TÁI DIỄN ?

 Lịch sử ít khi lặp lại, nhưng không loại trừ những trường hợp đặc biệt vẫn có thể tái diễn với bóng dáng tương tự. Dẫu biết sự so sánh bao giờ cũng khập khiễng, song trong thực tế luôn có những sự việc hiện ra khiến người ta liên tưởng đến những câu chuyện đã có trong lịch sử để mà suy ngẫm... rút ra điều gì đó, ngõ hầu giúp ích cho cuộc sống thực tại và để hướng tới tương lai sáng đẹp hơn.
Qua thông báo của UBKT Thành ủy Hà Nội ngày 26/8/2014 về những sai phạm của Đảng ủy, UBND xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai và yêu cầu kiểm điểm để xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân ...khiến nhiều người sửng sốt ! Vì cách đây không lâu hàng chục tờ báo đã từng có nhiều bài viết, và cả trên các Đài truyền hình Trung ương và Hà nội cũng  đưa tin, bình luận ca ngợi Thanh Văn hết lời...Đặc biệt trên báo Nông nghiệp Việt Nam có bài phóng sự rất hay : “Ông Kim Ngọc ở Thanh Văn”.Thế mà đùng một cái, bây giờ Thanh Văn lại trở thành đối tượng vi phạm nghiêm trọng cần phải xử lý...!? Vậy đâu là chân lý ?  


Nhắc đến nhân vật Kim Ngọc thì thiết tưởng cũng nên điểm lại vài nét điển hình để lớp người cao tuổi có thể cùng nhau nhớ lại và lớp người trẻ tuổi có thể hình dung rõ hơn về “huyền thoại Kim Ngọc”, câu chuyện xẩy ra cách nay đã gần nửa thế kỷ (1968 – 2014).
                Kim Ngọc: sinh năm 1917 , vào ĐCSĐD năm 1939. Năm 1954 là Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc, 1958 là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, 1968 là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú ( Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập).
Vào thời điểm những năm sáu mươi của thế kỷ trước, miền Bắc nước ta thực hiện chủ trương của Đảng đưa nông dân vào làm ăn tập thể để tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH...nhưng kết quả không được như mong muốn, đời sống của nhân dân chẳng những không được cải thiện mà ngược lại còn gặp muôn vàn khó khăn... do mô hình Hợp tác xã khiến người nông dân mất quyền làm chủ đất đai, xã viên trở thành những người làm thuê, không thiết tha gì với ruộng đồng...dẫn tới năng suất ngày một giảm, ngày công lao động không còn đủ để “nấu cháo ăn chống đói”... Trên cương vị Bí thư tỉnh ủy, Kim Ngọc rất trăn trở là làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bi đát đó.
Qua nhiều ngày lặn lội với ruộng đồng và trực tiếp trao đổi với nông dân, ông đã tìm ra lối thoát là phải khoán hộ, tuy biết rõ làm như vậy là trái với  những điều vốn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” để đi lên CNXH và CNCS... Ông đã thuyết phục được tập thể Tỉnh ủy ra nghị quyết “khoán hộ”. Mặc dù có những áp lực ngăn cản từ các cơ quan Trung ương, nhưng ông vẫn quyết tâm không chùn bước. Ông nói: Nếu mất chức bí thư tỉnh ủy mà dân được no đủ thì mình cũng mãn nguyện”.
Thực tế chứng minh khoán hộ đã đem lại phép màu cho địa phương. Chỉ qua hai vụ khoán hộ, năng suất lúa từ chỗ 2 tấn/ha đã vươn lên 5 tấn, có nơi 7 tấn. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, không khí miền quê tươi vui hẳn lên ! Thế nhưng :
                  Ngày 12-12-1968: Ban bí thư Trung ương Đảng ra thông tri yêu cầu chấm dứt khoán hộ. Tạp chí Học tập của Đảng tháng 2/1969 có bài xã luận phê phán gay gắt : “...việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên...đẩy HTX sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hoá và tan rã… tính chất sai lầm rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư tưởng…”
              Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bị kiểm điểm vì đã “phạm sai lầm nghiêm trọng... đi ngược lại đường lối tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa của Đảng, đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể của Chủ nghĩa Tư bản...” 
                  Từ đó, trên danh nghĩa chính thức là phải chấm dứt “khoán hộ” theo chỉ thị của Đảng, nhưng vì cuộc sống mà nhiều nơi nông dân đành phải chuyển sang “khoán chui”! Không riêng gì Vĩnh Phú mà nhiều địa phương khác cũng âm thầm làm theo...Nơi nào khoán chui được thì ở đó đời sống được nâng lên, còn các nơi khác vẫn phải “kiên trì” loay hoay, vật lộn với đói nghèo không lối thoát.
          Thực tiễn sinh động trong nhân dân đã làm cho lãnh đạo dần dần sáng ra : Năm 1981 Ban bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 100 và sau ĐỔI MỚI  Bộ chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 10 (1988) cho phép cả nước triển khai việc khoán hộ (từ đó quen gọi là “khoán 10”), thực chất là thực hiện theo mô hình “khoán hộ” của Kim Ngọc ra đời trước đó 20 năm.
 Chỉ sau 2 năm thực hiện khoán hộ, từ chỗ thiếu đói triền miên, nhân dân cả nước phải ăn khoai, sắn độn thay cơm, hàng năm chính phủ phải đi vay, đi xin viện trợ khắp nơi, nhập khẩu bột mì, ngô, khoai tây để cứu đói... đến năm 1990 ta đã tự túc được lương thực và nhanh chóng tiến lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng vào hàng nhất nhì thế giới. Đủ thấy công lao của người khởi xướng “khoán hộ” to lớn biết chừng nào !
          Cho đến năm 1995 Kim Ngọc mới được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và tiếp theo năm  2009 truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Một số ngôi trường và đường phố ở địa phương được mang tên KIM NGỌC...
Năm 2011, khi tiếp bà quả phụ của ông Kim Ngọc là Lê Thị Liên đến thăm và chúc thọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói :
“... trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”
         Sự kiện Kim Ngọc kể trên đã chứng minh một điều là : Không phải tất cả những gì thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng đã ban hành đều là chân lý và bất di bất dịch. Vì vậy khi phát hiện ở đâu có hiện tượng cho là làm không đúng với đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thì cần hết sức thận trọng, nghiên cứu xem xét, không thể vội vàng chụp mũ, cấm đoán...mà điều quan trọng là phải căn cứ vào hiệu quả của hoạt động đó ra sao, có đem lại lợi ích cho nhân dân hay không ? vì thực tiễn luôn là thước đo chân lý, chính thực tiễn buộc lý luận, chủ trương đường lối phải thay đổi nếu không muốn trở thành lực cản bước tiến của xã hội, đắc tội với nhân dân ! Không thể nhắm mắt, giáo điều tuân theo những thứ được cho là tối ưu và bất biến để phủ định và dùng quyền lực để xóa bỏ nhân tố mới, triệt tiêu sáng tạo... Đó là bài học của ngày xưa.
          Còn chuyện ngày nay :
          Trước năm 1986, Thanh Văn là một vùng đất chiêm trũng, thuần nông, “chiêm khê, mùa thối”, sản xuất độc canh...năng suất lúa bình quân 100 kg/1 sào, đời sống nhân dân cơ cực, nghèo đói triền miên, nhà tranh vách đất dột nát, đường xá lầy lội, chật hẹp...xã không có trụ sở làm việc, không có nhà kho...Đảng bộ xã yếu kém liên tục v.v...  Song đến nay mọi sự đã thay đổi :
-     Đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể, không còn hộ nghèo.
-     Hầu hết các gia đình đều có nhà xây mái bằng 2 hoặc 3 tầng.
-     Các công trình phúc lợi xã hội : điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hệ thống đường xá liên thôn rộng 4m, bê tông hóa chạy ngang dọc khắp cánh đồng.
-      Khu tưởng niệm Bác Hồ, đình chùa, đền miếu được xây dựng, tu sửa đẹp đẽ.
-     Nông dân từ 60 tuổi trở lên có lương hưu.
-     Đảng bộ xã thật sự trong sạch vững mạnh, đoàn kết thống nhất, phương thức lãnh đạo dân chủ, mọi hoạt động đều công khai, minh bạch, không có tham nhũng... được nhân dân tin tưởng tuyệt đối.
-     Không có tình trạng khiếu kiện về đất đai.
-     Trật tự an ninh đảm bảo tốt, không còn tệ nạn xã hội v.v...

           Thanh Văn từ chỗ yếu kém đã tự lực cánh sinh vươn lên trở thành một cơ sở nông thôn mới. Những năm qua tính chung cả nước, Chính phủ đã đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở khó khăn xây dựng nông thôn mới, nhưng hiệu quả rất thấp, một phần do cách điều hành kém, phần khác do tham nhũng thất thoát...Trong khi đó xã Thanh Văn cũng thuộc diện khó khăn nhưng chưa được cấp trên quan tâm hỗ trợ đồng nào, vậy mà...
           Tin lành đồn xa, đúng là “Hữu xạ tự nhiên hương” ! Các nhà báo đã lần lượt tìm đến nghiên cứu, điều tra và đưa tin, bình luận...Từ nhiều năm nay đã có hàng chục tờ báo, tạp chí...như : Nhân dân, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Người cao tuổi, Nông nghiệp VN, Thời báo kinh tế, Pháp luật VN, Nông thôn mới, Lao động Thủ đô, Kinh tế đô thị, Năng lượng mới v.v...đua nhau ca ngợi, với những tựa đề nổi bật như : “Khi ý Đảng hợp lòng Dân”, “Ngày hội của những người cộng sản đồng quê”, “Kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo ở Thanh Văn, “Giầu hơn, nét sống văn hóa đẹp hơn”, “Xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Văn”, “Ông Kim Ngọc ở Thanh Văn”,“Từ đất nghèo mà đi lên khá giả”, “Những điều không giống ở đâu”, “Lời thề Thanh Văn”, “Khi nông dân có lương hưu”, “Cần nhân rộng mô hình Thanh Văn” v.v...
          Các đài Truyền hình Trung ương (VTV) và Hà Nội (H1, H2) cũng nhiều lần quảng bá về “điểm sáng” Thanh Văn.
          Nhiều cơ quan nghiên cứu đã đến tận nơi tìm hiểu : Viện nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA,  Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia HCM,  Diễn đàn lý luận phát triển, Ban Dân vận Trung ương v.v...
          Các đoàn đến tham quan, tìm hiểu đều có một nhận xét chung là rất tốt, rất đáng hoan nghênh và nên nhân rộng điển hình Thanh Văn ra cả nước...
          Đặc biệt ngày 28/11/2013, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cùng một đoàn cán bộ các ngành đã về Thanh Văn nghiên cứu nhiều ngày. Cuối cùng  khẳng định : “ sẽ xem Thanh Văn như một mô hình tiên tiến cho Thủ đô và cả nước”.
          Ngày 18/7/2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã có kết luận về hoạt động của Đảng ủy xã Thanh Văn, trong đó có đoạn  : “Những năm qua, Đảng ủy xã Thanh Văn đã tích cực, chủ động lãnh đạo chính quyền và nhân dân tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo được chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực : Kinh tế của xã ngày càng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nhìn chung được giữ vững. Đáng chú ý là công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt, nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, nhất là việc dồn điền, đổi thửa; việc huy động nguồn lực tại chỗ để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, nội đồng, nhà văn hóa thôn, đình chùa, miếu...” (Thông báo của Ban  thường vụ Thành ủy Hà Nội, số 789-TB/TU).

           Vì sao Quang Văn Thỉnh của Thanh Văn lại được nhiều người ví như Kim Ngọc của Vĩnh Phú, thậm chí có người còn cho rằng “trội hơn Kim Ngọc” ?
           Đó là vì : Kim Ngọc và Quang Văn Thỉnh đều là Bí thư đảng bộ, tuy ở hai cấp bậc khác xa nhau nhưng đều có những nét chung về ý thức trách nhiệm cao đối với nhân dân, dám nghĩ dám làm, năng nổ, tác phong dân chủ, có nhiều sáng kiến và liêm khiết, chí công vô tư...nhưng có lẽ nét tương đồng nổi lên rõ nhất là ở chỗ : Cả hai người đều nhận ra tình trạng nghèo đói, lạc hậu của nông thôn bấy lâu nay là do cung cách làm ăn bị phụ thuộc một cách cứng nhắc vào chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên, mà trên thực tế những điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Vì vậy phải tìm ra lối thoát, mặc dù biết rằng làm như vậy sẽ bị cấp trên phê phán, kiểm điểm và xử lý...nhưng vẫn mạnh dạn làm theo lời Bác Hồ dạy : “Những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh...”. Và kết quả là đã thành công.
         
             Nhân dân Thanh Văn tôn vinh Quang Văn Thỉnh là “Thành Hoàng Làng”, thậm chí có ý kiến đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời đổi mới”. Quang Văn Thỉnh đã được bầu làm Bí thư đảng ủy xã 8 khóa liền (23 năm), đến năm 2010 tròn 70 tuổi, bản thân đã xin nghỉ, cấp trên cũng đã chấp nhận cho nghỉ nhưng Đại hội đảng bộ xã vẫn đồng lòng bầu lại để làm tiếp...
           Vậy mà đến nay, chiểu theo Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà nội thì hình như tai họa đang rình rập trên đầu Quang Văn Thỉnh và cả đảng bộ xã Thanh Văn ? Vì cái tội “vi phạm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp pháp luật của Nhà nước”, cũng có nghĩa là làm sai đường lối của Đảng về sở hữu đất đai ! Tội này đâu phải là nhỏ, cần xử lý nghiêm ! Không chỉ có vậy, Công an Thành phố còn được lãnh đạo giao nhiệm vụ có kế hoạch xử lý kịp thời đối với vấn đề an ninh,trật tự tại xã Thanh Văn...? !
           Thế là “sự kiện Kim Ngọc” đang được tái hiện đầy đủ hơn nhưng với hậu quả có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều ? Có thể dự đoán một số kịch bản như sau :
       1. Kịch bản thứ nhất :
        a) Tập thể Đảng ủy xã Thanh Văn có thể bị cảnh cáo hoặc giải tán, tất nhiên Bí thư Quang Văn Thỉnh sẽ bị xử lý nặng hơn (không như Kim Ngọc của Vĩnh Phú chỉ bị “kiểm điểm” và cấm “khoán hộ”), thậm chí phải truy tố trước pháp luật.
2.             b) Đưa Thanh Văn trở lại trạng thái cũ (ngang bằng với những nơi khác đang thực hiện đúng đường lối của Đảng), bằng cách :
3.              - Thu hồi toàn bộ số diện tích đất đã chuyển nhượng cho là “trái phép”, các căn nhà hai, ba tầng trở lên đã xây dựng trên đất đó sẽ phải tự phá bỏ, nếu không muốn bị cưỡng chế.
4.              -  Quỹ bảo hiểm, lương hưu thành lập trái phép sẽ bị tịch thu.
5.              - Thu hồi ruộng đất đang canh tác để đưa các dự án công nghiệp, du lịch, sân gôn...vào đầu tư như nhiều nơi khác đã làm.
6.              - v.v...
7.               Kịch bản này chứng tỏ lãnh đạo Thành Ủy Hà Nội kiên quyết dập tắt những biểu hiện làm sai đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước...mặc dù biết rõ cách làm đó đã thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân Thanh Văn, ưu việt hơn hẳn những nơi khác. Hơn nữa cách làm của Thanh văn không chỉ có lợi cho bản thân nhân dân trong xã mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, không hề gây hậu quả tác hại gì cho cộng đồng, không xâm phạm gì đến ngân sách của Nhà nước...       
         Kịch bản này gợi cho mọi người nhớ lại tình hình năm 1968, với việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị cấm “khoán hộ” vì cho rằng Kim Ngọc đã “đi ngược lại đường lối tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa của Đảng...” để rồi 20 năm sau lại buộc phải sửa sai bằng “Nghị quyết 10” của Bộ chính trị năm 1988, nghĩa là phải thừa nhận đường lối trước đó của Đảng là sai mà nguyên nhân căn bản là do giáo điều thực hiện theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với ảo tưởng nhanh chóng đi lên CNXH, CNCS...dẫn đến nguy cơ sụp đổ, đến mức phải đặt vấn đề “đổi mới hay là chết”!
8.                 Đứng trước tình hình khủng hoảng nghiêm trọng, Đại hội Đảng lần thứ VI buộc phải tìm lối thoát bằng con đường ĐỔI MỚI, thực chất là “phá rào”, rẽ sang một lối khác, từ bỏ (một phần) lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Do đó mới giải phóng được sức sản xuất, thoát khỏi nghèo đói và từng bước phát triển đi lên.
Tuy nhiên do đổi mới còn nửa vời nên sau gần 30 năm, tuy có đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng chúng ta vẫn còn là một nước nghèo và lại đang suy thoái, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đang giảm sút nghiêm trọng…nếu không có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện  hơn nữa thì khó tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ.
           Trong bối cảnh đó, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội lại phát hiện ra sai phạm của Quang Văn Thỉnh ở Thanh Văn là làm trái quy định của Đảng...nhưng oái ăm là ở chỗ làm trái mà lại thành công tốt đẹp, thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân ! Trong khi đó, nhiều nơi khác thực hiện đúng quy định, đường lối thì nông dân vẫn còn đang phải vật lộn, bươn chải với cảnh nghèo khó, thất nghiệp, khiếu kiện liên miên...
9.               Nếu bất chấp thực tiễn mà cứ nhắm mắt xử lý theo kịch bản này thì chưa thể lường hết được hậu quả sẽ như thế nào ? Không có lẽ nhân dân Thanh Văn  đành phải lũ lượt kéo nhau đi khiếu kiện hoặc vào trung tâm thành phố bán sức lao động, làm ô sin hoặc bán hàng rong trên đường phố để cải thiện đời sống như nhiều nơi khác...?
          Đó là đối với Thanh Văn nói riêng, ngoài ra đối với tình hình chung thì hậu quả của cách xử lý này còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều, vì nó có thể khiến cho dư luận xã hội cảm nhận rõ hơn về khuynh hướng bảo thủ vẫn đang là lực cản, kìm hãm sự phát triển của đất nước !
          Song chân lý như ánh sáng mặt trời, dù có bị tạm thời che lấp... rồi sẽ lại tỏa sáng. Thời gian trôi đi, chắc chắn sẽ có ngày “sự kiện Kim Ngọc” lại được tái hiện một cách trọn vẹn và Quang Văn Thỉnh sẽ được tôn vinh giống như hồi kết của Kim Ngọc thật. Đến lúc đó Thanh Văn sẽ được chính thức công nhận là “mô hình tiên tiến cho Thủ đô và cả nước” như lời “tiên đoán” của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội  Nguyễn Công Soái ! Chỉ tiếc rằng như vậy chẳng khác gì rơi vào vòng luẩn quẩn, lãng phí rất nhiều công sức và thời gian vàng ngọc ! nhưng có lẽ trường hợp này không đến nỗi phải tới 20 năm sau mới được sửa sai.
           2. Kịch bản thứ hai :
           Nhận định Thanh Văn là một “điểm sáng” và từ thực tiễn Thanh Văn để soi ngược lại đường lối, pháp luật... coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để nghiên cứu đổi mới đường lối, thể chế kinh tế và chính trị...chuẩn bị cho Đại hội XII sắp tới, nhằm đưa đất nước chuyển sang một giai đoạn đổi mới căn bản và triệt để, dựa trên nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh mà không bị lệ thuộc vào bất cứ một loại chủ nghĩa nào khác.
           Đây là kịch bản tối ưu mang tính bước ngoặt của lịch sử, tạo khả năng đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên giầu mạnh, theo kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...
          3. Kịch bản thứ ba :
         Trường hợp lãnh đạo nhận thấy còn băn khoăn về cả 2 kịch bản kể trên, với sự thận trọng cần thiết, rất có thể sẽ quyết định tạm thời khoanh lại, tiếp tục theo dõi và nghiên cứu thêm.
         Tất cả đều chỉ là dự đoán và nếu cần so sánh thì theo thiển ý cá nhân : kịch bản 2 sẽ là thượng sách, kịch bản 3 là trung sách, còn kịch bản 1 là hạ sách.
           Mong rằng các nhà lãnh đạo ngày nay sẽ sáng suốt tìm ra được phương án tối ưu để giải quyết thỏa đáng sự kiện Thanh Văn, tránh lặp lại sai lầm đã từng diễn ra đối với sáng kiến “KHOÁN HỘ” của Kim Ngọc ngày xưa.
               T.H (Tác giả gửi BVB)
------------------

11 nhận xét:

  1. Sáng đúng chiều sai ngày mai lại đúng-miệng qua trôn trẻ???
    NGLUY

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nó cứ sáng đúng chiều sai... vì Nghị quyết,chính sách,thậm chí Hiến pháp pháp luật của VN hiện nay không xuất phát từ mục tiêu tối thượng là kiểm soát giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tiễn đời sống mà chạy theo thị hiếu tô son trét phấn cốt làm đẹp cho thể chế ,hơn thế cái sự tung hô giáo điều ấy lại tô trét lên một cơ chế vô hình nên không màu mè nào che đậy được thực tế ngày càng bất cập phơi bầy ...để cuối cùng chính quyền chính sách cứ lẽo đẽo theo dân ,theo những phương cách ,tư duy mà mới hôm qua chính quyền vừa tập trung đả phá ,chụp mũ là phá rào ,là chệch hướng ,thậm chí là thoái hóa,thù địch!...Như thế thì chính quyền cũng đau lắm chứ,nhưng không thế thì dân chết đói,thì mãi mãi làm tôi đòi cho thiên hạ bóc lột.

      Bao giờ người cầm lái hết Mù+Điếc+Tham thì cỗ xe VN sẽ lại tăng tốc như vốn tiềm năng mà nó có!

      Xóa
  2. Trương Minh Tịnhlúc 03:58 22 tháng 9, 2014

    Mấy ông lãnh đạo CS VN (Cu-Ba,Bắc Hàn v.v...) có cái chung rất phỗ biến :1/-Nhờ bợ đỡ mà lên nên rất ngu dốt. 2/-Khi ngu dốt, thấy ai giỏi thì ghét (vì người giỏi như cái gai,làm cho cái ngu dốt của họ rõ nét hơn).
    Cuối cùng,đất nước thê thãm.

    Trả lờiXóa
  3. quan trong nhat la kiem tra co tham nhung, loi ich nhom , an cap cua cong lam cua tu khong, thi moi danh gia chinh xac ban chat van de duoc.

    Trả lờiXóa
  4. Khi "cínhh quyền" thực chất là tà quyền.

    Trả lờiXóa
  5. Có thể thấy ngay là ĐCSVN đã và đang trợt dài, sâu vào vũng bùn của giáo điều, bảo thủ, trì trệ , dốt nát không cầu thị và độc quyền thành chuyên chế . Mục tiêu lý tưởng của đảng CSVN đi ngược lại lợi ích của nhân dân, cản trở, triệt tiêu sự tự do sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cả những đảng viên thực sự vì dân, lo cho dân. Có thể nói mô hình ở xã Thanh Vân là tiêu biểu, là kỳ vọng của bao lớp người hy sinh trong 2 cuộc K/c. Vậy mà bị xóa bỏ, vì cái gì, vì ai, cho ai? câu trả lời tưởng đã rõ. Bản chất của ĐCSVN ngày nay đã thay đổi 180o với lý tưởng vì nước vì dân khi ra đời của cách đây 84 năm ( 1930) . ĐCSVN và nhà nước của nó đã thành vật cản đường , trì kéo lùi bước tiến của dân tộc. Cần phải loại bỏ nó hoặc khiến nó thay đổi bản chất , trở lại vì dân cho dân. Mong thay!

    Trả lờiXóa
  6. Nhớ xưa ba ngọn cờ hồng
    Xả viên nghe kiểng ngày công mấy hào
    Xếp hàng tem phiếu lao xao
    Người thân kẻ thích được vào ưu tiên
    Dân đen trích quỷ nộp tiền
    Tín dụng mặc sức cưởng quyền cho vay
    Mua bán cũng thế nào hay
    Cha chung ai khóc chỉ đày khổ dân
    Quan tham cấu kết hưởng dần
    Hợp tác còn lại cái tơi bần hàn
    Nhiều đường sáng tạo giúp dân
    Quy sai đường lối tắc dần mầm sinh
    Kim Ngọc một thuở điêu linh
    Thanh Vân giờ lai coi khinh Đảng à
    Ngồi cao trí tuệ nằm lòng
    Cứ đi cho hết con đường viển vông
    Nước nhà chịu phận long đong
    Đảng ơi hởi đảng dân mong nỗi gì
    Người tài sáng tạo có khi
    Quy sai đường lối chỉ đi vô tù
    Than ôi Nước Việt tôi ơi
    Vẫn còn Đảng cộng dân tôi đói nghèo

    Trả lờiXóa
  7. Không thể nghĩ là sẽ "phú quý giật lùi" như vụ ông Kim Ngọc cách đây gần nửa thế kỷ.
    Nhưng cũng khó hiểu với cái kết luận của BKT TUHN.
    Có lẽ so sánh với vụ chị Ba Sương thì phải hơn!

    Trả lờiXóa

  8. Nếu được bầu trong ĐH 12 tôi sẽ bầu Nguyễn Thanh Nghị Làm tổng BT
    bởi ông được tiếp cận và được GD trong ánh sáng của nền văn minh Mỹ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông nên tự ứng cử trước, Nd2052 ơi! Có vẻ ông có tính cách làm TBT đấy!

      Xóa
    2. Bí thư ôi ! bí thư này
      Ngồi cao chót vót ăn mày thế gian
      Người ta thấy rỏ Việt gian
      Bán Nước cho Tàu mộng mị với Dân
      Thế mà mãi cứ lần đân
      Nước vào tay giặc Bí thư hết đường

      ĐVK

      Xóa