Gần đến ngày ông Công ông Táo, người dân làng Thuỷ Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) tất bật quăng lưới, đánh bắt cá chép đỏ chuẩn bị cho các chuyến xe từ khắp nơi đổ về lấy hàng.
Hơn 40 năm qua, nghề nuôi cá chép đỏ của người dân làng Thuỷ Trầm ngày một phát triển khi nhu cầu cúng và dùng cá chép làm phương tiện tiễn ông Táo chầu trời vào dịp 23 tháng chạp ngày một tăng. Anh Vạn, một người hành nghề cho biết, có tới 90% dân làng nuôi và kinh doanh cá chép đỏ.
Bắt đầu từ ngày 19 đến 22 tháng chạp, người dân nhộn nhịp đánh bắt cá từ dưới ao. Cá giống mua từ tháng 6 âm lịch và nuôi lớn dần cho đến cuối năm.
Nhà nào có diện tích ao lớn thì thu hoạch lớn, có nhà chỉ cái ao nho nhỏ cũng thu hoạch kha khá. Vào ngày bình thường, các gia đình sử dụng ao để nuôi cá chép, rô phi, trắm, trôi …
Cá chép đỏ vốn có xuất xứ từ Nhật Bản. Giá bán buôn tại làng 85.000 một kg. Mỗi cân hơn 50 con.
Cá từ khi nhập giống về chỉ to bằng nửa ngón tay út, sau khoảng 6 tháng lớn lên to bằng hai đến ba ngón tay.
Trước ngày đông khách về thu mua nhất, dân làng bắt cá từ ao lên, cho vào túi nylon đưa vào bể nuôi trước sân nhà.
Có nhà thu gom cá vào một chiếc lưới lớn gần bờ rồi mang bao tải nylon ra đựng, thậm chí khách đến tận ao mua chở thẳng về chợ bán.
Theo kinh nghiệm của người dân, mỗi mét vuông mặt nước chỉ thả khoảng 200-300 con giống. Nếu thả nhiều quá, cá khó lớn và ngược lại thả ít quá cá lớn nhanh, không phù hợp để đưa lên bàn thờ cúng.
Hộ nhà anh Thiện, chị Lương ở khu 3 là một trong vài hộ có sản lượng lớn nhất với khoảng 1,6 tấn cá.
Chị Lương đang vớt cá cho vào chậu cân đong trước khi giao hàng cho một vị khách từ Yên Bái về mua 30 kg.
Cá ở dưới nước tung tăng bơi lội, thậm chí nhảy vọt lên nhưng khi ở gọn trong lòng bàn tay lại tỏ ra rất hiền lành.
Cá được các khách mua nhỏ lẻ tất bật chở về chợ đem bán sớm. Mỗi sáng 23 tháng chạp, cả làng lại sạch bóng cá khi được vận chuyển đi hết.
(theo vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét