Đám tang bà Hạnh rất đông người đến đưa tiễn. Bà có tiếng là hiền lành, đức độ, cả đời tần tảo chăm chồng, dạy con nên người. Chỉ là xóm giềng mà mắt ai cũng đỏ hoe, họ lặng lẽ chờ tiễn bà đi một đoạn đường trước khi giã biệt bà mãi mãi.
Một buổi chăm sóc sức khỏe cho thân nhân gia đình chính sách. |
Vậy mà không khí xúc động, trang nghiêm đó đã bị người đọc điếu văn phá hỏng. Không chỉ đọc khô khan, vô cảm, ông còn đọc sai, sót khiến câu cú lủng củng, phản cảm. Có nhiều chỗ ông phải dừng lại khá lâu để xem nó là chữ gì mới đọc tiếp được. Nhìn ông chật vật với bài điếu văn, người thì chép miệng lắc đầu, người thì cố gắng kìm nén để khỏi phì cười. Họ quay sang nhau bàn tán: Sao ông ấy không đọc trước một lượt đi nhỉ, hoặc viết lại cho dễ đọc, chết thật thôi, làm hỏng cả đám tang của người ta… chả có trách nhiệm gì cả.
Hai từ “trách nhiệm” nghe được trong đám tang khiến tôi suy ngẫm nhiều. Theo từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm là từ để chỉ phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả.
Cứ theo ý nghĩa trên mà ngẫm thì mọi công việc quanh ta đều gắn với hai từ này. Ở trong hàng rào nhà mình, bố mẹ, con cái có trách nhiệm với nhau hay không biểu hiện ngay ở bữa ăn, giấc ngủ, manh quần, tấm áo. Bước ra ngoài, người có trách nhiệm với xóm làng bộc lộ ngay ở cái cổng, cái ngõ sạch sẽ hay cỏ mọc um tùm. Đến nơi làm việc, trách nhiệm lộ ra từ chỗ dựng chiếc xe của mình gọn gàng, phần chỗ cho người khác cùng để. Rồi trong giải quyết công việc, hai từ này càng thấy rõ hơn: người làm cho xong chuyện, cốt vơ được cái lợi về mình, còn hậu quả thế nào mặc người khác phải gánh chịu là vô trách nhiệm. Người miệng nói tay làm, bao quát, nghĩ đến cái tốt cho cả mình, đó là người có trách nhiệm…
Hai từ trách nhiệm trong thời điểm này lại càng cấp thiết vì chúng ta đang làm một việc rất hệ trọng của đất nước: Tham gia ý kiến để xây dựng Đảng vững mạnh hơn. Gần 1 năm nay, rất nhiều hội nghị tổ chức ra để xin ý kiến phê bình của đảng viên đối với Đảng; mỗi đảng viên phải thành khẩn tự phê bình mình… để tìm ra “bệnh”, từ đó mà “kê đơn” chữa bệnh.
Vậy nhưng, chẳng mấy ai “lạy ông tôi ở bụi này”, những khuyết điểm tự “phê” phần lớn là chung chung, thậm chí có thể chuyển thành… ưu điểm. Ví dụ: còn nóng nảy trong quan hệ với đồng nghiệp (ý nói là người hăng hái đấu tranh); còn ôm đồm, làm việc chưa khoa học (ý nói rất say sưa công việc và làm được nhiều việc); còn chưa nhiều kinh nghiệm sống nên chưa được lòng mọi người (ý nói còn trẻ, còn nhiều thời gian phấn đấu)… Ấy là tự phê mình, phê người khác càng đơn giản hơn: Đề nghị đồng chí quan tâm đến cơ sở nhiều hơn; đề nghị đồng chí gần gũi anh em hơn… thậm chí có người chỉ đơn giản viết vài chữ: tôi không hiểu công việc của đồng chí này nên không đánh giá được. Những kiểu phê và tự phê sơ sài, né tránh như thế thực chất là vô trách nhiệm sẽ chẳng chữa được “bệnh”. Hai từ trách nhiệm lúc này không chỉ ảnh hưởng đến một gia đình, một cộng đồng nhỏ mà là tồn vong của Đảng, của đất nước.
Trách nhiệm với mình, với người, điều tưởng nhỏ mà lại lớn biết bao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét