Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Ông Đinh La Thăng lại ra tòa 'sau Tết'

 Ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù trong phiên xử kết thúc hôm 22/1/2018
Một luật sư nói với BBC rằng phát ngôn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phiên tòa xử ông Đinh La Thăng vụ OceanBank "sau Tết" là "hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và đặc điểm chính trị tại Việt Nam, mặc dù điều này là không nên".
Tin cho hay, trong buổi gặp mặt chúc Tết đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
"Chúng ta đã làm rất quyết liệt. Áp Tết rồi, toà vẫn vừa tuyên thêm một án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Ở TP Hồ Chí Minh thì đại án Phạm Công Danh cũng làm tiếp.
"Còn vụ 800 tỷ đồng tại OceanBank thì để sau Tết, không để không khí nặng nề dịp vui xuân."
"Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế. Cuộc chiến rất cam go, phức tạp, như Bác Hồ nói là 'chống giặc nội xâm', thứ 'giặc' còn khó chống hơn 'giặc ngoại xâm' vì nó phạm đến anh em, đồng chí của chúng ta."
Hôm 22/1, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVN và PVC.
Tháng trước, báo Người Đưa Tin viết:
"Liên quan đến hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông trong giai đoạn từ năm 2008 - 2011, ông Đinh La Thăng sẽ còn phải ra hầu tòa trong một vụ án khác cũng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự."
"Cáo trạng kết luận ông Thăng chính là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện nên phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank," báo này viết.

'Chủ trương, đường lối'
Hôm 8/2, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận với BBC từ TP.Hồ Chí Minh: "Người Việt vốn kiêng kỵ đầu năm mà nói chuyện chết chóc, tù tội. Một khi đưa ra xét xử thì báo chí không thể không đưa tin."
"Do đó, việc không đưa các đại án còn thời hạn chuẩn bị xét xử ra xét xử trong dịp Tết cổ truyền là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu vì lý do này mà trì hoãn những vụ đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo."
"Chúng ta không thể vì để không ảnh hưởng đến không khí Tết mà buộc bị cáo phải "hy sinh" quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
"Trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như thế là can thiệp vào công tác xét xử, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án."
"Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng nội hàm độc lập xét xử của tòa án Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị, trong đó có hệ thống tòa án nên sẽ không có chuyện độc lập tuyệt đối mà chỉ là độc lập tương đối."
"Nghĩa là về lý thuyết, sẽ không có chỉ đạo cụ thể phải xử người này hoặc người kia tội gì, bao nhiêu năm tù mà chỉ có đưa ra chủ trương, đường lối." "Do đó, phát biểu của ông Trọng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và đặc điểm chính trị tại Việt Nam, mặc dù điều này là không nên."
Luật sư Sơn nói thêm: "Dưới góc độ cá nhân, tôi không ủng hộ kiểu độc lập tương đối như hiện nay. Tòa án phải là nơi nhân danh công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa chứ không phải là công cụ để bảo vệ bất kỳ đảng phái hay nhà nước nào."
"Khi tuyên án, tòa án phải nhân danh công lý chứ không phải nhân danh Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam."
"Theo những gì báo chí Việt Nam nêu thì hai vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng kết thúc điều tra chỉ cách nhau có một ngày nên quyết định tách vụ án của cơ quan điều tra (nếu có) là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự." "Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đinh La Thăng. Khi đó, một hành vi phạm tội có thể bị xử lý hai lần và bị tổng hợp hình phạt thay vì bị xử một lần với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần."
"Điều này đồng nghĩa với việc sau khi tổng hợp hình phạt thì ông Thăng phải đối diện với mức án tù cao hơn trường hợp xử một lần với tình tiết tăng nặng."

'Quyết tâm chính trị'
"Theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (có hiệu lực áp dụng tại thời điểm điều tra, truy tố), thì Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án."
Trong trường hợp này thì phải đặt vấn đề nhập vụ án chứ không phải là tách vụ án.
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Viện Kiểm sát có nghĩa vụ phải nhập vụ án (chứ không phải là có thể) khi bị can phạm nhiều tội, bị can phạm tội nhiều lần. Do đó, giả sử cơ quan điều tra tách vụ án là "đúng" quy định thì để có lợi cho ông Đinh La Thăng, Viện Kiểm sát có thể chờ thêm vài này nữa khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ nhập các vụ án lại."
"Rất tiếc là trên thực tế chúng ta thấy điều ngược lại. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã gấp rút hoàn thành thủ tục điều tra, truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục nên đã gói gọi thủ tục điều tra, truy tố theo Bộ luật Hình sự 2003 và đương nhiên không thể buộc Viện Kiểm sát phải nhập vụ án."
"Xử lý hình sự ông Đinh La Thăng còn là một quyết tâm chính trị của Đảng. Ở Việt Nam, đôi khi quyết tâm chính trị nó còn có sức mạnh hơn cả luật pháp. Mà cái gì liên quan đến chính trị thì cũng rất khó lường nên cũng rất khó đoán kết quả của các phiên tòa sắp tới. Mà theo kinh nghiệm của tôi thì một khi đã bị khởi tố, bắt tạm giam thì việc tuyên ông Thăng vô tội là chuyện hy hữu."
Hồi cuối tháng 12/2017, Luật sư Phan Trung Hoài, một trong các luật sư của ông Thăng, "kiến nghị nhập hai vụ án của ông Đinh La Thăng để xét xử trong cùng một phiên tòa" nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
Trong phiên tòa xử vụ "Cố ý làm trái…" tại PVN, ông Thăng được ghi nhận nói lời sau cùng trước tòa "xin được tại ngoại để thăm người cha bệnh tật và ăn cái Tết cuối cùng với gia đình và người thân trước khi thi hành án."
Sau đó có tin ông Đinh Văn Nhu, cha của ông Thăng, đã qua đời tại Hà Nội hôm 26/1.
Trong một diễn biến khác, hôm 5/2, em trai của ông Thăng là ông Đinh Mạnh Thắng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà bị tuyên phạt 9 năm tù trong phiên tòa xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land). 
(BBC)

3 nhận xét:

  1. Việc đem xử Đinh La Thăng như là những bước đi làm sạch cái nhà đã dơ bẩn quá rồi như lời ông cố Thủ tướng trị vì đất nước với danh vị ấy đến 32 năm Phạm Văn Đồng. Đó là lời nói của ông Pham Văn Đồng năm ông 84 tuổi khi nhận Huân chương Sao vàng năm 1990. Thế mà năm 1996 sau Đại hội lần thgws VIII, người ta bất chấp pháp luật lại đôn Ngô Xuân Lộc đang bị Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Thế Tiệm có công văn số 254 yêu cầu khởi tố vào Trung ương và đôn thành Phó Thủ tướng đưa Chính phủ vốn trước đó có 3 Phó Thủ tướng thành 5 phó Thủ tướng không coi pháp luật là gì ban tặng đệ tử vô tội vạ. Chuyện ấy cũng phải làm rõ nếu muốn dọn sạch cái nhà thực sự chứ không phải nói mấy câu ỡm ờ.
    Tôi luôn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật. Tội Thăng đến đâu do Tòa án phán xử. Thăng cần đối mặt với pháp luật, đối mặt với công lý, với dư luận. Nếu thăng vô tội, Thăng hãy tự tin mà tự bào chữa với sự giúp đỡ của luật sư và dư luận. Ông Tạ Đình Đề một lần tù Tây, 3 lần tù ta mà danh ông vẫn sáng, càng bôi nhọ thì tấm gương Tạ Đình Đề càng sáng. Tạ Đình Đề là một nhân cách lớn dù cho cuộc đời gần 10 năm trong trại giam. Tôi cũng có suy nghĩ, lỗi của Thăng nếu có thì cũng gắn liền với cơ chế. Dù sao, lúc này nghe khẩu khí trước tòa của Thăng còn hơn chán vạn thằng hèn nhát tìm đủ mọi mưu ma trước quỷ để chốn trách, không giám đối diện với tòa, với dựư luận. Những người đó không biết xấu hổ mà còn khua môi mua mét.
    Về chủ điểm này tôi viết mấy bài, đây là sự tiếp nối. Tôi hoan nghênh người dóm lò, người đốt lò để thiêu cháy bọn gây nên nông nỗi này cho đất nước, đành rằng chấp nhận chúng dù có cháy vẫn để cho đời đống tro bẩn. Phài tìm xem nó có từ khi nào và ai chịu trách nhiệm. Khó mà chính xác được. Cứ theo sự hiểu biết của tôi, tối thiểu là sự 'thấy' của tôi. Thấy chưa chắc đã biết. Vào thời kỳ khóa VI, trong phiên khai mạc Quốc hội, ông TBT Nguyễn Văn Linh đã cảnh cáo một tân bộ trưởng, ông PMH vì nhận một bộ tràng kỷ do một cơ quan của Quảng Nam - Đã Nẵng biếu tặng. Có thể do sự nhậy cảm chính trị ông đã nhân đó mà cảnh báo, vị Bộ trưởng nọ chỉ là cái cớ. Cho nên có thể có tác dụng răn đe. Thế mà khóa VIII, những người có trách nhiệm quản trị quốc gia hàng đầu thổi Ngô Xuân Lộc đang bị khởi tố thành Ủy viên trung ương, Phó thủ tướng. Có thể coi đó là sự khởi đầu cho một thời kỳ hư hỏng. Vì vầy mà tôi cho rằng để sửa tận gốc thì phải làm nhiều việc, trong đó có việc nọc đánh trăm roi mấy vị đầu têu gây nên theo kiểu "Dự nhượng đả long bào".

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi ông ĐLT nên nhận hết tội một cách thực chất hơn. Không thể nhận theo kiểu người đứng đầu được.Bởi chính ông là người ra lệnh. Ai cũng hiểu trong những phi vụ như vậy ông là người hưởng lợi nhiều nhất.Cấp dưới nếu không nghe lệnh của ông chắc chắn sẽ được nhận tờ A4 theo nhiều cách. Nhưng nếu muốn quan tòa tuyên đúng tội thì ông NVQ phải khai số tiền nhận từ NXS cho ai và ai là người cầm nhiều nhất,dù không có bằng chứng chứng minh. Bởi vì tiền bất chính làm sao có ký nhận. Nếu ông không khai ra thì tức là ông đã cầm hết. Theo tôi ông Q không thể qua mặt ĐLT mà ăn hết được... muốn giảm án phải thành thực hơn nữa...

    Trả lờiXóa