Trong bài viết riêng dành cho VietnamFinance, GS Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc đã nêu những trở ngại mà các nhà lãnh đạo cấp cao của các thành viên APEC sẽ gặp tại kỳ Hội nghị thượng đỉnh APEC tới đây tại Đà Nẵng (Việt Nam).
Quan ngại lớn nhất với các thành viên APEC là làm thế nào đẩy nhanh việc đạt mục tiêu tự do hóa thương mại & đầu tư cho khu vực châu Á-TBD thông qua Hiệp định thương mại tự do châu Á-TBD (FTAAP) vào thời điểm mà xu hướng bảo hộ lẫn chống toàn cầu hóa đang có chiều hướng lan rộng.
Song hành với đó, các thành viên APEC quan ngại khả năng tương thích của tổ chức này khi mà những thách thức tìm ra cách cạnh tranh với Hiệp định Kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) lẫn chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc, nhất là khi Tổng thống Donald Trump (Mỹ) chuyển hướng chính sách thương mại mang tính đa phương sang đơn phương nhiều hơn.
Các thành viên APEC cần thể hiện rõ cam kết thực thi Tuyên bố Lima (Peru) về FTAAP thông qua việc phát triển, đẩy nhanh các kế hoạch hành động mang tính dài hơi để có được những mấu chốt cơ bản.
Cụ thể, trên góc độ tự do hóa thương mại, phát triển kinh tế nội khối với các đối tác bên ngoài khối APEC, những thách thức cơ bản với thuận lợi hóa thương mại và phát triển kinh tế bao gồm xu hướng bảo hộ ở một số quốc gia vốn đang có mức tăng trưởng thấp và không mong muốn chấp thuận các tiêu chuẩn mới, nhất là trên góc độ tự do hóa dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPRs), hay mở cửa hơn nữa thương mại điện tử, thương mại số và quyền phụ nữ.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội thể hiện là nhà lãnh đạo có tầm toàn cầu trong việc ủng hộ toàn cầu hóa, trong khi Tổng thống Donald Trump lại muốn theo đuổi chính sách bảo hộ thông qua chiến lược “Nước Mỹ trên hết”.
Vậy nên, các thành viên APEC cần nhất trí đồng thuận ủng hộ Hiệp định của WTO về thuận lợi hóa thương mại để giảm thiểu chi phí bằng cách cải thiện chuỗi nguồn cung toàn cầu và xóa bỏ bơt rào cản phi thương mại.
Thời điểm của Việt Nam
Việt Nam sẽ tận dụng thời cơ là Chủ tịch APEC 2017 để tiếp đón các chuyến thăm (song phương) chính thức tới Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây chắc chắn sẽ không phải là điều gì quá khó khăn với Việt Nam lúc này bởi điểm chung của cả Bắc Kinh lẫn Washington đang lớn dần ở chỗ: làm thế nào xử lý vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên lẫn giải quyết các bất đồng thương mại giữa 2 bên.
Thế nhưng tôi nhận thấy Việt Nam dường như khá khéo léo trong khả năng xử lý ngoại giao với các siêu cường này, theo cách giảm thiểu các bất đồng, nâng cao các điểm tương đồng. Kết quả sẽ cho thấy cả Trung Quốc và Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ vai trò độc lập, tự quyết của Việt Nam như là một nhân tố có đóng góp tích cực cho an ninh của khu vực.
Việt Nam đã có những nỗ lực cần thiết để thúc đẩy một chương trình cải cách của APEC thông qua các cuộc họp nhóm làm việc, cuộc họp của các quan chức cấp cao và Bộ trưởng. Việt Nam sẽ cần phải thể hiện nhiều hơn nữa vai trò lãnh đạo chủ động của mình để vượt qua những trở ngại khó lường với từng vấn đề cụ thể.
Bản thân các Bộ trưởng Kinh tế APEC đã đạt được việc đề ra các ưu tiên cần thiết rồi. Việt Nam cần tiến hành vận động thêm các nguồn hỗ trợ tài chính và ủng hộ khác để đạt được yêu cầu phát triển của chính mình. Cách tốt nhất là có các cuộc gặp song phương bên lề thông qua việc tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ của các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.
Tìm sự đột phá
Các Bộ trưởng Kinh tế APEC đã đề ra 4 ưu tiên: (i) khuyến khích tăng trưởng hài hòa, sáng tạo và bền vững; (ii) đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực; (iii) tăng cường tính cạnh tranh và sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn siêu nhỏ (MSMEs) trong kỷ nguyên số, và (iv) tăng cường nông nghiệp bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi một lĩnh vực nêu trên này đã được thảo luận sâu kỹ bởi các nhóm làm việc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh.
Điểm đột phá có thể sẽ là giành được sự động thuận cao của các thành viên APEC, rằng cần phải có các cải cách ở mỗi nước cùng viêc tuân thủ những nguyên tắc/tiêu chí quốc tế cao hơn nhằm triển khai được các ưu tiên kể trên, cũng như đề ra được một mốc thời hạn triển khai có thể chấp nhận được. Một số quốc gia riêng rẽ khác cần phải thể hiện cam kết rõ ràng về việc đạt được những mục tiêu này.
Các nhà lãnh đạo APEC cần phải phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đẩy mạnh tiến trình cải cách thông qua việc thực thi các tiêu chí cao hơn trong việc thuận lợi hóa thương mại tùy từng thời điểm cải cách cơ cấu, ví như mảng dịch vụ và thương mại số. Điều này sẽ không dễ dàng. Nó có nghĩa là họ phải cam kết mở cửa kinh tế trên cơ sở các chương trình, kế hoạch hành động của từng quốc gia với các thời hạn rõ ràng và cụ thể.
Tóm lại, việc là chủ nhà của APEC lần thứ 2 này sẽ cho thấy tầm quan trọng của chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao” của Việt Nam.
Việt Nam có khả năng thể hiện cho quốc tế thấy năng lực phát triển kinh tế của mình ở một thành phố hiện đại, năng động như Đà Nẵng, và cho thấy Việt Nam là một thành viên tích cực với các vấn đề an ninh của khu vực và toàn cầu. Đổi lại, Việt Nam có thể thu hút được sự ủng hộ từ các thành viên APEC cho các mục tiêu phát triển kinh tế của mình.
GS. Carl Thayer/(VNF)
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét