Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Môi trường kinh doanh cần lành mạnh, minh bạch

Ngày 22/11/2015, Lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Để thực sự tham gia và có những lợi ích thiết thực từ AEC, cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng cần có sự chuẩn bị tích cực về kiến thức và nguồn lực để có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà. Muốn làm được điều này, môi trường kinh doanh tại Việt Nam phải thực sự lành mạnh, minh bạch.
Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong các tháng vừa qua liên tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
- Thưa bà, Luật Doanh nghiệp 2014 đã đi vào thực tiễn được gần 5 tháng qua. Tại Nghị quyết số 59 của Chính phủ về triển khai thực hiện Luật DN, Luật ĐT 2014, Chính phủ đã chỉ ra một số những khó khăn trong triển khai là sự bỡ ngỡ của cộng đồng trước các quy định mới tại Luật. Vậy trong công tác đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước đã chuẩn bị thế nào để việc thành lập DN được thực hiện suôn sẻ, không bị gián đoạn tại thời điểm bắt đầu áp dụng quy định mới?
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh 

(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
- Luật Doanh nghiệp 2014 với nhiều cải cách đáng kể, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đã đi vào thực tiễn được gần 5 tháng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong các tháng vừa qua tăng cao liên tục so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế của đất nước.   
Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp lý hướng dẫn Luật trình Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Cục tích cực chuẩn bị các nội dung hướng dẫn pháp lý nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương trong việc triển khai Luật, tránh làm gián đoạn, xáo trộn công tác nghiệp vụ, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Cục đã chủ trì phối hợp với Bộ Công An, Bộ Tài chính ban hành các hướng dẫn liên quan (khắc dấu, liên thông cấp mã số DN). Bộ KHĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời cho tất cả 63 tỉnh, thành phố (CV 4211/BKHĐT-ĐKKD). Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường hỗ trợ giải đáp vướng mắc của DN, cơ quan ĐKKD thông qua điện thoại, email, văn bản, cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn trực tiếp…
Song song với việc ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cũng được tổ chức thực hiện cho gần 700 cán bộ ĐKKD để nắm vững những thay đổi về khung pháp lý và áp dụng trong các bước nghiệp vụ.
- Hạ tầng và nhân lực có đáp ứng được những yêu cầu, thay đổi khi triển khai các nội dung mới không, thưa bà?
- Về mặt hạ tầng kỹ thuật, Cục đã nâng cấp Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp lên phiên bản 2.0, cho phép cập nhật tất cả các quy trình pháp lý theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đặc biệt, kể từ 01/7/2015, những thay đổi cơ bản theo quy định tại Luật đã được triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc như cấp Giấy CNĐKDN cho DN FDI, công bố mẫu dấu DN, ĐKDN qua mạng…Đối với DN FDI, Cục đã chủ động xây dựng phần mềm kết nối ĐKDN và ĐKĐT, chuyển đổi dữ liệu của trên 17,000 DN FDI vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để việc thực hiện cấp Giấy CN ĐKDN cho DN FDI không bị khó khăn, gián đoạn.
Cũng để chuẩn bị thực hiện quy định của Luật Đầu tư, Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện rà soát, tổng hợp Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh của 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014. Ngày 01/7/2015, Cục đã thực hiện đăng tải Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo 16 lĩnh vực quản lý nhà nước.
Lần đầu tiên, một danh mục tương đối hoàn chỉnh về hàng nghìn điều kiện đầu tư, kinh doanh được tổng hợp, công khai cho cộng đồng với những hướng dẫn cụ thể, minh bạch, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách chính thống, khách quan.
- Trong thời gian qua, những quy định mới cũng đã có tác động nhất định đến môi trường kinh doanh. Theo bà, những kết quả lớn đã đạt được trong công tác đăng ký kinh doanh là gì?
- Trong công tác đăng ký kinh doanh, những kết quả đạt được được cụ thể hóa tại số liệu về thành lập doanh nghiệp sau 5 tháng triển khai thi hành Luật. Tính từ 01/7/2015 đến ngày 21/11/2015, đã có tổng số 41,4 nghìn DN đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 311,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36,2% về số doanh nghiệp và 94,5% về số vốn so với cùng kỳ 2014. Đặc biệt trong tháng 8/2015, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trưởng 84% trong khi số vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Về đăng ký mẫu dấu doanh nghiệp, số lượng mẫu dấu công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về ĐKDN cho đến (21/11/2015) là gần 52 nghìn mẫu dấu. Đây là kết quả bước đầu hết sức tích cực khi người dân, doanh nghiệp đã thể hiện sự tự chủ trong các quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Trong 52 nghìn con dấu được công khai trên Cổng, hầu hết các mẫu dấu giữ nguyên hình dạng, kích thước, nội dung như cũ. Một vài DN sử dụng các mẫu dấu với hình dạng đặc biệt hơn như hình vuông,…nhưng vẫn đảm bảo các nội dung trên con dấu theo đúng quy định của Luật. Có thể thấy quy định mới đã được doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời và đang dần thích nghi với thay đổi này. Doanh nghiệp cũng tự nghiên cứu, lựa chọn mẫu con dấu để phù hợp, thuận lợi cho công việc kinh doanh, giảm thiểu sự e ngại của đối tác với hoạt động của mình.
Về đăng ký doanh nghiệp FDI, trong 5 tháng qua (tính đến 21/11/2015) đã có 447 doanh nghiệp FDI đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống với tổng số vốn đăng ký là 9322 tỷ đồng, đạt trung bình 20,8 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho doanh nghiệp. Hiện nay, Cổng đã có trên 26 triệu lượt truy cập và hàng ngày cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích cho cộng đồng như: số liệu đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin DN, DN FDI, công khai mẫu dấu, bố cáo thành lập doanh nghiệp, tra cứu tên DN, tra cứu điều kiện đầu tư, kinh doanh trực tuyến và các dịch vụ thông tin đăng ký doanh nghiệp…
Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg về Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bao gồm 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Những cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và trong triển khai thực hiện của các Bộ, ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế ghi nhận. Báo cáo môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 đã tăng 3 bậc, đứng ở vị trí 90/189 quốc gia, nền kinh tế so với năm trước, riêng chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc từ 125 lên 119.
- Những khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại mà cơ quan đăng ký kinh doanh phải đối mặt là gì?
- Tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 về triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế cơ bản trong quá trình triển hai thực hiện hai Luật. Cho đến nay, một số những khó khăn đó đã phần nào được giải quyết với việc Chính phủ ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: NĐ 78 về đăng ký doanh nghiệp, NĐ 81 về công bố thông tin của DNNN; NĐ 96 hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp; NĐ118 hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư; NĐ83 về đầu tư ra nước ngoài; NĐ15 hướng dẫn về đầu tư PPP …
Bên cạnh đó, ngày 28/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư do Bộ trưởng Bộ ta làm Tổ trưởng. Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đầy đủ và nhất quán Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, điều phối, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc phối hợp, triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký đầu tư và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phối hợp giải quyết vướng mắc trong quá trình thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014.
Như vậy, những khó khăn, thách thức cơ bản hiện nay bao gồm:
Thứ nhất, còn tồn tại một số văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung; chưa ban hành Danh mục điều kiện, tỷ lệ vốn đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định tại Luật; một số cán bộ các cơ quan nhà nước chưa hiểu đúng tinh thần của Luật, không hướng dẫn đầy đủ cho DN, trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa cao, còn gây một số phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ ba, hạn chế nguồn lực triển khai tại cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương trong khi thời gian thực hiện đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 03 ngày làm việc theo quy định tại Luật. Trong thời gian qua, nhiều Phòng ĐKKD đã phải chịu áp lực lớn do khối lượng công việc tăng 40% so với trước 01/7/2015; thời gian làm việc kéo dài 10-15 tiếng/ngày. Tổng số hồ sơ đăng ký thay đổi từ 01/7 – 20/11/2015 là 134.570 hồ sơ, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, Luật Doanh nghiệp được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, lấy phần khó về phía nhà nước nên khối lượng công việc của Phòng ĐKKD tăng lên đáng kể. Nhiều công việc trước đây do doanh nghiệp phải làm bây giờ cơ quan nhà nước làm thay cho doanh nghiệp.
- Theo bà, phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện là gì để thực hiện tốt các quy định tại Luật Doanh nghiệp?
- Có thể nói, đăng ký kinh doanh là “cánh cửa” đầu tiên mở ra cho doanh nghiệp khi bắt đầu tham gia vào thị trường. Trên cơ sở cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh đã được hiến định, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những thay đổi pháp lý cơ bản với tư duy “chọn bỏ”, cho phép doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đây cũng chính là định hướng cơ bản để xây dựng các quy định pháp lý trong đăng ký doanh nghiệp. Trong thời gian tới, để triển khai tốt các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng cần tiếp tục có sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố địa phương…
Trong đó, Bộ KHĐT với vai trò đầu mối trong phối hợp thực hiện các yêu cầu của Nghị quyết số 59 sẽ phải tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, triển khai, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ tại NQ59 và nhiệm vụ của Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp Luật Đầu tư.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai tốt tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cho các địa phương, Bộ, ngành, doanh nghiệp… kịp thời chỉ đạo Sở KHĐT có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý đối với cán bộ có tinh thần trách nhiệm chưa cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo cả về pháp lý và đạo đức công vụ cho cán bộ đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin quốc gia về ĐKDN, Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN để nâng cao các tính năng ưu việt, xây dựng Hệ thống thân thiện hơn với người dùng; đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử để giảm tải áp lực cho cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; Kết nối thông tin với Hệ thống Thông tin đầu tư nước ngoài trong cấp GCN Đầu tư và GCN ĐKDN cho nhà đầu tư nước ngoài…
- Còn vai trò của các bộ, ngành và địa phương thì sao, thưa bà?
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp, thực hiện tốt các yêu cầu được giao tại Nghị quyết số 59. Trong thời gian tới, các Bộ chuyên ngành phải tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định về điều kiện kinh doanh; đề xuất sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật Đầu tư để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh ban hành trái thẩm quyền; phối hợp với Bộ KHĐT thực hiện tuyên truyền, quán triệt các quy định tại Luật DN, Luật ĐT liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Về vấn đề này, tôi cho rằng, Chính phủ đã chấp nhận cuộc đua tranh cùng các nước với mục tiêu là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể thua kém trong cộng đồng ASEAN. Ngày 22/11/2015, Lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Để thực sự tham gia và có những lợi ích thiết thực từ AEC, cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng cần có sự chuẩn bị tích cực về kiến thức và nguồn lực để có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà. Muốn làm được điều này, môi trường kinh doanh tại Việt Nam phải thực sự lành mạnh, minh bạch.
Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này và thực hiện nghiêm túc các quy định về ban hành điều kiện kinh doanh để không làm chậm quá trình cải cách, bỏ lỡ cơ hội đổi mới của đất nước
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết 59 đã giao nhiệm vụ cho UBND phải bố trí đủ nhân lực, kinh phí và nguồn lực cho cơ quan ĐKKD, ĐKĐT để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014. Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo Sở KHĐT triển khai nghiêm túc quy định về cấp Giấy CNĐT, Giấy CNĐKDN cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Có thể nói, quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 vừa qua đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm, kỳ vọng của cộng đồng vào những cải cách có ý nghĩa thay đổi cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Và để đánh giá được tác động của Luật Doanh nghiệp 2014 lên môi trường kinh doanh thì cần có thêm thời gian và cần sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan liên quan.
Trong thời gian tới, tôi đặt nhiều tin tưởng vào sự tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của các Bộ, ngành, của địa phương nhằm tiếp tục giải quyết những vướng mắc triển khai, đưa tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 thực sự đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cho cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
P.V/ ĐTO
------------

3 nhận xét:

  1. Người biết xỉ nhụclúc 20:50 3 tháng 12, 2015

    Đã là kinh doanh thì phải có mưu mẹo, phải biết chọn thời cơ, phải biết chọn mặt hàng.... pjhaỉ biết cất hàng khi chưa "được gia" và phải biết "tung" hàng ra khi có thể thu lãi cao nhất.... Đó là mưu mẹo, là khôn ngoan....nhưng cái đó khác với sự lừa lọc, gian dối
    Dân gian vẫn nói Buôn gian bán lận và Gian thương ở đầu lưỡi.... nhưng thế nào là LÀNH MẠNH & MINH BẠCH lại là chuyện khác.
    Vào TPP thì VN phải
    LÀNH MẠNH HÓA MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
    là tất nhiên

    Trả lờiXóa
  2. Dân thì thế nào cũng được... (vì đã quen)
    Quan thì không thể thiếu... (tiền)

    Trả lờiXóa
  3. Một câu ca truyền khẩu nhiêu đời,ai cũng biết xin nhắc lại,
    Quảng Nam hay cãi,
    Quảng Ngãi hay co,
    Bình Định hay lo,
    Thủ đô ních hết,
    ...................
    Một nước mà không lành mạnh kinh doanh,
    Một nước mà kinh doanh không minh bạch.
    thì/ thì/ thì sắm ra cái đám đông như kiến đó làm cái gì ?
    chả lẻ sắm ra để quảng cáo với năm châu,
    Đây cũng là nhà chòi có nước đây chăng ?
    CS

    Trả lờiXóa