Nhà văn Hoàng Lại Giang tên khai sinh là Nguyễn Văn
Bé, sinh năm 1938 tại Bình Định.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, học phổ thông tại trường
học sinh miền Nam
và theo học đại học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1960-1965).
Ông làm việc tại nhà xuất bản Văn Học cho đến khi nghỉ
hưu, năm 1998.
Trong tư cách một biên tập viên, một giám đốc chi
nhánh của nhà xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong tư cách một nhà
văn, Hoàng Lại Giang luôn tỏ rõ một cách nhìn nhận độc lập, đầy bản lĩnh và sự
cảm nhận tinh tế trước các vấn đề của đời sống, của văn chương. Và chính vì
vậy, ông phải đón nhận không ít những tai nạn nghề nghiệp.
Nhà văn Hoàng Lại Giang |
Không phải tự nhiên mà báo Pháp luật thành phố Hồ Chí
Minh viết về Hoàng Lại Giang với tựa đề: Hoàng Lại Giang lội ngược dòng bằng
ngòi bút cá tính. Rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, về cuộc sống hiện tại
của ông như Đêm miền Đông, Gương mặt cuộc đời, Ký ức tình yêu, Tình yêu và tội
lỗi, Nỗi bất hạnh tình yêu, Ranh giới đời thường và đặc biệt là Người đàn bà
tôi ao ước… phải chịu sự phê phán của giới phê bình văn học và báo chí. Nhưng
có lẽ, chịu nhiều “áp lực” hơn cả là các tiểu thuyết danh nhân Phan Thanh
Giản-nỗi đau trăm năm, Lê Văn Duyệt-từ nấm mồ oan khuất tới Lăng Ông, Trương
Vĩnh Ký-bi kịch muôn đời.
Với tâm niệm: ”… viết về những gì tôi biết, tôi trải
và không thể im lặng được…” Hoàng Lại Giang đã cho xuất bản khoảng 50 tác phẩm.
Giờ đây, ở gần tuổi bát tuần, ông vẫn miệt mài làm
việc. Ông đang cố gắng hoàn tất tác phẩm Theo dòng hồi ức Võ Văn Kiệt, đồng
thời viết các khảo luận về các nhân vật lịch sử và cả các vấn đề thời sự.
Văn Việt trân trọng giới thiệu bài viết Hoàng đế Quang
Trung-Chiếu lập hoc và Chiếu cầu hiền của ông.
*
* *
Giáo dục và dụng hiền tài là hai mặt của một vấn đề
cái này là nhân, cái kia là quả. Cha ông ta ngay từ đầu đã ý thức rất sáng về
nhân – quả này. Năm 1076, Lý Nhân Tông mạnh dạn xây dựng Quốc tử giám. Trong
bia đá ngày nay còn lưu lại cho hậu thế tuyên ngôn của tiền nhân đối với việc coi
trọng nhân tài. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đất nước nhiều hiền tài thì
quốc gia hưng, ít hiền tài mà nhiều nịnh thần thì quốc gia suy!
Thời cận đại tôi nghĩ nhiều về Hoàng đế Quang Trung –
Nguyễn Huệ. Anh em nhà Tây Sơn nổi lên từ giai đoạn lịch sử bi thương của dân
tộc (Trịnh Nguyễn phân tranh) và vì vậy họ đã sớm thu phục được lòng dân và hút
được ngày càng nhiều anh tài. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ là người
mưu lược và tài quân sự bẩm sinh. Cách dùng binh của Nguyễn Huệ biến hóa khác
thường có một không hai trong lịch sử giữ nước của dân tộc Đại Việt. Thậm chí
so với những thiên tài quân sự như Napoléon Bonaparte, Nguyễn Huệ có những tính
cách mà Napoléon không dễ có được. Tôi hiểu mọi so sánh đầu khập khiễng, nhưng
nếu phải so sánh thì tôi vẫn nghĩ hai thiên tài ấy có nhiều điểm tương đồng hơn
là khác biệt. Và nếu có khác biệt thì đấy là sự khác biệt Đông-Tây.
Quang Trung là một vị Hoàng đế biết sức mạnh của lòng
dân. Khi lòng dân chưa thuận, ông biết chờ đợi. Trên lá cờ đào của đoàn quân
tiến ra Bắc Hà có mang dòng chữ “Phù Lê diệt Trịnh!”. Đây là khẩu hiệu, là nội
dung và cũng là mục đích cuộc tiến quân của Nguyễn Huệ. Dẹp xong quân Trịnh,
Nguyễn Huệ giao lại ngôi cho vua Lê và kéo quân trở về Phú Xuân. Dẫu đã ngoài
300 năm, nhưng lòng dân vẫn không quên hàng chục năm nằm gai, nếm mật của Lê
Lợi nuôi chí trả nợ nước. Quân Minh đã hàng phục, nước non được độc lập. Công
ấy thuộc nhà Lê, đứng đầu là Lê Thái Tổ. Nhưng nhà Lê suy. Mạc Đăng Dung tưởng
thời cơ đến. Nhưng ông đã nhầm. Lòng dân vẫn còn lưu luyến nhà Lê. Và cuối cùng
nhờ chúa Trịnh, ngôi báu lại trở về nhà Lê. Nhưng rồi Trịnh – Nguyễn phân
tranh. Chúa Trịnh vẫn nhân danh phù Lê, nhưng sự thật là buộc vua Lê vào ngôi
thái thượng hoàng. Nhân dân căm thù chúa Trịnh và đây chính là lúc Nguyễn Huệ
kéo quân ra Bắc, “Phù Lê diệt Trịnh”. “Lực hướng tâm” lại trở về Nguyễn Huệ.
Ngay một sĩ phu chính trực nổi tiếng một thời như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp,
trong lòng chưa tin hẳn, nhưng cũng đã có những xao động.
Từ Thăng Long trở về, Nguyễn Huệ nhờ Trần Văn Kỷ tiếp
xúc với Nguyễn Thiếp. Nhờ GS Hoàng Xuân Hãn ta đã hiểu cuộc đối thoài giữa hai
người.
“Huệ
tới châu ta, dừng ở núi Nghĩa Liệt, dương võ uy ra oai ép cụ phải ra mặt Huệ”.
Cụ tới. Huệ trách rằng:
-
Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho tới mời. Tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh
cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?
Cụ trả lời:
-
Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một
lần mà đã dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính thì anh hùng ai lại
chẳng theo. Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua đề lấy tiếng, thì lại hóa
ra một kẻ gian hùng”(1) [(1) La Sơn phu tử. Hoàng Xuân Hãn. Nhà xb Văn Học, tr.
141].
Đúng là câu trả lời của một kẻ sĩ Nghệ Tĩnh, khẳng
khái, không chút nể sợ, lại hàm chứa ý mai mỉa, hoài nghi răn đe trước một
Nguyễn Huệ oai phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng! Nhưng Nguyễn Huệ không
những không giận, ngược lại, càng kính trọng La Sơn hơn. Trọng hiền tài như
Nguyễn Huệ đúng là có một không hai trong lịch sử người Việt. Và đấy cũng là
bản lĩnh của một anh hùng dám dùng người mà không câu nệ chính kiến, trọng hiền
tài thực tâm mà không nản lòng chờ đợi. Và trong thực tế bao nhiêu hiền tài
trong Nam ngoài Bắc đều qui tụ về chung quanh Nguyễn Huệ, từ Nguyễn Văn Tuyết,
Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Xuân Hoài, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn
Sở, Phan Huy Ích, Nguyễn Đăng Trường,… Trong cách dụng hiền tài chưa có tư liệu
nào nói Nguyễn Huệ e sợ, ngần ngại với sĩ phu và võ tướng từ đâu tới, sĩ phu
vốn không ưa mình. Và đấy chính là bản lĩnh chính trị, là bản lĩnh văn hóa của
người anh hùng luôn lấy tình yêu dân tộc làm thước đo chứ không nệ sang hèn,
giàu có hay cơ hàn, kẻ sĩ hay người lao động cơ bắp! Bản lĩnh ấy đã thu phục
được những người vốn ngao ngán chính sự, bi quan trước thời cuộc như Bá Di Thúc
Tề – La Sơn phu tử cuối cùng cũng xuống núi theo Nguyễn Huệ và trở thành vị
tham mưu cho Nguyễn Huệ.
Thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đầy đủ bản lĩnh
chính trị, dám dụng hiền tài, không câu nệ đấy là vua, quan đại thần của triều
Nguyễn, những trí thức tầm cỡ thế giới, học và thành đạt từ các trường Tây ở
trong nước hoặc các trường của các nước tư bản như Pháp, Đức, Ý, Nhật… Một
chính phủ, một quốc hội thời cách mạng tháng Tám năm 1945 là một chính phủ mang
tầm vóc một chính phủ của đất nước phát triển, quốc hội của thời hiện đại với
một hiến pháp cởi mở hội tụ đầy đủ nội dung của cuộc cách mạng Pháp 1789: Tự do
– Bình đẳng – Bác ái… Nhưng rất tiếc xu thế của thời đại, nguyên tắc như một
thứ hiến chương của QTCS lần thứ VI, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không vượt qua
được, khiến nhiều bậc túc nho, nhiều trí thức tài năng thật sự đã rơi rụng dần.
Một mất mát lớn không sao bù đắp được cho dân tộc, cho đất nước trong thời hiện
đại!
Vương triều của Hoàng đế Quang Trung ngược lại, ngày
càng thu phục được nhiều hiền tài. Cũng không ít người cho Hoàng đế Quang Trung
tàn bạo, dã man… đặc biệt là việc giết Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm! Qua
những gì mà tôi đã được đọc thì Nguyễn Huệ quả có đôi mắt xanh của thiên tài
dùng người. Không có đôi mắt xanh ấy sẽ khó nhìn thấy sự phản phúc của Nguyễn
Hữu Chỉnh. Sau khi diệt Trịnh, trao ngôi báu lại cho vua Lê, Nguyễn Huệ kéo
quân về Phú Xuân. Chỉnh được vua Lê coi như một cận thần và trao cho những
quyền uy ghê gớm. Và đấy là lúc Chỉnh bộc lộ sự gian manh của mình. Người người
đều ta thán, lòng dân chưa yên. Nguyễn Huệ phải sai Vũ Văn Nhậm ra giết Chỉnh.
Nhưng rồi chính Vũ Văn Nhậm lại nuôi mầm thoán nghịch. Giữa Vũ Văn Nhậm và Ngô
Thì Nhậm, Nguyễn Huệ tin tưởng Ngô Thì Nhậm là lẽ phải của một vị tướng nghiêm
như Tôn Tử nói.
Trong thế sợ hãi ấy, mẹ con Lê Chiêu Thống mới tìm mọi
cách qua cầu Tàu! Người cùng thời như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp không hề có
một thái độ, một phản ứng nào đối với Nguyễn Huệ từ việc bắt lính, lấy phu đến
việc nghiêm trị Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm, ngược lại khi Nguyễn Huệ lên
ngôi Hoàng đế hiệu Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại cho đó là chính danh và khi
Quang Trung hỏi cách đánh Tôn Sĩ Nghị, ông còn thành tâm với hai chữ quí giá:
Thần tốc! Đúng là những người anh hùng đã gặp nhau.
Bắt đầu từ đây, “lực hướng tâm” hoàn toàn dồn về Hoàng
đế Quang Trung. Và sau khi chiến thắng quân Thanh trở về lại Nghệ An – Nguyễn
Thiếp thực sự coi Nguyễn Huệ là thiên tài. Và cũng tại đây Nguyễn Thiếp nhận
chức viện trưởng “Sùng chính viện”. Và cùng với Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm La
Sơn thảo “Chiếu lập học” và “Chiếu cầu hiền” cho vương triều mới, vương triều
của Hoàng đế Quang Trung. Đây là hai Chiếu mà cho tới thế kỷ 21 đọc lại tôi vẫn
thấy chặt chẽ và cởi mở, mạnh dạn tin cậy ở hiền tài mà không lộ hé một phân
vân. Đối chiếu với những gì trong chiếu với việc Quang Trung đã làm tôi không
hề thấy một sự giả dối nào. Nói sao làm vậy, đúng là “Quân tử nhất ngôn”. Tôi nghĩ,
về Quang Trung chắc anh Phạm Gia Kiểng đọc chưa kỹ nên mới có những đánh giá
hơi khác thiên hạ.
Sau Sùng chính thư viện, Quang Trung ra chiêu “Lập
học” và chiêu “Cầu hiền”. Trong “chiếu lập học”, Quang Trung nói rõ: “Nho sinh
và sinh đồ cứ đợi đến kỳ thi, vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém, thì bãi
học ở trường xã còn như sinh đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân”.
Cách đào tạo nhân tài của Quang Trung rất cởi mở, rất
sáng. Ở thời Quang Trung tôi chưa tìm thấy một ai vì mối quan hệ quí tộc hay
dân thường học giỏi mà không được vào thi và tôi cũng không tìm thấy một tư
liệu nào ghi ai học dốt mà do quen biết hay hối lộ mà được nhập học. Quang
Trung rất nghiêm trong thi cử và nhà vua cũng phân biệt lao động trí tuệ và lao
động cơ bắp rõ ràng. “Hạng kém thì bãi học ở trường xã, còn như sinh đồ ba quan
nhất thiết bắt về làm dân”. Ngay từ đầu Quang Trung đã minh định rõ ràng: “Dựng
nước lấy việc học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc…”
Ngẫm lại thời hiện đại, sau Quang Trung trên 200 năm
mà giáo dục của mình lại mang tính chủ quan, áp đặt, buộc nhà trường đào tạo
công nông trong khi đó lại đẩy những người học được, học giỏi về làm dân, về
lao động cơ bắp. Sự nhầm lẫn về giai cấp lãnh đạo hơn 50 năm qua đẩy giáo dục
chúng ta vào những mâu thuẫn, những nghịch lý: hiền tài thưa thớt, một hệ thống
lãnh đạo “ra lò” không đủ tầm cho một đất nước phát triển, dẫn đến hậu quả mạnh
ai nấy làm, mỗi địa phương làm theo một lối. Một thời ngăn sông cấm chợ đầy tội
lỗi đã đẩy đất nước tưởng thanh bình rơi vào đói nghèo, bần hàn! Và đấy cũng là
thời kỳ di dân lần thứ 3 của dân tộc, một cuộc di dân đau đớn nhưng không phải
ai cũng thấy đau đớn như lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mà người đứng đầu là nguyên
thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông thấy dòng chất xám đang âm thầm chảy đi nhưng không
làm sao ngăn cản được, bởi một khuynh hướng coi thường trí thức. Tạ Quang Bửu
nguyên Bộ trưởng Bộ đại học và chuyên nghiệp là người bức xúc hơn ai hết về một
hệ thống giáo dục sai lầm, nói như GS Hoàng Tụy sau này là giáo dục chúng ta
“Không phải lạc hậu mà lạc hướng!” Lạc hậu, chúng ta còn chung tay vực dậy được
như cách Quang Trung giao cho La Sơn phu tử chọn thầy. Khi đã có thầy giỏi thì
chắc chắn sẽ có trò giỏi. Nhưng lạc hướng thì “càng đi” càng thấy mờ mịt. Muốn
vực dậy một nền giáo dục phi giaó dục, phải học Quang Trung, phải dám lột xác
chính mình. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt khi là bí thư thành ủy TP.HCM đã nhiều
lần can thiệp cho những em thi điểm cao nhưng vướng thành phần không được vào
đại học. Ông nói: Con người không ai chọn cửa mà ra được. Hơn ở đâu hết, trong
giáo dục rất cần sự công bằng… Thiếu công bằng với các cháu là thiếu trách
nhiệm đối với xã hội.
Trò giỏi có thể xuất thân từ bần hàn. Nhưng thường
những hiền tài đều mang gien di truyền, tài năng trác Việt của Nguyễn Trãi
không phải tự nhiên mà có nếu Nguyễn Trãi không phải là con của Nguyễn Phi
Khanh, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán ! Nguyễn Tất Thành không thể trở thành
Nguyễn Ái Quốc, trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu Người không phải là con trai
cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Rất tiếc một thời ta bỏ qua khoa di truyền học này
trong đào tạo nhân tài cho đất nước!
Học trò giỏi còn phụ thuộc yếu tố nuôi dưỡng nhân tài
từ gia đình đến nhà trường. Dân gian thường nói: “Con nhà nòi” là nói đến gien,
đến cách dạy dỗ qui cũ, lấy việc học, việc động não nghĩa là phát triển tư duy
năng động làm chính. Lao động trí óc là một loại lao động đặc biệt, khác hoàn
toàn lao động cơ bắp. Một đất nước muốn tồn tại và phát triển không thể không
tôn trọng trí thức. Thu phục nhân tài là một nghệ thuật, nhưng trên hết, trước
hết là bản lĩnh chính trị, là cái đầu biết nhận rõ chân giá trị quan trọng số
một là trí tuệ con người. Biết sử dụng nhân tài là biết lắng nghe nhân tài,
đừng bắt nhân tài phải lắng nghe mình và bắt nhân tài phải làm theo ý mình. Ở mặt
này Quang Trung là một tấm gương.
Đổi mới, đấy là ước vọng của Quang Trung. Nên khi nghe
“thầy” giảng về công cuộc cải cách giáo dục của Âu Dương Tu đời Tống: “Trọng
nội dung, tránh hoa mỹ mà trống rỗng” – Âu Dương Tu học Hàn Dũ lấy “Văn dĩ minh
đạo” (văn chương cốt làm sáng đạo), Quang Trung gật gù: Phải, phải. Học để giúp
đời mới là người trẫm trọng. Trong đời trẫm không sợ bất kỳ kẻ thù nào. Tề Hoàn
công còn dám dùng kẻ thù mình là Quản Trọng, tại sao trẫm lại không biết thu
phục La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Nếu đánh bại Nguyễn Ánh, trẫm sẽ dùng Nguyễn
Ánh dẫu trẫm biết con người này luôn nuôi chí phục thù như Câu Tiển.
Trong “Chiếu cầu hiền” Quang Trung tuyên cáo: “… Ai có
tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều được phép dâng thư bày công việc,
lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy chứ
không ai bắt tội vu khoát, những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời,
thì cho các quan văn võ được tiến cử, lại cho dân đến yết kiến, tùy tài mà bổ
dụng.
Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng không
ai biết đều cũng cho phép được dâng thư tự cử, chớ ngại cho thế là “đem ngọc
bán rao”.
So với thời Trần, thời Lê và ngay cả triều đại nhà Hồ,
việc học và dụng anh tài ở thời đại Quang Trung là sáng hơn, thoáng hơn cả, dám
đổi mới phương pháp học mạnh mẽ từ học tầm chương sang học để hành. Và đấy
chính là một trong những điều làm nên một Quang Trung anh hùng, được đại đa số
dân chúng và sĩ phu đương thời theo về dưói trướng và tên tuổi của Quang Trung
được hậu thế ghi nhận như một anh hùng dân tộc.
Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, điều quan
trọng là biết tận dụng, phát huy lòng yêu nước ấy bằng cách mạnh dạn sử dụng
nhân tài như Hoàng đế Quang Trung đã từng làm cách chúng ta trên 200 năm về
trước. Cải cách giáo dục của chúng ta hôm nay là đưa giáo dục trở về đúng quĩ
đạo của giáo dục – phát triển và đào thải, theo hình chóp. Và cải cách giáo dục
không thể tách rời việc dùng người. Chúng ta đã thấy cái hụt hẫng của nhân tài
đối với một đất nước hội nhập như đất nước chúng ta. Chúng ta mời chào, chúng
ta kêu gọi chiêu hiền đãi sĩ. Nhưng quả cái lòng của chúng ta chưa theo kịp
Hoàng đế Quang Trung, vị vua mà chúng ta tôn vinh anh hùng dân tộc. Có cái gì
đó vướng víu, có cái gì đó khiến chúng ta muốn mà không dám làm, ít nhất như sự
mạnh dạn của một đất nước láng giềng có cùng thể chế chính trị.
Họ dám mời người ngoài Đảng làm bộ trưởng, còn ta muốn
làm trưởng phòng cũng phải phấn đấu vào Đảng! Nguyên nhân của việc dùng người
này không phải mới đây mà đã được Đảng Cộng sản thực thi từ thời kháng chiến
chống Pháp. Hàng loạt vị bộ trưởng không phải đảng viên Đảng Cộng sản thấy hẫng
hụt khi mình làm bộ trưởng mà mọi việc lớn nhỏ của bộ đều do thứ trưởng là đảng
viên Cộng sản lãnh đạo và quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh có biết mâu thuẫn
này. Nhưng Người… cũng chỉ biết động viên tinh thần yêu nước của các vị bộ
trưởng… chấp nhận cái nghịch lý mà những người Cộng sản đặt ra. Đúng ra đó là
nguyên tắc của tổ chức Đảng theo đường lối Quốc tế Cộng sản VI. Là người Cộng sản,
Hồ Chí Minh chấp hành nguyên tắc tổ chức Đảng cũng là lẽ đương nhiên. Và nguyên
tắc tổ chức ấy sau hơn nửa thế kỷ, trải qua nhiều biến thiên lịch sử vẫn tồn
tại vững chắc ở một nước kém phát triển và lạc hậu như Việt Nam thì việc thu
hút nhân tài quả là kiểu tượng trưng như dép lốp đi vào vũ trụ mà thôi.
Chừng nào chúng ta chưa thấy những vướng víu ấy là
nghịch lý, thì chừng ấy đất nước còn khó đuổi kịp bạn bè và chưa hy vọng đất
nước có được tầm chiến lược về một nền kính tế phát triển, thay đổi sự bảo thủ
và trì trệ vốn trầm trọng bởi nạn tham nhũng sẽ không giảm mà biến tướng tinh
vi hơn, qui mô hơn và nền hành chính chúng ta vẫn là nền hành dân dù chúng ta
có hô hào khản cổ cải cách, cải cách và cải cách. Lịch sử sẽ không bỏ sót chi
tiết nào trong hành trình phát triển của mình, nếu chúng ta không làm nổi cuộc
cách mạng sử dụng hiền tài.
Học Hoàng đế Quang Trung trước tiên là học cái bản
lĩnh dám thay đổi tư duy dùng người dù nó thuộc nguyên tắc gì đi nữa nhằm thu
hút chất xám người Việt ở muôn nơi, qui về một mối nhằm một mục tiêu duy nhất
là đưa đất nước phát triển. Cách dùng người của vua Quang Trung là thực tâm, là
kế sách lâu dài, hoàn toàn không phải là sách lược nhất thời và cái thực tâm
dụng hiền tài vì một nước Việt hùng cường của Người.
H.L.G (Văn Việt)
------------
Xin đừng lạm dụng, đổ thừa cho "XU THẾ THỜI ĐẠI".
Trả lờiXóa"trí, phú, đia hào, đào tận gốc, trốc tận rể" là theo chỉ đạo của Tàu và Liên Xô.
CCRĐ làm 172.000 người thiệt mạng.
Nhân sĩ trí thức bị ám xác vì không theo cs.
Triệt tiêu trí thức trong NVGP v.v...không thể gọi là "XU THẾ THỜI ĐẠI"
"ta đánh đây là đánh cho TQ, LX" (lời Lê Duẩn)?
Như đủ rỏ cái đảng thổ tả bán nước hại dân làm được gì cho VN ngoài làm nghèo và tang hoang đất nước.
Xin đừng lấp liêm, nguỵ biện để chạy tội.
"Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước..."; ..."đường vinh quang xây xác quân thù..."
Xóa>Phải giết thật nhiều mới...được vinh quang! Ôi, thế thì vinh quang trên sự chết chóc của (dù sao cũng) đồng loại.
Chắc vì thế, Tố Hữu viết:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Thơ máu trên đây được viết trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Những kẻ cần giết bao gồm: “Trí, Phú, Địa, Hào, Tôn giáo, ...".
>Dù là Quốc ca, tôi cũng không thích bài hát này của Văn Cao, đầm đìa máu và cái chết, sự tàn ác, không nhân văn, không nhân đạo, ... !!
Chế độ ca! Nguyên bản có câu "Thề ăn gan uống máu quân thù!"?! Sau đó gán ghép cho lính "Ngụy".
XóaTôi không thích nhà Tây Sơn. Những năm 1960 ngoài Bắc tôi đã biết sự hủ bại của nó vào cuối thời. Giống bây giờ...
Trả lờiXóaLịch sử viết lại theo kẻ chiến thắng sau cùng bố ơi. Nhìn cách trả thù của nhà Nguyễn thì cái gì họ không từ nào?!
XóaVua Quang Trung sống thêm 10 năm thì phúc đức cho đất nước mà lịch sử VN phải viết lại hoàn toàn rồi!
Chính nhân dân gọi "giặc Tây Sơn" đấy, nặc danh10:11 Ngày 16 tháng 05 năm 2015 ơi. Vì sao Gia Long lại thắng? Lòng dân đã quá chán anh em Nguyễn Nhạc.
XóaVà có vẻ lịch sử đang lặp lại.