Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Ải Nam Quan và thác Bản Giốc được phân chia thế nào

Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy mạnh đàm phán hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc, một trong các địa điểm nhạy cảm suốt quá trình phân giới trên bộ giữa hai nước, cùng với Ải Nam quan và sông Bắc Luân.
Nhân dịp này, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nói về quá trình đàm phán xác lập biên giới trên bộ tại Ải Nam Quan và thác Bản Giốc giữa Việt Nam và Trung Quốc.
namquan.jpg
Đường phân giới Việt - Trung tại khu vực ải Nam Quan - Ảnh 1. 

- Thưa, ông có thể nói chi tiết việc phân chia khu vực Ải Nam Quan như thế nào?
- Ải Nam Quan là một trong 164 khu vực loại C, là những khu vực được hình thành sau khi Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đối chiếu bản đồ đường biên giới chủ trương. Trước đó hai bên chưa thống nhất được chủ yếu là do mỗi bên vận dụng các tư liệu pháp lý khác nhau để lý giải quyền sở hữu của mình.
Trấn Nam Quan là khu vực 249C, còn được gọi là khu vực Hữu Nghị. Khu vực này liên quan đến đoạn biên giới đi qua tuyến đường bộ nối liền hai nước và đi qua tuyến đường sắt liên vận.
Về căn cứ pháp lý, đường biên giới Việt - Trung đi qua tuyến đường bộ đã được mô tả trong Biên bản hoạch định năm 1886 giữa Pháp  và nhà Thanh là "đường biên nằm ở phía nam Ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Khi phân giới, Pháp và nhà Thanh, Trung Quốc đã cắm mốc số 18 để cố định đường biên giới này, vị trí của mốc này cũng được mô tả là "nằm trên con đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng". Tuy nhiên mốc này đã bị mất. Trên bản đồ cắm mốc Pháp - Thanh  năm 1894, địa danh Nam Quan được thể hiện ở phía Bắc đường biên giới.
Như vậy, căn cứ vào các tư liệu có giá trị pháp lý theo Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ mà Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1993, thì rõ ràng đường biên giới tại khu vực này luôn nằm về phía nam Ải Nam Quan, chứ không phải đi qua Ải Nam Quan theo tiềm thức của người Việt Nam.
Khi thể hiện đường biên giới chủ trương ở khu vực này, Việt Nam đã vẽ đường biên giới (màu đỏ trên bản đồ trong Ảnh 1). Theo đó, đường biên giới chủ trương của Việt Nam không vẽ qua Ải Nam Quan mà vẽ về phía nam Ải Nam Quan. Còn đường biên giới chủ trương của Trung Quốc (màu xanh trên bản đồ Ảnh 1) vẽ lệch về phía nam, đi qua cột Km số 0 trên tuyến đường bộ nối liền giữa hai nước. Với hai đường biên giới chủ trương khác nhau đó, hai bên tạo thành khu vực 294C, khá rộng, trải dài từ tây sang đông của tuyến đường bộ.
Trong khi đàm phán hoạch định đường biên giới ở khu vực này, hai bên đều không có đủ căn cứ  pháp lý rõ ràng để  bảo vệ đường biên giới chủ trương của mình. Vì vậy đã thống nhất lựa chọn một đường biên giới theo các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận để hoạch định biên giới ở các  khu vực C có nhận thức khác nhau.
Đường màu tím trên sơ đồ kèm theo là đường biên giới đã được hoạch định cuối cùng mà hai bên chấp nhận, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản mà hai bên thỏa thuận, đảm bảo công bằng, thỏa đáng cho cả hai bên, đảm bảo lợi ích cơ bản lâu dài của 2 nước.
Như vậy không có chuyện Việt Nam đã nhường Ải Nam Quan cho Trung Quốc như nhiều người suy diễn theo cảm tính và dựa vào những thông tin thiếu khách quan, không có giá trị pháp lý.
mr-Truc-5246-1421384659.jpg
Ông Trần Công Trục trong một chuyến đi khảo sát trên biên giới Việt - Trung. Ảnh do nhân vật cung cấp
- Trong quá trình thương lượng ở Ải Nam Quan, có câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất?
- Trước khi thống nhất được đường biên ở khu vực này, Việt Nam và Trung Quốc phải trải qua một chặng rất cam go, đó là làm sao khai thông tuyến đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường, nối Lạng Sơn của Việt Nam với khu vực tự trị ở Quảng Tây, Trung Quốc. Tuyến đường này đi qua Hữu Nghị Quan, thuộc khu vực 249C.
Đây là khu khu vực Việt Nam và Trung Quốc có nhận thức khác nhau về mặt pháp lý, từng xảy ra đụng độ đẫm máu. Lịch sử bảo vệ, quản lý tại thực địa ở đây khiến việc đàm phán không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều. 
Trong khi đó, nhu cầu khai thông tuyến đường sắt liên vận sau khi hai nước khôi phục quan hệ là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế, dân sinh của mỗi nước, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội trong quan hệ ngoai giao giữa hai quốc gia láng giềng, vừa trải qua một cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra làm sao có thể khai thông được khi mà tuyến đường sắt liên vận này phải đi qua khu vực tranh chấp về biên giới, lãnh thổ chưa được giải quyết? Trong khi Trung Quốc từ lâu tìm cách khẳng định đường biên giới đi qua điểm nối ray, còn Việt Nam cho rằng đường biên giới phải đi qua “nhà mái bằng”, ngôi nhà bảo vệ thiết bị thông tin kết nối đường sắt. Hai điểm này cách nhau 300 m.
Đại diện đàm phán hai nước, với tinh thần khách quan, cầu thị, đã thẳng thắn khẳng định đường biên giới chủ trương của cả Trung Quốc và Việt Nam thể hiện trong khu vực này là  không hoàn toàn chuẩn xác, không thể đi qua vị trí mà Trung Quốc, Việt Nam đã lựa chọn. Vì thế hai bên cần phải đàm phán để tìm ra một đường biên giới mới mà cả hai nước có thể chấp nhận.
Trong khi đàm phán hoạch định biên giới theo thỏa thuận, hai bên nên thống nhất chọn  một giải pháp tạm thời, mang tính kinh tế, kỹ thuật, để khai thông  tuyến đường sắt liên vận. Giải pháp tạm thời này không làm ảnh hưởng đến việc hoạch định hướng đi của đường biên giới mới tại khu vực tranh chấp.
Việt Nam và Trung Quốc chấp nhận “đóng băng” khu vực 300m này, tức là khi con tàu chạy từ phía Việt Nam  đến “điểm nối ray” và từ phía Trung Quốc đến vị trí “nhà mái bằng” thì dừng lại, để các lực lượng quản lý nhà nước của hai bên rời khỏi tàu. Trên tàu chỉ còn các chuyên gia kỹ thuật, lái tàu và nhân viên phục vụ hàng hóa ở lại làm nhiệm vụ chuyên môn, dịch vụ.
Mặc dù đã được lãnh đạo hai nước phê chuẩn "vùng đệm" nhưng lúc đó trong nội bộ chúng ta, nhiều người vẫn không tin rằng phía Trung Quốc có thể chấp nhận phương án này. Tôi khi đó là trưởng đoàn Việt Nam cùng ông Đường Gia Triền, Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn Trung Quốc trao đối thẳng thắn và cũng khá căng thẳng trong suốt  một ngày trời, cuối cùng đoàn Trung Quốc mới thống nhất được phương án do đoàn Việt Nam đề xuất. Sau đó hai nước ký biên bản khai thông đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và Lào Cai - Sơn Yêu ngay trong dịp Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm hữu nghị Trung Quốc cuối năm 1995.
thac.jpg
Khu vực tranh chấp trên đỉnh thác Bản Giốc được quy định là khu 186 C. Ảnh 2
- Việc phân định ở khu vực thác Bản Giốc thì thế nào? Việt Nam có bị mất không?
- Khu vực thác Bản Giốc là một trong các khu vực đường biên giới đi theo sông suối, cụ thể là sông biên giới Quây Sơn.
Trong Biên bản phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh ngày 31/5/1892 ghi rõ “Từ điểm này, đường biên giới chạy theo chính giữa (trung tuyến) dòng sông cho đến thác Ta Tung”. Do cùng căn cứ vào lời văn mô tả này nên khi vẽ đường biên giới chủ trương Việt Nam và Trung Quốc đều vẽ trùng nhau, từ giữa dòng sông Quây Sơn đến chính giữa ngọn thác chính. Hai bên chỉ vẽ khác nhau ở phần phía trên đỉnh thác, nơi có hai dòng chảy ôm lấy cồn Pò Đon (Pò Thoong) mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều muốn nhận là lãnh thổ của mình. 
Nguyên nhân tranh chấp đối với cồn Pò Thoong là do trong Công ước Pháp Thanh 1887 và 1895, cùng những biên bản bản đồ kèm theo không mô tả cụ thể khu vực này. Do đó đây cũng được xếp là khu vực loại C, mang số hiệu 186C, một trong 4 khu vực chưa được Hiệp ước biên giới năm 1999 giải quyết dứt điểm. Khu vực này được thể hiện bằng nét đứt trong bản đồ Ảnh 2, chờ đến khi phân giới cắm mốc mới giải quyết theo nguyên tắc hoạch định đối với sông suối mà tàu thuyền không đi lại được.
Đến phút cuối cùng, năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý đường biên giới từ mốc 53 cũ đi qua cồn Pò Thoong, rồi đi tiếp đến chính giữa mặt thác chính của thác Bản Giốc, sau đó đi theo trung tuyến của dòng chảy chính của sông Quây Sơn. Đường này được thể hiện trên Ảnh 3. Như vậy, một phần hai thác chính của Bản Giốc cùng toàn bộ phần thác phụ và một phần tư cồn Pò Thoong quy thuộc Việt Nam. Trong khi nếu theo nguyên tắc quốc tế thì toàn bộ cồn này phải thuộc về Trung Quốc vì dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam.
Như thế là không có chuyện Việt Nam đã để mất thác Bản Giốc cho Trung Quốc như nhiều người đánh giá. Họ viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao công bố vào những năm 70 để khẳng định rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam. Đáng tiếc là những tư liệu mà họ nêu ra lại không phải là bộ phận của Công ước Pháp Thanh 1887, 1895 mà Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận làm căn cứ pháp lý duy nhất để đàm phán xác lập đường biên giới mới.
thac2.jpg
Đường phân chia ranh giới Việt - Trung ở thác Bản Giốc. Ảnh 3
- Nguyên tắc quốc tế có tạo lợi thế cho Trung Quốc ở những điểm nào khác?
Không thể có chuyện đó. Bởi vì khi giải quyết các khu vực như vậy, Việt Nam và Trung Quốc đều phải tôn trọng lẫn nhau, theo nguyên tắc công bằng, hợp lý, có tính đến một giải pháp tổng thể, có đi có lại, chiếu cố đến sự quan tâm chính đáng  của mỗi bên, vì lợi ích dân cư.
Ở khu vực cửa sông Bắc Luân, nơi mà công ước Pháp Thanh năm 1887 và 1895 không mô tả đầy đủ, rõ ràng, hai bên thống nhất đường biên đi từ điểm đầu phía Tây Bắc theo các đoạn thẳng đi đến điểm cuối phía Đông Nam của bãi Tục Lãm, sau đó cắt qua bãi Dậu Gót, rồi xuôi theo trung tuyến luồng chính tàu thuyền đi lại được đến giới điểm 62. Đường này được thể hiện trên Ảnh 4.
Theo thỏa thuận thì ba phần tư bãi Tục Lãm và một phần ba bãi Dậu Gót quy thuộc Việt Nam. Còn một phần tư bãi Tục Lãm và hai phần ba bãi Dậu Gót quy thuộc Trung Quốc.
Tại một số khu vực nhạy cảm khác, như khu vực Hoành Mô, Quảng Ninh, hai nước thống nhất đường biên giới đi giữa ngầm Hoành Mô theo thực tế quản lý mà không đi theo dòng chảy tại cống thoát nước.
Đối với khu dân cư tại Hà Giang, Lạng Sơn và khu nghĩa trang có mồ mả của nhân dân thì hai bên dựa trên cơ sở giảm tối đa tác động đến khu dân cư về đời sống, sản xuất, tâm linh để nhất trí điều chỉnh đường biên giới đảm bảo cân bằng diện tích, giữ nguyên hiện trạng dân cư.
Tại Lạng Sơn, phía Việt Nam đồng ý điều chỉnh để Trung Quốc giữ lại 13 nóc nhà, thuộc khu vực mốc 1103. Đổi lại, tại Cao Bằng, phía Trung Quốc đồng ý điều chỉnh để Việt Nam giữ nguyên trạng hầu hết đất canh tác và mồ mả của dân, khu vực mốc 830/1 đến mốc 835).
Ở khu vực bản Ma Lỳ Sán  của Việt Nam, gồm 5 hộ 35 khẩu thuộc tỉnh  Hà Giang, mặc dù  đường biên giới theo hoạch định cắt ngang qua bản này, nhưng theo đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc đồng ý điều chỉnh để giữ nguyên bản này về phía Việt Nam, hoán đổi cho Trung Quốc khu vực khác có diện tích tương đương.
Như vậy, không thể nói rằng Việt Nam đàm phán để mất đất cho Trung Quốc ở những nơi nếu căn cứ vào cơ sở pháp lý thì chưa hoàn toàn là đất của Việt Nam. Những khu vực có nhận thức khác nhau mà cả  hai bên không thể bảo vệ được quan điểm của mình và không thể chứng minh được là đất của mình thì phải giải quyết theo những nguyên tắc mà hai bên có thể chấp nhận, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Kết quả giải quyết đường biên giới tại các khu vực nhạy cảm là hoàn toàn công bằng hợp lý, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận, đáp ứng nhu cầu hợp lý, chính đang của cả hai bên, đảm bảo tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ quản lý biên giới ổn định, lâu dài, tránh được những tranh chấp phức tạp có thể xảy ra trong tương lai.  Bởi vì, đường biên giới ổn dịnh lâu dài và bền vững có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình , tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay.
thac3.jpg
Đường ranh giới phân chia ở cửa sông Bắc Luân. Ảnh 4
Việt Anh (thực hiện)/VnEx.
---------------

5 nhận xét:

  1. Về phân chia biên giới , thằng Tàu nó có chịu thiệt với bất cứ láng giềng nào đâu , bây giờ " bút sa gà chết " , nếu VN không nhượng bộ thì vấn đề biên giới đến giờ vẫn chưa được giải quyết . Chuyện đã qua đành phải chịu nhưng không thể tin vào lý luận của mấy ông này , giữa VN và TQ còn khối chỗ phải chia chác trong tương lai , chúng ta hãy chờ xem .

    Trả lờiXóa
  2. Mấy cha ấy nói như vẹts, nghe sao nổi!

    Trả lờiXóa
  3. Trước đây trên trang Ba Sàm có tác giả Trương Nhân Tuấn phân tích và vạch rõ sự dối trá của ông Trục.Nghe ông Trục nói "công bằng" mà tức lộn ruột

    Trả lờiXóa
  4. Ông Trục nói Dài dòng lắm , phức tạp quá , nhưng tóm lại , Người đời có câu : “ Khôn ăn người – dại người ăn “ , chuyện lớn quốc gia cũng thế thôi .

    Căn cứ theo hiệp định Pháp – Thanh , thì đường biên giới đi qua Ải Nam Quan . Hiệp định này tồn tại đến ngày thay đổi khoảng hơn 100 năm ( 1894 – 2008 ) . Vì sao trong khoảng thời gian dài như vậy , không có chuyện thay đổi vị trí ? . Lý giải cho việc mày có thể hiểu đơn giản , đó là do Pháp mạnh , nên nhà Thanh không thể làm gì nổi họ .

    Vì sao khi việt Nam giành được độc lập từ tay người Pháp thì chuyện tranh chấp và thay đổi lại nổ ra ? . Cũng đơn giản như trên – Vì Việt Nam yếu thế và sai lầm trong chính sách quan hệ quốc tế .

    Vì sao yếu thế ? Vì VN phải dựa vào TQ để chống Pháp , Mỹ ( Tư tưởng , chiến lược tiến hành chiến tranh , sách lược đối phó , vật dụng , trang bị để tiến hành chiến tranh , tiền ……..) và tất nhiên đó là sự “ đầu tư “ có lãi , và có chủ đích . Người trung Quốc luôn là những tay buôn có hạng . Người VN luôn ở trong tình trạng “ Vừa yếu , vừa thiếu “ , tiền lại không nhiều , cho nên đất đai là món trao đổi “ êm đẹp “ khi cần đến .

    Vì sao sai lầm ? . Vì Quan niệm : “ Thế giới đại đồng cùng tiến lên CNCS “ - là khởi thủy , “ Bên kia biên giới là nhà , bên ni biên giới cũng là anh em “ , “ cái gì của ta cũng là của bạn “, “ Tinh thần công sản quốc tế , và tình đồng chí cao cả luôn soi sáng con đường chúng ta đi “ .. ………. Là phương châm chủ đạo .

    Một khi đã “ Đại đồng “ rồi thì sẽ không có ranh giới quốc gia nữa . Các nhà lãnh đạo Việt Nam mắc lừa Stalin và Mao chính ở điểm này . Họ ( Liên Xô , Trung Quốc ) đã “ Ăn “ các nước liền kề mình ở điều này , Việt Nam và các nước khác có được miếng nào đâu ? Vừa được ăn , lại được người khác “ Thờ “ làm thầy , thì chắc ít ai nỡ từ chối .

    Một chuyện nữa là : Các cụ nhà mình ( Các nhà lãnh đạo VN ) cũng khéo tìm nơi ăn chơi lắm , toàn chọn TQ để thăm thú , nghỉ mát , chữa bệnh ………Trả tiền ư : “ Các đồng chí Việt Nam là bạn , 700 triệu người dân Trung Quốc luôn đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam “ – Mao nói thế , ai mà không sướng cái bụng , mát cái đầu . Tất nhiên “ Đứng bên cạnh “ không có nghĩa là sẽ đứng mãi như thế , mà sẽ có lúc phải vượt lên trước , như đã thấy hôm nay .

    Một điều cuối cùng – Rất nhỏ thôi . Xin ông Trần Công Trục trả lời giúp người dân chúng tôi với . đó là Ai , kẻ nào đã lấy mất cột mốc biên giới số 18 : Người Pháp , hay Mỹ , Binladen , bọn phản động quốc tế , hay bọn khủng bố quốc tế mất dạy . Vì khi tóm được kẻ cắp , sẽ lần ra ý đồ của nó .


    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  5. Theo toi duoc biet : Noi ta bi mat sau nhat den 10km vi de cho bon Tau lam duong vao noi tap ket vu khi co the tranh duoc su oanh tac cua My. Ngiem nhien tat ca deu coi tuyen duong do la cua Tau nen My khong the oanh tac. Vay moi noi " vi muc tieu chinh tri ma phai ban nuoc " , qua la bon cho chet

    Trả lờiXóa