Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

> XẢO NGÔN


Cái “lưỡi bò” made in China được lòng tham bành trướng lôi ra từ đám hồ sơ 1947 của Tưởng Giới Thạch đang làm nhiều quốc gia Đông Nam Á điên đầu đối phó.

Trung Quốc đang muốn nuốt và ngày càng hung hãn cố nuốt trọn Biển Đông, “cục gân gà” Dương Tu thời hiện đại. GS Carlyle Thayer, một chuyên gia thuộc Đại học New South Wales, Australia, nhận xét với tất cả sự nghiêm túc của một nhà nghiên cứu khách quan về Biển Đông: “Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các học giả Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò nhưng không có câu trả lời rõ ràng nào được đưa ra. Không ai ở Trung Quốc có thể nói chính xác đường lưỡi bò có nghĩa gì. Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền ở một khu vực mà không ai biết. Bản thân nó đã mập mờ” (VnMedia.vn 12/12/2012).
    Trung Quốc muốn chiếm một vùng biển rộng lớn có quyền tài phán của nhiều nước láng giềng và đường hàng hải quốc tế quan trọng mà chính họ cũng “mập mờ” với một đường lưỡi bò đứt nét, không tọa độ, không căn cứ. Nhưng đối với Việt Nam, chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa với vùng lãnh hải trên Biển Đông được lịch sử chứng minh và luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982) công nhận thì hoàn toàn minh bạch. Những bản đồ cổ, tờ lệnh họ Đặng, mộ gió, lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn… là những căn cứ không thể phủ nhận chủ quyền nước Đại Việt có hàng trăm năm lịch sử. Mập mờ với Trung Quốc nhưng dứt khoát khẳng định với Việt Nam, rõ ràng như 1 cộng 1 là 2!
    Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi
    Có vùng trong Biển Đông gây tranh chấp khi nhiều quốc gia đều nhận là của mình. Nhưng đã gọi là tranh chấp thì trong thế giới văn minh ngày nay, cách giải quyết hợp lý nhất là thông qua thương lượng, đàm phán hòa bình. Nếu cần thì đưa ra tòa án quốc tế để phân xử chứ không phải dùng sở trường “ăn thịt người” hay vũ lực để sắp xếp mà thực chất là lấn chiếm, bành trướng. Bởi sức mạnh một quốc gia không chỉ là tàu chiến hay súng đạn. Sức mạnh một quốc gia, nhất là một nước lớn, chủ yếu là chính nghĩa, thuận đạo trời, lòng người và luật pháp quốc tế, được láng giềng và thế giới nể trọng chứ không phải dựa vào luật rừng.
    Trên báo chí Trung Quốc vừa có chuyện lạ. Sau những hành động của Trung Quốc ngang ngược và hung hãn với ngư dân và tàu nghiên cứu tài nguyên của Việt Nam trên chính lãnh hải chủ quyền của mình ở những vùng sát bờ biển như đảo Cồn Cỏ, sau những kế hoạch tằm ăn dâu tiến hành nhằm chiếm hữu lâu dài Hoàng Sa và một số đảo của Việt Nam ở Trường Sa, sau những âm mưu biến vùng hiển nhiên đang là của láng giềng thành tranh chấp, vùng đang tranh chấp hay vùng ăn cướp được thành “của mình”, ngang ngược đòi khám tàu thuyền các nước trên Biển Đông ngay từ ngày đầu năm sau, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 11/12 tung ra một bài bình luận la làng.
    Bài báo lu loa rằng chính “Việt Nam (đang) xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, rằng "Việt Nam đã “ăn cắp” tài nguyên của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đang dựa vào sự giúp sức của một nước thứ ba (?) để cổ vũ cho hành động quấy phá phi pháp”. Cuối cùng bài báo thò ra cái đuôi sói hiếu chiến sau khi thè cái lưỡi bò lố bịch. Nó kêu gọi Trung Quốc tiếp tục sử dụng những hành động có “cường độ nhẹ” để quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở biển Đông, nó liều lĩnh mạo xưng nhân dân Trung Quốc kích động: “Ngay cả khi họ (tàu cá TQ) cố ý (cắt cáp) thì người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ cách hành xử này”.
    Thì ra cừu non uống nước dưới nguồn cũng có thể làm đục nước của sói phía trên tưởng chỉ là cái lý ngang ngược của con sói trong ngụ ngôn La Fontaine. Nhưng hành động của Trung Quốc và lời lẽ ngang ngược của báo Hoàn Cầu đang viết một truyện ngụ ngôn hiện đại: Việt Nam đang “ăn cắp” tài nguyên của Trung Quốc ở gần sát đảo Cồn Cỏ! Khổng Tử có lần nói với học trò: “Ta ghét xảo ngôn lĩnh sắc”. Còn cha ông ta nói cho ngay: kẻ cướp chưa ra khỏi ngõ đã la làng! Xảo ngôn là vậy chăng? 
    Nguyễn Quang Thân
    (pn)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét